Tôi không biết tình
yêu ở một người con trai tuổi mười tám đầu đời cuồng nhiệt như thế nào. Chứ riêng
tôi lúc mới mười lăm, trong mắt đã bắt đầu có khói, thì tình yêu tuổi mười tám
nếu bị tan vỡ, chắn chắn là một điều kinh khủng lắm.
Đã mất tình yêu lại còn cách
xa, đứt lìa cuống rốn, nơi chốn đầm đìa tuổi thơ và mật ngọt hoa niên, hẳn ruột
gan con người phải buốt đau từng khúc. Tôi nhắc tới sự đau lòng này, chẳng qua vì
khi nghe bài hát “Nỗi lòng người đi”, tôi bỗng hình dung được hình ảnh một Anh
Bằng trong giòng người chen chúc vo khăn tay, nhầu nước mắt những ngày tản cư
thập niên năm tư, năm lăm. Ẩn hiện trong khúc phim đen trắng quay chậm, có dáng
chàng thanh niên tay đàn, tay sách, mặt mũi xác xơ, ngơ ngác trông vời tít tắp
bóng người con gái mịt mờ xa chân chiều, cuối ga khói.
Tôi được biết nhạc sĩ
Anh Bằng từ ngày Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ ở hải ngoại mới thành lập, mà ông là một
trong các vị nhạc sĩ cố vấn lão thành.
Tôi thường gọi ông bằng chú với tất cả tấm lòng quí mến như người cha. Tôi chia
sẻ vui buồn đời thường và những bài viết của tôi với ông. Ông hay gởi các CD
hay DVD của ông cho tôi và những dòng thư an ủi, khích lệ, góp ý về lãnh vực âm
nhạc cũng như những trắng đen cuộc đời.
Một lần gặp ông, tôi hỏi
ông về cảm nghĩ phút ông rời xa Hà Nội, về khắc chia tay vật vờ ánh mắt người
yêu đầu đời ấy, tâm trạng ông ra sao?. Ông chỉ vào tai mình nói “Chú điếc đặc rồi,
chẳng nghe được gì” Tôi lại hỏi “Chú còn nhớ bài “Nỗi lòng người đi”, còn nghe được tiếng đàn
không?” Ông mỉm cười khi nghe tôi hét to.
“Chú chỉ nghe được tiếng rè rè thôi”. Tôi không hỏi nữa, vì biết có hỏi cũng
không nhận được câu trả lời. Nhìn nụ cười hiền lành của ông, lòng tôi dâng lên
chút bùi ngùi nhưng ấm sáng nỗi niềm an lạc. Nụ cười của người đã mút xa Hà Nội
hàng mấy mươi năm ấy, vẫn không xoá mờ được tiếng “khóc tơ duyên lìa tan” trong
lòng người con trai mười tám Anh Bằng thưở xưa. Ngày người giã từ đêm Hà Nội,
ngày gió mùa đông bắc thổi buốt má, khô môi, thông thốc rải lá khô đầy những gờ
mái cong hàng phố cổ. Hai mươi mấy năm sau, người thanh niên đó đã ngũ tuần, phủ
thêm một nỗi lòng mới, dứt áo ra đi xa lìa đất tổ. Hà Nội giờ là bên này của ký
ức, Sài Gòn chỉ còn bên kia của hồi tưởng, tiếng đàn xưa giờ có trỗi, người nhạc
sĩ cũng không còn nhận được điệu tình tang thẳm thía mịt mù.
Hơn sáu mươi năm âm nhạc,
nhạc sĩ Anh Bằng đã để lại cho chúng ta rất nhiều tác phẩm nổi tiếng trong kho
tàng âm nhạc. Tuy nhiên “Nỗi lòng người đi” đã khắc một dấu ấn sâu đậm và làm
nên tên tuổi một Anh Bằng ở mãi trong lòng người yêu nhạc. Đối với những người Bắc
di cư hầu như không ai không biết bài hát này, vì nó không chỉ là nỗi lòng riêng
ông, mà còn là nỗi lòng thắm thiết của bao người đối với mảnh đất thân yêu đã
sinh ra và nuôi họ lớn lên. Hà Nội không chỉ là một địa danh mà là một biểu tượng
cho cái nôi văn hoá của miền Bắc Việt Nam . Xa Hà Nội là xa trời, xa đất,
xa người, xa tất cả, là để lại phân nửa hình hài thân thể của chính mình.
