Saturday, November 7, 2015

Những sự thức tỉnh muộn màng

image
Thư và đồng hồ Nguyễn Khải gửi tặng Võ Phiến.
Nhân đọc lại bức thư Nguyễn Khải gửi Võ Phiến năm 1989, tôi tìm đọc lại một vài tác phẩm của Nguyễn Khải, tình cờ bắt gặp bài “tuỳ bút chính trị” ông viết năm 2006 với nhan đề “Đi tìm cái tôi đã mất”,  một bài viết thú vị, phản ánh tâm trạng bẽ bàng của một nhà văn theo đảng suốt mấy chục năm, đến cuối đời, nhìn lại, thấy tất cả đều đổ vỡ và đều bế tắc.

image
Theo cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại do Hội nhà văn Việt Nam biên soạn và xuất bản vào năm 1997, Nguyễn Khải sinh năm 1930; vào bộ đội từ năm 16 tuổi; thoạt đầu, làm việc trong các tờ báo quân đội; sau, chuyển sang Hội nhà văn. Ông từng là uỷ viên Ban chấp hành Hội nhà văn trong nhiều khoá, có thời gian là Phó tổng thư ký. Trong quân đội, quân hàm cuối cùng của Nguyễn Khải là đại tá. Ông cũng là đại biểu Quốc Hội khoá 7.

image
Về phương diện văn học, Nguyễn Khải được xem là một trong những nhà văn xuất sắc nhất trong nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc trước năm 1975 cũng như trong cả nước sau năm 1975. Ông nhận được nhiều giải thưởng, trong đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh, một giải thưởng được coi là quan trọng và vinh dự nhất tại Việt Nam.

Một người như thế có thể được xem là thành công, rất thành công. Vậy mà, trong bài viết “Đi tìm cái tôi đã mất”, chỉ thấy toàn ngậm ngùi. Ngậm ngùi về chế độ. Và ngậm ngùi về sự nghiệp của chính mình.

image
Về chế độ, Nguyễn Khải gọi thẳng chế độ xã hội chủ nghĩa là một chế độ “chuyên chế”, ở đó, đảng thì được tuyệt đối hóa, giới lãnh đạo thì được thần thánh hóa, còn dân chúng, kể cả giới văn nghệ sĩ, đều mất gần hết tự do; không ai được phép có những suy nghĩ riêng; tất cả đều phải răm rắp đi theo những sự chỉ dẫn của đảng. Không những chuyên chế, chế độ cộng sản còn đầy những nghịch lý: Một mặt, dù lúc nào cũng đề cao vai trò của quần chúng, trên thực tế, họ lại rất khinh rẻ quần chúng; mặt khác, dù lúc nào cũng lên án chủ nghĩa cá nhân, nhưng trên thực tế, ở đâu và thời nào họ cũng có tệ nạn sùng bái cá nhân.

Xây dựng trên những sự nghịch lý như vậy, các chế độ cộng sản không khác những lâu đài trên cát, không có chân móng gì cả, bởi vậy, vào cuối thập niên 1980, khi luồng gió dân chủ tràn qua, tất cả đều đổ sập một cách nhanh chóng mà không ai tiếc nuối gì cả.

image
Đi xa hơn việc phê phán chế độ, Nguyễn Khải còn phê phán cả chủ nghĩa Mác-Lênin, nền tảng tư tưởng của chế độ cộng sản. Theo ông, cái chủ nghĩa ấy, với tham vọng cải tạo thế giới và cải tạo con người, chỉ là những sự “hoang tưởng”, “nói cho vui”, thậm chí chỉ là những sự tiên tri có tính chất “mê sảng, đồng cốt”. Nhiều người tin tưởng vào những lời tiên tri ấy, về già, nhìn lại, chỉ thấy “một cái kho chứa đủ thứ tạp nham chẳng có một chút giá trị gì”.

May mắn hơn các “đồng chí” của mình ở Nga và Đông Âu, chế độ cộng sản ở Việt Nam chưa sụp đổ. Nhưng, theo Nguyễn Khải, nó biến tướng một cách dữ dội. Điều đó dễ thấy nhất qua các gương mặt của các thành phần cán bộ: Tất cả đều tha hoá. Nguyễn Khải nhận xét về các cán bộ trong một tỉnh ông về thăm: “Mặt người nào cũng đầy những múi thịt, sần sùi, nói nhiều, cười to, lời lẽ nhạt nhẽo, dung tục, và không bao giờ nhìn thẳng vào mặt mình để nói, cứ như là đang nói với một ai khác ngồi cạnh mình hoặc ngồi sau mình”.

