Wednesday, August 14, 2019

Một cuối tuần đầy máu lửa

BM  

Những ai thường để ý đến chuyện thời sự có lẽ đều phải công nhận rằng những diễn biến xảy ra đột ngột vào cuối tuần trước có thể được gọi một cách tóm gọn là một cuối tuần đầy máu lửa. (Trong bối cảnh phân hoá chính trị và chia rẽ trầm trọng trong xã hội Hoa Kỳ ngày nay, việc sử dụng những từ ngữ thông thường đôi khi cũng dễ bị bắt bẻ và chỉ trích. Nhà báo Nguyễn Xuân Nam có thực hiện chương trình phân tích thời sự và dùng đề tựa là Một Cuối Tuần Bi Thương Nhất Lịch Sử Hiện Đại Mỹ thì cũng bị chỉ trích là “quá đáng và mê muội vì họ đã cố tình không nhớ...SEP -11. Chỉ muốn nói xấu...TRUMP thôi.” Phải chăng đây cũng là phản ứng tất nhiên của những người thuộc loại “bảo hoàng hơn vua” nên không cần biết nội dung mà đã vội công kích vì nghĩ rằng nó có thể bất lợi cho lãnh tụ của mình?)

BM
  
Nhưng quả thật khó ai phủ nhận tính chất bi thương, và bi thảm của những biến cố vừa mới xảy ra. Diễn đàn truyền thông Bloomberg đã gọi đó là “Một Cuộc Tàn Sát ở Mỹ” (An American Carnage): Chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ vào cuối tuần đã xảy ra hai vụ nổ súng thảm sát lớn. Vụ thứ nhất xảy ra vào khoảng 10 giờ 39 phút sáng ngày thứ Bảy tại thành phố El Paso, nằm ở phía cực tây nam của Texas, sát biên giới với Mễ Tây Cơ, khi một nghi can nã súng vào đám đông tại một siêu thị WalMart khi mọi người đang đi mua sắm, trong đó có rất nhiều các gia đình đang đổ xô đi mua hàng vào dịp bán với giá rẻ để chuẩn bị cho mùa khai giảng niên học mới sắp diễn ra.

BM
  
Tổng cộng có 22 người bị thiệt mạng (so với 20 người được loan báo trong ngày đầu) thuộc đủ mọi thành phần với nạn nhân trẻ nhất là 2 tuổi và người cao niên nhất bị thiệt mạng là một ông cụ 82 tuổi, phần lớn là những người di dân gốc Mễ. Ngoài ra cũng còn có hàng chục người khác cũng bị thương từ nhẹ đến trầm trọng. Hung thủ là một thanh niên 21 tuổi, tên là Patrick Crusius, cư ngụ tại thị xã Allen, thuộc vùng ngoại ô của Dallas, đã lái xe hơn 600 dặm đường đến nơi để thực hiện vụ thảm sát kinh hồn và đáng lên án này.

BM
  
Các điều tra viên nghĩ rằng anh Crusius trước đó đã ngồi viết một bản tuyên cáo dài 4 trang với những lời lẽ hằn học và kỳ thị đối với di dân gốc Mễ, mà nội dung giống hệt với những từ ngữ và luận điệu mà TT Trump thường sử dụng để kích động khối cử tri bảo thủ cực hữu.

BM
  
Khoảng 15 giờ đồng hồ sau đó, một vụ nổ súng thứ hai đã nổ ra vào khoảng 1 giờ đêm tại một khu phố vui chơi có tên là Oregon District tại trung tâm thành phố Dayton, Ohio là nơi mà đám đông đang vui chơi vào dịp cuối tuần. Hung thủ là anh Connor Stephen Betts, 24 tuổi, đã mặc áo giáp trên người trước khi nổ súng loạn xạ vào đám đông khiến cho 9 người chết và 27 người bị thương. Con số các nạn nhân có lẽ còn cao và tệ hại hơn nữa nếu như anh ta không bị một cảnh sát viên đang canh gác trước cửa một quán nước nổ súng triệt hạ trước khi anh định bắn hạ người cảnh sát để tiến vào bên trong quán Ned Peppers để tiếp tục nổ súng.

