Cuộc bầu cử lựa chọn tổng thống tại Hoa Kỳ quả tình là một biến cố thời sự quan trọng và khác thường, đáng chú ý nhất so với các cuộc bầu cử lựa chọn nguyên thủ quốc gia tại những nước khác trên thế giới.
Đầu tiên là thời gian vận động tranh cử của nó, càng ngày càng kéo dài hơn so với những kỳ bầu cử trước đây. Trên lý thuyết, có thể xem cuộc chạy đua này được bắt đầu ở vòng bầu cử sơ bộ diễn ra không phải đồng loạt, mà lại được tổ chức tại từng tiểu bang một, với Iowa được lợi thế may mắn là tiểu bang đầu tiên chỉ vì truyền thống đã có từ lâu. Liền sau đó là đến tiểu bang New Hampshire ở vùng Bắc Mỹ, cũng vì truyền thống đã có. Và do đó, Iowa và New Hampshire luôn đóng một vai trò và có ảnh hưởng rất quan trọng so với vị thế của mình chỉ là hai tiểu bang nhỏ, không đáng kể.
Phải còn khoảng 7 tháng nữa thì cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên sẽ diễn ra tại Iowa (2 tháng 3/2020), nhưng thật ra cuộc vận động đã thực sự bắt đầu từ vài tháng qua, tức là coi như cuộc vận động đã khởi sự từ gần hai năm trước khi ngày bầu cử chính thức sẽ diễn ra vào đầu tháng 11/2020.
Kế đến là luật lệ bầu cử ở vòng sơ bộ giữa hai đảng Cộng Hoà và Dân Chủ cũng khác biệt ở nhiều chi tiết quan trọng (mà hầu hết nhiều người không chú ý tới nhưng có thể làm thay đổi kết quả sau cùng nên khiến cho các ứng viên phải biết thay đổi các chiến lược và chiến thuật). Do đó, những chiến thuật và những nhận định được áp dụng cho đảng này không hoàn toàn chính xác khi so sánh với đảng kia. Thí dụ điển hình là trường hợp phân chia số phiếu đại biểu (delegates) giành cho mỗi ứng viên tuỳ theo mô hình tỉ lệ số phiếu (proportional), hoặc theo kiểu “về đầu thắng hết” (first past the post).
Theo mô hình đầu, mỗi ứng viên sẽ giành được một số đại biểu tuỳ theo tỉ lệ số phiếu của cử tri lựa chọn ở từng tiểu bang, và tổng số các đại biểu sẽ được cộng lại sau khi trải qua 50 tiểu bang để bắt đầu bước vào kỳ đại hội đảng toàn quốc. Mô hình này có thể được xem là tương đối dân chủ, phản ảnh đúng ý nguyện của người dân, và giúp cho ứng viên nào biết rõ điều luật của từng tiểu bang để vận động theo kiểu “mưa dầm thấm đất” và âm thẩm giành được nhiều đại biểu nhất.
Ngược lại ở mô hình thứ nhì, cũng thường là kiểu được áp dụng tại nhiều quốc gia, ứng viên nào về đầu, dù chỉ hơn đối thủ có 1 phiếu, được coi như là kẻ thắng cuộc và chiếm trọn toàn bộ số đại biểu của tiểu bang đó. Như vậy, các ứng viên có thể chỉ chú trọng đến việc vận động tại những tiểu bang quan trọng và đông dân để về đầu (khoảng hơn 15 tiểu bang) và coi như dễ nắm phần chiến thắng mà không cần đến kết quả của khoảng 35 tiểu bang còn lại.
Tại Hoa Kỳ, mô hình “theo tỉ lệ” (proportional) được áp dụng trong đảng Dân Chủ trong khi mô hình “kẻ về đầu chiến thắng”, còn được gọi là “được ăn cả, ngã về không”, được áp dụng cho đảng Cộng Hoà. Sự khác biệt này có thể giải thích phần nào yếu tố may mắn quả tình đóng vai trò quan trọng để xác định vận may cho nhiều người dù không xuất sắc vào lúc bầu cử (như trường hợp của Barack Obama vào năm 2008 và Donald Trump năm 2016), hoặc là số xui xẻo của nhiều ứng viên sáng giá (như của bà Hillary Clinton vào năm 2008).
