Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, Bắc Kinh trả đũa Donald Trump. Không để Trung cộng múa gậy vườn hoang tại châu Á, Mỹ gia tăng sức ép ngoại giao và quân sự tại Thái Bình dương. Liệu có một Thiên An Môn thứ hai tại Hồng Kông? Đó là những chủ đề nóng trên báo Pháp hôm nay.
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang
Khác với các đồng nghiệp, nhật báo Công Giáo La Croix nhấn mạnh đến yếu tố chiến lược trong xung khắc Mỹ-Trung : Trong cuộc mặc cả thương mại này, Bắc Kinh sử dụng vũ khí tiền tệ để mở rộng mặt trận kinh tế và địa chính trị, tựa lớn trên trang nhất.
Chính vì thế mà sự kiện được La Croix chú ý nhất là chuyến công du của tân bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Mark Esper và ngoại trưởng Mike Pompeo tại Thái Bình Dương. Washington đã tăng tốc trong cuộc chiến ngoại giao với Bắc Kinh. Tân bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ dành chuyến công du đầu tiên ở nước ngoài để đi thăm các đồng minh Thái Bình Dương, với mục đích không che dấu là “tăng cường sức mạnh trong khu vực, đối đầu với đe dọa quân sự của Trung cộng".
Bên cạnh những tuyên bố trấn an, “khẳng định cam kết bảo vệ an ninh cho đồng minh và các nước bạn”, là dự án triển khai vũ khí tại Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung cộng ngày càng mạnh. Cụ thể là Mỹ sẽ đưa tên lửa tầm trung có tầm bắn từ 500 km đến 5000 km đến châu Á. Theo François Godement, giám đốc Chương Trình Châu Á của Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Montaigne, một chuyên gia am tường tình hình Trung cộng, những động thái này chỉ là “bước đầu” trong chiến lược đáp trả có phối hợp của chính quyền Mỹ. Trong khi đó, Bắc Kinh mưu tính từ lâu, đã bố trí hàng ngàn tên lửa trên lãnh thổ Hoa lục, đã quân sự hóa Biển Đông sau khi đánh lừa, cam kết với tổng thống Obama là “sẽ không có ý đồ như thế”.
Tên lửa và chọn bạn
Song song với chuyến công du của chủ nhân mới Lầu Năm Góc, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến thăm và tuyên bố với các quốc đảo Marshall và Palaos là chỉ có những quốc gia dân chủ như Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản và những nền dân chủ khác tại châu Á, mới là “đối tác tốt nhất và đáng tin cậy nhất”.
Theo La Croix, nỗ lực ngoại giao của Mỹ trong những ngày qua rất ngoạn mục, nhưng phải chờ kết quả. Đồng minh Úc khéo léo từ chối tham gia “tự động” vào dự án tên lửa chống Trung cộng. Dù vậy, Bắc Kinh cũng nổi cơn thịnh nộ. Phó Thông, Vụ trưởng Vụ Kiểm Soát Vũ Khí, đe dọa “sẽ trả đũa”. Nhưng hiện giờ Bắc Kinh không nói dùng biện pháp gì.
Đồng tiền Trung cộng mất giá đưa đến những hệ quả nào và liệu cuộc chiến tranh này sẽ kéo dài ? Trả lời trên La Croix và Les Echos :
Đồng nhân dân tệ xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008
Theo Stephane Deo, kinh tế gia của Ngân hàng Postale Asset Management, nếu Trung cộng trả đũa các đòn tấn công của Mỹ bằng biện pháp mạnh Tài Chính Mỹ đã ghi Trung cộng và danh sách các nước “thao túng tiền tệ”, có nghĩa là chính quyền Trump có thêm nhiều biện pháp khả thi để trừng phạt Trung cộng.
Để ra khỏi vòng xoáy tấn công-phản công này, có khá nhiều giải pháp. Tuy nhiên, theo Les Echos, khó có thể tiên đoán là Mỹ và Trung cộng sẽ đạt được thỏa thuận hay không ? Mục tiêu thấy được là tái lập quân bình trong cán cân thương mại. Nhưng đâu phải chỉ có thế, Washington còn tố cáo Bắc Kinh một loạt hành động phi pháp khác, như “gián điệp kinh tế, đánh cắp phát minh, phân biệt đối xử với các công ty quốc tế đầu tư vào Hoa lục…”. Liệu chính quyền Trung cộng có chấp nhận nhượng bộ, tức là tuân thủ luật chơi quốc tế, để đạt được một hiệp ước thương mại với Mỹ hay không ? Nhật báo Công Giáo hoài nghi.
