Friday, November 6, 2015

Cuộc chiến Mỹ-Trung trên nền kinh tế Việt Nam

image
Nhân viên hải quan Việt Nam giám sát xe tải băng qua cửa khẩu Tân Thanh với Trung Cộng ở tỉnh Lạng Sơn, ngày 30/7/2014.

Cơ quan Thẩm định Trách nhiệm của chính phủ Mỹ GAO hôm 1/11 vừa công bố phúc trình về xu hướng tham gia kinh tế của Mỹ và Trung Cộng vào khu vực Đông Nam Á, cụ thể là Indonesia và Việt Nam, hai quốc gia mà GAO nhận định là ‘các đối tác mới nổi quan trọng của Hoa Kỳ’ góp phần xây dựng sự ổn định và thịnh vượng trong khu vực.

Phúc trình mang tên “Đông Nam Á: Những xu hướng tham gia kinh tế của Hoa Kỳ và Trung Cộng tại Indonesia và Việt Nam” là một nghiên cứu đặc biệt của Cơ quan Thẩm định Trách nhiệm của chính phủ Mỹ về sự cạnh tranh, đầu tư, thương mại và những hoạt động kinh tế khác của hai nền kinh tế tế lớn là Hoa Kỳ và Trung Cộng tại hai quốc gia Đông Nam Á.

Phúc trình cho biết Trung Cộng hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, trong khi Mỹ xếp hàng thứ tư, sau khối ASEAN và Liên Hiệp Châu Âu (EU). Số liệu được trích dẫn trong phúc trình cho thấy năm 2013, Việt Nam xuất khẩu 24 tỉ đôla hàng hóa đến Mỹ và 13 tỉ đôla hàng hóa sang thị trường Trung Cộng. Trong khi đó, hàng nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam trong cùng năm trị giá 5 tỉ đôla và từ Trung Cộng là 37 tỉ đôla.

image
Năm 2014, hàng Trung Cộng xuất khẩu sang Việt Nam đạt 63,7 tỉ đôla, chiếm 2,7% lượng xuất khẩu toàn cầu của nước này; trong khi Hoa Kỳ trong cùng năm xuất khẩu 5,7 tỉ đôla hàng hóa đến Việt Nam, chiếm 0,4% tổng lượng hàng xuất khẩu của Mỹ trên toàn thế giới.

Trên thực tế, tình trạng phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào Trung Cộng đã khiến cho Hà Nội bị ràng buộc về nhiều mặt. Các lãnh đạo Việt Nam thời gian qua luôn bày tỏ ý định tiến gần với Mỹ và các cường quốc khác hơn nhằm giảm bớt sự lệ thuộc này, đặc biệt sau những hàng động bành trước, xâm lấn nhằm khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh trong khu vực Biển Đông đang có tranh chấp với Việt Nam và các nước khác.

Phúc trình cho rằng chính sự kiện Trung Cộng đưa giàn khoan dầu đến thăm dò ở khu vực tranh chấp vào tháng 7 năm ngoái đã làm gián đoạn giao thương giữa Việt Nam và Trung Cộng, đồng thời giúp cho Việt Nam nhận thức lại mối quan hệ kinh tế với Bắc Kinh và nhu cầu cần phải đa dạng hóa quan hệ thương mại của Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Cố vấn của Thủ tướng Việt Nam, nói với VOA trong một cuộc phỏng vấn:

image
“Trong thời gian qua, mọi người ở Việt Nam cũng nhìn nhận một thực tế là Việt Nam đang lệ thuộc vào thị trường Trung Cộng về một số mặt, về kinh tế, về thương mại. Tôi nói ví dụ tính về góc độ đầu tư FDI (đầu tư nước ngoài) ở Việt Nam thì Trung Cộng hoàn toàn không phải là một nhà đầu tư lớn. Họ không bỏ bao nhiêu vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, mà chủ yếu họ vào Việt Nam qua các kênh khác về thương mại, xuất khẩu từ Trung Cộng sang Việt Nam, về việc họ thắng thầu các công trình này khác ở Việt Nam, họ thu lợi được từ những dự án do chính phủ Việt Nam hoặc nhà nước Việt Nam bỏ tiền ra, hoặc Việt Nam sử dụng vốn ODA của các nhà tài trợ khác để xây dựng các công trình mà Trung Cộng lại là người được hưởng lợi thông qua việc thắng thầu để làm các công trình đó.”

Chuyên gia thế giới nhận định Hà Nội đang rất mong có được những đồng minh mới, trong khi Washington lại nóng lòng dấn sâu vào khu vực, mà trong đó Việt Nam nắm giữ vị trí quan trọng cả về kinh tế lẫn an ninh trong chiến lược xoay trục Châu Á của Tổng thống Obama, đã tạo điều kiện để Mỹ có thêm nhiều cơ hội ‘đối đầu’ với Trung Cộng trên đấu trường kinh tế Việt Nam.

image
Phúc trình của GAO cho biết cả Hoa Kỳ và Trung Cộng đều tiếp cận kinh tế Việt Nam cùng một cách thức. Hoa Kỳ và Việt Nam nằm trong số 12 nước thành viên của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong khi Trung Cộng có các hiệp định về đầu tư và thương mại tự do với Việt Nam thông qua các hiệp định với khối ASEAN.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định:
“TPP có vai trò vô cùng quan trọng là giúp cho Việt Nam điều chỉnh lại quan hệ kinh tế, thương mại của mình với quan hệ đầu tư với tất cả thế giới bên ngoài Việt Nam.”