BM
  
Sau những phản ứng đau buồn, nhiều chính trị phe Dân Chủ đã nhanh chóng đổ tội một phần lên đầu của TT Trump vì cho rằng những lời lẽ và luận điệu của ông từ bấy lâu nay luôn có tính kỳ thị chủng tộc và chống báng người di dân là điều đã dẫn đến việc kích động tinh thần bạo lực với những kết quả thê thảm như đã xảy ra. Éo le và nghiệt ngã hơn nữa, trong bối cảnh nhiều người dân ở Mỹ lo sợ rằng các nhà làm luật và chính quyền địa phương cũng như liên bang có thể sẽ dễ thông qua những đạo luật nghiêm ngặt hơn về việc sở hữu súng ống trong tương lai gần, nhiều người đã thi nhau đi mua thêm súng ống để phòng khi hữu sự. Vì thế nên trị giá cổ phiếu của các hãng sản xuất súng ống bỗng tăng vọt.

Kẻ viết bài này, từ nhiều năm qua, cũng đã từng nhiều lần viết những bài phân tích khá dài về những thảm nạn gây ra từ súng ống, nhất là mỗi khi xảy ra những biến cố đẫm máu và đau thương gây chấn động trên toàn quốc. Nhưng rồi, đáng buồn thay, sau đó không lâu mọi sự gần như nhanh chóng trở về quên lãng với các chính trị gia và chính quyền gần như thụ động, hoặc bất lực trước nhiều thế lực chống đối cũng như phản ứng của một khối đông quần chúng vẫn khư khư ôm lấy cái quan điểm không muốn chính quyền giới hạn quyền sở hữu súng ống.

BM
  
Một trong những bài viết còn để lại nhiều ký ức là vụ nổ súng tại trường Đại học Virginia Tech ở Virginia do hung thủ Seng-Hui Cho là một sinh viên gốc Nam Hàn nổ súng khiến cho 33 người bị thiệt mạng và gây rúng động vào năm 2007. (Vào lúc đó, nhiều sinh viên và người Việt nói chung cũng bị vạ lây vì bị nhìn trong những ánh mắt đầy ngờ vực trong những giờ phút ban đầu vì chưa ai rõ lai lịch của hung thủ, mà chỉ biết rằng đó là một người Á châu.)

BM
  
Trong những năm gần đây, kẻ viết bài này cũng đã từng nhiều lần trở lại các đề tài này khá thường xuyên, dù trong lòng chẳng hề vui thích chút nào, khi tìm hiểu những dữ kiện và thống kê liên quan đến vấn nạn này, vốn làm cho đời sống bỗng mất vui đi rất nhiều khi chúng ta đang có may mắn được sống trong một thế giới tự do và dân chủ đáng trân trọng. Thậm chí có những lúc kẻ này phải viết đến hơn 2 lần trong một năm do bởi những biến cố và phản ứng chấn động diễn ra sau đó.

Chẳng hạn như chuyện Khi Người Dân Mỹ Mê Súng Ống (vào năm 2015) khi phân tích đến chuyện hai phóng viên của một đài truyền hình bị hung thủ hạ sát trong lúc họ đang làm phóng sự của nhà báo, và nhân đó nhắc lại vụ nổ súng tại một nhà thờ của người da đen ở Charleston, khi hung thủ là anh Dylann Roof, 21 tuổi, đã nhẫn tâm bắn chết 9 người Mỹ đen trong lúc họ đang đọc Kinh thánh tại nhà thờ, và đã không ngần ngại thú nhận mình thuộc thành phần “da trắng thượng đẳng”.

BM
  
Rồi đến cuối năm này là bài viết về Bạo Lực Súng Ống khi tường thuật đến vụ nổ súng tại thành phố San Bernardino ở gần khu Little Saigon, California khiến cho 14 nạn nhân vô tội bị thiệt mạng (trong đó có 1 thiếu nữ người Việt) và 21 người khác bị thương bởi những phát súng tàn bạo của hung thủ. Vụ này được ông Trump khai thác thêm vì thủ phạm là một cặp vợ chồng trẻ gốc Pakistan nhưng có niềm tin Hồi-giáo quá khích (anh chồng là công dân sinh đẻ tại Mỹ nhưng cô vợ mới cưới từ ngoại quốc). Họ đã không ngần ngại nổ súng loạn xạ để bắn giết rất nhiều nạn nhân vô tội (sau khi đã tính toán kỹ lưỡng kế hoạch ra tay, kể cả việc đi gửi đứa con nhỏ của họ cho bà nội chăm sóc vào sáng sớm). Để rồi sau đó không lâu, cả hai vợ chồng đã bị lực lượng cảnh sát truy lùng thủ phạm rượt đuổi theo và bắn hạ trên đường phố.

