Sữa dường như không tạo ra sự khác biệt gì đối với tỷ lệ gãy xương
Trong nhiều thế hệ, người ta vẫn nói rằng sữa giúp làm chắc xương. Nhưng khoa học có chứng minh được như vậy không?
Biết bao nhiêu người trong chúng ta, khi còn nhỏ, được bảo phải uống sữa vì như vậy sẽ có xương chắc khỏe?
Điều này là có lý. Sữa chứa canxi. Canxi được biết làm tăng cường mật độ khoáng chất trong xương.
Nhưng việc chứng minh mối liên hệ dứt khoát giữa việc tiêu thụ sữa và xương chắc khỏe lại khó hơn ta tưởng. Nghiên cứu lý tưởng là dùng hai nhóm rất đông người và cho ngẫu nhiên tất cả mọi người trong một nhóm uống rất nhiều sữa hàng ngày trong nhiều thập kỷ, trong khi nhóm còn lại sẽ uống một loại giả sữa để thay thế. Rõ ràng, việc này là quá khó để thực hiện trong thực tế.
Thay vào đó, điều chúng ta có thể làm được là hỏi hàng ngàn người là họ đã uống bao nhiêu sữa trong nhiều năm, và sau đó theo dõi họ trong ít nhất một thập kỷ để xem những người thường xuyên uống sữa có ít khả năng bị gãy xương hơn hay không sau này trong cuộc sống.
Đây là điều đã được được thực hiện bởi Đại học Harvard tại nghiên cứu được công bố năm 1997. Một con số ấn tượng 77.000 nữ y tá đã được theo dõi trong 10 năm. Các nhà nghiên cứu không tìm thấy sự khác biệt đáng kể về số ca gãy xương tay hoặc xương hông giữa những người uống một ly sữa mỗi tuần hoặc ít hơn so với những người uống hai ly hoặc nhiều hơn.
Người ta thường tính thiếu lượng sữa họ tiêu thụ, quên mất những thứ họ thêm vào cà phê hoặc ăn lẫn với ngũ cốc
Khi nhóm nghiên cứu thực hiện một nghiên cứu tương tự với 330.000 nam giới ngành y tế, một lần nữa sữa dường như không tạo ra sự khác biệt gì đối với tỷ lệ gãy xương.
Các thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát đã được tiến hành trong đó chế độ ăn uống được cố tình tăng thêm canxi, đôi khi thông qua uống sữa. Năm 2015, một nhóm nghiên cứu ở New Zealand đã xem xét, kết hợp và đánh giá lại 15 nghiên cứu này. Họ phát hiện ra rằng trong hai năm đã có sự gia tăng mật độ khoáng xương, nhưng sau đó, sự gia tăng dừng lại.
Một cách làm thay thế là dùng chất bổ sung canxi. Do sợ nguy cơ tác dụng phụ lâu dài khi dùng chất bổ sung, nhóm nghiên cứu này ở New Zealand đã kết hợp với dữ liệu từ 51 thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát để đánh giá xem liệu lợi ích có nhiều hơn so với rủi ro hay không. Một lần nữa, họ thấy rằng sự rắn chắc của xương dừng lại sau 1 hoặc 2 năm, và việc bổ sung canxi chỉ có thể làm chậm lại - thay vì chặn đứng- việc mất mật độ khoáng xương khi về già. Họ kết luận rằng điều này có khả năng chỉ thể hiện một mức giảm nhỏ về tỷ lệ gãy xương.
Khi các quốc gia khác nhau kiểm tra xem xét những dữ liệu giống như vậy, họ đã đưa ra kết luận rất khác nhau về lượng canxi khuyến nghị nên dùng hàng ngày. Ví dụ, Hoa Kỳ đề nghị gần gấp đôi so với Anh hoặc Ấn Độ. Ở Mỹ, sự hướng dẫn là nên uống 3 ly 8oz (227ml) mỗi ngày.
Các nghiên cứu đã nêu ra những phát hiện liệu sữa có giúp bảo vệ được xương hay không
Việc này lại rắc rối thêm khi mà năm 2014 có kết quả của 2 nghiên cứu lớn của Thụy Điển dẫn đến tiêu đề rằng 'uống nhiều hơn 3 ly sữa mỗi ngày' (một lượng lớn hơn lượng mà hầu hết mọi người uống) thì không giúp ích gì cho xương mà thậm chí có thể gây hại.
Trong nghiên cứu đó, các nhà nghiên cứu tại Đại học Uppsala và Viện Karolinska đã đưa ra cho những người tham gia các câu hỏi về mức tiêu thụ sữa của họ vào năm 1987 và một lần nữa vào năm 1997. Tỷ lệ tử vong đã được kiểm tra vào năm 2010. Người ta đã hoang mang khi nghe rằng uống một ly sữa mỗi ngày có vẻ như có liên quan cả đến gãy xương nhiều hơn cũng như tử vong sớm.
Nhưng trước khi ta bỏ sữa đi, có một số cảnh báo lớn cần lưu ý.
Trong các nghiên cứu của Thụy Điển, những người tham gia được yêu cầu ước tính mức tiêu thụ sữa của họ trong những năm trước, là việc không phải dễ dàng. Rất khó để biết ta đã dùng bao nhiêu sữa chung với ngũ cốc, hoặc với trà hoặc trong các món ăn.
Các nghiên cứu của Thụy Điển đã chỉ ra rằng dùng sữa chua có liên quan đến tỷ lệ gãy xương thấp hơn
"Nghiên cứu cũng khới lên vấn đề có từ lâu về sự tương quan so với quan hệ nhân quả." Nghĩa là bị gãy xương không phải do uống quá nhiều sữa (quan hệ nhân quả) mà là do bị loãng xương rồi nên mới uống nhiều sữa hy vọng sẽ khỏi (sự tương quan).
Có lẽ những người phụ nữ biết rằng họ bị loãng xương đã cố tình uống nhiều sữa hơn với hy vọng củng cố xương. Nghiên cứu này không cho thấy uống sữa dứt khoát sẽ gây gãy xương. Và để làm bức tranh thêm phức tạp hơn, nhóm nghiên cứu Thụy Điển đã phát hiện ra rằng dùng phô mai và sữa chua có liên quan đến việc giảm tỷ lệ gãy xương.
Bản thân các nhà nghiên cứu đã nói rõ rằng nghiên cứu của họ cần phải được lặp lại trước khi nó được sử dụng để đưa ra lời khuyên về chế độ ăn uống. Những người khác thì nói rằng công chúng nên thận trọng về việc thay đổi mức dùng sữa của mình dựa trên những kết quả này.
Vì vậy, trong khi chờ để biết thêm thông tin, giá trị hiện tại của các bằng chứng cho thấy ta vẫn nên tiếp tục uống sữa nếu như ta thích. Nó có thể có lợi cho xương, mặc dù lợi ích này ngắn hạn hơn ta mong đợi.
Chúng ta cũng cần giữ cho xương chắc khỏe thông qua các phương pháp khác như tập thể dục và có được đủ vitamin D qua ăn uống, qua ánh nắng mặt trời hoặc (tùy thuộc vào nơi bạn sống trên thế giới) qua việc dùng các chất bổ sung vào mùa đông.
Claudia Hammond
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.