Thượng tọa Thích Trí Quang (ngồi giữa, nhìn thẳng), một lãnh tụ của phong trào Phật giáo ở miền Trung và miền Nam Việt Nam những năm 60 của thế kỷ trước
Sự 'im lặng' của Hòa thượng Thích Trí Quang, một lãnh tụ của các phong trào đấu tranh sôi động của Phật giáo Việt Nam thời chiến, người được cho là đã từng làm 'rúng động' nước Mỹ, từ sau ngày 30/4/1975 có thể được nhìn nhận như thế nào là một chủ đề được các khách mời Bàn tròn thứ Năm tranh luận tuần này.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng gợi ý những cách tiếp cận đối với sự thật lịch sử khi cố gắng tìm câu trả lời cho câu hỏi thực chất nhân vật lịch sử và giai đoạn lịch sử đầy biến động, có liên quan tới các phong trào Phật giáo Việt Nam và vai trò lịch sử của Hòa thượng Trí Quang, người vừa qua đời ở Việt Nam, hưởng thọ 96 tuổi, ra sao.
Trước hết, từ California, Hoa Kỳ, ông Mặc Lâm, nhà báo từng nhiều năm làm việc tại RFA Tiếng Việt, nêu quan điểm với cuộc hội luận hôm 14/11/2019:
"Về sự im lặng của Hòa thượng Thích Trí Quang từ sau tháng Tư 1975 đến bây giờ, chúng ta ai cũng ngạc nhiên và có rất nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh thái độ này của Hòa thượng.
"Nhưng chúng tôi nghĩ rằng, chung quy đó là quyền tự do biểu đạt của từng người một trong thế giới này và khi Hòa thượng đã xuống đường, đã đem bàn thờ Phật xuống đường hay là là đã biểu tình (tuyệt thực) trong vòng 100 ngày, cũng như những hoạt động khác, để chống lại một chế độ mà Hòa thượng cho rằng đã không phù hợp với Việt Nam, thì đó cũng là một quyền tự do của người tu hành, kể cả người tu hành đó là Phật giáo, Công giáo hay bất cứ một tôn giáo nào khác.
"Chúng tôi rất trân trọng những chuyện đó. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh Việt Nam bao nhiêu năm nay, mà Hòa thượng không lên tiếng một chút nào, thì người dân cũng có quyền của họ về suy nghĩ về thái độ sống và thái độ tranh đấu của Hòa thượng, trước đây, nó đã rất mạnh mẽ và rất là dấn thân, nhưng bây giờ lại im lặng hoàn toàn như vậy, thì người dân cũng có thể đánh giá rằng đây là một thái độ có vẻ là nó bị khuất phục trước cường quyền, hay là một thái độ mà ngài có thể là ăn năn.
"Hay là có thể cảm thấy rằng bây giờ nếu có chống lại chế độ hiện thời đi nữa, thì cũng không đi tới đâu. Cho nên đó là suy nghĩ riêng của ngài mà chúng ta không ai có thể đoán được, hay xét đoán được qua hành động của ngài."
Vắng mặt hậu 75 và mục tiêu đã đạt?
Có nhiều giả thuyết với quan điểm khác nhau, thậm chí tranh cãi về vai trò, di sản của Hòa thượng Thích Trí Quang, người vừa viên tịch ở Huế, hưởng thọ 96 tuổi
Từ Marseille, nhà biên khảo Trương Nhân Tuấn nói:
"Hòa thượng Thích Trí Quang cho đến năm 1975 chỉ tóm lược trong ba thứ thôi, đó là: tranh đấu, tranh đấu và tranh đấu. Thứ nhất là tranh đấu cho công lý, giành lại công lý cho Đạo Phật trước sự đàn áp; và thiên vị Thiên Chúa Giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm.
"Thứ hai là tranh đấu cho đạo pháp và dân tộc; thứ ba là tranh đấu lật đổ chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm để thực hiện hai mục tiêu vừa nói. Thì bây giờ, đến nay, mục tiêu thứ ba đã hoàn tất từ 56 năm, gần một đời người.
"Vậy hai mục tiêu giành lại công lý cho đạo Phật, thì Hòa thượng Trí Quang đã làm gì được cho đạo Pháp và dân tộc? Đã thực hiện được gì hay chưa?
"Thứ nhất là vấn đề tranh đấu cho công công lý, nội dung giành lại công lý cho đạo Phật trước sự đàn áp và thiên vị Thiên Chúa Giáo của chính quyền ông Diệm, câu hỏi đặt ra cho quý vị Phật tử... là công lý đã thiết lập hay chưa? Đạo Phật hiện nay có được quyền tự do tín ngưỡng hay không? Hai vấn đề này tôi không lạm bàn, nhưng theo tôi công lý ở Việt Nam bây giờ chỉ là một diễn viên hài mà thôi.