Vào năm 2008, sự tụt dốc tệ hại của TT Bush Con (với cuộc chiến Iraq và khủng hoảng kinh tế toàn cầu) đã khiến cho mọi người đều gần như tin chắc rằng bất cứ ứng viên nào bên đảng Dân Chủ cũng sẽ thắng cuộc, cho dù đó là một phụ nữ hay là một người da đen, một sự kiện chưa bao giờ xảy ra ở nước Mỹ vào thời đó. Nhưng điều oái oăm là có thêm một nhân vật thứ ba cũng sáng giá là nghị sĩ John Edwards nên số phiếu của dân da trắng bị chia rẽ giữa ông Edwards và bà Clinton. Nhưng quan trọng hơn hết là quy luật chia phiếu theo tỉ lệ đã khiến cho ông Obama âm thầm giành được rất nhiều số đại biểu nhờ vào kết quả khả quan tại rất nhiều các tiểu bang nhỏ. Trong khi đó, bà Clinton đã thắng lớn tại hầu hết các tiểu bang lớn và đông dân như Texas, Florida, New York, California v.v. tạo nên cảm tưởng rõ ràng là bà Clinton đã đại thắng nhưng vẫn không đánh bại được ông Obama. Nếu như áp dụng mô hình “kẻ về đầu chiến thắng” trong phe Dân Chủ vào lúc ấy thì có lẽ lịch sử đã thay đổi từ đó.
Trong khi đó, ứng viên Donald Trump trong năm 2016, tuy chỉ chiếm tỉ lệ ủng hộ khoảng từ 15% đến 19% trong đảng Cộng Hoà nhưng luôn là người đứng đầu trong số 17 ứng viên. Vì thế nên khi kết quả bầu cử sơ bộ đã diễn ra đúng với kết quả dự đoán của các cuộc thăm dò dân ý trước đó, ông Trump đã dễ dàng ẵm trọn toàn bộ số đại biểu của các tiểu bang đó, tạo nên một khoảng cách biệt khá rõ rệt và to lớn so với các ứng viên về các thứ hạng 2, 3, 4 sau đó. Do vậy, chỉ sau vài tiểu bang có kết quả tương tự, lần lượt những tên tuổi lớn như Jeb Bush, Marco Rubio phải tự động rút lui khi biết rằng hết hy vọng; và hào quang chiến thắng cho Donald Trump càng ngày càng toả sáng hơn (dù rằng vào lúc đó đa số cử tri phe Cộng Hoà cũng chưa thực sự ủng hộ ông, nhưng họ không còn có lựa chọn nào khác hơn).
Trở về với kỳ bầu cử năm nay, vì TT Trump là người đương quyền nên phe Cộng Hoà coi như sẽ chính thức chọn ông là người đại diện cho dù là cũng diễn ra cuộc bầu cử sơ bộ tại 50 tiểu bang (tuy có thể có một vài nhân vật cũng sẽ nhảy ra đối đầu). Ngược lại, bên đảng Dân Chủ sẽ có rất nhiều người sẵn sàng nhập cuộc vì họ tin rằng với tỉ lệ ủng hộ của người dân giành cho TT Trump trong suốt hơn 2 năm qua chưa bao giờ vượt qua tỉ lệ 46% (tức là đa số dân chúng ở Mỹ vẫn không hề ủng hộ ông trong suốt nhiệm kỳ), bất cứ một ứng viên nào của phe Dân Chủ tương đối coi được (tức là không tạo sự bất mãn hoặc chống đối mạnh mẽ của nhiều tầng lớp quần chúng) thì người đó sẽ dễ dàng giành được lá phiếu của đa số cử tri độc lập, hoặc kể cả cử tri đảng Cộng Hoà nhưng không đồng tình với đường lối và cung cách của ông Trump, và dĩ nhiên là toàn bộ sự ủng hộ của cử tri phe Dân Chủ.
Vì thế nên người ta không lạ gì khi thấy có đến hơn 20 ứng viên đã nhập cuộc trong kỳ tranh cử lần này để mong trở thành ứng viên chính thức của đảng Dân Chủ. Và có thể nói không sai chính cuộc chạy đua này mới là điều đáng theo rõi và chú ý tìm hiểu vì kẻ thắng cuộc ở đây có thể trở thành vị tân tổng thống, hoặc là cuộc đấu đá trong nội bộ phe Dân Chủ có thể trở thành quá mãnh liệt và tàn nhẫn để khiến cho cử tri của họ bị xâu xé và chia rẽ và sẽ giúp cho TT Trump có thể tái đắc cử một lần nữa nhờ may mắn bất ngờ này.
