Tuesday, July 23, 2019

Khi ông Đại Sứ nói lời thẳng thắn

BM

Sự kiện Đại sứ Kim Darroch của Anh-quốc đã có những lời nhận định trong chốn riêng tư về TT Trump tuy có làm cho vị đương kim tổng thống rất tức giận, chưa kể là cũng có phần “quê xệ”, nhưng thật ra cũng chẳng phải là điều gì gây chấn động trên chính trường tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn.

Có thể nói không sai rằng nhận định của đại đa số các viên chức ngoại giao chuyên nghiệp và kỳ cựu làm việc tại Hoa Kỳ đều cho rằng quả tình TT Mỹ hiện nay không phải là một người có khả năng chuyên môn, lại thêm tính tự ty và tự ái cá nhân rất cao, đúng như lời phê bình của ông Darroch. Nói nào ngay, ngay cả vị ngoại trưởng Mỹ đầu tiên do ông Trump lựa chọn là Rex Tillerson cũng đã từng gọi vị sếp lớn của mình là một “tên ngu đần” (a moron). (Dĩ nhiên ông Tillerson cũng không thể nào sống lâu trong chính quyền và sau đó cũng đã bị TT Trump cách chức bằng một mẩu tin nhắn trên mạng Twitter sau khi chống chế rằng ông Tillerson có chỉ số thông minh kém hơn ông).

BM
  
Theo nhà báo Adam Taylor, trong một bài phân tích mới đây trên nhật báo Washington Post, thật ra nhiều viên chức ngoại giao từ lâu đã không ngần ngại chê bai các nhân vật lãnh đạo của các nước chủ nhà. Và trong một chừng mực nào đó, những lời chê bai này cũng rất chính xác và đáng được nể phục, như trường hợp của ông André Francois-Poncet, đại sứ của Pháp tại Đức-quốc vào năm 1935 khi ông cho rằng lãnh tụ Adolf Hitler là một người có tính “cố chấp, ngoan cố và đê tiện đến mức gần như điên cuồng”.

BM
Adolf Hitler & French Ambassador Andre Francois-Poncet

Tương tự như vậy, vào năm 2011, một loạt những công điện ngoại giao của Hoa Kỳ bị kẻ lạ lấy được và đem tiết lộ ra ngoài, trong đó có một đoạn phê bình đương kim Thủ tướng Silvio Berlusconi của nước Ý lúc bấy giờ là một người “rỗng tuếch, vô dụng và không có hiệu quả”.

Tuy ông Darroch đã quyết định nộp đơn xin từ chức sau khi vụ này bị tiết lộ, nhưng việc Bộ Ngoại Giao và Thủ tướng Theresa May của nước Anh đã nhất quyết lên tiếng bênh vực, nếu không muốn nói là ca ngợi việc làm của ông, cho thấy đó không phải là cái giá phải trả vì những lời phê bình nặng nề của ông đối với vị nguyên thủ quốc gia chủ nhà nơi ông phục vụ.

Vì là một viên chức chuyên nghiệp với nhiều thâm niên công vụ sau nhiều thập niên phục vụ trong ngành ngoại giao chứ không phải là một vị đại sứ được bổ nhiệm vì động cơ chính trị (được hiểu là thân thiện hay đã ủng hộ tài chính dồi dào cho vị đương kim tổng thống), có lẽ ông Darroch cũng dư khả năng sử dụng những ngôn từ ngoại giao chừng mực hơn, nhất là khi ông đã biết rõ TT Trump là một người rất nhạy cảm và khó chịu trước những lời phê bình chỉ trích, và có thể nội dung những công điện ngoại giao của ông gửi về cho cấp trên ở trong nước có thể bị tiết lộ ra ngoài do bởi tình trạng xâu xé trong chính trường nước Anh tại thủ đô Luân đôn.

BM
Sir Kim Darroch đệ đơn từ chức tuy nhiệm kỳ đại sứ tại Hoa Kỳ của ông tới cuối năm mới hết

Nhưng thật ra những gì mà ông Darroch đã nhận định cũng không có gì là quá lố trong cương vị một nhà ngoại giao cao cấp. Nếu như có một sự sa đoạ, hay xuống cấp, trong những tiêu chuẩn về ngoại giao, và dường như điều này đang xảy ra, thì điều đó không phải xảy ra từ vị đại sứ của nước Anh. Những gì mà Đại sứ Darroch nói trong chốn riêng tư kín đáo về TT Trump thật ra chẳng có gì là bất thường. Nhưng những gì mà các đại sứ do TT Trump bổ nhiệm đã nói công khai cho mọi người nghe mới là những điều gây chấn động và khó chịu cho mọi người.