image
Chính trị như thế, văn học cũng như thế. Chủ trương của cộng sản, qua các chuyến đi thực tế và các buổi học tập chính trị, là tiêu diệt các giá trị cá nhân, các ý tưởng và cảm xúc gắn liền với cá nhân. Để trong xã hội chỉ có một dòng tư tưởng chính thống duy nhất. Nguyễn Khải nhận định: “Mất những cái đó thì còn sống tiếp làm gì, còn viết tiếp làm gì”?. Chính vì vậy, trong văn học, nhiều người bỏ nghề; một số người tiếp tục nhưng cương quyết đòi cất lên một tiếng nói riêng thì bị cả chế độ xúm vào đánh, tạo nên những “vụ án văn tự” thảm khốc. Những người khác, có lẽ trong đó có cả Nguyễn Khải, sợ hãi viết theo “đúng luật lệ”.
Nhưng viết “đúng luật lệ” là sao? Là, “chỉ có hai chủ đề: căm thù và hy sinh. Cũng chỉ có ba loại người được tôn vinh: Công, nông, binh. Cái thế giới mênh mông, nhiều màu sắc ngày một thu hẹp và chỉ có hai màu: đỏ là quân ta, đen là quân địch”. 

image
Hậu quả của việc viết “đúng luật lệ” ấy là, về phía độc giả, càng ngày càng chán văn học; về phía tác giả, họ cũng “tự chán mình”. Nhưng hậu quả tai hại nhất là giới văn nghệ sĩ bị đánh mất cái tôi của mình. Thiếu cái tôi riêng tư và phong phú ấy, tất cả các tác phẩm họ vắt óc ra để viết chỉ nhằm để phục vụ cho các mục tiêu chính trị nhất thời. Khi các mục tiêu ấy qua đi, tác phẩm cũng biến mất. Tự nhìn lại sự nghiệp sáng tác của mình, Nguyễn Khải không giấu được cảm giác ngậm ngùi: “Tôi cũng được giải thưởng văn chương cao nhất cấp quốc gia, nhưng tôi biết chỉ mươi năm nữa, thời thế đổi thay chắc chả ai còn nhớ tới mình nữa. Tôi là nhà văn của một thời, thời hết thì văn phải chết, tuyển tập, toàn tập thành giấy lộn cho con cháu bán cân. Buồn nhỉ?”

image
Ừ. Thì buồn. Buồn hơn nữa là việc giác ngộ của Nguyễn Khải khá muộn màng. Khi ông nhận thức ra tất cả những sai lầm của chế độ cũng như những sai lầm trong việc viết lách theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa hời hợt, giả tạo và giả dối ấy, ông đã lớn tuổi, không còn khả năng suy nghĩ và sáng tác được nữa. Ông viết: “Năm 70 tuổi tôi bắt đầu chán viết, người rã ra, đọc sách cũng nằm, đọc được mươi lăm phút, chữ nghĩa đã loè nhoè, chả rõ mình đọc cái gì. Rồi ngủ. Ngủ như chim, một chớp mắt đã tỉnh, tiếp tục đọc nốt cái nửa trang đọc dở vẫn cứ lờ mờ vì chả còn nhớ họ viết cái gì trong cái nửa trang vừa đọc. Cũng năm ấy tôi được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 2. Mừng thì rất mừng nhưng tôi cũng nhận ra ngay đây là tấm bia mộ sang trọng cắm lên một đời văn đã tới hồi phải kết thúc. Thế là lại buồn, ra vào ngẩn ngơ cả tháng.”

http://baomai.blogspot.com/
Đọc bài “Đi tìm cái tôi đã mất” của Nguyễn Khải, không thể không nhớ đến bài “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn minh hoạ” viết năm 1987 của Nguyễn Minh Châu. Cũng sinh năm 1930 và cũng là đại tá trong quân đội như Nguyễn Khải. Cũng được đánh giá là một trong những nhà văn xuất sắc nhất trong nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa như Nguyễn Khải. Và, cuối cùng, cũng thất vọng ê chề về sự nghiệp văn học của mình như Nguyễn Khải.

image
Chỉ có điều khác Nguyễn Khải: Trong khi Nguyễn Khải chỉ ngậm ngùi, Nguyễn Minh Châu còn nghẹn ngào, đôi khi còn uất hận khi nhìn lại những ràng buộc khắt nghiệt của chế độ đối với giới văn nghệ sĩ. Ông nhận định: “mấy chục năm qua, tự do sáng tác chỉ có đối với lối viết minh họa, văn học minh họa, với những cây bút chỉ quen với công việc cài hoa, kết lá, vờn mây cho những khuôn khổ đã có sẵn”.

