Chỉ việc nhìn thấy
người khác đổ mồ hôi cũng tác động đến cảm xúc
Chúng ta đều biết rằng
mồ hôi toát ra khi nóng bức, khi lo lắng hoặc xấu hổ. Nhưng không mấy ai biết rằng
mồ hôi thực sự còn mang những thông điệp cảm xúc.
Vào năm 1934, một
bác sĩ người Anh tên là BA McSwiney than thở trước các đồng nghiệp của mình tại
Hội Y học Hoàng gia rằng hầu hết chúng ta đều không quan tâm đến thành phần hoá
chất trong mồ hôi con người. Thay vào đó, chúng ta chỉ quan tâm đến quá trình mồ
hôi thoát ra bên ngoài thông qua da, giúp làm nguội cơ thể ra sao.
Tuy nhiên, McSwiney
tin rằng mồ hôi không chỉ đơn thuần đóng vai trò làm nguội cơ thể.
Trong những
điều kiện nhất định thì việc toát mồ hôi liên tục có thể làm giảm huyết tương.
Nói cách khác thì những chất khác cũng thoát ra ngoài cơ thể theo mồ hôi.
Thế nhưng đó là những
chất nào, và liệu việc thoát chất như vậy là tốt hay xấu?
Có một số chất trong
mồ hôi mà chúng ta không muốn mất đi, ví dụ như clo-rua.
Các nguyên tử clo,
thường bám vào các nguyên tử natri để tạo muối, đóng vai trò quan trọng trong
việc duy trì cân bằng pH trong cơ thể, điều chỉnh sự dịch chuyển của các chất dịch
ở trong và ngoài các tế bào, và truyền lực đẩy cho các sợi tế bào thần kinh.
Việc clo-rua thất
thoát ra ngoài cơ thể theo mồ hôi là điều bình thường. Nhưng có một số trường hợp
chúng ta không muốn bị mất chất này quá nhiều.
Hãy tưởng tượng bạn
làm việc suốt nhiều tiếng đồng hồ ở một nơi nóng nực. Hầu hết chúng ta nghĩ rằng
đó là lúc cần uống nhiều nước để không bị rơi vào tình trạng mất nước.
Tuy nhiên nếu toát
quá nhiều mồ hôi và uống quá nhiều nước sẽ khiến bạn có triệu chứng giống như bị
ngộ độc nước.
Trong những trường hợp
đó, cơ thể con người không thể thay thế kịp lượng clo-rua bị mất đi theo lượng
mồ hôi toát ra.
Một chất khác cũng
hòa trong mồ hôi là u-rê, chất được lấy đặt tên cho nước tiểu (urine).
Theo một
thống kê, khoảng 0,24 đến 1,12 miligram u-rê bị mất đi theo mỗi cm khối mồ hôi.
Con số trên nghe thì
có vẻ không nhiều. Nhưng cơ thể của chúng ta tiết ra lượng mồ hôi tương đương
600-700 cm khối chất lỏng mỗi ngày. Như vậy, 7% tổng lượng u-rê bị thải ra bên
ngoài mỗi ngày là qua đường mồ hôi.
Ngoài ra còn có những
chất khác như ammoniac, protein, đường, ka-li, muối acid carbonate. Đó là chưa
kể đến các kim loại vi lượng như kẽm, đồng, sắt, nickel, cadmium, chì, và thậm
chí cả một chút mangan.
Với một số trong các
chất này, mồ hôi là một cơ chế quan trọng nhằm thải chúng ra khỏi cơ thể.
Mồ hôi bao gồm cả
các kim loại vi lượng
Mồ hôi ra khỏi cơ thể
qua một trong hai tuyến.
Tuyến tiết rụng đầu
(apocrine glands) được tìm thấy ở vùng nách, lỗ mũi, đầu vú và một số nơi của
cơ quan sinh dục.
