Cuộc chiến đàn hặc vừa bước qua khung cửa khủng hoảng chính trị vĩ đại.
Một ông cấp tiến viết trên trang mạng Politico đại khái cuộc chiến đàn hặc đã trở thành một đe dọa cho sự sinh tồn của thể chế dân chủ của Mỹ, khiến dân Mỹ mất tin tưởng vào chế độ bầu bán dân chủ. Không sai! Nhưng oái ăm thay, ông này lại đổ lỗi cho TT Trump là người đã khiến dân Mỹ mất tin tưởng vào bầu bán trong khi đảng DC chính là đảng đang muốn phá bỏ kết quả bầu cử vừa rồi và lũng đoạn bầu cử tới.
Đầu tuần qua, bà chủ tịch Hạ Viện thông báo Hạ Viện sẽ biểu quyết về “thủ tục điều tra để bảo đảm sự trong sáng của tiến trình điều tra” và ngày thứ Năm vừa qua, Hạ Viện đã biểu quyết thật. Tất cả các dân biểu CH chống cùng với 2 dân biểu DC, số dân biểu DC còn lại thuận hết.
Hạ viện Mỹ hôm 31/10 thông qua nghị quyết để chính thức tiến hành cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump.
Cuộc biểu quyết là một vết đen khổng lồ cho TT Trump. Ngược lại, cũng rất tai hại cho đảng DC: Thứ nhất, xác nhận là đúng như TT Trump đã tố giác, đây quả là một đòn phép chính trị phe phái, không phải là chuyện TT Trump có phạm tội gì hay không; thứ nhì bắt hơn 30 dân biểu DC trong vùng cử tri CH phải chường mặt ra, gây khó khăn lớn cho họ trong kỳ bầu năm tới; thứ ba, phe CH sẽ cố kéo dài tiến trình và cuộc bầu tổng thống sẽ biến thành một trưng cầu dân ý về TT Trump, không ai để ý đến bên đảng DC ai sẽ thắng để ra tranh cử, có chương trình gì; thứ tư, cho thiên hạ thấy khối CH đoàn kết 100% sau lưng TT Trump trong khi khối DC có hai dân biểu ‘bỏ đảng’; và cuối cùng, sẽ kích động khối cử tri da trắng bảo thủ của TT Trump đi bầu mạnh năm tới. Tất cả là chuyện ai cũng biết, không có gì đáng ngạc nhiên.
Về điểm thứ nhất: biểu quyết tuyệt đối theo làn ranh đảng phái (ngoại trừ 2 dân biểu DC ‘phản đảng’) chứng minh rõ ràng tính phe phái. Nếu TT Trump có tội nào đó, không thể có chuyện tất cả dân biểu một đảng nhìn thấy tội trong khi tất cả phe kia không nhìn thấy tội. Nhớ lại năm xưa:
· TT Nixon: 100% DC và đa số CH cho rằng TT Nixon phạm tội, đưa đến việc ông từ chức để tránh bị truất phế.
· TT Clinton: 100% CH và hơn 30 dân biểu DC ủng hộ điều tra; TT Clinton bị đàn hặc nhưng không truất phế.
· TT Trump: 100% CH + 2 dân biểu DC thấy không có nhu cầu điều tra, khoan nói tới chuyện TT Trump có tội hay không. (Không có được MỘT ông/bà dân biểu CH thấy TT Trump có tội thì làm sao tìm ra được 20 thượng nghị sĩ CH để truất phế?)
Do đó, ai cũng hiểu đàn hặc là cách đảng DC dùng để đánh TT Trump trong mùa bầu cử thôi, chỉ vì DC không có cách nào khác hạ TT Trump năm tới qua bầu cử chính danh, đúng như ông dân biểu DC Al Green đã từng thú nhận.
Quyết định của bà Pelosi là hậu quả việc cả nước lên án bà ra lệnh mở cuộc điều tra đàn hặc TT Trump mà không cho cả Hạ Viện biểu quyết. Nhiều chuyên gia nghĩ bà khi đó chưa đủ túc số hay có đa số quá ít để chấp nhận cho cả Hạ Viện biểu quyết.
Phe CH, TT Trump, và cả vài tiếng nói DC và ngay cả báo Washington Post đã lên án bà Pelosi thiếu minh bạch, vi phạm thủ tục quốc hội. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho biết ông đã thu thập được 50 phiếu thượng viện để lên án bà Pelosi, nếu biểu quyết có thêm phiếu của PTT Pence thì Thượng Viện coi như đã công khai tố Hạ Viện vi phạm Hiến Pháp và mọi cố gắng truất phế TT Trump sẽ trôi theo dòng nước. Trước nguy cơ thực tế đó, bà Pelosi đã kéo thắng tay, miễn cưỡng tổ chức biểu quyết, tất nhiên sau hơn một tháng vận động thêm các dân biểu chống Trump trong hậu trường.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi phát biểu tại cuộc họp báo hôm 31/10 ở Washington.
