Friday, July 19, 2019

Công kích có phải là chiến lược tranh cử mới của Trump?

BM
Ông Trump bị cáo buộc là kỳ thị và tôn vinh chủ nghĩa dân tộc da trắng

Tranh cãi bắt đầu, gần như thường lệ, với một dòng tweet.

Donald Trump, chứng kiến sự phân ly đang hình thành giữa giới lãnh đạo đảng Dân chủ của Hạ viện và một nhóm những dân biểu cấp tiến và ngang bướng mới gia nhập Quốc hội, đã quyết định quẹt một que diêm và sau đó nhảy múa quanh ngọn lửa.

Ông tweet hôm Chủ nhật rằng một nhóm các nhà phê bình cấp tiến trong Quốc hội - ba trong số họ được sinh ra ở Mỹ - nên "quay trở về đất nước của họ", sau đó đứng im lặng vào tối thứ Tư khi một đám đông tham dự buổi vận động tranh cử hô hào ủng hộ những người gia trắng.

BM
  
Giống như lời kêu gọi Hillary Clinton phải bị cầm tù ba năm trước, những lời gào thét "gửi trả cô ta về" không phải là biểu tượng của một nền dân chủ hoạt động tốt và lành mạnh. Cảnh tượng này đã bị lên án khắp nơi. Và đương nhiên, đây là một cơn bão hoàn toàn do ông Trump gây ra.

Ngài tổng thống, cho đến giờ thì ai cũng phải thấy rõ ràng, là một chính trị gia theo bản năng. Sẽ là hơi mạo hiểm khi cho rằng những hành động của ông xuất phát từ một chiến lược to lớn. Trong hầu hết mọi trường hợp, hành động đi trước, và chiến lược theo sau.

Tuy nhiên, chúng ta có thể lượm lặt một vài điều từ cuộc xung đột trong tuần để có thể dự đoán những gì sẽ xảy ra.

Tạo động cơ cho khối ủng hộ

BM
  
Xem ra cơ hội tái đắc cử của ông Trump nhiều phần có vẻ giới hạn. Mặc dù kinh tế đang mạnh mẽ, nhưng tỷ lệ ủng hộ trong hầu hết nhiệm kỳ tổng thống của ông chỉ ở mức khoảng trên 40%, và có một số đáng kể cử tri đã nói với những người thăm dò ý kiến rằng dù tình hình có ra sao đi nữa, họ sẽ không bỏ phiếu cho ông.

Theo truyền thống, các vị tổng thống đương nhiệm thường cố gắng mở rộng khối cử tri ủng hộ cho mình trong lúc đang tại chức. Đó không phải là kế hoạch của ông Trump.

Mục tiêu năm 2020 của ông là giữ vững lấy khối cử tri ông giành được năm 2016, phần lớn bằng cách đảm bảo rằng những người ủng hộ tận tâm nhất một lần nữa sẽ đi bầu và dồn phiếu cho mình.

Cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018 cho ta một cái nhìn sâu sắc và hữu ích về sự liên quan giữa mức ủng hộ và việc đi bầu. Ở phần lớn các tiểu bang, tỷ lệ đi bầu từ những người ủng hộ Trump bị giảm, vì thế các ứng cử viên đảng Cộng hòa bị ảnh hưởng và đảng này mất quyền kiểm soát Hạ viện.

Mặt khác, tại Florida, kết quả bầu cử giữa kỳ lại khác, và tiểu bang này có thể cung cấp chiến lược cho cuộc vận động bầu cử năm tới.

Năm 2016, khối ủng hộ của tổng thống tại Florida một lần nữa đi bầu, kết quả là các ứng cử viên bảo thủ đã thắng một thượng nghị sĩ Dân chủ và giành chiến thắng trong cuộc đua ghế thống đốc. Florida là thành trì của đảng Cộng hòa trong một cuộc bầu cử mà làn sóng của đảng đối lập đang dâng cao.

Vì vậy, ông Trump, trong các tweet và bình luận tiếp theo, đang ném những miếng thịt tươi cho nhóm ủng hộ cốt lõi của đảng mình, trong đó các cuộc thăm dò cho thấy họ có cái nhìn nghi ngại với người nhập cư và chính sách di dân, và vì thế tán thành các tweet gần đây của ông.

Quan điểm chính trị của tổng thống Trump luôn luôn bị cáo buộc là phân biệt chủng tộc, kể từ khi ông ôm lấy thuyết âm mưu quanh giấy khai sinh của Barack Obama, tiếp tục với lời kêu gọi cấm người Hồi giáo nhập cư, gọi một thẩm phán sinh ra ở Mỹ ra phán quyết chống lại ông là ''người Mễ'' và nhận định là trong số những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng cầm đuốc đi tuần hành ở thành phố Charlottesville, có một số "người rất tốt".