Nói chung, cuộc vận động tranh cử cho chức vụ tổng thống quả tình cũng khá rắc rối với nhiều diễn biến diễn ra trong một khoảng thời gian khá dài đến gần 2 năm khiến khán giả chứng kiến cũng phải ngồi xem đến mệt nghỉ. Và dĩ nhiên các trận tranh tài hào hứng đáng theo rõi chính là những cuộc tranh luận giữa các ứng viên để vận động giành lấy sự ủng hộ của cử tri.
Chẳng vì thế mà hai nhà báo Amanda Mitchell và Cady Drell, trong một bài viết tổng hợp trên tạp chí Marie Claire, đã ví von việc ngồi xem những cuộc tranh luận giữa các ứng viên phe Dân Chủ chẳng khác gì ngồi xem hàng trăm các trận tranh tài thể thao trong một kỳ Thế Vận Hội. Nhưng thay vì giành được nhiều huy chương vàng nhất, lần này kẻ chiến thắng sẽ trở thành vị tân tổng thống của Hoa Kỳ.
Lần này, Uỷ Ban Trung Ương Đảng Dân Chủ đã quyết định tổ chức tổng cộng 12 cuộc tranh luận trước khi tiến đến cuộc đại hội toàn quốc vào mùa hè năm 2020 để lựa chọn ứng viên chính thức. Và sau nhiều tháng trời đưa ra những đề nghị về chính sách cũng như tranh giành sự thu hút của giới truyền thông, 20 ứng viên của phe Dân Chủ đã có cơ hội trình làng khả năng và tài sức của họ trong cuộc tranh luận đầu tiên diễn ra trong hai ngày 26 và 27 tháng 6 vừa qua.
Theo quy định của phe Dân Chủ, mỗi ứng viên phải đạt được ít nhất tỉ lệ 1% ủng hộ của cử tri trong 3 cuộc thăm dò dân ý độc lập ở cấp tiểu bang và liên bang được lựa chọn bởi ban tham mưu của đảng. Hoặc là các ứng viên phải thu được sự ủng hộ tài chính đặc biệt của ít nhất là 65,000 người, trong đó phải có ít nhất 200 người ủng hộ tại 20 tiểu bang khác nhau.
Sau cùng đã có 20 người được lựa chọn, và ban tổ chức đã phải chia ra thành 2 toán tranh luận trong hai buổi khác nhau để cho mỗi ứng viên tương đối có đủ thời gian để trình bày cho cử tri biết những sở trường hay khả năng, tài sức của họ. Việc phân chia thành 2 toán này được thực hiện theo kiểu bốc thăm. Trong một chừng mực nào đó, kiểu lựa chọn này có phần dân chủ và cởi mở hơn so với kỳ lựa chọn của phe Cộng Hoà vào năm 2016 khi bộ tham mưu của đảng đã phải giới hạn thành 2 toán với toán đầu gồm 10 ứng viên được coi là sáng giá nhất và toán thứ nhì gồm những ứng viên thuộc hạng nhì (và do đó được ít người chú ý theo rõi). Nhưng với các cuộc tranh luận của phe Dân Chủ lần này, mọi người đã chú ý theo rõi đồng đều cả hai cuộc tranh luận vừa qua.
Đây là cơ hội hiếm có để cho những ứng viên có thể xuất hiện trước công chúng và tranh luận với các đối thủ khác để từ đó có thể ảnh hưởng đến cảm nhận và sự đánh giá của cử tri để biết xem họ sẽ so tài ra sao với TT Trump trước khi có quyết định bỏ phiếu.
Trong buổi tranh luận đầu tiên diễn ra vào ngày 26/6 vừa qua có 10 ứng viên với người nổi tiếng nhất có lẽ là nữ nghị sĩ liên bang Elizabeth Warren, sau đó là những nhân vật khác như Beto O’Rourke, Amy Klobuchar, Jay Inslee, Cory Booker, Julian Castro, Bill de Blasio, Tulsi Gabbard, Tim Ryan, và John Delaney.
Buổi tranh luận vào ngày hôm sau 27/6 gồm có nhiều nhân vật được biết tiếng nhiều hơn, đứng đầu là cựu PTT Joe Biden và nghị sĩ liên bang Bernie Sanders. Sau đó là những tên tuổi đáng kể khác như Kamala Harris, Kirsten Gillibrand, và Pete Buttigieg. Sau đó là đến những nhân vật ít được đa số biết đến như Andrew Yang, Marianne Williamson, Michael Bennett, Eric Swalwell, và John Hickenlooper.