Không biết từ bao giờ
người ta ví von cuộc đời người nghệ sĩ như kiếp con tằm, “rút ruột, nhả tơ” cho
đến chết. Tôi chợt thấy cảm phục người xưa, so sánh sao mà khéo làm vậy.
Hình ảnh
một con tằm uốn người xoay tròn nhả tơ chung quanh mình để tự giam nhốt chính nó,
trông như một vũ công múa cột. Và cứ thế nó múa vũ điệu của tằm, nhả cho đến hết
tơ trong bụng mình mới thôi. Hệt như người nghệ sĩ say sưa đi tìm cái hay, cái đẹp
để cống hiến cho đời. Họ mải mê sáng tác, tận tụy, vất vả theo đuổi nghiệp nhả
tơ cho đến lúc sức tàn, lực kiệt. Nhạc sĩ Anh Bằng cũng vậy, suốt cuộc đời ông,
từ khi trưởng thành, bắt đầu sáng tác, đến khi di cư vào Nam, di tản qua Hoa Kỳ,
tới lúc nằm xuống, ông chưa từng ngơi nghỉ. Kể cả khi mất đi thính giác là tài
sản quí báu nhất của một người soạn và viết nhạc, ông vẫn tiếp tục đắm say
trong vũ điệu tơ tằm. ”.
Có nhiều nhạc sĩ đeo đuổi
nghiệp sáng tác như một nghiệp dư, Anh Bằng ngược lại. Từ khi vào Nam phục vụ
trong ngành chiến tranh tâm lý, ông hoạt động như một nghệ sĩ trong Đại Đội 2 văn
nghệ, sáng tác nhạc, kịch. Ông đoạt “Giải văn học nghệ thuật toàn quốc” thời Đệ
Nhất Cộng Hoà với vở kịch “Đứa con nuôi”.
Sau khi giải ngũ năm 1962, ông hoạt
động trong đài truyền thanh VTVN và phụ trách ban Sóng Mới. Ông thường ký nhiều
tên khác nhau như Lê Minh Bằng do sự hợp tác với Lê Dinh và Minh Kỳ hay nhiều tên
khác như Vũ Chương, Mạc Phong Linh, Mai Thiết Lĩnh, Mai Bích Dung, Dạ Ly Vũ, Dạ
Cầm, Giang Minh Sơn, Hoàng Minh, Trần An Thanh, Tây Phố, Trúc Ly, Tôn Nữ Thụy
Khương, Phương Trà, Huy Cường,Vương Đức Long v..v…Có lẽ ông thích khoác cho mình
bộ áo muôn màu, đủ sắc như sự đa dạng trong tác phẩm của ông.
Ký ức Sài Gòn ngày còn
bé của tôi, rất bình dị với cuộc sống trong một xóm nhỏ bình dân bùn lầy nước đọng.
Ngày ấy tôi rất thích ca khúc “Nó” của Lê
Minh Bằng, vì khi nghe “Nó” tôi có thể mường tượng ra thằng bé đánh giày hay ngủ
trước hiên nhà tôi. “Nó” thường đánh thức tôi bằng những tràng chửi thề liên tục
cùng bè bạn hằng đêm. “Nó”, của các em bé tay gầy quắt queo, xoè rộng bàn tay
xin tiền ở chợ, đình, chùa, quán ăn, lề đường, góc phố. “Nó” đói lạnh, bị hắt hủi,
xua đuổi, bị bọn bất lương đánh đập gây thương tật để gợi lòng thương của khách
cho tiền. Ở một tia nhìn mẫn cảm của người nghệ sĩ, “Nó” đã chạm tới một góc
khuyết của tâm hồn, một phía khuất của bóng tối xã hội.
