"Vạn Lý Trường Thành" là cách gọi để ám chỉ đây là một bức tường thành dài vô tận, chưa thể đo được mà thôi.
Nhiều người vẫn có quan niệm rằng: Vạn Lý Trường Thành là do Tần Thủy Hoàng xây dựng vào thời nhà Tần. Nhưng trên thực tế, những đoạn tường thành đầu tiên được xây dựng là vào thời Xuân Thu – Chiến Quốc.
Các nước chư hầu nhà Chu đã tiến hành xây các bức tường thành lớn, độ cao ban đầu chỉ khoảng 3 mét, mục đích là để ngăn chặn các cuộc cướp phá của những bộ tộc du mục đến từ phương Bắc như Hung Nô, Khiết Đan...
Vạn Lý Trường Thành.
Những bộ tộc này nổi tiếng là tàn bạo, đặc biệt ngựa của họ rất khỏe, và các chiến binh thì thiện chiến. So với vùng đất của các bộ tộc du mục ở miền Bắc lạnh lẽo và nghèo nàn, thì vùng Trung Nguyên của người Hán sinh sống có nguồn tài nguyên trù phú, và lương thực dồi dào hơn rất nhiều.
Để tự bảo vệ mình thì các nước chư hầu ở phía Bắc vùng Trung Nguyên đã xây những công trình ngăn chặn họ với các tộc người khác.
Đến khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Tàu, thì ông ta đã quyết định vừa xây dựng, vừa tăng cường các đoạn thành rời rạc lại với nhau nhằm tạo thành một bức trường thành thật dài và vững chãi, ngăn chặn các nguy cơ xâm lăng đến từ phương Bắc như Hung Nô.
Như vậy, có thể nói những viên gạch đầu tiên xây dựng Vạn Lý Trường Thành đã bắt đầu đặt xuống từ trước khi Tần Thủy Hoàng nảy sinh ý định trên. Sau khi nhà Tần diệt vong, các triều đại kế tiếp của Tàu như Hán, Tùy, Tống, Minh đã tiếp tục xây dựng và củng cố Vạn Lý Trường Thành.
Mục đích không phải tạo nên kỳ quan gì mà đơn giản vẫn chỉ là chống lại nguy cơ ngoại xâm, đặc biệt là nhà Tống và nhà Minh. Vạn Lý Trường Thành mà chúng ta chiêm ngưỡng ngày nay chủ yếu được xây dựng vào thời nhà Minh.
Đây là thời đại mà các vị Hoàng đế vô cùng lo sợ để mất giang sơn vào tay những kẻ họ coi là ngoại bang như tộc Nữ Chân, nước Hậu Kim (do người Mãn thành lập) từ miền Bắc Tàu, nên dễ hiểu khi thời đại này cũng là lúc Vạn Lý Trường Thành được đầu tư xây dựng và trùng tu nhiều nhất.
Tuy nhiên, trớ trêu thay, người Hán vẫn phải ngậm ngùi chấp nhận sự cai trị của người Mãn khi nhà Minh sụp đổ. Và họ đã lập ra một triều đại là nhà Thanh, cũng là triều đại phong kiến cuối cùng của Tàu.
Hoàng đế Khang Hy nhà Thanh còn từng chế giễu: "Dài Vạn lý đến tận biển cả, trùng trùng điệp điệp đầy phô trương, khiến dân chúng sức cùng lực kiệt, mà thiên hạ vẫn cứ thuộc về ta".
Hàm ý nói Vạn Lý Trường Thành tốn bao mồ hôi và máu của dân chúng, cao lớn và hùng vĩ như vậy nhưng vẫn cuối cùng không ngăn nổi người phương Bắc tiến xuống.
Rốt cuộc độ dài của Vạn Lý Trường Thành là bao nhiêu?
Bức tường hùng vĩ này chính là niềm tự hào của người Tàu.
Được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới từ tháng 10 năm 1987. Nhưng mãi tới năm 2009. Cục Di sản Văn hóa Quốc gia TC mới công bố những số liệu về chiều dài Vạn Lý Trường Thành.
Bức tường tạo nên Vạn Lý Trường Thành liền mạch như ta thấy dài 8.851 km. Đây chủ yếu là đoạn tường thành được xây dựng vào thời nhà Minh.
Đến năm 2012 thì Cục Di sản Văn hóa Quốc gia lại công bố tổng chiều dài của di tích Vạn Lý Trường Thành là 21.196 km bao gồm cả các cửa ải, đoạn thành ngắn rời rạc, các chiến hào cũ... Sở dĩ có sự chênh lệch về số liệu như vậy vì cách hiểu danh xưng "Vạn Lý Trường Thành" có thể khác nhau.