BM
  
Tại thủ đô Bá-linh (Berlin), ông đại sứ Mỹ là Richard Grenell đã có những lời lẽ công khai phá hoại việc làm của chính quyền nước Đức. Tại Hoà Lan, đại sứ Mỹ là ông Pete Hoekstra đã trở thành trò hề cho mọi người khi ông từ chối trả lời những câu hỏi của các nhà báo. Và tại Jerusalem, đại sứ David Friedman của Hoa Kỳ đã không che đậy sự thiên vị của mình trong những cuộc thương lượng giữa hai bên Do Thái và Palestine. Và tại nhiều nước khác như Kenya và Tân Tây Lan, các đại sứ Mỹ do TT Trump bổ nhiệm đều đã có những hành động và lời lẽ gây khó chịu cho các quốc gia chủ nhà.

Dĩ nhiên, những việc làm và lời nói tai hại đó không thể xảy ra nếu như nó không xuất phát từ ở cấp trên đổ xuống khiến kẻ dưới mới có thể ngang nhiên bắt chước theo.

Khác với một nhà ngoại giao chuyên nghiệp lâu năm như ông Darroch, phần lớn các vị đại sứ của Hoa Kỳ đều không phải là những người đã phục vụ hoặc có kinh nghiệm trong ngành ngoại giao. Họ được lựa chọn là vì có những quan hệ riêng tư và thân thiện (được hiểu là đã đóng góp tài chính dồi dào) với người đứng đầu trong tân chính quyền Mỹ. Họ được bổ nhiệm vào các chức vụ đại sứ như là một phần thưởng danh dự, trong khi việc thực sự điều hành bộ máy của toà đại sứ thường được giao phó cho một phụ tá hay phó đại sứ là một viên chức chuyên ngành ngoại giao.

Trường hợp của TT Trump cũng không là một ngoại lệ khi ông trả công cho những đại gia đã ủng hộ mạnh mẽ cho quỹ vận động tranh cử, hoặc là những đồng minh về chính trị, kể cả những người bạn thân, vào các chức vụ đại sứ tại nhiều nước trên thế giới. Đa số các vị tổng thống Mỹ tiền nhiệm cũng có truyền thống đó, tuy rằng TT Trump dường như đã lạm dụng uy quyền này hơi quá lố, vì ông có thói quen coi thường hoặc bất chấp những gì được xem là truyền thống lâu đời từ trước tới nay.

BM
  
Có thể một số ít các vị đại sứ do TT Trump bổ nhiệm cũng chịu tích cực làm việc trong các chức vụ mới của mình, nhưng một số các vị đại sứ khác quả tình đã có những hành động và lời lẽ chẳng có gì là khéo léo về ngoại giao sau khi nhậm chức.

BM
  
Thật vậy, chỉ vài giờ đồng hồ sau khi ông Richard Grenell trình uỷ-nhiệm-thư để được chấp nhận làm đại sứ Mỹ tại Đức-quốc, ông Richard Grenell đã gây khó chịu cho nhiều viên chức chủ nhà sau khi ông bắn ra một mẩu tin nhắn trên mạng Twitter có nội dung chẳng khác gì một lời ra lệnh: “Các công ty của Đức đang làm ăn với Ba Tư nên sớm chấm dứt các hoạt động ngay lập tức.” Rồi khoảng một tháng sau đó, ông Grenell cũng đã giành cho diễn đàn truyền thông theo phe bảo thủ là Breibart một cuộc phỏng vấn trong đó có đoạn ông muốn cổ động và uỷ quyền cho những người bảo thủ quá khích tại Âu Châu.

Nhiều người đã lên tiếng chỉ trích ông Grenell và cho rằng những lời nói và hành động của ông là cách hành xử của một nhà tranh đấu chính trị hơn là một vị đại sứ tại quốc gia sở tại. Trước khi được lựa chọn làm đại sứ, ông Grenell đã từng là một bình luận gia cho phe Cộng Hoà, một cán bộ và cũng là phụ tá cho ông John Bolton. Nhà báo Constanze Stelzenmuller đã nhận định rằng ông Grenell là “một nhà ngoại giao rất ít được ưa thích nhất tại Bá-linh.”