BM
  
Đến mùa hè năm sau (2016) là đền một biến cố bi thảm khác là vụ Thảm Sát tại Orlando với chuyện nổ súng tại một vũ trường khiến cho 50 người chết và hơn 53 người bị thương. Thủ phạm là một thanh niên gốc A Phú Hãn (Afghanistan) nhưng là công dân Mỹ sinh trưởng tại Hoa Kỳ và có tên là Omar Mateen, 29 tuổi, được xem là một người có đầu óc theo Hồi-giáo cực đoan và thù ghét giới đồng tính. Địa điểm được chọn lựa làm mục tiêu của vụ nổ súng là một vũ trường nổi tiếng trong giới đồng tính nhưng con số khán giả tham dự và sau đó vô tình trở thành nạn nhân lại thuộc đủ mọi thành phần dân chúng trong xã hội.

BM
  
Qua đến năm 2017 là Chuyện Dài về Thảm Hoạ Nổ Súng khi mà tác giả đã phải não nề thốt lên từ ngữ “chuyện dài”, tựa như chuyện dài Nhân Dân Tự Vệ ngày xưa tuy kết quả của nó bao giờ cũng bi thảm hơn là tốt đẹp. Đó là vụ xảy ra vào khoảng 10 giờ đêm tại Las Vegas và được xem là vụ khủng khiếp to lớn nhất với 58 người chết và hơn 500 người thương tích do hung thủ là một người đàn ông da trắng, Stephen Paddock, đã sửa soạn và tính toán kỹ lưỡng để mang theo nhiều súng ống và đạn dược sau khi thuê mướn được một căn phòng trên lầu cao của khách sạn sang trọng Mandalay Bay để từ đó dùng làm nơi rất thuận tiện để bắn xối xả vào phía dưới có đám đông khán giả đang dự một chương trình đại nhạc hội ở ngoài trời tại sân kế bên.

BM
  
Cuối năm 2017 cũng xảy ra một vụ thảm sát kinh hồn khác nổ ra tại một nhà thờ ở Sutherland Springs, nằm gần San Antonio, khiến cho 26 người bị thiệt mạng trong lúc đang đọc kinh và hành lễ tại nhà thờ.

BM
  
Rồi đến năm 2018 là một chương kế tiếp của Chuyện Dài Về Thảm Hoạ Nổ Súng cũng với những kết cục đầy bi thương, nhất là khi nó xảy ra tại một trường trung học ở Parkland, Florida, khiến cho 17 người bị thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Hung thủ là anh Nikolas Cruz, một cựu học sinh ở trường này, nhưng đã bị đuổi khỏi nhà trường vì tội đánh lộn với một em học sinh khác. Dĩ nhiên, trong năm 2018 cũng đã xảy ra nhiều vụ thảm sát kinh hoàng khác khiến cho giới truyền thông phải vất vả tường thuật chi tiết. Chẳng hạn như nổ súng tại một ngôi đền Do-thái-giáo ở Pittsburg khi hung thủ có đầu óc kỳ thị tôn giáo đã nổ súng bắn chết 11 người. Hoặc là vụ nổ súng tại một quán nước ở thị xã Thousand Oaks, California cũng khiến cho 13 người chết và 12 người bị thương.

BM
  
Và năm 2019 có lẽ cũng chẳng khác gì so với những năm trước đây về khoản các vụ thảm sát khiến mọi người phải đau lòng và chứng kiến trong sự bất lực. Trước khi diễn ra những biến cố đau thương vào cuối tuần qua, người ta có thể kể đến một vài vụ thảm sát lớn khiến nhiều người vô tội bỗng trở thành nạn nhân. Thí dụ như vụ nổ súng tại thành phố Aurora, Illinois vào ngày 15/2 khi hung thủ bắn chết 5 người tại chỗ làm việc, gây thương tích cho một người khác và 5 cảnh sát viên trước khi bị bắn hạ. Hoặc là vụ thảm sát tại Virginia Beach vào ngày 31/5 khi hung thủ bắn chết 12 người và 4 người khác bị thương tại một công sở trước khi bị cảnh sát hạ gục.