Hôm nay tôi bất chợt gặp
được ca khúc này trên youtube, qua giọng hát trong vắt của Hương Lan, trên nền
nhạc đệm với hai nghệ sĩ kèn điệu nghệ, theo tôi, thật là tuyệt tác.
Qua phần mở đầu, hai
giọng kèn đồng trễ nải và mệt mỏi, đột ngột xé nát bầu trời đêm, bằng những
thanh âm chói lói mà quấn quyện, đầy u uẩn trên nền nhạc blues trầm đục buồn. Ơi!
cái điệu blues âm u ngàn đời thăm thẳm như giọng hát những người da đen cùng khổ
nấc lên tiếng lòng mình u uẩn.
Mẹ nó qua đời khi còn tấm
nhỏ
Một chén cơm chiều nhưng lòng chưa no
Cuộc sống đói rách bơ vơ
Hỏi ai ai cho nương nhờ
Chuỗi ngày tăm tối vô bờ
Một chén cơm chiều nhưng lòng chưa no
Cuộc sống đói rách bơ vơ
Hỏi ai ai cho nương nhờ
Chuỗi ngày tăm tối vô bờ
Hình ảnh "chuỗi
ngày tăm tối vô bờ" qua tiếng trumpet vang lên thật thê thiết, còn giọng
kèn saxo xoáy thẳng vào tận cùng đau đớn bằng những nốt treo day dứt. Ca từ bài
hát giản dị, chuyên chở vừa đủ nội dung cần diễn đạt đời sống một đứa bé nghèo,
thiếu thốn cơ cực. Cấu trúc bài hát “A-A’-B-A” rất phổ biến trong dòng nhạc Việt
thời đó. Giai điệu lẫn ý tưởng hoà âm đều theo một motif(nhạc tố) rất đặc trưng
của loại nhạc này. Tuy nhiên, giọng hát trong vắt của Hương Lan trên nền nhạc đệm
u trầm với hai nghệ sĩ kèn điệu nghệ đã tạo được sự tương phản trong âm thanh.
Hơn nữa những đoạn phối hợp bè bối quá chuẩn và quá hay của hai giọng kèn
Trumpet và Saxo, thật nhịp nhàng đã đưa bài hát lên đến cao điểm tuyệt tác của
nó.
Ngày còn trong nước,
tuổi thơ của tôi lớn lên bằng tiếng ru vọng cổ của cô người làm, tiếng ư ử xuyên
vách “Hai mùa mưa” của chị bán chè đậu kế bên nhà, mỗi lúc chị đi tắm. Chị tâm
sự với tôi, chị ghiền nghe Trang Mỹ Dung nức nở bài này lắm. Sau này lớn lên,
tôi cũng đồng ý với chị không ai ăn đứt được tiếng hát TMD khi trình bày bài
này. Giọng hát trầm trầm ấy, nhỏ từng hạt tinh thể nước mắt vào lòng người, tưới
tẳm cho những cuộc tình tan vỡ, trổ đầy trái đắng nhân sinh. Sáng tác “Hai mùa
mưa” của Lê Minh Bằng đến với tôi từ đó. Thêm một lý do nữa, tôi may mắn được
quen nhỏ bạn cùng trường là em gái Trang Mỹ Dung, khiến “Hai mùa mưa” đi vào trí
nhớ tôi như một ký ức ấm vui. Có lần tôi ghé căn nhà nhỏ bạn trong một ngõ hẻm ở
Phú Nhuận. Tôi không được may mắn gặp chị Dung, vì chị vắng nhà. Tôi chỉ được thấy
TMD qua tấm hình đen trắng, chụp người thiếu nữ có nụ cười buồn mênh mông giữa tường
vôi trắng.