BM
  
Tại Hoà Lan, đại sứ Pete Hoekstra được TT Trump lựa chọn, đã chối bỏ những lời phê bình của ông với một phóng viên trước đây đã được thu băng khi ông cho rằng tại nước này có những “vùng nguy hiểm không nên đi vào” (no-go zones) bởi vì phong trào Hồi-giáo đang lớn mạnh.

Nhưng ông chối bai bải rằng đó là chuyện “fake news”, có lẽ vì muốn bắt chước theo sếp lớn Donald Trump. Thế nhưng vì đang ở nước Hoà Lan nên ông Hoestra đành phải đối diện trước những lời chất vấn của giới truyền thông khi họ cho chiếu lại những lời phát biểu của ông và đòi hỏi ông phải có lời xin lỗi trước những điều phát biểu rõ ràng là dối trá.

BM
  
Khi gặp bí, ông Hoekstra đành chơi trò “xù” bằng cách không thèm trả lời. Nhưng một nhà báo lại cắc cớ nhắc cho ông biết rằng đây là ở nước Hoà Lan nên ông ta bắt buộc phải trả lời những câu hỏi của giới truyền thông. Tờ nhật báo hàng đầu ở đây là tờ De Telegraaf đã cho chạy hàng tít thật lớn trong bài tường thuật: “Một màn diễn xuất xấu hổ của một vị đại sứ gây tai tiếng”. Để rồi vài ngày sau đó, ông Hoekstra cũng đành phải thú nhận rằng ông ta không biết rõ là mình đã nói những gì trong vụ này.

BM
  
Còn tại Do Thái, vị đại sứ David Friedman được bổ nhiệm chính là cựu luật sư riêng cho ông Trump trước đây. Ông này lại tỏ ra quá thân thiện với chính quyền nước chủ nhà, và dường như chỉ muốn nói chuyện với một phía mà thôi trong vùng đất tranh chấp giữa hai bên Do Thái và Palestine. Ông Friedman cho rằng các khu định cư mới được thiết lập tại vùng Ngạn Tây là một phần của Do Thái (trong khi phe Palestine thì cho rằng đó là phần đất thuộc về mình). Có lúc ông còn gợi ý rằng Hoa Kỳ không cần phải nói chuyện với Tổng thống Mahmoud Abbas của Palestine nếu như ông ta từ chối hợp tác với chính quyền Trump.

Cùng với quyết định của TT Trump đơn phương dọn toà đại sứ Hoa Kỳ về Jerusalem (thay vì ở Tel Aviv như trước đây), những lời lẽ này của ông đại sứ rõ ràng là bằng chứng đối với đại đa số dân Ả Rập trong vùng cho rằng Hoa Kỳ hiện nay đã đứng hẳn về một phía trong cuộc tranh chấp này.

BM
  
Nhưng điều đáng nói nhất là các ông đại sứ Friedman, Hoekstra, Grenell và nhiều người khác vẫn còn giữ vững các chức vụ ngoại giao cao cấp của mình. Cho dù là họ đã bị chỉ trích và chế riễu khá thậm tệ tại các quốc gia chủ nhà, nhưng không có người nào đã phải chịu nhiều áp lực để phải xin từ chức. Bởi vì họ không hề bị bắt buộc phải làm như vậy. Trong thực tế, rất hiếm khi nào một quốc gia chủ nhà có thể bắt buộc một vị đại sứ phải từ chức trừ khi có lý do rất chính đáng, sau khi họ đã trình uỷ-nhiệm-thư và được chấp nhận lúc ban đầu. Ngay cả cựu Thủ tướng Berlusconi của Ý, dù bị chế riễu là một người “rỗng tuếch, vô dụng và không có hiệu quả”, cũng chỉ phì cười khi biết nội dung những công điện ngoại giao của Mỹ đã bị tiết lộ vào năm 2011.

Việc Đại sứ Darroch phải xin từ chức phản ảnh một sự thay đổi to lớn trong ngành ngoại giao kể từ khi TT Trump lên cẩm quyền, tương tự như mọi sinh hoạt trên chính trường trong nội địa cũng như về đối ngoại đều bị xáo trộn và đảo lộn bởi một nhân vật bất thường nhất từ trước tới nay trong số các lãnh tụ thế giới, lúc nào cũng thích làm những chuyện chơi ngông để mong chứng tỏ bản lãnh đặc biệt nhưng đồng thời cũng để thoả mãn lòng “ái kỷ” quá lố của mình.

