Da voi được buôn bán công khai ở Myanmar và Trung cộng
Cảnh báo: Nội dung có những hình ảnh phản cảm.
"Tôi cảm giác như bị thụi vào bụng, và không thể chịu được khi nhìn vào các tấm hình. Tôi lần đầu tiên trong đời có cảm giác mình thật vô dụng," Christy Williams, Giám đốc Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên tại Myanma, nói.
Ông đang nói về cảm giác khi nhìn thấy những tấm ảnh chụp một con voi bị lột da toàn bộ.
"Da bị lấy đi toàn bộ và tất cả những gì bạn nhìn thấy là khối xương thịt đỏ hồng đang thối rữa," ông nói.
"Tôi đã chứng kiến nhiều cảnh kinh hoàng trong 20 năm làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu và bảo tồn voi, nhưng chuyện này đã lên một mức hoàn toàn khác."
Bằng chứng
Nạn săn trộm voi để lấy ngà và nạn phá rừng là hai lý do chính khiến số lượng voi suy giảm mạnh.
Nhưng làn sóng đột ngột tăng về nhu cầu da voi đang trở thành mối đe dọa mới đối với voi châu Á.
Sản phẩm được làm bằng cách giết động vật có nguy cơ tuyệt chủng, bao gồm cả voi, đang được bán ở Myanmar
Nhiều bằng chứng cho thấy tình trạng buôn bán mặt hàng này đã có ở Trung cộng từ giữa thập niên 1990, nhưng nay thì Trung cộng không còn là quốc gia duy nhất nơi người ta muốn mua các sản phẩm làm từ da voi.
"Việc buôn bán các sản phẩm làm từ da voi đang lan ra toàn khu vực. Chúng tôi tìm thấy các bằng chứng buôn bán da voi ở năm quốc gia châu Á, gồm Trung cộng, Myanmar, Lào, Việt Nam và Campuchia," ông David M. Augeri, người đứng đầu bộ phận bảo tồn của tổ chức NGO có trụ sở tại Anh, chuyên bảo vệ voi Elephant Family, nói.
Điều gì khiến nhu cầu gia tăng?
Làm thuốc
Da voi tán thành bột được dùng làm thuốc ở Trung cộng.
Các sản phẩm làm từ da voi được bán như thần dược chữa các bệnh ung bướu, viêm dạ dày, thậm chí ung thư dạ dày.
Bột tán từ da voi cũng được đem trộn với mỡ voi để làm ra một sản phẩm kem, được cho là có tác dụng chữa viêm nhiễm da.
Ngành công nghiệp thời trang cũng dùng da voi để làm các vật lưu niệm.
Da voi đôi khi được dùng để làm chuỗi hạt đeo tay, đeo cổ, và các miếng da voi cắt hình vuông được làm thành hoa tai.
Tàn sát
Voi đang bị săn bắn bừa bãi tại Myanmar để đáp ứng các nhu cầu trên.
Nhu cầu tiêu thụ da voi đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với voi hoang dã ở Myanmar
"Voi thường bị bắn bằng mũi tên tẩm độc và con vật bị đau đớn nhiều ngày mới chết. Tới lúc đó, thuốc độc đã lan ngấm tới từng ngóc ngách cơ thể voi," Christy Williams nói.
"Cũng có những trường hợp voi bị liệt nhưng vẫn chưa chết mà người ta đã bắt đầu lột da.
Từng tấc da đều được tỉ mỉ lột ra, gần như là với kỹ năng phẫu thuật vậy."
Nhóm vận động bảo vệ voi, Elephant Family, phát hiện ra rằng những kẻ buôn bán sản phẩm đang đem trộn bột da voi với vảy tê tê rồi đem bán như một loại thuốc trị bệnh truyền thống.
Bị đe dọa khẩn nguy
Voi có ở 13 quốc gia tại Á châu. Tổng số voi trong đời sống hoang dã hiện còn chưa tới 50.000 cá thể, trong đó riêng ở Ấn Độ chiếm tới gần 60%.
Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã đưa voi Á châu vào danh sách loài bị đe dọa nguy cấp, cần được bảo vệ.
Khác với giống voi châu Phi họ hàng vốn to lớn hơn, voi cái châu Á thì không có ngà.
Bởi không có ngà, nên nạn săn trộm để lấy ngà không đe dọa tới voi cái và voi con. Tuy nhiên, nạn săn voi lấy da thì có.
"Tình trạng săn trộm voi lấy da diễn ra bừa bãi, không phân biệt gì hết. Nó ảnh hưởng tới cả voi đực, voi cái lẫn voi con. Điều rất quan trọng là phải nhận thức được rằng tác động của nạn săn voi lấy da, thịt sẽ tác động rộng lớn hơn tới voi nói chung chứ không chỉ hạn hẹp như nạn săn voi lấy ngà," ông Peter Leimgruber, giám đốc Viện Bảo tồn Sinh học Smithsonia, nói.
Nhu cầu
Tại Myanma, các số liệu chính thức nói ít nhất 207 con voi đã bị giết trong thời gian từ 2010 đến 2018.
Các chuyên gia nói cần ngăn chặn tình trạng săn trộm voi để bảo vệ loài này khỏi nguy cơ tuyệt chủng
Đây là một con số rất lớn, nếu so với số liệu mà Elephant Family ước tính là hiện chỉ còn khoảng 2.000 con voi ở Myanmar.
