Một số nước có thể muốn tách ra và xây dựng cơ sở hạ tầng riêng, độc lập với internet phương Tây
Danh sách các quốc gia thấy có nhu cầu phải kiểm soát internet độc tài hơn có chiều hướng ngày càng dài thêm.
Không phải nước nào cũng có chủ ý rõ ràng trong việc chọn đứng hẳn vào hoặc là nhóm muốn có "internet cởi mở" hoặc là nhóm "độc tài đàn áp", kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng internet ở trong nước mình.
Chẳng hạn như Israel thì rơi vào giữa hai thái cực này, như Morgus và các cộng sự của ông, Jocelyn Woolbright và Justin Sherman, đã nêu ra trong một bài báo đăng năm ngoái.
Họ thấy rằng trong bốn năm qua, các quốc gia còn đang dao động trong vấn đề kiểm soát mạng, trong đó đang kể là Israel, Singapore, Brazil, Ukraine và Ấn Độ, đã ngày càng ngả theo hướng cần bảo vệ chủ quyền trên không gian mạng và áp dụng cách tiếp cận thông tin có kiểm soát.
Lý do cho sự chuyển hướng này rất đa dạng, song một số quốc gia có chung tình huống: Ukraine, Israel và Hàn Quốc, vốn đều trong tình thế có xung đột kéo dài, nhận ra kẻ thù của họ dùng internet làm vũ khí chống đối.
Một số chuyên gia thấy rằng việc sử dụng internet được chiến lược hóa - đặc biệt là mạng xã hội - đã trở nên chiến tranh mạng.
Nga và Trung cộng bắt đầu công khai nói về "mạng Internet có chủ quyền" vào khoảng năm 2011- 2012, là lúc "mùa đông biểu tình" kéo dài hai năm của Nga bắt đầu nổ ra, và cũng là lúc xảy ra các cuộc cách mạng dựa vào sức mạnh internet, làm rung chuyển các chế độ độc tài toàn trị khác.
Đây hiện đang là hai nước đi đầu trong việc tìm cách kiểm soát, kiểm duyệt không gian mạng, mỗi nước theo một mô hình riêng đặc trưng của mình.
Nhưng những quốc gia này có thể sao chép mô hình Trung cộng hay Nga không?
Sáng kiến 'Vành đai, Con đường'
Một số người cho rằng các công việc đang được triển khai nhằm đặt nền tảng cho Sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung cộng, dự án được gọi là "con đường tơ lụa Thế kỷ 21", kết nối châu Á với châu Âu và châu Phi bằng cách xây dựng một mạng lưới rộng lớn các hành lang đường bộ, đường biển và cơ sở hạ tầng viễn thông ở các quốc gia như Tajikistan, Djibouti và Zimbabwe.
Theo ước tính của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại London, Trung cộng hiện đang tham gia vào khoảng 80 dự án viễn thông trên khắp thế giới - từ đặt cáp đến xây dựng mạng lưới cơ bản ở các quốc gia khác, góp phần vào một mạng lưới toàn cầu thuộc sở hữu của Trung cộng đang ngày càng phát triển và đóng vai trò quan trọng.
"Có thể có một yếu tố cơ sở hạ tầng rất quan trọng đối với các kế hoạch này," Sim Tack, nhà phân tích từng làm việc với Jane, nay đang làm với nhóm tình báo Stratfor nói.
Một kịch bản có thể xảy ra là nếu như có đủ nước cùng tham gia với Nga và Trung cộng để phát triển một cơ sở hạ tầng tương tự ở mức các nước trong nhóm có thể duy trì quan hệ kinh tế bền vững với nhau mà không cần phải làm ăn gì với phần còn lại của thế giới, thì họ sẽ đủ khả năng tự ngắt kết nối với internet của phương Tây.
Các nước nhỏ có lẽ ưa thích kiểu internet được xây dựng theo tiêu chuẩn phi phương Tây, và cơ sở hạ tầng kinh tế được xây dựng xoay quanh Trung cộng có thể là "con đường thứ ba", cho phép các nước tham dự vào nền kinh tế bán toàn cầu trong lúc vẫn có thể kiểm soát một số khía cạnh nhất định trong cách sử dụng internet của người dân.