Buổi tranh luận đầu tiên với 10 ứng viên của đảng Dân Chủ
Thật ra với một diễn đàn rộng lớn bao gồm 10 ứng viên, nhưng chỉ có 2 tiếng đồng hồ để tranh luận, có lẽ khó có ứng viên nào đủ may mắn để thực sự trình bày đầy đủ những đề nghị hay chính sách của mình để có thể thuyết phục dễ dàng đa số cử tri phải ủng hộ ngay. Tuy nhiên, đây cũng là dịp để mọi người có thể nhìn thấy liệu những ứng viên cùng đảng sẽ giữ lịch sự đến mức nào trong lúc vẫn muốn tấn công đối thủ để giành lấy ưu thế cho mình. Mọi người cũng muốn xem là các ứng viên này sẽ triệt hạ lẫn nhau đến mức độ nào, hoặc là họ sẽ cùng nhau dồn hết mọi tấn công nhắm về đối thủ chính là TT Trump. Tuy nhiên, điều mọi người tin chắc là con số hơn 20 ứng viên hiện nay có lẽ sẽ nhanh chóng giảm xuống khá nhiều trong những tuần lễ sắp tới.
Thậm chí, trong một bài phân tích khá lý thú trên diễn đàn Politico mới đây, hai nhà báo John Harris và Alex Thompson còn cho rằng đa số các ứng viên phe Dân Chủ cho kỳ bầu cử năm 2020 coi như đã tàn rồi (Most of the 2020 Democratic candidates are already doomed).
Nói chung, cái nghề bình luận hoặc phân tích thời sự là một hình thức tiên đoán những gì sẽ xảy ra trong thời gian sắp tới, dựa vào những biến cố đã diễn ra và được suy diễn bởi những người được coi như là chuyên gia am tường thời sự để ước lượng những điều có xác suất cao sẽ xảy ra dựa theo lịch sử và truyền thống trước đó.
Tuy nhiên, những tiên đoán này cũng không phải là một khoa học thực nghiệm để đưa ra những kết quả có tính xác quyết nhất định, và do đó cũng thường hay sai trật đôi khi rất lớn, một phần cũng vì không ai tiên đoán nổi được lòng người có thể thay đổi ra sao. Vì thế nên đa số các vị chủ biên thường gài thêm câu thòng trong đa số các bài phân tích một câu rào trước đón sau rất kinh điển: đó là không ai biết được chính xác kết quả sau cùng trong ngày bầu cử sẽ ra sao, cũng như không ai đoán trước kết quả trận đấu trước khi tiếng còi kết thúc chưa vang lên.
Và thời gian vài tuần lễ hay vài tháng là một khoảng cách khá xa để có thể đưa ra những kết luận chính xác mạnh miệng, bởi lẽ những biến chuyển do con người gây ra hoặc do thiên thời đưa đẩy quả tình cũng làm cho những người trong cuộc nhiều khi cũng đành phải bó tay để chịu trận.
Do đó, những ứng viên được coi là sáng giá vào thời điểm hiện nay chưa chắc sẽ còn đứng vững ở vị thế hàng đầu khi cuộc đua tiến vào gần mức đến, và những “con ngựa vô danh tiểu tốt” (dark-horses) hôm nay có thể bất ngờ vùng lên vào giờ phút cuối để tạo kết quả “ngựa về ngược” rất bất ngờ, nhưng thỉnh thoảng vẫn xảy ra trong lịch sử.
Tuy nhiên, theo hai nhà báo Harris và Thompson, mặc dù còn đến 19 tháng nữa thì mới đến lễ nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ cho nhiệm kỳ mới, nhưng có lẽ đa số hơn 20 ứng viên hiện nay đang ôm giấc mộng to lớn này sẽ sớm thức tỉnh để nhận ra rằng quả thật là mình không có thiên mệnh để làm quân vương.
Có 3 yếu tố chính để khiến cho đa số các ứng viên hiện nay khó lòng thực hiện được giấc mơ của mình.