Hậu quả? “Thất thiệt to lớn nhất của văn nghệ minh họa của ta là từ đấy những nhà văn đánh mất cái đầu và những tác phẩm văn học đánh mất tính tư tưởng.” Rồi ông nghẹn ngào than: “Văn chương gì mà muốn viết một câu trung thì phải viết một câu nịnh? Hèn, hèn chứ? Nhà văn nước mình tận trong tâm can ai mà chẳng thấy mình hèn? Cái sợ nó làm mình hèn.” Rồi ông kể: “Có một nhà văn đàn anh nâng chén rượu lên giữa đám đàn em:

image
‘Tao còn sống, còn cầm bút được đến bây giờ là nhờ biết sợ!’, nói rồi ngửa mặt lên trời cười rung giường, nước mắt tuôn lã chã, giọt đổ xuống đất, giọt đổ vào lòng.”

Nghe nói “nhà văn đàn anh” mà Nguyễn Minh Châu mới nhắc chính là Nguyễn Tuân. Cả mấy thế hệ cùng rơi nước mắt khi viết lách cũng như khi nhìn lại sự nghiệp viết lách của mình. Thảm.




Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc

http://baomai.blogspot.com/

Tập Cận Bình: Các đảo trên biển Đông thuộc về Trun...
Thái Tuấn, người hoạ sĩ của những khoảng trống
Chính sách hai con của TC khơi lên tranh luận
Việt Nam trong top 10 nước sử dụng YouTube
Doanh nhân nên học gì từ giới tội phạm?
Dơi quỷ và ám ảnh ma cà rồng khát máu
Khi nào tiền mặt sẽ thành 'vàng mã'?
Khủng bố ở Little Saigon_tiết lộ gì?
8 Reasons You Get Dizzy
Frontline: Terror in Little Saigon
Bí ẩn khủng bố ở Little Saigon
Cuộc chiến Mỹ-Trung trên nền kinh tế Việt Nam
Hết thuốc chữa!
Đài PBS của Mỹ công chiếu phim ‘Khủng bố ở Little ...
Tiếc thương một nhân tài nước Việt
Ám ảnh giấc mơ Hạ Vũ huyền thoại
Một phụ nữ Afghanistan bị ném đá đến chết vì ngoại...
Ba dòng nước mắt
10 lý do nhân dân VN không chào đón Tập Cận Bình
Mất đảng có mất nước?

1 comment:

  1. Ông Nguyễn Khải "đánh mất cái tôi" vì hèn, vì mắc chứng bệnh "teo hòn dái", Hơn nữa ông đã Phạm Tội Ác - vì miếng cơm manh áo, vì uy tín cá nhân, đưa ngòi bút của mình quá đà, làm hại người khác. Nếu những người cầm bút ở VN tiếp tục hèn như Nguyễn Khải thì chúng ta còn phải đọc tâm sự "Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất" dài dài nhưng ở những dạng khác, dưới những cái tên khác.
    Cũng với cái ý đó, xin góp một bài thơ.

    BỆNH NAN Y


    Khám tổng quát
    cho nhân viên một công ty
    bác sĩ thấy hầu hết
    mắc một chứng bệnh lạ kỳ
    bệnh Teo Hòn Dái

    Người bệnh ăn ngủ, ỉa đái
    vẫn bình thường
    không nhiễm trùng
    không sốt
    không nhức xương
    không đau bắp thịt
    đi đứng nằm ngồi
    cũng giống như bao người khác
    chỉ trong lúc làm ra và giới thiệu sản phẩm
    mặt tái xanh
    tim đập nhanh
    mắt nhìn quanh lấm lét

    Lúc ấy hòn dái teo đét
    chỉ bằng hạt tiêu
    trên người
    mồ hôi vã ra như tắm

    Công ty ấy
    không sản xuất hàng công nghệ
    không kinh doanh hàng ăn
    mà chỉ làm ra tượng tranh
    và nhiều mặt hàng
    liên quan đến chữ viết

    Đó chính là Hội Nhà Văn
    Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam

    Trên đường giao lưu thơ văn
    gặp các cây bút đến từ Việt Nam
    các bạn tôi
    bắt tay người này
    khen chữ dùng sang cả
    vỗ vai bác kia
    khen tứ hay ý lạ
    có sáng kiến làm mới thể thơ

    Riêng tôi
    gặp họ
    chỉ thích nắn sờ
    hai hòn dái

    Phạm Đức Nhì


    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.