Cũng cùng nhận định này, Les Echos tỏ ra lạc quan hơn : Trung cộng vừa phủ nhận cáo buộc “thao túng tiền tệ” vừa không muốn để cho đồng tiền mất giá thêm, bởi vì sợ vốn đầu tư chạy ra nước ngoài. Có lẽ vì thế mà ngân hàng nhà nước Trung cộng vội vã can thiệp ủng hộ đồng tiền quốc gia và hệ quả là hầu hết sàn giao dịch trên thế giới tương đối phục hồi. Tương đối, bởi vì thị trường tài chính dự đoán Trung cộng sẽ để cho đồng tiền xuống giá ít nhất là 1% mỗi năm trong vòng 4 năm tới đây. Do vậy, không nên ngạc nhiên nếu thấy tổng thống Donald Trump tiếp tục đe dọa “những nước thao túng tiền tệ”.
Hồng Kông: Bắc Kinh gia tăng giọng điệu đe dọa, nhưng có dám để tái diễn một Thiên An Môn thứ hai ?
Giới phân tích xem đây chỉ là đòn chiến tranh tâm lý. Nhưng nếu hù dọa không xong thì đảng Cộng sản Trung cộng làm gì ?
Trong bài “Bắc Kinh gia tăng đe dọa Hồng Kông”, Le Monde nhắc lại tuyên bố của một viên chức Hoa lục, phát ngôn viên văn phòng đại diện ở Hồng Kông và Macao, hù dọa như sau : những kẻ đùa với lửa sẽ chết cháy vì lửa, và sẽ bị trừng phạt nặng nề.
Tuy nhiên, cho dù đã bị bắt giam đến 420 người biểu tình từ ngày 09/06 đến nay, phong trào dân chủ tại Hồng Kông không suy giảm. Cuối tuần qua, như mỗi cuối tuần, Hồng Kông biến thành vùng nổi dậy với 300.000 người chia làm 8 cuộc biểu tình, bắt đầu là ôn hoà, cho đến khi đụng độ với cảnh sát đàn áp.
Quy mô tranh đấu này làm cho Bắc Kinh và chính quyền địa phương lo ngại. Trong số các biểu ngữ có khẩu hiệu “Quang phục Hồng Kông”. Từ “quang phục” ngoài ý nghĩa “giải phóng” còn có thể hiểu là “tái chiếm lãnh thổ”. Lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho đây là tín hiệu “cách mạng lật đổ”. Thế nhưng, Le Monde khẳng định “không có một biểu ngữ nào kêu gọi độc lập trong các cuộc xuống đường”.
Trước thủ đoạn tuyên truyền của chính quyền, phong trào phản kháng quyết định phản công. Sáng ngày 06/09, lần đầu tiên ba thanh niên thuộc Diễn đàn thảo luận trên mạng LIHKG tổ chức họp báo. Đeo khẩu trang, đội mũ vàng, biểu tượng của phong trào bất bạo động, ba thanh niên đáp trả từng điểm cáo buộc của chính quyền và cảnh sát. Một lần nữa, họ nhắc lại các yêu sách chính yếu của phong trào : chính quyền Hồng Kông phải chính thức hủy bỏ dự luật dẫn độ, tổ chức phổ thông đầu phiếu bầu lãnh đạo hành pháp và lập ủy ban độc lập điều tra hành vi bạo lực của cảnh sát.
Còn theo nhận định của bà Chloé Froissart, chuyên gia về Trung cộng tại Hồng Kông, Bắc Kinh tỏ ra thiếu hiểu biết chính trị trong cách quản lý cuộc khủng hoảng hiện nay. Chính quyền Hồng Kông và chính quyền Hoa lục không hiểu gì về dân chủ, mà ý thức dân chủ này đã phát triển mạnh từ sau cách mạng Dù vàng 2014.
Khi gọi giới trẻ Hồng Kông là “kẻ thù của nhân dân”, cảnh sát Hồng Kông đã tự đánh mất uy tín trong lòng người dân địa phương và vô tình đặt phong trào chống luật dẫn độ vào thế thách thức chế độ. Khi đến mức này, Bắc Kinh lại dùng vũ khí khủng bố tinh thần, tung đoạn phim quân đội tập dợt chống biểu tình theo kịch bản đàn áp phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh 1989.
Theo chuyên gia Chloé Froissart, tại Hồng Kông, nhiều người xem nhẹ đe dọa của Hoa lục. Nhưng nếu vì lỡ đà, Bắc Kinh không lùi được thì sao ? Hồng Kông sẽ là Thiên An Môn thứ hai ?
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.