BM
  
Nói chi đâu xa, ngay ở thành phố Houston là nơi sinh sống của kẻ viết bài này, những vụ nổ súng thi nhau nổ ra trong dịp cuối tuần vừa qua cũng là một chuyện đáng quan tâm, dù rằng ít người không để ý đến giữa một thành phố đông đảo hơn 4 triệu cư dân nếu như không theo rõi những tin tức thời sự được cập nhật. Thông tin của đài ABC News tại địa phương cho biết trong cuối tuần qua, đã có một loạt các vụ nổ súng xảy ra trong vùng Houston, khiến cho tổng cộng 12 người bị thiệt mạng, trong đó có 2 phụ nữ đang mang thai. Trong một chừng mực nào đó, người ta bỗng dưng có cảm giác như Hoa Kỳ khó lòng được đánh giá như là một thiên đàng đầy an bình và hạnh phúc cho mọi cư dân trong nước. Thiên đàng yên bình sao được khi mà người dân bỗng dưng phải chứng kiến hoặc đối phó với những tình trạng mà các chuyên gia và giới truyền thông phải gọi đó là những vụ tàn sát (carnage)?

Phải chăng vì vậy mà ban biên tập của tờ nhật báo The Boston Globe, trong một bài xã luận mới nhất, cũng đồng tình với diễn đàn truyền thông Bloomberg khi gọi đích danh những diễn biến vừa rồi là một vụ tàn sát thực sự ở Mỹ (The real American carnage).

Một Hoa Kỳ bệnh hoạn vì súng ống

BM
  
Bài xã luận này cho rằng nước Mỹ ngày nay đang mắc bệnh, và đang biến chứng thành bệnh nặng hơn.

Nó đang bệnh vì lòng thù hận, bệnh với lòng điên cuồng, bệnh với cái tính muốn biểu dương đầu ốc vũ phu một cách lệch lạc, bệnh với tinh thần cực đoan được thúc đẩy bởi mạng lưới thông tin Internet và tự mình cô lập trong xã hội. Nó đang bệnh vì chủ thuyết kỳ thị mầu da, bệnh vì những điều được phát tán trên các trang mạng thông tin xã hội chuyên bơm vào nó những định kiến lâu đời và sai lầm nhưng giờ đây lại được hồi sinh trở lại.

Và dĩ nhiên nước Mỹ ngày nay đang bệnh vì súng ống.

Trong một nghĩa nào đó, hai vụ nổ súng thảm sát lớn diễn ra trong vòng có hơn 16 tiếng đồng hồ vào cuối tuần qua không cung cấp thêm những thông tin nào mà chúng ta đã không biết đến: Đó là người Mỹ đang đứng giữa một sự bùng nổ vì bạo lực súng ống diễn ra trên toàn quốc, mà phần lớn được gây ra bởi những thanh niên Mỹ trắng.

BM
  
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay, đã có 125 người bị thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương trong 22 vụ nổ súng lớn xảy ra tại Hoa Kỳ, nhưng hệ thống chính trị tại quốc gia này vẫn tiếp tục bất lực để đối phó và chưa đưa ra những biện pháp thực tiễn và hữu hiệu để giảm bớt việc nhiều người, nhất là những thành phần đáng nghi ngờ, có thể có khả năng sở hữu súng ống và đạn dược, nhất là những loại súng liên thanh có sức giết người hàng loạt trong chớp mắt.

Chúng ta cần phải có những đạo luật ngăn cấm việc sở hữu những loại súng tiểu liên loại tấn công với những băng đạn lớn có khả năng chứa hàng chục viên đạn; chúng ta phải thiết lập những luật lệ thống nhất nhằm kiểm soát lý lịch của những người muốn mua súng ống, cũng như loại trừ luật lệ đặc miễn cho kỹ nghệ súng ống không phải bị truy tố và chịu trách nhiệm về những tai hại gây ra từ sản phẩm của họ là những thứ vũ khí được cung ứng trên thị trường. Thế nhưng ngay cả một cố gắng nhỏ nhoi và khiêm nhường nhằm siết chặt hơn nữa việc kiểm tra lý lịch của người mua súng ống cũng còn bị mắc kẹt để không được thông qua tại diễn đàn Thượng Viện khi mà phe Cộng Hoà vẫn đang nắm quyền.

