Đây là cuộc bầu cử tự
do đầu tiên tại Myanmar kể từ năm 1990, là năm bà Aung San Suu Kyi cũng thắng cử
lớn nhưng giới quân nhân không công nhận kết quả bầu cử.
Cuộc bầu cử tại
Myanmar đã kết thúc. Tuy chưa có kết quả chính thức nhưng qua số phiếu đã đếm,
người ta được biết đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc do bà Aung San Suu Kyi lãnh
đạo chắc chắn sẽ chiến thắng vang dội với khoảng 80% phiếu bầu. Đây là cuộc bầu
cử tự do đầu tiên tại nước này kể từ năm 1990, năm bà Aung San Suu Kyi cũng thắng
cử lớn nhưng giới quân nhân lại không công nhận, hơn nữa, còn quản thúc bà, có
lúc còn bắt bà bỏ tù để tiếp tục nắm giữ quyền hành một cách độc đoán trong suốt
gần 25 năm vừa qua.
Trong lần bầu cử
này, tình hình có vẻ khả quan hơn. Với sự hiện diện đông đảo của các nhà quan
sát quốc tế, cuộc bầu cử diễn ra một cách tự do và minh bạch, không hề có bất cứ
dấu hiệu đàn áp hay gian lận lớn nào. Khi kết quả bầu cử đã khá rõ, đảng Liên
minh Đoàn kết và Phát triển hiện đang cầm quyền tuyên bố thua cuộc và chấp nhận
phán quyết của các cử tri. Tổng thống Thein Sein, sau khi chúc mừng bà Suu Kyi,
đã tuyên bố tôn trọng kết quả bầu cử và hứa hẹn sẽ sớm tiến hành các cuộc
thương thảo với bà Suu Kyi để thành lập chính phủ mới.
Khả quan, nhưng con
đường phía trước còn khá nhiều gập ghềnh. Thứ nhất, theo hiến pháp do các nhà
quân phiệt trước đây soạn thảo, để lên làm tổng thống, toàn bộ gia đình người ấy
phải có quốc tịch Myanmar, và như vậy, bà Suu Kyi sẽ không thể trở thành tổng
thống Myanmar được vì chồng bà (đã quá cố) và hai đứa con bà đều mang quốc tịch
Anh.
Bà Suu Kyi cho biết, với tư cách lãnh tụ đảng cầm quyền, bà sẽ lãnh đạo từ
đằng sau hay phía trên tổng thống mới. Tuy nhiên, điều đó đòi hỏi một cấu trúc
quyền lực mới, chưa từng có tại Myanmar. Không ai biết được kiểu cấu trúc mới ấy
có thực sự có hiệu quả hay không.
Thứ hai, quyền lực của giới quân đội vẫn còn
khá lớn: Một là, họ được phân bố 25% số ghế trong cả Thượng viện lẫn Hạ viện mà
không cần phải ứng cử và tranh cử. Hai là, họ được ưu tiên nắm giữ các chức vụ
quan trọng như bộ trưởng quốc phòng, bộ trưởng nội an và bộ trưởng an ninh biên
giới. Như vậy, để làm việc có hiệu quả, đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc của bà
Suu Kyi phải hợp tác chặt chẽ với phe quân đội, một điều rất khó khăn vì trong
suốt 25 năm qua, quan hệ giữa họ nhuốm đầy cay đắng. Họ không những không tin
nhau mà còn thù hận nhau. Công việc đầu tiên của chính phủ mới, do đó, sẽ là một
nỗ lực hoà giải thực sự, theo đó, mọi người cùng quên đi quá khứ để vững tiến về
tương lai, nhằm phát triển đất nước không những chỉ trong lãnh vực kinh tế mà
còn trong lãnh vực chính trị với ưu tiên là càng ngày càng tự do và dân chủ
hơn.
Bất kể những khó
khăn và thử thách còn trùng trùng trước mắt, mọi người, từ dân chúng Myanmar đến
các chính khách Tây phương, đều vui mừng, xem cuộc bầu cử vừa qua là một sự đột
phá trong tiến trình dân chủ hoá tại Myanmar. Nhiều người Việt Nam cũng chia sẻ
sự vui mừng ấy và tự hỏi: Bao giờ thì một sự kiện quan trọng như vậy sẽ diễn ra
ở Việt Nam?
Vâng, bao giờ thì Việt
Nam có được một cuộc bầu cử tự do như Myanmar?
Trước khi trả lời
câu hỏi ấy, cần lưu ý là tiến trình dân chủ hoá tại Myanmar mà kết quả cụ thể
là cuộc bầu cử tự do vào ngày 8 tháng 11 vừa qua xuất phát từ ba yếu tố chính:
Thứ nhất, họ có một lãnh tụ khôn ngoan, can đảm và được mọi người, từ dân chúng
Myanmar đến cộng đồng quốc tế yêu mến và tin cậy, đó là bà Aung San Suu Kyi,
người được trao giải Nobel Hoà bình năm 1991.