BM
  
Chính trường hiện nay là thời kỳ của những tranh chấp về những chuyện vụn vặt nhưng lại chuyên sử dụng những ngôn từ đấu đá nhằm triệt hạ lẫn nhau, và những người trong cuộc lại mang sẵn trong đầu tự ái hão. Những quyết định trọng đại nhiều khi chỉ bắt nguồn từ những động lực có tính cá nhân, nếu không muốn nói là tiểu tâm, nhằm phá hoại thành tích và uy tín của người tiền nhiệm hơn là vì ích quốc lợi dân.

Thí dụ điển hình là trường hợp của hồ sơ hạch tâm của Ba Tư (Iran). Sau khi lên cầm quyền, TT Trump đã quyết định xé bỏ thoả ước hạch tâm JCPOA giữa Ba Tư và chính phủ của 5 cường quốc khác nhằm kiểm tra khả năng và giới hạn tham vọng hạch tâm của quốc gia Hồi-giáo thù nghịch với Hoa Kỳ. Điều này đã bị tất cả các thành viên khác trong thoả ước chống đối vì họ cho rằng đó là một thoả thuận tốt nhất có thể đạt được và phía Ba Tư từ lúc ký kết đã hoàn toàn tuân thủ theo những điều kiện của nó.

Nhưng trong công điện của Đại sứ Darroch gửi về cho Bộ Ngoại Giao nước Anh, ông đã giải thích rằng lý do của sự rút khỏi thoả ước này chỉ vì TT Trump muốn làm bỉ mặt ông Obama, không muốn thấy bất cứ một di sản tích cực nào cho nước Mỹ và thế giới còn dính líu đến cái tên của vị tổng thống da đen đã làm cho một khối dân Mỹ trắng đầy lòng kỳ thị rất xốn xang khó chịu trong suốt 8 năm trời, chẳng hạn như đạo luật cải tổ bảo hiểm y tế Obamacare và giờ đây là thoả hiệp về hạch tâm với Ba Tư. Đây là một hành động mà ông Darroch đã không ngần ngại kết án ngay rằng đó là một “sự phá hoại về ngoại giao” (diplomatic vandalism).

BM
  
Trong thoả ước này được ký kết vào năm 2015 giữa Ba Tư và liên minh 5 cường quốc khác và Hoa Kỳ, chính quyền Hồi-giáo của Ba Tư đã đồng ý giới hạn các hoạt động phát triển hạch tâm có mục đích quân sự nhằm đổi lại việc nới lỏng việc cấm vận kinh tế gây khốn đốn cho Ba Tư. Tuy nhiên, TT Trump lại cho rằng thoả ước này đã không đủ mạnh mẽ để siết chặt hơn nữa những tham vọng hạch tâm của Ba Tư nên đã rút lui vào tháng 5/2018, và sau đó đơn phương cho áp dụng trở lại những đợt cấm vận khắc nghiệt.

Giờ đây, ông Trump lại nói rằng ông sẵn sàng muốn đàm phán lại với Ba Tư về hồ sơ này nhưng phía Ba Tư đương nhiên không thể chấp nhận vì đã bị thiệt thòi quá lớn và không có động lực và lợi thế nào để thương thảo trong thế bị bắt bí. Điều này được thấy rõ trong quyết định TT Trump đã ra lệnh ngưng chiến dịch tấn công Ba Tư chỉ 10 phút trước khi các phi cơ của Mỹ sửa soạn cất cánh mang bom đến tấn công các mục tiêu quân sự ở Ba Tư sau khi phía này đã bắn hạ một chiếc máy bay dọ thám không người lái của Hoa Kỳ. Tuy là một người thích hung hăng với những lời lẽ sặc mùi hiếu chiến, nhưng TT Trump lại tỏ ra rất hoà dịu trong vụ này và lại còn ngăn cản các ý định hiếu chiến của những phụ tá cao cấp thuộc loại diều hâu như hai ông cố vấn an ninh quốc gia John Bolton và ngoại trưởng Mike Pompeo.

BM
  
Bức công điện mật của Đại sứ Darroch cho thấy những khác biệt sâu đậm trong nội bộ của ban tham mưu của TT Trump; ông viết rằng Toà Bạch Ốc đã không hề có một chiến lược rõ ràng nào về những bước đi sắp tới sau khi quyết định rút khỏi thoả ước này. Tờ báo The Mail ghi lại lời viết của Đại sứ Kim Darroch gửi cho Ngoại trưởng Johnson: “Kết quả đã phản ảnh sự mâu thuẫn của Toà Bạch Ốc hiện nay: chúng ta được tiếp cận đủ mọi người chỉ trừ có ông tổng thống, nhưng về thực chất, chính quyền này nhất quyết làm một hành động phá hoại về ngoại giao, có vẻ như chỉ vì những mục đích cá nhân và thuần về ý-thức-hệ, họ muốn xoá bỏ chỉ vì nó là một thoả ước do ông Obama đạt được. Hơn thế nữa, bọn họ lại không đưa ra được một chiến lược nào cho tình huống sau đó; và những liên lạc của chúng tôi với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ sáng nay cho thấy là dường như họ đã không có một kế hoạch nào để tiếp xúc với các quốc gia đồng minh, dù là ở Âu Châu hay những nơi trong vùng Trung Đông.”