BM
  
Nhưng những vụ nổ súng mới nhất đã cho thấy một cách rõ ràng rằng súng ống quả tình là một mối hiểm hoạ chết người, nhưng đồng thời cái tình trạng bệnh hoạn trong xã hội nước Mỹ cần phải giải quyết hiện nay quả tình là rất rắc rối và sâu xa.

Những vụ thảm sát lớn bằng súng ống tại Hoa Kỳ, đau đớn thay, cũng là những tội ác do lòng thù hận, vốn là điều mọi người khó lòng chấp nhận được. Chẳng hạn như hung thủ vụ thảm sát mới nhất tại El Paso, đã để lại một bản tuyên ngôn dài 4 trang đầy lòng thù hận nhắm vào khối di dân gốc Mễ, và vì thế nên vụ nổ súng này đang được điều tra như là một vụ tội ác do lòng thù hận. Trong vụ nổ súng tại một ngôi đền Do-thái-giáo ở Pittsburg vào mùa thu năm ngoái, hung thủ cũng là người đã tung lên mạng Internet những lời lẽ chống đối người Do Thái. Trong vụ nổ súng tại hộp đêm Pulse ở Orlando vào năm 2016, hung thủ cũng nhắm sự thù hận của mình đối với những người thuộc giới đồng tính. Vào năm 2015, hung thủ Dylan Roof cũng chỉ nhắm vào những người da đen khi nhẫn tâm bắn chết họ tại một nhà thờ ở Charleston, North Carolina trong lúc họ chỉ đang làm một công việc hết sức thánh thiện và gương mẫu là đọc Kinh Thánh.

BM
  
Nạn nhân nhắm đến của những hung thủ tàn ác này có thể khác nhau, nhưng rõ ràng là não trạng bệnh hoạn của những kẻ nổ súng này đều có điểm tương đồng. Đó là những kẻ chỉ muốn đổ tội một cách vô lối và tìm những nạn nhân làm “dê tế thần” để trả thù cho những điều mà bọn chúng nghĩ rằng đã gây ra cho tình trạng xuống cấp của chúng trong bậc thang kinh tế và xã hội hiện nay.

Trong nhiều trường hợp, dường như những hung thủ này đã tìm được sự hỗ trợ từ những chủ thuyết đầy độc hại được phát tán trên mạng Internet ngày nay, một điều khó xảy ra vào mấy thập niên về trước. Dĩ nhiên, không ai có thể nói mạng Internet đã sáng chế ra lòng thù hận, nhưng quả tình là nó đã trở thành một cái nơi thuận tiện nhất để nuôi dưỡng và sản sinh ra lòng thù hận. Những mô hình và công thức của những người sáng chế và điều hành đã khiến cho những người sử dụng Internet có thể dễ dàng tiến sâu hơn vào nhiều trang thông tin từ những nguồn xa xôi ít ai biết đến nhưng chứa đầy những tin tức khơi dậy sự thù hận và đố kỵ.

Nếu như bạn muốn thù ghét một người nào đó, bạn chỉ cần lên YouTube và Facebook và bấm vào một vài chữ nào đó thì nó sẽ hiện ra một lô những thông tin bất lợi về người mà bạn đang muốn tìm (cho dù là mức độ trung thực của những thông tin đó là điều cần phải xét lại).

BM
  
Nói cho cùng, không phải chỉ có một khẩu súng và những viên đạn mà nó có thể biến những nhà thờ, ngôi đền hay nơi thờ phượng, hay những khu siêu thị hoặc tụ điểm vui chơi, hoặc ngay cả các trường học bỗng nhiên trở thành những chiến trường đẫm máu. Nó cần phải có thêm cái yếu tố tinh thần đáng kể, đó là khi người ta đã coi sinh mạng con người là quá rẻ nên người ta sẵn sàng tìm đủ cách để bắn gục họ; hoặc là khi họ coi những người khác với họ qua mầu da, tôn giáo hoặc nguồn gốc là họ tự nghĩ rằng những người đó không thể sánh ngang hàng, và vì thế nên họ không ngần ngại nã súng tiêu diệt hàng loạt không chút nương tay. Và đối với nhiều hung thủ điên cuồng đó, việc họ sẵn sàng lao đầu vào các hành động tàn nhẫn này có thể xảy ra khá nhanh sau khi họ đã tham dự vào những trao đổi và tìm hiểu về các trang mạng thông tin cùng khuynh hướng để lấy thêm niềm tin và sự cổ võ.