1. Thứ nhất, cựu PTT Joe Biden, dù bị tấn công nặng nề bởi TT Trump cũng như bị chỉ trích mạnh mẽ bởi nhiều đối thủ trong nội bộ phe Dân Chủ với nhiều lý do xem ra rất chính đáng, vẫn là người chiếm phần lớn sự ủng hộ của nhiều giới cử tri phe Dân Chủ hiện nay có nhận định rằng cách thức đối phó hữu hiệu với TT Trump là phải trở về với đường lối sinh hoạt chính trị theo quy ước với những truyền thống quen thuộc như trước khi xảy ra hiện tượng Trump. Hiện nay thỉnh thoảng cũng có vài ứng viên cho thấy là họ cũng có khả năng dẫn đưa sự trở về theo khuynh hướng này nhưng họ chỉ thỉnh thoảng chứng tỏ năng lực đó trong cuộc chạy đua lần này.
2. Sự biến chuyển nhanh chóng trong cuộc chạy đua bên phe Dân Chủ lần này có được là nhờ vào những ứng viên không chỉ muốn đơn giản trở về với lối sinh hoạt cổ điển trên chính trường như trước đây. Tuy nhiên, sau nhiều tháng trời vận động vừa qua, có thể nói là chỉ có hai ứng viên được xem là đã nâng cao được uy tín của mình một cách rõ ràng trong tỉ lệ ủng hộ của cử tri. Đó là nữ nghị sĩ liên bang Elizabeth Warren, với tiểu sử cương quyết tranh đấu cho lý tưởng cấp tiến đầy cao đẹp và nhân bản, và ông Pete Buttigieg vì tiểu sử và thành quả xuất sắc rất đặc biệt, lại có phần tiêu biểu cho một thế hệ mới trong xã hội Hoa Kỳ.
Tuy vậy, nói chung cuộc vận động bên phe Dân Chủ vẫn chưa cho thấy có những chuyển động nào đáng kể. Dù bị chỉ trích từ nhiều phía và cũng không biểu lộ một sức lôi cuốn đặc biệt, nhưng ông Biden vẫn tiếp tục giữ vững vị thế hàng đầu của mình. Nghị sĩ Bernie Sanders, thoạt đầu ở vị thế số 2 nhờ vào tiếng tăm trong lần tranh cử năm 2016, dường như càng ngày càng bị thụt lùi và bớt chú ý đến. Cựu dân biểu liên bang Beto O’Rourke và nữ nghị sĩ liên bang Kamala Harris có lúc lên cao với sự chú ý và tò mò của mọi người nhưng cũng chỉ chiếm một thời gian ngắn ngủi để rồi sau đó trở về vị thế như lúc ban đầu: tức là họ cần phải có một thời điểm nào đó để chứng tỏ rằng mình là một ứng viên gạo cội và có thực lực đáng kể. Và hầu hết các ứng viên còn lại cũng tiếp tục ở mức bình thường, không chứng tỏ được một thành quả nào khả quan mặc dù đã có nhiều cố gắng.
3. Cả hai yếu tố kể trên dẫn đến một kết luận khó tránh khỏi: Đó là đa số các cuộc vận động tranh cử này bắt đầu có dấu hiệu suy tàn, đôi khi chỉ kéo dài vài tuần hoặc vài tháng. Cuộc tranh luận lần đầu kỳ này với 20 ứng viên do đài NBC thực hiện sẽ được tiếp tục bằng một loạt hơn chục cuộc tranh luận tiếp theo trong mùa thu năm nay mà các điều kiện đòi hỏi ứng viên cần phải đạt được để được tham dự sẽ càng khó khăn hơn nữa. Cộng vào đó là nhu cầu cần phải tiếp tục gây quỹ vận động tài chính thật dồi dào để chi trả cho rất nhiều tốn phí tranh cử, để rồi sau đó khi thấy rằng mình vẫn không thay đổi được tỉ lệ ủng hộ đáng kể, rất nhiều những ứng viên hiện nay, dù là những chính trị gia tài ba và xuất sắc, cũng sẽ sớm rút ra được kết luận là sẽ tự động rút lui. Trước khi mùa hè này kết thúc, có lẽ người ta sẽ chứng kiến một loạt các ứng viên sẽ thi nhau lên tiếng rút lui, tương tự như những gì đã xảy ra cho phe Cộng Hoà đúng 4 năm về trước.
Theo nhận định của ông Rufus Gifford, cựu giám đốc tài chính cho ban vận động tái tranh cử của TT Obama vào năm 2008, thì “đến một lúc nào đó, một ứng viên phải tự nhìn lại mình để thấy rằng mình không có cơ hội nào trong kỳ bầu cử này, và tốt nhất là nên rút lui cho sớm.” Đó cũng là nhận định của một chuyên gia khác là bà Rebecca Katz, cựu cố vấn cho ông Bill de Blasio là Thị trưởng New York: “Với nhiều ứng viên chỉ đạt tỉ lệ ủng hộ có 1%, quả thật rất khó cho họ để có thể bứt phá ra khỏi cái khối đa số ứng viên không nổi bật này.”