Tuy nhiên tuyến phổ
biến nhất vẫn là hàng triệu tuyến ngoại tiết (eccrine glands) trải dọc khắp cơ
thể, ngoại trừ môi và cơ quan sinh dục.
Khi cơ thể và làn da
trở nên quá nóng, các cơ quan cảm nhận nhiệt gửi tín hiệu lên não. Tại đó, vùng
hạ đồi, tức là nơi kiểm soát cơn đói, khát, giấc ngủ và nhiệt độ cơ thể của
chúng ta, sẽ gửi tín hiệu đến các tuyến tiết rụng đầu và tuyến ngoại tiết, nơi
sẽ tiết ra mồ hôi.
Có một tuyến tiết mồ
hôi thứ ba nữa, lần đầu tiên được phát hiện là năm 1987.
Loại tuyến này chỉ
được phát hiện ở cùng các vùng có tuyến tiết rụng đầu, nhưng vì các nhà khoa học
không thể xếp chúng vào dạng tuyến tiết rụng đầu hay tuyến ngoại tiết, cho nên
chúng được biết đến với tên gọi tuyến đầu ngoại tiết (apoeccrine glands).
Một số ý kiến cho rằng
tuyến đầu ngoại tiết có thể thay đổi trong thời kỳ dậy thì.
Không phải tất cả mọi
thứ tiết ra theo mồ hôi của chúng ta đều bắt nguồn từ các hoạt động của hoá chất.
Mọi người đều toát mồ
hôi vào lúc này hay lúc khác, có thể do ăn gia vị cay nóng, và hầu hết ai cũng
biết tới việc toát mồ hôi do các cảm xúc như sợ hãi, xấu hổ, lo lắng hay đau đớn.
Chúng ta không lạ gì
chuyện lòng bàn tay, trán và gan bàn chân là những nơi thường đổ mồ hôi khi xúc
động. Các tuyến ngoại tiết ở những vùng này dày đặc hơn bất kỳ nơi nào khác, có
thể lên đến 700 tuyến trên một cm vuông (chỉ 64 tuyến này xuất hiện trên 1 cm
vuông ở phía sau lưng).
Toát mồ hôi do cảm
xúc là một công cụ quan trọng trong giao tiếp. Trên thực tế, mùi mồ hôi chúng
ta ngửi thấy có thể cho chúng ta biết rất nhiều điều về cảm xúc của người khác.
Trong một thử nghiệm,
nhóm năm nhà tâm lý học từ Đại học Utrecht đã thu mẫu mồ hôi của 10 người đàn
ông trong lúc họ xem các đoạn video gây sợ hãi (gồm các trích đoạn từ phim The
Shining) hoặc cảm giác kinh tởm (gồm các trích đoạn từ series Jackass).
Sau đó, 36 phụ nữ được
yêu cầu ngửi các mẫu này để phát hiện ra dấu hiệu cảm xúc bên trong mỗi mẫu.
Các nhà nghiên cứu
nhận thấy khi những người này đối diện với các mẫu mồ hôi do sợ hãi, khuôn mặt
họ cũng thể hiện sự sợ hãi và khi ngửi mẫu mồ hôi do cảm xúc kinh tởm tạo ra,
khuôn mặt họ cũng hiện cũng xúc tương tự.
Điều này cho thấy mồ
hôi là công cụ hữu hiệu để truyền cảm xúc từ người này sang người khác.
Quan trọng hơn nữa,
các biểu cảm trên mặt của những phụ nữ này hoàn toàn không liên quan đến đánh
giá cá nhân của họ về việc mùi đó. Ví dụ, họ có thể biểu lộ khuôn mặt ghê tởm
mùi đó, thậm chí khi cho rằng nó khá dễ chịu.
Mồ hôi có thể truyền
cảm xúc của người này sang người khác
Những điều tương tự
cũng được ghi nhận trong các thử nghiệm khác.