Trong khi đó, một liên minh của 40 tổ chức bảo thủ đã đệ đơn khiếu nại bà chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi đã biến đàn hặc thành vũ khí chính trị bí mật, hoàn toàn trái với tinh thần của Hiến Pháp. Dù vậy, bà Pelosi vẫn trơ trẽn chỉ trích phe CH biểu quyết chống mở cuộc điều tra: “Tại sao CH lại sợ sự thật? Tất cả các dân biểu phải ủng hộ việc cho dân Mỹ nghe được sự thật qua chính tai của họ”. Vâng, sau khi bà đã cho điều trần bí mật trong hơn một tháng và chỉ đồng ý cho cả Hạ Viện biểu quyết điều trần công khai sau khi bị áp lực quá lớn. Cái lưỡi không xương nói sao cũng được.
Một yếu tố quan trọng cần lưu ý. Trong suốt cả tháng qua, phe DC đã nhờ TTDC làm đồng minh để công bố những tin bất lợi cho bị cáo Trump trong khi những tin có lợi thì bị hoàn toàn giấu nhẹm, và rồi TTDC cũng hồ hởi đóng vai loa phóng thanh vô điều kiện, nghiã là cả hai bên thông đồng với nhau để xoay chuyển dư luận quần chúng. Cho đến nay, có lẽ đã xoay chuyển được dư luận quần chúng phần nào, tạo thêm hậu thuẫn trong Hạ Viện, bà mới chấp nhận cho cả Hạ Viện biểu quyết. Trong nhà binh, cách này không khác gì nã đại bác cả tháng ủi bãi đáp trước khi thả lính vào trận.
Ta thấy chuyện khá khôi hài: sau khi Hạ Viện đã "điều cha điều mẹ" cả tháng trời rồi thì bây giờ mới biểu quyết mở cuộc điều tra. Thế điều tra cả tháng nay dựa trên cái gì vậy? Dựa trên một quyết định đơn phương bất hợp pháp vì chưa được Hạ Viện biểu quyết cho phép? Như vậy các cuộc điều trần trước đây có còn giá trị không?
Có hai điều quan trọng nhất trong thủ tục mới là:
1_ các cuộc điều trần sẽ phải công khai, tuy chẳng ai biết những tiết lộ trong các cuộc điều trần bí mật trước đây có được công bố trọn vẹn hay không,
2_ phe thiểu số CH sẽ có quyền đòi nhân chứng ra điều trần; chưa rõ CH sẽ đòi ai ra, nhưng có nhiều triển vọng CH sẽ cố lái cuộc điều trần vào chuyện cha con cụ Biden, do đó cụ Biden đang run trong khi bà Warren đang tạ ơn trời đất.
Trong một tin liên hệ, ông Charles Kupperman, cựu phụ tá của cố vấn An Ninh Quốc Gia John Bolton, đã từ chối không ra điều trần viện lý do ông đang tham khảo ý kiến tòa án xem ông có bổn phận phải theo lệnh của hành pháp không ra điều trần, hay phải theo lệnh của lập pháp phải ra điều trần. Có tin hành động của ông Kupperman đã là lý do quan trọng khiến bà Pelosi phải công khai hóa cuộc điều tra: giúp Hạ Viện có lý do chính đáng lôi các quan chức chính quyền Trump ra điều trần một cách hợp pháp, qua một biểu quyết chính thức của Hạ Viện. Tin buồn cho đảng DC là ông toà đã cho biết sẽ lấy quyết định vào tháng Giêng, nghĩa là nhiều nhân chứng mà phe DC đòi ra điều trần sẽ có lý do trì hoãn chờ phán quyết của tòa trước khi nhận ra điều trần.
Một nhận định mới nhất mà cũng ‘hấp dẫn’ nhất của TTDC: bà nhà báo Elizabeth Drew viết trên báo USA Today là “không cần tổng thống phải phạm tội gì cũng đàn hặc và truất phế được”. Theo bà này, đàn hặc là công cụ để Hạ Viện kiểm soát tổng thống, do đó nếu Hạ Viện cảm thấy tổng thống làm chuyện sai trái nào đó, chẳng hạn như lạm quyền hay tham nhũng, thì Hạ Viện có quyền đàn hặc tổng thống cho dù chẳng có ‘tội’ cụ thể nào hết. Không có gì lạ. Kẻ này đã viết nhiều lần, đàn hặc không phải là một vấn đề pháp lý mà chỉ là một công cụ chính trị.
Một lập luận giải thích rất rõ Hạ Viện đang làm chuyện gì.
Tin buồn cho đảng DC: một thăm dò của báo phe ta New York Times tại 6 tiểu bang xôi đậu then chốt nhất cho cuộc bầu cử tổng thống năm tới cho thấy tại tất cả những nơi này, đa số dân Mỹ chống đàn hặc và chống truất phế TT Trump. Trung bình là 52% chống đàn hặc trong khi 43% ủng hộ. Sáu tiểu bang này là Arizona, Florida, Michigan, North Carolina, Pennsylvania, và Wisconsin.
Vũ Linh
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.