Cái viễn tượng phũ phàng này dẫn đến một suy tính khó khăn trong chiến lược cho những ứng viên có nguy cơ bị bỏ rơi này. Họ không biết phải lựa chọn biện pháp vận động nào trong những tuần lễ kế tiếp. Một số thì muốn dùng những cuộc tranh luận này để tự giới thiệu mình với đại đa số cử tri trên toàn quốc cho đến nay vẫn chưa biết đến tên tuổi của họ. Một số khác thì đang muốn tìm cách chứng minh sự khác biệt trong lập trường và chính sách của mình so với những ứng viên khác để mong tạo một sự chú ý, cho dù có phải tấn công hay chỉ trích một đối thủ cùng đảng.
Điều này dẫn đến câu hỏi là các ứng viên trong “xóm nhà lá” này sẽ dồn sự chú ý để nhắm mũi dùi chỉ trích vào những ứng viên nào được đánh giá là trong toán hàng đầu, tương tự như vào năm 2016 các ứng viên tương đối ôn hoà trong phe Cộng Hoà đang phân vân không biết nên tấn công ông Donald Trump hay nghị sĩ Ted Cruz vì cả hai người này được xem là những ứng viên bảo thủ quá khích hoặc kỳ quái nhất.
Sự kiện ông Biden tiếp tục giữ vững vị thế hàng đầu trong các bảng thăm dò dân ý trong một thời gian dài cho thấy là dường như một số lớn cử tri phe Dân Chủ nhìn thấy rằng nhiệm vụ chính của đảng này hiện nay là phải đánh bại ông Trump, và cách thức hay nhất, hữu hiệu nhất là phải đưa ra một ứng viên chững chạc, điềm đạm, không có những lời phát ngôn và quyết định gây đảo lộn to lớn và tranh cãi dữ dội. Đó cũng phải là một ứng viên không gây khó khăn hoặc phản cảm với cử tri vì có một tiểu sử khác thường hoặc là một đề cương táo bạo về ý-thức-hệ nhưng từ trước tới nay chưa bao giờ thắng cử lớn. Điều này sẽ dẫn đến việc các ứng viên này có thể nói với cử tri rằng “tôi cũng có tiểu sử và thành tích vững chắc như ông Biden nhưng lại có thêm nhiều điều hấp dẫn lôi cuốn khác.
Một vài ứng viên có thể lựa chọn con đường tấn công chính sách của các đối thủ khác nhằm cho thấy sự khác biệt với đường lối của mình. Chẳng hạn như trường hợp của ông John Hickenlooper, cựu thống đốc Colorado trong 2 nhiệm kỳ, mới đây đã đọc một bài diễn văn chống lại chủ nghĩa xã hội sau khi ông Bernie Sanders đã đọc bài diễn văn đề cao chuyện này. Hoặc là cựu dân biểu liên bang John Delaney đã nói trong kỳ đại hội đảng Dân Chủ thuộc tiểu bang California rằng chính sách được nhiều ứng viên khuynh tả đề cao là “Medicare for All” (Bảo Hiểm với giá rẻ cho Mọi Người) không phải là một chính sách tốt, và cũng không đạt được thành quả tốt trên chính trường. Thế nhưng, có lẽ cả hai ông Hickenlooper và Delaney không có nhiều hy vọng để được tham dự trong những kỳ tranh luận ở các vòng kế tiếp, nói gì đến triển vọng tiến sâu vào vòng trong để mong trở thành ứng viên chính thức.
Nhiều ứng viên hiện nay xem những cuộc tranh luận trong nội bộ phe Dân Chủ là cơ hội duy nhất còn lại để mong được tiếp tục tiến bước, hoặc nếu không đạt được kết quả tốt thì coi như sẽ rút lui.
Nhưng theo nhiều chuyên gia, giờ đây có lẽ đã quá trễ để họ có thể lật ngược tình thế. Đó là lời kết luận của ông Tim Lim, một chuyên gia tham vấn cho các ứng viên phe Dân Chủ, khi nhận định: “Có lẽ với hơn phân nửa số ứng viên hiện nay, tình trạng giờ đây đã quá trễ để họ có thể bùng lên.”
Mai Loan
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.