BM
  
Điển hình là trường hợp của hung thủ tại El Paso, đã thú nhận rằng anh ta hoàn toàn đồng tình với một hung thủ trước đây đã nổ súng giết người hàng loạt tại một ngôi đền Hồi-giáo ở nước Tân Tây Lan. Mà kẻ giết người này cũng chính là người đã bầy tỏ sự ủng hộ với một sát thủ khác người Na Uy có đầu óc kỳ thị di dân. Những mối liên hệ và đồng tình như trên đã và đang diễn ra trên khắp toàn cầu của những người cũng còn mang nặng trong đầu tinh thần “da trắng thượng đẳng”, hoặc là những kẻ bất mãn vô lối và luôn đi tìm những kẻ đồng hành trên những trang mạng riêng biệt như “8chan” hoặc ngay cả những mạng thông tin lớn như Twitter.

Sự kiện tinh thần biến thái theo chiều hướng quá khích từ Internet giờ đây đã trở thành một biến cố được nghiên cứu khá sâu rộng, nhất là những sự kiện liên quan đến những thành phần quá khích Hồi-giáo. Tuy nhiên, theo cơ quan điều tra liên bang là FBI, giờ đây mối hiểm hoạ lớn nhất về khủng bố đối với người dân và nước Mỹ sau biến cố kinh hoàng 9/11 không phải đến từ những phần tử Hồi-giáo mà từ những người Mỹ da trắng khác.

BM
  
Theo lời của Christopher Wray, Tổng giám đốc FBI, trong một cuộc điều trần trước Quốc Hội Mỹ, bạo loạn do người “da trắng thượng đẳng” là một vấn nạn đang thấm nhập (pervasive problem) và đa số các vụ bắt giữ các nghi can về khủng bố nội địa kể từ tháng Mười năm ngoái đều liên hệ đến những phần tử “da trắng thượng đẳng”. Có lẽ vì vậy mà cơ quan FBI, và nhiều cơ quan công lực thẩm quyền khác, cần phải đặt ưu tiên lớn vào vấn nạn bạo lực từ phía những kẻ da trắng bạch chủng vốn là điều mọi người đều quan tâm đến.

Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan công lực gần như bị giới hạn trong khả năng đối phó của mình. Họ chỉ có thể can thiệp và phá vỡ những âm mưu hoặc hành động của các nhóm đầy lòng thù hận này mỗi khi chúng bước qua một cái lằn ranh để được coi là thật sự phạm pháp như khiêu khích cho các hành động bạo lực. Và các nhân viên công lực cũng chỉ có thể áp dụng những biện pháp kiểm soát chặt chẽ chuyện sở hữu và sử dụng súng ống tuỳ theo những đạo luật mạnh mẽ mà Quốc Hội đồng ý thông qua.

Tuy nhiên nước Mỹ ngày nay cần có thêm nhiều điều hơn là những gì đang được bảo vệ bởi cơ quan FBI. Bởi vì nói cho cùng, những gì đang diễn ra trên các trang mạng cổ súy lòng thù hận như “8chan” đều không được coi là phi pháp; và hơn thế nữa nó còn được bảo vệ bởi Đệ Nhất Tu Chính Án là quyền tự do ngôn luận. Vì thế nên người dân và chính quyền Hoa Kỳ cần phải có một chiến lược toàn quốc chặt chẽ để đánh tan lòng thù hận, đồng thời làm giảm bớt tình hình căng thẳng của không khí phân hoá và chia rẽ sâu đậm hiện nay trên chính trường, và từ đó mới chọc thủng được cái màng lưới của những cộng đồng trên mạng đang nuôi dưỡng tinh thần thù hận.