Phải nói là tác phẩm ông
viết rất đa dạng, đủ mọi thể loại, cũng như thể điệu. Có một dạo tôi rất thích
điệu Tango và say đắm tiếng hát Khánh Ly trong bài hát “Người thợ săn và đàn
chim nhỏ”. Ca khúc này được ký tên Vương Đức Long, cũng là tên của nhóm Lê Minh
Bằng, ca từ do Anh Bằng viết. Nhạc sĩ Lê
Dinh kể: "Nhằm nói lên việc đối xử không mấy tốt đẹp - đôi khi hơi tàn bạo
- của một vài cảnh sát viên, tuy nói là bạn dân, nhưng thường hay có thái độ hằn
học, không đẹp với dân chúng, đặc biệt là người xử dụng công lộ và nhất là những
phụ nữ mua gánh bán bưng... Trong óc tưởng tuợng của anh - người cảnh sát không
phải là bạn dân - khi có cây súng trên tay, như người thợ săn và hà hiếp dân
chúng mà anh so sánh như đàn chim, để rồi anh viết lời ca:
Một người thợ săn âm thầm mang súng lang thang vào rừng
Còn một bầy chim vô tình vẫn hót líu lo đùa chơi
Nào ngờ thợ săn đang cầm cây súng bắn lên cành cây
Chim chết chim lạc bầy...”
Một người thợ săn âm thầm mang súng lang thang vào rừng
Còn một bầy chim vô tình vẫn hót líu lo đùa chơi
Nào ngờ thợ săn đang cầm cây súng bắn lên cành cây
Chim chết chim lạc bầy...”
Riêng tôi và đa số người
nghe không biết nghĩa bóng và câu chuyện liên hệ nhưng mỗi khi hát đến câu “Rồi
người thợ săn âm thầm mang súng mang chim trở về, lề đường bầy chim không thù
không oán, hót cho người nghe” lại thấy rưng rưng thương cảm đàn chim vô tội bị
thảm sát. Ranh giới tử sinh, thiện ác, giữa cái chết của sinh vật này là cái sống
còn của sinh vật kia vẫn là bài toán đố mơ hồ và tàn nhẫn chỉ có thượng đế mới
có cơ may giải được. Tôi cảm nhận được nét nhân bản trong nhạc Anh Bằng như một
đoá mai từ bi.
Nhạc trữ tình của Anh
Bằng đi sâu vào lòng người qua những ca khúc có nội dung thương thân trách phận,
thất tình, cô đơn, buồn khổ hay xa cách. Sống trong thời ly loạn hầu hết những
ca khúc của ông thấp thoáng màu áo trận của người lính chiến, của những biệt ly
và lên đường như “Căn nhà ngoại ô”, Lẻ Bóng”, “Sầu lẻ bóng”, Đường khuya” hay “Nếu hai đứa mình”, “Giấc ngủ cô đơn”.. . Ông
còn đề cao tình chiến hữu trong “Huynh đệ chi binh” hoặc vui buồn đời quân ngũ
“Binh méo, cai tròn” hay hóm hỉnh như “Đánh cờ người”, tếu táo trong “Tập lái
vespa” mà ban AVT thường trình diễn.
Nhạc của ông không dừng
lại ở tầng lớp những người bình dân mà còn ngưng đọng ở một tầng lớp chọn lọc
khác, nhất là ở lãnh vực thơ phổ nhạc. Có
lẽ ông rất thích thú trong dạng này. Có những bài thơ của các thi sĩ nổi tiếng đã
được ông phổ nhạc khiến nhiều người mê đảo một thời như các bài “Khúc thuỵ du”
của Du tử lê, “Trúc đào” của Nguyễn Tất Nhiên, “Ai bảo em là giai nhân” của Lưu
Trọng Lư, “Anh biết em đi chẳng trở về” của Thái Can, “Hoa học trò” của Nhất Tuấn.
Khi phổ nhạc các bài thơ, hầu hết, ông thường lấy ý, mượn ý, nhiều lắm là một
hai câu và sau đó dùng ca từ riêng của mình kiểu như lối phóng tác mà nhà văn
Hoàng Hải Thủy hay dùng trong tác phẩm của mình. Khi dịch lời nhạc ngoại quốc
qua Việt cũng vậy, ông tạo một ngôn ngữ riêng mà vẫn giữ ý chính, như trong bài
“Tình nồng cháy”, nguyên tác “Over and over”, do Cornell Haynes Jr, Jayson
"KoKo" Bridges & James D. Hargrove sáng tác.