Tuy nhiên, Tack cũng cho rằng một nền kinh tế tự cung tự cấp, tự bền vững và không cần kết nối internet như vậy về lý thuyết là có thể nhưng trong thực tế cực kỳ khó xảy ra."
Bà Maria Farrell thuộc tổ chức vận động bảo vệ tự do internet, nhóm Open Rights Group, cho rằng đó không phải là điều vượt quá tầm tay, tuy rằng môt mạng internet riêng rẽ có thể sẽ có một hình thức hơi khác so với hiện nay.
Bà nói rằng Sáng kiến Vành đai, Con đường cung cấp một mạng internet tiện dụng kiểu dùng được ngay, qua đó lần đầu tiên cho phép các nước còn đang lưỡng lự cơ hội kết nối trực tuyến mà không phải phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng internet phương Tây.
"Những gì Trung cộng đã làm được là tập hợp thành cả một bộ, không chỉ công nghệ mà gồm cả các hệ thống thông tin, đào tạo kiểm duyệt và luật pháp để giám sát internet," bà Maria nói. "Đó thực sự là một bộ công cụ đầy đủ, gồm từ luật pháp đến đào tạo, để triển khai một phiên bản Internet kiểu Trung cộng."
Và nó đang được bán như một lựa chọn thay thế đáng tin cậy cho mạng internet phương Tây mà chúng ta ngày càng cảm thấy tính chất "mở" chỉ còn nằm trong cái tên mà thôi.
"Các quốc gia khác như Zimbabwe, Djibouti và Uganda không muốn tham gia một mạng internet nếu đó chỉ là cửa ngõ để người dùng đến với Google và Facebook", xâm chiếm không gian kỹ thuật số của nước họ, bà nói.
Những nước này cũng không muốn hoan nghênh sự "cởi mở" do internet phương Tây đem đến; họ chỉ thấy chính phủ nước mình bị gián điệp phá hoại. Cùng với các chuyên gia khác được phỏng vấn cho bài viết này, Farrell lặp đi lặp lại rằng thật là thiếu khôn ngoan tới mức nào nếu như chúng ta coi nhẹ những âm hưởng vẫn đang diễn ra liên quan tới các tiết lộ trong vụ Snowden, đặc biệt là về tầm mức tác động của chúng khiến các nước đang dao động càng trở nên dao động hơn trong việc đặt niềm tin vào mạng internet 'mở'.
"Đặc biệt là với các nước nghèo, điều đó khiến họ đột nhiên cảm thấy vô cùng kinh sợ," bà nói. "Nó cho thấy những gì chúng ta nghi ngờ thì hoá ra đều là thật cả."
Cũng giống như việc Nga đang nỗ lực cải tiến DNS, thứ internet toàn trị có thể sử dụng được ngay của Sáng kiến Vành Đai, Con Đường sẽ cho phép các nước tham gia đăng ký tiếp cận được vào các giao thức internet của Trung cộng.
"TCP / IP không phải là một tiêu chuẩn tĩnh," David Conrad, giám đốc công nghệ của Tập đoàn Quốc tế Cấp Số và Tên miền (International Corporation of Assigned Names and Numbers - ICANN) chịu trách nhiệm phân phối và giám sát các tên miền cấp cao và điều hành các hệ thống tên miền gốc DNS, nhấn mạnh. "Mọi thứ luôn tiến hoá. Không có cái gì trên internet là bất di bất dịch cả."
Song đó là sự tiến hoá thận trọng và từ từ, dựa trên sự đồng thuận toàn cầu về một mạng internet duy nhất. Nếu như điều đó thay đổi, TCP / IP có thể phải phân nhánh, Morgus nói.
Trong hơn một thập niên, Trung cộng và Nga đã thúc đẩy cộng đồng mạng chấp nhận giao thức hoạt động theo hướng có khả năng nhận dạng cao hơn hơn, Farrell nói thêm, là sự phát triển không gây ngạc nhiên cho bất kỳ ai quen thuộc với việc giới chức áp dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt để theo dõi người dân trong đời sống thực.