Vào năm 2006, các
nhà tâm lý học từ Đại học Rice phát hiện ra rằng các phụ nữ ngửi mẫu mồ hôi tạo
ra từ cảm xúc sợ hãi làm tốt hơn các việc liên quan đến từ ngữ so với những phụ
nữ ngửi mẫu mồ hôi từ những người xem video không gây cảm xúc mạnh.
Các tín hiệu của sự
sợ hãi bên trong các mẫu mồ hôi đã khiến những người ngửi nó trở nên cảnh giác
hơn đối với môi trường xung quanh.
Vào năm 2012, các
nhà tâm lý học từ Đại học Bang New York đã trích mẫu mồ hôi từ áo thun của 64
người tình nguyện.
Một nửa trong những
người này lần đầu tiên nhảy dù từ máy bay xuống, trong khi số còn lại tập thể dục
cật lực.
Những người ngửi mẫu
mồ hôi của các tình nguyện viên sợ hãi vì nhảy dù lần đầu tiên trở nên cảnh
giác cả khi nhìn thấy những khuôn mặt giận dữ lẫn khi thấy những khuôn mặt
trung lập hoặc những nét mặt không thể hiện thái độ.
Các nhà tâm lý cho rằng
đây là dấu hiệu của sự cảnh giác. Mồ hôi từ sự sợ hãi do nhảy dù khiến những
người ngửi nó trở nên cảnh giác hơn trước các tín hiệu giao tiếp nhỏ nhất mà họ
sợ rằng đã bỏ lỡ.
Đối với những người
ngửi mẫu mồ hôi từ hoạt động tập thể dục, họ chỉ trở nên cảnh giác hơn khi nhìn
thấy các khuôn mặt giận dữ như trong những trường hợp bình thường khác.
Tuy nhiên, một thí
nghiệm khác do các nhà tâm lý học và thần kinh học người Đức thực hiện cho thấy
mẫu mồ hôi do cảm xúc lo lắng từ những người đàn ông lại khiến những người phụ
nữ ngửi chúng đưa ra các quyết định liều lĩnh hơn.
Kết luận này được
đưa ra sau khi những người phụ nữ nói trên được cho chơi một game máy tính được
thiết kế để đánh giá mức liều lĩnh trong hành động.
Không có nghiên cứu
nào trong số này cho thấy liệu những người tham gia thử nghiệm có biết được
hành động của mình đang bị tác động bởi mùi mồ hôi của người khác hay không.
Tuy nhiên chúng đều cho thấy rằng trong một số trường hợp, mồ hôi có thể truyền
đạt những thông tin quan trọng về tình trạng thần kinh của người đó.
Chúng cũng cho thấy
rằng chúng ta dùng thông tin chứa trong mồ hôi của người khác để hiểu rõ hơn về
môi trường xung quanh mình.
Có lẽ điều đó không
có gì đáng ngạc nhiên. Nhân loại có lẽ đã làm quen với việc giao tiếp bằng ngôn
ngữ.
Nhưng ngôn ngữ chỉ
là một công cụ khá mới mẻ đối với chúng ta. Sẽ là hợp lý nếu chúng ta tưởng tượng
ra tổ tiên của mình đã tiếp nhận thông tin qua khứu giác, và truyền kỹ năng này
lại cho thế hệ sau này.
Thật vậy, người ta
dường như nhận biết cảm xúc của những nhân vật hoạt hình trên màn ảnh tốt hơn nếu
nhân vật đó đang đổ mồ hôi. Không những vậy, lượng mồ hôi còn giúp người khác
đánh giá mức độ của cảm xúc đang được diễn đạt.
Nói một cách khác, mồ
hôi không chỉ là tín hiệu mùi, nó còn là tín hiệu hình ảnh.
Mồ hôi không chỉ đơn
thuần là hệ thống điều hòa cơ thể mà còn là một công cụ dự báo thời tiết, giúp phát
đi những cảm xúc sâu thẳm nhất trong chúng ta đến bạn bè và gia đình.
Jason G Goldman
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.