"Cái thứ hai là tranh đấu cho dân tộc, thì câu hỏi thứ hai tôi đặt ra là Phật Giáo ở đâu trong lòng dân tộc? Đặc biệt đặt ra cho hậu duệ của Hòa thượng Thích Trí Quang...
"Câu hỏi đó đến nay chưa ai trả lời hết. Phật giáo của Hòa thượng Trí Quang vắng mặt ở hầu hết những biến cố, những tai ương đã xảy ra cho dân tộc Việt Nam từ năm 1975 đến nay.
"Cá nhân tôi cho rằng phong trào tranh đấu của Hòa thượng Thích Trí Quang đã mở cửa đưa cho dân tộc Việt Nam vào một giai đoạn khốc liệt nhất trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. Nội chiến chấm dứt thì hai mục tiêu đạo pháp và dân tộc và công lý vẫn chưa đạt được.
"Đến ngày hôm nay người dân biết chết, vẫn phải đi, báo chí Anh quốc bây giờ cũng nhắc lại câu là "nếu cột đèn có chân, thì cây cột đèn cũng vượt biên", thì rõ ràng mục tiêu dân tộc của thầy Trí Quang còn xa lắm, rất là xa, chưa đạt tới đâu.
"Cái thứ ba là tranh đấu lật đổ chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm, mục tiêu này, thầy Trí Quang đã thành công hoàn toàn, nhưng vấn đề đặt ra là thực hiện hai mục tiêu đó để làm gì, khi hai mục tiêu chúng ta vừa nói là tranh đấu cho đạo pháp và dân tộc không thực hiện được?
"Vấn đề là cho rằng chế độ của ông Ngô Đình Diệm là độc tài, gia đình trị, thì bây giờ mình cũng nên nhìn lại, nếu chúng ta so sánh bây giờ giữa ông Diệm và ông Hồ, hay là ông Diệm với những lãnh đạo châu Á cùng thời là Ferdinand Marcos, Tưởng Giới Thạch hay là Sukarno, hay là Mao Trạch Đông, thì rõ ràng ông Diệm là một người hiền hòa, bao dung, có đạo đức, thanh bạch hơn hẳn những ông kia...
Phong trào Phật giáo Việt Nam ở miền Trung và miền Nam đã có những giai đoạn rất sôi động trong thập niên 1960 và trước 30/4/1975
"Ông Diệm, tôi thấy không có độc tài, ở một đất nước mà trong tình trạng chiến tranh, tự vệ ý thức hệ nữa, mà ý kiến chính trị gia, tôn giáo, được hưởng đầy đủ các thứ quyền tự do hết, còn hơn cả Malaysia hay là Indonesia bây giờ nữa, theo tôi mình so sánh những gì mình có thể so sánh được, nếu ông Diệm là độc tài, thì bây giờ mình đã nhìn thấy sự thật đó là như thế nào rồi," ông Trương Nhân Tuấn nêu quan điểm từ góc độ cá nhân.
Không thể đổ tội cho một người
Tiến sĩ triết học, nhà nghiên cứu Phật giáo Thái Kim Lan trước hết phản biện một số quan điểm liên quan Hòa thượng Thích Trí Quang và nêu quan điểm về bản chất tình hình chính trị của giai đoạn lịch sử hơn một nửa thế kỷ trước, có liên quan tới các phong trào Phật giáo ở miền Trung và miền Nam Việt Nam, bà nói:
"Trước hết, tôi muốn nói như thế này là nhận định lịch sử phải khách quan và rất kỹ lưỡng, bình tĩnh nữa. Bởi vì nếu chúng ta dùng chữ sai, thì sai một li là đi một dặm. Dùng chữ "tiếp tay", là tôi không đồng ý.
"Ví dụ như dùng chữ tiếp tay là cuộc vận động Phật giáo, hoặc là Hòa thượng Thích Trí Quang đã tiếp tay cho Cộng sản, tôi không đồng ý. Tôi không đồng ý ở cái chỗ trong lúc cuộc vận động Phật giáo xảy ra, thì mục tiêu của Phật giáo lúc ấy rất là hòa hoãn, chỉ muốn chính quyền ông Diệm chấp nhận sự bình đẳng tôn giáo.
"Và chấp nhận thứ hai là những nạn nhân của cái đêm Phật đản phải được bồi thường, chính tôi là một trong những người đi tuyệt thực để đòi sự thực thi công bằng như vậy.
"Thì trong mục tiêu này, không bao giờ có vấn đề tiếp tay cho Cộng sản một chút nào cả, nếu có sự tiếp tay, thì có thể những chuyện xảy ra là sau này, mà đó là xảy ra bên ngoài, chứ không phải là tự thân của cuộc vận động 1963. Thành thử chữ "tiếp tay", chúng ta nên cẩn thận để sử dụng.