"Nạn săn trộm đã trở thành vấn đề ngày càng gia tăng kể từ 2010 tới nay," Tiến sĩ Nyi Nyi Kyaw, tổng giám đốc Ban Lâm nghiệp Myanmar nói.
Tổng số voi hoang dã tại Myanmar đã giảm từ 10 ngàn con hồi thập niên 1940 xuống mức hiện nay, và nay chúng đang bị săn bắn chủ yếu để lấy da.
"Ngày nay, người ta có nhu cầu sử dụng đối với cả cơ thể con voi, đặc biệt là bởi ở Trung cộng họ muốn mua để làm thuốc. Da được dùng làm các đồ lưu niệm như các hạt làm vòng đeo tay, đeo cổ. Thịt cũng được dùng cho nhiều mục đích. Bởi nhu cầu thị trường cao cho nên voi đang bị giết hại bất hợp pháp," Tiến sĩ Kyaw nói.
Giới chức Myanmar nói bây giờ thị trường đang có nhu cầu đối với mọi bộ phận cơ thể voi
"Xác voi được tìm thấy đều đã bị lột da hoặc bị đem thiêu đốt."
Các nhà nghiên cứu từ Viện Smithsonia đã gắn vòng đeo cổ phát sóng vô tuyến điện vào 19 con voi để theo dõi di chuyển của chúng tại Myanmar. Nhưng từ 3/2015 đến 6/2017, họ thấy rằng bảy con đã bị giết chết, còn hai con mất tích.
Hơn nữa, trong 3/2017, các nhà nghiên cứu phát hiện ra xác của 20 con voi chỉ ở tại một địa điểm thuộc vùng Đồng bằng Ayeyarwady. Điều này khiến các nhà bảo tồn lo sợ rằng nạn săn trộm voi chưa được báo cáo đầy đủ.
Việt Nam
Vào năm 2013, kiểm lâm ở miền trung Việt Nam phát hiện ra một con voi đã bị lột da hoàn toàn tại huyện Minh Hóa, làm dấy lên quan ngại là loài voi có thể đang bị đe dọa tại đây.
Tổng số voi hoang dã ở Việt Nam hiện chỉ còn khoảng 100 con.
Con voi này bị lột da hoàn toàn, được phát hiện tại Việt Nam
Trung cộng, trước đây từng bị quy trách nhiệm về việc không chịu làm gì để chặn tình trạng buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm hoang dã, đã bắt đầu áp dụng các hạn chế.
Nhưng những kẻ buôn bán nay chuyển sang hoạt động trên mạng.
"Tuy việc mua bán tại chỗ giảm xuống, nhưng thị trường trên internet lại tăng. Điều này rất khó kiểm soát và triệt phá," David M. Augeri nói.
Các nhà nghiên cứu nói việc chi trả được thực hiện thông qua chuyển khoản hoặc qua các ứng dụng thanh toán trực tuyến.
Kinh doanh
"Da voi không có giá như ngà, nhưng thế giới thời trang thì lại có nhu cầu riêng. Nếu như đột ngột có nhu cầu thì điều đó sẽ gây bất lợi cho voi," Sandeep Kumar Tiwari, giám đốc chương trình bảo vệ voi châu Á tại IUCN, nói.
A vendor shows an elephant tail at the traditional medicine in Mon State, Myanmar
Các nhà nghiên cứu từ Elephant Family phát hiện ra rằng các lái buôn từ Myanmar bán da voi với giá 108 đô la Mỹ một kí lô.
Tại thành phố Quảng Châu, Trung cộng, gần với Hong Kong, một kg da voi có thể bán với giá khoảng 200 đô la, nhưng giá được rao bán trên mạng có thể lên tới 285 đô la.
Các loại hạt cao cấp được làm từ da voi được bá với giá tới 32 đô la một gram.
Cảnh báo khẩn cấp
Có những lo sợ rằng các mức giá cao ngất ngưởng này sẽ khiến nhu cầu đối với da voi sẽ càng tăng, dẫn tới nguy cơ thảm họa cho loài động vật này.
Một số biện pháp đang được thực hiện - Myanmar đã theo chân Trung cộng và bắt đầu triệt phá ngành kinh doanh đang có xu hướng bùng nổ này.
Voi cái châu Á không có ngà cho nên không bị bọn săn trộm voi lấy ngà rình rập
Cảnh sát nước này gần đây đã bắt năm kẻ săn trộm voi, cùng lúc thu giữ thịt voi từ những kẻ này.
Tuy nhiên, bất chấp các hành động từ Myanmar và Trung cộng, các nhóm vận động và các nhà bảo tồn đời sống hoang dã nói rằng như vậy vẫn là chưa đủ, và giới chức cần hành động mạnh mẽ hơn nữa.
Elephant Family tin rằng việc kinh doanh da voi là mối đe dọa nghiêm trọng đối với số lượng loài động vật vốn đã trong tình trạng mong manh này. "Nếu việc này tiếp tục leo thang thì voi Á châu trong đời sống hoang dã sẽ nhanh chóng trở thành tuyệt chủng."
Tổ chức này tin rằng chỉ bằng việc hành động ngay lập tức của cộng đồng bảo tồn quốc tế và các lực lượng chấp pháp thì cuộc khủng hoảng này mới được ngăn chặn.
Swaminathan Natarajan
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.