Đa số chúng ta cho rằng: Vạn Lý Trường Thành phải là các đoạn thành trì nối với nhau vững chãi, đầy đủ, liền mạch, rõ ràng. Nếu như vậy thì các đoạn thành này chính xác là dài 8.851 km như Cục Di Sản Văn hóa công bố năm 2009. Còn nhiều Chuyên gia nghiên cứu và Học giả coi Vạn Lý Trường Thành không đơn giản chỉ như vậy, họ coi đây là một tổ hợp di tích như đã nói ở trên là bao gồm cả các cửa ải, chiến hào, vô số di tích nhỏ liên quan khác nằm rải rác ở Đông bắc tới Tây bắc TC.
Thực tế, đến ngày nay các di tích như vậy cũng chưa được phát hiện hết, cứ sau một hoặc vài năm lại có thể phát hiện ra các đoạn thành hoặc cổng thành chưa lộ diện. Như vậy nên đến năm 2012 họ tính rằng độ dài toàn bộ di sản Vạn Lý Trường Thành là 21.196km trải dài qua 15 tỉnh, thành phố và khu tự trị.
Vạn Lý Trường Thành cho tới bây giờ tuy được xem là bảo vật vô giá của người TC, nhưng tình trạng hư hại và nguy cơ bị bào mòn vẫn diễn ra thường xuyên bởi 3 nguyên nhân sau đây:
Thứ nhất, đầu tiên do Vạn Lý Trường Thành dài, lại nằm ở vùng núi cao, công tác quản lý nhà nước còn kém, nên người dân chưa có ý thức bảo vệ, họ thậm chí còn xâm hại bằng cách lấy gạch đá về để sửa nhà.
Thứ hai là do thiên tai, vùng núi cao khi có mưa lớn, sạt lở hay động đất cũng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các công trình, trong đó các đoạn tường thành tuy nổi tiếng chắc chăn nhưng đã quá cũ và dễ bị sập. Tháng 8 năm 2012, 36 mét của một đoạn tường thành tại tỉnh Hà Bắc đã bị đổ sập sau khi hứng chịu một trận mưa lớn kéo dài.
Thứ ba, do trình độ nghiên cứu lẫn công nghệ bảo tồn ngày nay chưa đủ để có thể gìn giữ di sản này một cách hoàn toàn, nên các phương thức bảo tồn chủ yếu là cố gắng giữ cho sự bào mòn chỉ tác động ở mức tối thiểu mà thôi.
Theo các báo cáo thì chỉ có 8,2 % tường thành xây dựng là đang được bảo quản ở trạng thái tốt, còn có tới 74.1 % đang ở trong tình hình được bảo quản trung bình hoặc kém, phần còn lại thậm chí không có số liệu.
Danh xưng "Vạn Lý Trường Thành" xuất hiện từ bao giờ?
Một đoạn thành ở tỉnh Sơn Tây bị hư hại khá nặng
Tần Thủy Hoàng có lẽ là cá nhân nổi tiếng nhất có mối liên hệ với Vạn Lý Trường Thành. Bởi sự tàn bạo và những giai thoại đáng sợ trong quá trình xây dựng Vạn Lý Trường Thành đều bắt nguồn từ thời đại vị Hoàng đế này cai trị. Tuy nhiên, không phải ông ta là người đã đặt tên cho công trình này.
Người Tàu qua các triều đại khác nhau cũng không phải lúc nào gọi danh xưng này. Theo các ghi chép lịch sử, cụ thể trong "Sử ký, phần Sở Thế vi gia" có chép: "Tề Tuyên Vương tìm cách tận dụng các đoạn núi cao, đắp Trường Thành, phía Đông dài đến tận biển, phía Tây dài đến sông Tế Thủy, dài cả nghìn dặm, cùng nước Sở phòng bị".
Như vậy, danh xưng Trường thành đã có từ thời Xuân Thu – Chiến Quốc, trước cả khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Tàu. Thậm chí, trong "Sử ký Tần bản ký" khi ghi chép về Vạn Lý Trường Thành cũng nói rằng vào năm Tề Giản Công trị vì thứ 6 (tức năm 409 trước Công nguyên) nước Tần men theo sông Lạc Hà xây dựng thành cao, cũng chỉ dùng hai chữ " Khiếm Lạc" (ý chỉ thành lũy ngăn sông) chứ chưa nhắc đến Trường Thành.
Vạn Lý Trường Thành cho người ta cảm giác nó là công trình vô tận.
Danh xưng Vạn Lý Trường Thành sẽ làm người ta liên tưởng rằng bức tường dài ít nhất 10.000 km. Nhưng như đã nói, các đoạn thành liền mạch và mới nhất vào thời Minh cũng chỉ dài hơn 8.000km.
"Vạn Lý" ở đây đơn thuần chỉ là một cách gọi để chỉ "sự vô tận". Hơn nữa, người xưa không có đủ công cụ để đo chính xác độ dài của Vạn Lý Trường Thành, nên sẽ không có chuyện tính toán chuẩn để đặt tên theo độ dài. "Vạn Lý Trường Thành" là cách gọi để ám chỉ đây là một bức tường thành dài vô tận, chưa thể đo được mà thôi.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.