Lây nhiễm phương Tây
Nhưng có lẽ các nước độc tài có ít việc phải làm hơn họ tưởng.
"Ngày càng có nhiều nước phương Tây đang buộc phải xem xét về ý nghĩa của chủ quyền quốc gia trên internet," Tack nói.
Trong làn sóng cố ý tác động vào kết quả bầu cử gần đây và thực tế được ghi nhận đầy đủ về việc chính phủ Nga cố ý gieo rắc bất hoà trên mạng xã hội phương Tây, các nhà hoạch định chính sách phương Tây đã thức tỉnh với ý nghĩ rằng một mạng internet cởi mở và tự do thực ra có thể gây hại cho chính nền dân chủ, Morgus nói.
"Sự trỗi dậy song song của chủ nghĩa dân túy ở Hoa Kỳ và các nơi khác cùng với những lo ngại về sự sụp đổ của trật tự dân chủ quốc tế đã khiến cho nhiều nước có truyền thống lãnh ấn tiên phong cổ súy cho mạng internet cởi mở đã rút lui vào vỏ ốc của họ."
Các mối đe dọa đối với "internet mở" tiếp tục gây ra những tranh luận kịch liệt- nhưng một số chuyên gia tin rằng thay đổi là chuyện không thể tránh khỏi
"Đây không phải là chuyện nước nào tốt, nước nào xấu, mà là chuyện về các nước muốn cấm đoán tự do thông tin," Milton Mueller, người điều hành Dự án Quản trị Internet tại Đại học Georgia Tech University ở Atlanta nói. "Điều tồi tệ nhất mà tôi đã thấy gần đây là dự luật của Anh về tác hại trực tuyến."
Bản bạch thư này đề xuất việc thành lập một cơ quan quản lý độc lập, được giao nhiệm vụ thiết lập các thông lệ tốt để các nền tảng internet chấp hành và trừng phạt những ai không tuân thủ.
Những "thông lệ tốt" này đặt giới hạn cho những loại thông tin vốn đã trở nên quen thuộc với bất kỳ ai cập nhật luật pháp về internet gần đây của Nga: đăng hình ảnh, thông tin khiêu dâm để báo thù, các tội liên quan tới truyền bá tư tưởng thù hận, quấy nhiễu và bỉ bôi, các nội dung do tù nhân đăng tải, và thông tin sai.
Thật sự thì rất có thể là các công ty đa quốc gia mà các nước đang còn lưỡng lự cảm thấy sợ hãi lại đang rất háo hức muốn giúp các nước đó đạt được mục tiêu về chủ quyền thông tin.
Gần đây, Facebook đã phải chịu đầu hàng trước áp lực ngày càng gia tăng bằng việc kêu gọi chính phủ phải có quy định cụ thể nhằm xác định rõ như thế nào là nội dung độc hại, bên cạnh các quy định khác: "phát biểu thù hận, tuyên truyền khủng bố và những thứ khác nữa."
Google thì nổi tiếng trong việc giành thị phần và chiếm lĩnh thị trường bằng cách cung cấp mạng internet mở ở phương Tây và công cụ tìm kiếm có kiểm duyệt ở phương Đông.
"Tôi cho rằng sẽ luôn có căng thẳng giữa những mong muốn nhằm hạn chế kiểm soát thông tin nhưng lại không hạn chế những lợi ích mà việc tự do thông tin có thể mang lại," Conrad nói.
Một mạng internet riêng cho một số quốc gia, thiết lập chủ quyền qua trung gian Facebook cho những quốc gia khác: cho dù là biên giới thông tin được vẽ ra bởi các quốc gia riêng lẻ, bởi các liên minh hay các nền tảng internet toàn cầu, thì có một điều rõ ràng là "internet mở" mà những người sáng tạo ban đầu đã mơ về đã không còn tồn tại nữa.
"Đã từ lâu, Internet chẳng còn là một kết nối toàn cầu nữa rồi," bà Lazanski nói.
Sally Adee
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.