BM
  
Việc tranh luận một cách thẳng thắn về những phương cách để chữa trị những chứng bệnh nguy hiểm kể trên chắc chắn sẽ dẫn đến những câu hỏi nhức nhối khiến cho nhiều tập đoàn thế lực và chính trị gia sẽ phải lúng túng hoặc khó chịu. Chẳng hạn như với kỹ nghệ tin học và kỹ thuật cao tại Silicon Valley, sự giận dữ và bực tức của người dân lại trở thành một điều lợi vì nó giúp cho nhiều người càng tiếp tục bấm nhiều nút trên máy điện toán để dấn mình sâu hơn trong những cuộc truy tìm những nguồn xuất xứ có nội dung thích hợp cho mình, nhưng giúp cho trang mạng này có được nhiều người hơn tìm tòi. Rồi những đại công ty sản xuất súng ống bao giờ cũng được hưởng lợi mỗi khi đa số người dân cảm thấy tình trạng bất an (và sẽ thích nghĩ đến việc đi tìm mua súng).

Rồi đến các chính trị gia và các nhà dân cử, đặc biệt là với TT Trump, phần đông họ đều cảm thấy được hưởng lợi mỗi khi tinh thần thù hận tăng cao, miễn là nó không đến nổi vượt qua lằn ranh cho phép để trở thành tội phạm. Bởi vì khi người dân Mỹ cảm thấy bực tức và nổi giận về những chuyện gì đó (dù là bực tức và nổi giận sai trái và vô cớ) thì họ sẽ dễ dàng và hăng hái đi đến thùng phiếu để bầu cho những ứng cử viên nào đã biết ra đưa ra những lời lẽ mị dân “gãi đúng chỗ ngứa” của họ. Có nghĩa là các chính trị gia đó sẽ khích động để cử tri hăng hái quyền bầy tỏ sự tức giận đối với khối di dân, miễn là đừng có tức giận quá mức đến nỗi sẵn sàng sách xe chạy hơn 600 dặm để đến một siêu thị tại El Paso và nã súng bắn hàng loạt vào những người gốc Mễ.

BM
  
Quả tình là việc được sở hữu và sử dụng súng ống một cách quá dễ dãi, cộng thêm với việc cũng được dễ dàng tiếp nhận những thông tin và tuyên truyền đầy lòng thù hận trên các trang mạng thông tin ngày nay, giờ đây đã trở thành một cơn ác mộng cho nước Mỹ.

Để kết luận, ban chủ biên của tờ The Boston Globe cho rằng những chứng bệnh đều có thể được chữa khỏi. Dĩ nhiên cũng có những căn bệnh trở thành nguy hiểm chết người. Chỉ trong một cuối tuần vừa qua đã có 32 người bị thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương vì lòng thù hận được hỗ trợ bằng phương tiện súng ống. Người ta tự hỏi là sẽ còn có bao nhiêu người khác nữa sẽ phải chết oan uổng trước khi chúng ta phải đối diện với hai vấn nạn kể trên đang mỗi ngày trở nên hai bộ mặt khác nhau của một đồng tiền thấm đầy máu?



Mai Loan
***

Mê súng đạn là vấn nạn của nước Mỹ

BM

·         Năm 1984 một người đàn ông xả súng giết chết 21 người trong tiệm McDonald ở San Diego, California.



BM

Tham vọng của các mạng xã hội Việt Nam thay thế Facebook
Những người tại Florida nêu lý do muốn Trump thắng cử 2020
Có nên dùng cách nghiên cứu của Đức Quốc Xã nếu cứu được người?
LS người Mỹ gốc Việt nói gì về quy định nhập cư mới
Trump hy vọng tình hình tại Hong Kong kết cục ‘vì tự do’
Hình ảnh hỗn loạn tại sân bay ở Hong Kong
Hàng không mẫu hạm Mỹ vô địch
Sex và tình báo Xô Viết
Sử dụng kem chống nắng có an toàn không ?
CNXH quái thai buộc Donald Trump phải xuống tay “Dứt nọc”
Vì sao tôi dịch hết các tweets của ông Trump ra tiếng Trung?
Đà Lạt biến thành sông do nhà kính phủ trắng đồi ?
Mẹo lừa hữu hiệu khiến người khác làm theo ý mình
Ông lão nghèo in tiền giả khiến mật vụ Mỹ ‘đau đầu’ suốt 10 năm
Tiểu sử tỷ phú Hoàng Kiều
Hiện tượng tỷ phú Hoàng Kiều
Săn trộm voi để lột da _ Mối nguy lớn nhất cho voi châu Á
TC trên không gian mạng: 'Vành đai, Con đường'
Bộ mặt thật mà TC muốn che giấu đã bị Trump lột trần
Thương chiến Mỹ-Trung: 'Chúng ta đều phải trả giá'

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.