Và bất chấp tất cả những điều này, hoặc thậm chí có lẽ chính vì những điều này, các thành viên của Đảng Cộng hòa đã ủng hộ tổng thống với số lượng gần như kỷ lục.

BM
Các nữ dân biểu Rashida Tlaib, Ayanna Pressley, Ilhan Omar và Alexandria Ocasio-Cortez tại cuộc họp báo hôm 15/7

Việc mà tổng thống chọn bốn nữ dân biểu để công kích là người thuộc các dân tộc thiểu số, vì thế, không là điều đáng ngạc nhiên.

Có nguy cơ là động thái này sẽ phản tác dụng, tất nhiên. Sự công kích những phụ nữ da màu của ông có thể khiến các cử tri ở những bang dễ giao động (swing states) xa lánh, và thậm chí khuấy động cử tri phe đối thủ nhiều hơn khuấy động chính khối cử tri ủng hộ ông.

Và nó hầu như đảm bảo rằng nước Mỹ sẽ vẫn bị chia rẽ một cách vô vọng - có lẽ đến mức không thể kiểm soát được, ít nhất là trong tương lai gần.

Tuy nhiên, đó là chiến lược tốt nhất Trump có thể có, để mong giành thêm một nhiệm kỳ bốn năm nữa.

Tấn công và chia rẽ đảng Dân chủ

Một phần lý do khiến ông Trump giành được chức tổng thống năm 2016 là vì đủ số cử tri, đặc biệt là ở các tiểu bang quanh vùng Trung Tây, xem ông là lựa chọn ít tệ nhất.

Như phóng viên Dave Weigel của tờ Washington Post chỉ ra, trong số 20% cử tri ở Michigan không thích cả hai ứng cử viên, số người ủng hộ ông Trump cao hơn so với bà Hillary Clinton là 21%.

Hiện chưa có ứng cử viên Dân chủ nào cho ông Trump công kích - điều đó sẽ đến sau. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi, ông chọn các mục tiêu mà thời cơ mang đến, trong đó có các nữ dân biểu Ilhan Omar, Alexandria Ocasio-Cortez và những nữ dân biểu da màu khác thẳng thắn khác trong "biệt đội".

Điều này cho thấy chính xác các cuộc vận động tranh cử sắp tới có thể sẽ gay gắt như thế nào.

Trong khi sự chú ý của cả nước đổ dồn về ý nghĩa phân biệt chủng tộc trong câu nói của Trump - "quay về.... những nơi đầy rẫy tội phạm mà họ đã đến", thì mục tiêu của ông ta là gieo rắc sự chia rẽ giữa những nữ dân biểu da màu này và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.

BM
  
Nhiều tweet đăng tiếp theo của Trump trích dẫn chỉ trích chính sách di dân của chính phủ Hoa Kỳ từ các nữ dân biểu da màu, và xem những chính sách "cấp tiến" hoặc "xã hội chủ nghĩa" của họ như một mối đe dọa cho hòa bình và thịnh vượng của Mỹ.

Tổng thống, rất nhiều lần, nói thẳng ra rằng ''biệt đội'' hiện đã gắn bó với Đảng Dân chủ, và điều này khiến đảng Dân chủ phải trả giá trong cuộc bầu cử năm 2020.

Không việc gì phải đọc ẩn ý trong câu chữ của ông Trump để cố gắng xác định kế hoạch của ngài tổng thống. Ông ta thường nói thẳng ra những gì ông sẽ làm.

Thống trị tin tức

Có lẽ cách đơn giản nhất để hiểu việc tổng thống liên tục gửi các dòng tweet gây chấn động, và quyết định hoàn toàn chấp nhận hậu quả chúng gây ra, là sự hỗn loạn và phẫn nộ, vốn là sản phẩm chính, chứ không phải là sản phẩm phụ.

Trong "Hội nghị Thượng đỉnh Truyền thông Xã hội" tuần trước tại Nhà Trắng, ông Trump nói ông đã chú ý kỹ đến cách các bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội của mình, và về những dòng tweet được tweet lại khi ông viết rằng ông Obama đã "gài máy thu âm trong Trump Tower" - một dòng tweet mà tại thời điểm đó đã tạo ra một số chỉ trích rất lớn, cũng như bị cho là không phù hợp.

BM
  
Kể từ khi phát động chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2015, ông Trump đã trở thành một cỗ máy di động liên tục và luôn luôn gây ra tranh cãi. Ông khơi mào các cuộc công kích, và chào đón chúng. Và, cũng bằng chính cách này, ông đạt đến đỉnh cao quyền lực nhất trong chính trị Hoa Kỳ.

Mặc dù sự tương quan không nhất thiết sẽ tạo ra nhân quả, nhưng có thể với tổng thống, người chỉ mới tranh cử duy nhất một lần trong đời, sẽ nghĩ rằng những gì ông đang làm sẽ đem lại kết quả.



Anthony Zurcher

BM

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.