"Điểm thứ hai là vấn đề lật đổ ông Ngô Đình Diệm không có ở trong chương trình của cuộc vận động 1963, mà chúng tôi khẳng định là mặc dù có nhiều cái giải thích khác nhau, nhưng mục tiêu và cuộc tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức chỉ muốn đánh động sự công bằng, tinh thần công bằng mà ông Ngô Đình Diệm và chính quyền Ngô Đình Diệm nên chú trọng.
"Chứ không phải là có tính cách lật đổ chính trị. Chính trị là người Mỹ làm và chính trị là các tướng lãnh, nhưng mà thực ra chính quyển đã đẩy. Nếu chúng ta đọc lịch sử một cách đúng đắn và có tư liệu hẳn hoi, thì chúng tay thấy rõ ràng là chính quyền càng ngày càng đẩy người Phật tử cũng như quần chúng không đứng về phe của chính quyền nữa.
Chính quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm đã chịu nhiều chỉ trích và cáo buộc cho rằng đã thiên vị Công giáo và ngược đãi, đàn áp Phật giáo
"Bởi vì chính quyền đã buộc tội, cáo buộc tất cả đều là Cộng sản, mà chúng tôi thực sự lúc đó là sinh viên, rất là trong sáng, ngây thơ, không có một chút gì là chúng tôi nghĩ chúng tôi theo Cộng sản cả. Chúng tôi chỉ thấy nhà Chùa và người dân bị đánh đập và tuyệt thực, chúng tôi can thiệp, chúng tôi muốn đứng ra.
"Và đó là một tinh thần tự do ngôn luận, và phải nói đó là một điểm son ở trong chế độ đó, chúng tôi có quyền, chúng tôi đã được nói và chúng tôi được phản đối. Còn về lịch sử, tại sao Việt Nam sau này rơi vào tay như các ngài nói là "tiếp tay để rơi vào tay Cộng sản", thì chúng ta phải hỏi tất cả những nhà cầm quyền kế tiếp - trách nhiệm của họ thế nào? Tất cả những hành động của người Mỹ như thế nào?
"Chúng ta không thể nào nói một cách võ đoán được để mà buộc tội một người được!," Tiến sĩ Thái Kim Lan nói.
Chánh pháp và hành động
Từ Paris, Pháp, ông Võ Văn Ái, một nhà biên khảo và hoạt động Phật giáo chia sẻ quan điểm của mình, đặc biệt về những câu hỏi đặt ra về "sự im lặng" sau 30/4/1975 của Hòa thượng Thích Trí Quang, ông nói:
"Chúng ta có thể biết rất rõ phê bình đó, khi nhìn rằng tất cả những người khác, hay những đảng phái, hay những nhóm bè đứng lên tranh đấu, tố cáo này kia đã đưa lại cái gì cho đất nước Việt Nam? Chúng ta vẫn nằm dưới một chế độ cộng sản.
"Thì dù có nói lớn hay không nói lớn, vẫn chưa ai làm được gì cả. Tôi nghĩ rằng trong trường hợp của cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang, thì trong thuật ngữ Phật giáo có một câu nói rằng: nói năng như Chánh pháp, im lặng như Chánh pháp.
"Nghĩa là ngài có nói năng, có phê bình, có xuống đường, có biểu tình, hay là không có tất cả những việc đó, tất cả những điều đó đều là Chánh pháp, chân lý của Đạo Phật."
Nói về chuyển động của các phong trào Phật giáo trước đây ở miền Nam Việt Nam từ sau mốc 30/4/1975, ông Võ Văn Ái bình luận thêm:
Một cuộc biểu tình của các tu sĩ Phật giáo yêu cầu lãnh đạo chính quyền từ chức (Thượng tọa Thích Trí Quang ngồi chắp tay ở bìa trái)
"Sau năm 1975, cố Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang ở Bình Định và Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ vẫn tiếp tục con đường đòi hỏi công lý và hòa bình cho dân tộc.
"Tất nhiên, không có một sự im lặng, không có một sự thối lui, không có một sự khuất phục nào cả."
Từ Hà Nội, nhà nghiên cứu Triết học và Phật giáo Thái Kim Lan nói thêm:
"Câu cuối cùng của tôi là như thế này, sự im lặng của ngài Thích Trí Quang không phải là sự im lặng. Ông làm việc. Và ông làm việc theo một cách khác. Ông dịch sách và ông đã để lại một gia sản đồ sộ về kinh sách Phật giáo cho người Phật tử.
"Và ông giữ vững quan điểm của mình là sự im lặng này vượt lên trên hết tất cả các tranh cãi mà toàn là giả thuyết và ông không bao giờ trả lời," bà nói.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.