Ngoài các ‘chính lộ’ mà Bắc Kinh sử dụng để thâm nhập vào thị trường Việt Nam, nước láng giềng phía Bắc còn chiếm lĩnh thị trường Việt Nam qua các ngả không chính thức và lưu lượng, ảnh hưởng của khu vực này trên nền kinh tế Việt Nam là không nhỏ. Tình trạng phụ thuộc và nhập siêu hàng Trung Cộng vào Việt Nam qua các ngả trong những năm qua đã bị nhiều chuyên gia lên tiếng báo động, khiến nhiều người đặt ra yêu cầu ‘thoát Trung’ trong lĩnh vực kinh tế.

image
Bà Phạm Chi Lan cho biết việc nhập siêu từ Trung Cộng có đáp ứng một phần nhu cầu kinh tế thực tế của Việt Nam khi cần phải có những nguồn máy móc, thiết bị vật tư để phục vụ cho sản xuất trong nước, cũng như làm hàng hóa xuất khẩu ra bên ngoài. Ngoài ra, hàng nhập khẩu từ Trung Cộng còn phục vụ cho một số nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam khi họ đầu tư ở Việt Nam nhưng chủ yếu chỉ làm gia công, tận dụng giá lao động rẻ ở Việt Nam, còn tất cả vật tư phục vụ cho việc gia công thì lấy từ Trung Cộng qua vì lợi thế giá rẻ và khoảng cách địa lý gần giữa Trung Cộng và Việt Nam.

“Nhưng như vậy, nó đẩy Việt Nam vào thế lệ thuộc vào sự cung cấp này từ Trung Cộng, thứ hai là nó làm cho các ngành công nghiệp lợi nhuận của Việt Nam không phát triển được”, bà Phạm Chi Lan nói.

“Nhập khẩu quá nhiều từ Trung Cộng chèn ép, làm cho các ngành công nghiệp Việt Nam không phát triển được, đó là chưa kể trong nhập khẩu, Trung Cộng còn có rất nhiều mặt hàng khác mang tính chất chèn lấn đối với những người sản xuất Việt Nam, kể cả đối với nông dân Việt Nam. Còn về mặt xuất khẩu, cũng có một số mặt hàng Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Cộng như trái cây tươi, một số loại nông sản, thậm chí kể cả một số sản phẩm rất kỳ quặc mà Trung Cộng mua ở Việt Nam.

image
Việc mua đó, qua một số thương lái Trung Cộng ở Việt Nam, mang tính chất phá hoại đối với kinh tế, ví dụ như mua rễ cây, sừng móng trâu bò và hiện nay đang mua những quả cau non chẳng hạn, không rõ để làm gì cả nhưng làm như vậy thì nó phá hoại cả một nền sản xuất của Việt Nam. Cho nên tôi nghĩ đó là những cái mà người Việt Nam muốn thoát ra khỏi Trung Cộng vì những ảnh hưởng tiêu cực."

Phúc trình của GAO nói hàng hóa của Mỹ nhập vào Việt Nam thường cạnh tranh với hàng Nhật và Châu Âu hơn là với Trung Cộng.

Trong lĩnh vực đấu thầu, phúc trình cho biết với các hợp đồng do Ngân hàng Thế giới tài trợ cho Việt Nam kể từ năm 2000 – 2014, các công ty Hoa Kỳ và Trung Cộng thường thắng thầu trong những lĩnh vực khác nhau. Trung Cộng đứng vị trí đầu tiên về giá trị hợp đồng với 531 triệu đôla, chiếm 9% tổng giá trị hợp đồng mà Ngân hàng Thế giới tài trợ cho Việt Nam. Trong khi đó, Hoa Kỳ với 133 triệu đôla, chiếm 2% tổng giá trị hợp đồng của Ngân hàng Thế giới. Các công ty Trung Cộng thường giành được các dự án công chánh (71%) và hàng hóa (28%).

Ngược lại, các công ty Mỹ chiếm ưu thế trong các hợp đồng về lĩnh vực tư vấn dịch vụ. 

Thiết bị điện là khu vực duy nhất mà cả các công ty Mỹ lẫn Trung Cộng đều tham gia, trong đó Mỹ giành được 14 triệu đôla, Trung Cộng chiếm 140 triệu đôla giá trị hợp đồng trong các dự án về thiết bị điện do Ngân hàng Thế giới tài trợ ở Việt Nam.

image
Với các dự án do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ, Mỹ chỉ giành được 1 hợp đồng trong năm 2013 và 1 hợp đồng năm 2014, tổng trị giá 130.000 đôla về việc tư vấn dịch vụ, trong khi Trung Cộng trong cùng kỳ thắng thầu 15 dự án, trị giá hơn 250 triệu đôla, chủ yếu trong các dự án xây dựng đường sá và nhà máy thủy điện.

Phúc trình cũng nêu ra những khó khăn mà các doanh nghiệp Mỹ đang gặp phải trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam như tình trạng thiếu minh bạch trong các quy định và phản ứng chậm chạp của chính quyền Việt Nam, rào cản tham nhũng, cơ sở hạ tầng yếu kém, tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan, những đặc quyền dành cho doanh nghiệp nhà nước, tình trạng thiếu nhân công có kỹ năng…




Khánh An

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.