Thứ hai là sự thức tỉnh của giới
lãnh đạo Myanmar: sau mấy chục năm cai trị đất nước với bàn tay sắt dẫn đến hậu
quả là đất nước càng ngày càng bị cô lập và nghèo đói, từ năm 2011, giới quân
phiệt quyết định thay đổi chính sách bằng cách cho thành lập một chính phủ dân
sự, thả các tù nhân chính trị, cởi bỏ hệ thống kiểm duyệt, chấp nhận đa đảng,
cho phép tiến hành các cuộc bầu cử tự do.
Thứ ba là ý thức chính trị rất cao của
dân chúng Myanmar: theo quan sát của giới truyền thông quốc tế, trong ngày bầu
cử vừa qua, người ta đã đổ xô đi bầu một cách rất tích cực. Người ta bỏ công ăn
việc làm để đi bầu cử. Người ta kiên nhẫn đứng xếp hàng rồng rắn trước các
thùng phiếu cả nhiều tiếng đồng hồ để được bỏ phiếu. Nhiều người thuộc gia đình
quân nhân, đáng lẽ bỏ phiếu cho đảng cầm quyền vốn thân quân đội, vẫn quyết định
bỏ phiếu cho đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc của bà Suu Kyi với ước vọng đất
nước được thay đổi.
Những yếu tố ấy có ở
Việt Nam hay không?
Câu trả lời rất đáng
buồn: Không có. Hay, lạc quan hơn chút: Chưa có.
Việt Nam chưa có một
lãnh tụ đối kháng nào có tầm vóc như bà Suu Kyi. Nhỏ hơn một chút, cũng chưa
có. Hoàn toàn chưa có. Chúng ta có nhiều người quan tâm đến đất nước, đủ can đảm
để lên tiếng phản đối các chính sách độc tài của nhà cầm quyền, sẵn sàng chấp
nhận các hành động trấn áp thô bạo và đê hèn của nhà cầm quyền, nhưng chưa có
ai, trong họ, nổi bật hẳn lên như một lãnh tụ. Họ đều là chiến sĩ chứ chưa phải
là lãnh tụ.
Tên tuổi của họ chưa đủ lớn để thu hút sự chú ý của cả người Việt lẫn
người ngoại quốc.
Chung quanh họ chưa có một tổ chức nào đủ mạnh để có thể được
xem là một lực lượng đối trọng của chính phủ.
Giới lãnh đạo Việt
Nam, cho đến nay, vẫn chưa có sự tỉnh ngộ như giới lãnh đạo Myanmar.
Tất cả những
người từng muốn thay đổi theo xu hướng ít nhiều dân chủ hoá, như Trần Xuân Bách
(1924-2006) hay Trần Độ (1923-2002), đều đã qua đời. Trong giới lãnh đạo hiện
nay, không có người nào có tầm nhìn mới và đủ dũng khí để bênh vực cho tầm nhìn
mới của mình. Tất cả hầu như chỉ tập trung vào việc bảo vệ lợi ích của bản
thân; và để bảo vệ lợi ích của bản thân, họ phải bảo vệ đảng. Mà đảng thì càng
lúc càng xa rời quần chúng, hơn nữa, càng đi ngược lại các lợi ích của dân tộc.
Cuối cùng, hình như
dân Việt Nam, nói chung, chưa có được ý thức chính trị sâu sắc và mạnh mẽ như
người dân Myanmar. Đã nhiều người ghi nhận một hiện tượng phổ biến ở Việt Nam
hiện nay: chứng vô cảm. Rất ít người thực sự quan tâm đến đất nước. Phần lớn chỉ
loay hoay kiếm sống, hoặc khi đã có rủng rỉnh chút tiền bạc, mải mê hưởng thụ.
Việt Nam càng lúc càng bế tắc, kinh tế càng lúc càng suy thoái, đạo đức xã hội
càng lúc càng suy đồi: người ta mặc kệ. Trung Cộng càng lúc càng lộng hành
ngoài biển và đảo Việt Nam: người ta cũng mặc kệ. Chủ nghĩa mặc-kệ-nó lan tràn ở
mọi giới.
Nhưng như vậy, chúng
ta tuyệt vọng chăng?
Thật ra, cũng không
hẳn. Kinh nghiệm mùa xuân Ả Rập vào đầu năm 2011 cho chúng ta một bài học khác:
Cuộc cách mạng nổ ra một cách hoàn toàn tự phát, không hề có sự chuẩn bị nào từ
dân chúng, không hề có sự thức tỉnh của giới cầm quyền và cũng không hề có một
nhà lãnh đạo nào cả. Vậy mà, chỉ trong vòng chưa tới một năm, cả mấy chế độ độc
tài lần lượt bị sụp đổ.
Nếu các chế độ độc
tài được hình thành theo nhiều cách, sự sụp đổ của chúng cũng rất khác nhau.
Tiến sĩ Nguyễn Hưng
Quốc
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.