BM
  
Bức công điện này được gửi ra sau khi Ngoại trưởng Boris Johnson của Anh lúc bấy giờ đã kêu gọi phía Hoa Kỳ vào năm 2018 hãy nên tiếp tục tôn trọng bản thoả ước này. Việc tiết lộ mới nhất về nội dung của bức công điện này được đăng trên báo The Mail của Anh cho dù cơ quan cảnh sát nội địa Scotland Yard đã đưa ra lời cảnh báo cho các cơ quan truyền thông chớ nên đăng lên với lý do là nó đã tiết lộ những tin tức có tính cách bí mật quốc phòng.

Tuy nhiên, tờ báo The Mail lại nói rằng việc loan tin nội dung những bức công điện này là nhằm phục vụ quyền lợi của công chúng. Ban chủ biên tờ báo này lý luận rằng những điều mới được tiết lộ đã hé lộ những “thông tin quan trọng” trong nỗ lực của Anh-quốc nhằm ngăn cản TT Trump muốn xé bỏ thoả ước ngăn chặn hạch tâm của Ba Tư. Một phát ngôn viên của tờ The Mail đã viết: “Còn điều gì quan trọng đáng chú ý hơn đối với quần chúng cho bằng được hiểu rõ vì sao sự việc được quyết định như vậy, vì nó có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho nền hoà bình thế giới?”

Tuy đa số các nhà ngoại giao của Hoa Kỳ vẫn cố gắng đảm nhiệm vai trò của mình, nhưng rõ ràng là TT Trump là người đã chỉ định một hướng đi mới trong chính sách ngoại giao dưới thời của ông: đó là chỉ làm những gì mà ông thích và dẹp bỏ những gì ông không ưa thích hoặc bực mình.

BM
  
TT Trump đã từng công khai chê bai các viên chức hoặc lãnh tụ của các nước khác bằng những từ ngữ thậm tệ như “thiếu thành thật và yếu kém” (very dishonest and weak), “những kẻ thua cay lạnh lùng” (stone cold losers), và chế riễu họ là “điên rồ” (foolish), “lùn và mập” (short and fat), và nói rằng dân chúng tại những nước đó “đã chống lại sự lãnh đạo của những lãnh tụ này” tuy không đưa ra được bằng chứng cụ thể nào.

TT Trump cũng từng kể lể dông dài về những chuyện gần như hoang đường về một người bạn thân của ông đã tâm sự rằng giờ đây ông ta rất sợ đến thủ đô Paris vì số lượng di dân gốc Hồi-giáo đã gia tăng quá nhiều tại đây. (Nhưng điều trớ trêu là khi được TT Emmanuel Macron mời đến dự lễ quốc khánh với những lễ nghi long trọng và đình đám trên đại lộ Elysées, ông Trump đã cảm thấy rất sung sướng đến mức ông muốn mơ ước tổ chức một ngày diễn hành tương tự như vậy tại Hoa Kỳ. Đến khi các viên chức cao cấp ở Ngũ Giác Đài phản đối vì cho rằng nó quá tốn kém một cách lãng phí và Hoa Kỳ từ trước tới nay đã không hề có và cũng không cần có những cuộc diễn binh rầm rộ để chứng tỏ sức mạnh tuyệt luân của mình thì TT Trump mới thôi không thúc đẩy nữa, dù rằng sau cùng ông cũng thu xếp để tổ chức một cuộc trình diễn với quy mô nhỏ hơn như trong kỳ lễ Độc Lập vừa qua.)

TT Trump cũng đã từng bị chỉ trích khá nhiều vì chuyện ông đã tránh né bắt tay với bà thủ tướng Angela Merkel của Đức trong một cuộc họp giữa hai lãnh tụ chỉ vì ông không ưa lời nói thẳng thừng của bà, và ông cũng bị lên án nặng nề sau khi nói (dù trong chốn riêng tư) về những nước nghèo khó ở Phi Châu là những “quốc gia dơ dáy như hố phân”.