Khi di cư qua Hoa Kỳ,
ông tiếp tục hoạt động âm nhạc với Trung tâm sản xuất và phát hành băng nhạc
cassette Dạ Lan (1981-1990). ông còn cộng tác với Trung tâm Asia.
Những nhạc phẩm ông viết sau này nói lên tâm sự, nỗi lòng hoài hương và những hình
ảnh sinh hoạt hàng ngày của người con Việt sống lưu vong như “Căn gác lưu đày” ,
“Nước mắt quê hương”. Xúc động và phẫn khích trước thảm hoạ xâm lăng của Trung
quốc, ông hăng say sáng tác những ca khúc tích cực, rực lửa, khơi dậy lòng ái
quốc, đấu tranh cho quê hương, dân tộc như
“Phải lên tiếng”, “Cả nước đấu tranh”, “Hãy đứng lên”, “Tuổi trẻ Việt
Nam”..v..v..
Hôm nay tôi ngồi đây viết
lại những dòng tưởng niệm nhạc sĩ Anh Bằng như một nỗi nhớ, niềm thương kính với
người cha, người chú hiền từ, đầy lòng nhân ái. Qua ánh nến lung linh tưởng niệm,
hình ảnh người thanh niên xa Hà Nội năm nào, bỗng trở lại chấp chới đầy trời trên
những khung nhạc chép giấy hoa tiên lượn bay.
Bao nhiêu năm trải lòng, bấy
nhiêu năm cảm xúc xôn xao góp phần xây dựng cho kim tự tháp âm nhạc Việt Nam , đáy
kim tự tháp tượng trưng cho những người có nhạc được quần chúng mến mộ nhiều, cũng
có tên Anh Bằng góp phần. Suốt một đời nghệ sĩ phục vụ và quay cuồng trong vòng
xoáy quỹ đạo âm nhạc, có nhiều người đã phải quăng bút, gác đàn vào một góc tối
nào đó vì nhiều lý do. Anh Bằng thì không, sức sáng tạo vẫn còn lấp lánh đâu đó
thúc đẩy người nghệ sĩ, dù thính giác khiếm khuyết, vẫn ngồi xuống đẩy cung, đưa
bậc, thơ dân gian, vần lục bát, điệu quan họ, vào làn hơi tân nhạc. Sáng tác mới
“Mình ơi, em chẳng cho về” của Anh Bằng như một minh chứng. Tôi thấy được trong
nhạc, ánh mắt dịu dàng nàng thiếu nữ Bắc Ninh, nụ tình lúng liếng níu kéo người
đi, động lòng kẻ ở.
Tôi trộm nghĩ tôi mà có phép màu quay ngược được thời gian,
về lại xóm cổ Ba Mươi Sáu Phố Phường xưa, thay cô gái Hà nội của Anh Bằng, bằng
mắt tình lúng liếng người con gái Bắc Ninh, ắt hẳn chàng thanh niên mười tám của
“Nỗi lòng người đi” chẳng thể nào dứt áo vì câu “Mình ơi, em chẳng cho về” . Và
chúng ta hẳn không có cơ hội trong đời được hát đi, hát lại những lời tha thiết
cho tình yêu, cho đất cũ “Hà nội ơi, nào biết ra sao bây giờ. Ai đứng trông ai
ven bờ, khua nước trong như ngày xưa” .
Trong một câu viết tình
cờ tôi đọc được trên một ngôi mộ trong nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi ngày còn bé, có
viết “Chỉ sự quên lãng của người ở lại, mới làm mờ hình bóng kẻ ra đi”. Có lẽ sự
ra đi của ông khó mờ phai trong tâm tưởng những người từng quen biết ông, nhất
là những người từng hát, từng mến mộ những ca khúc của ông.
Trịnh Thanh Thủy
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.