BM
  
Dĩ nhiên, ai cũng biết TT Trump không thể nào ngồi yên để nghe người khác chỉ trích mình, và ông đã liền bắn ra những mấu tin nhắn trên mạng Twitter để chê bai rằng ông đại sứ Anh chỉ là “một kẻ điên khùng ngạo mạn” (a pompous fool), và là “một kẻ rất ngu ngốc”. Ông cho rằng Hoa Kỳ sẽ không còn giao dịch với ông ta nữa.

Theo nhận định của ông Daniel Fried, cựu thứ trưởng ngoại giao đặc trách về Âu Châu dưới thời của chính quyền Bush Con, khi trả lời với nhà báo của tờ Washington Post, những mẩu tweets của TT Trump quả là “một bước ngoại giao thô lỗ và một hành động không thân thiện” (a nasty diplomatic step and an unfriendly act).

Thật ra, cũng giống như hầu hết những vụ tai tiếng đã xảy ra trong chính quyền kể từ ngày TT Trump lên nhậm chức, những lời lẽ chê bai của ông đại sứ Anh rồi cũng sẽ nhanh chóng trôi qua chỉ trong một hay hai ngày trước khi những vụ tai tiếng nặng nề hơn có thể bùng nổ tiếp.

Tuy nhiên có lẽ ông Kim Darroch không muốn tiếp tục chịu đựng thêm nữa. Ông là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, và chỉ còn vài tháng nữa là sẽ đến hạn nghỉ hưu theo luật định của chính quyền Anh nên ông không hề sợ bị khiển trách hay trừng phạt, nhất là khi chính bà thủ tướng Theresa May lại chính thức lên tiếng bênh vực ông khi đề cao vai trò của vị đại sứ là phải phản ảnh trung thực những gì xảy ra tại hải ngoại để chính quyền nước mình biết rõ sự việc.

BM
  
Trong vai trò một đại sứ kỳ cựu và có nhiều mối giao hảo tốt đẹp với hầu hết các viên chức cao cấp ở thủ đô Washington, có lẽ giờ đây ông Darroch cũng nhận thấy mọi sự đều đảo lộn,những đồng minh thân cận lâu năm còn bị đối xử tệ hơn là những kẻ thù đối nghịch, và những sự thật được phơi bày bên trong còn tệ hại hơn là những lời nói dối công khai trước quần chúng. Và vì thế nên ông quyết định ra đi sớm hơn dự trù, nhất là sau khi ông thấy phản ứng của ông Boris Johnson, trong một cuộc tranh luận tay đôi mới đây với một ứng viên khác trong đảng Bảo Thủ để mong giành chức tân thủ tướng trong tương lai gần, đã im lặng tránh né không trả lời khi được nhà báo đặt câu hỏi là ông có đồng tình với nhận định của Đại sứ Kim Darroch hay không như trường hợp của đa số các viên chức tại Anh.



Mai Loan

BM

Boris Johnson trúng cử lãnh đạo đảng Bảo thủ và thủ tướng đề cử của Anh
Hồng Kông _ Đấu tranh lâu dài - Nhiều mặt
TC sẽ đột quỵ như Liên xô ?
Chính quyền Trump đã lên tiếng, dân Việt Nam còn chờ gì?
Chợ sâm Hàn Quốc
Ngày mai đã muộn rồi!
Nghề làm tương
5 cách chống lụt thế giới đã làm thay cho dùng lu hứng mưa
Mỹ đả kích Trung cộng 'bắt nạt' Việt Nam giữa tranh cãi về tàu khảo sát
Hai người Việt nhận tội kết hôn giả để nhập cư Mỹ
Bạn có dám trao chân dung của mình cho FaceApp?
Công kích có phải là chiến lược tranh cử mới của Trump?
Điểm mặt lô vũ khí Mỹ sẽ chuyển giao cho Đài Loan
Văn hoá xếp hàng ngày nay phản ánh những gì?
Những rạn nứt mới trong nền kinh tế toàn cầu khi xuất khẩu giảm
Thương chiến với Mỹ _ Trung cộng thấm đòn trừng phạt
Diễn tiến án mạng giết 2 người Việt ở Las Vegas
50 năm chinh phục Mặt Trăng qua 50 con số: Vận tốc, khoảng cách
Nội chiến trong đảng Dân Chủ
Việt Nam chào hè với 5 sắc hoa phượng


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.