Năm 1936, chỉ hơn một
thập niên sau khi ngành vận tải hành khách hàng không đường dài bắt đầu hoạt
động, khinh khí cầu Zeppelin Hindenburg đã được trang bị một chiếc đàn dương
cầm lớn cùng với phòng khách, phòng ăn, phòng hút thuốc và một quầy rượu.
Trước đó, các khinh khí cầu
cũng thường có nhạc công chơi các nhạc cụ nhỏ như đàn phong cầm để giúp hành
khách tiêu khiển.
Những chuyến bay dài dường
như luôn cần sự giải trí để hành khách khỏi bị buồn chán.
Sau Đệ nhị Thế chiến và
mãi cho đến tận thập niên 1990, mức độ giải trí cao nhất mà hành khách đi máy
bay có thể có được chỉ là xem phim: thời gian đầu là dùng máy chiếu, sau đó mới
có một số màn hình ti vi hạ xuống từ trần máy bay.
Một số hãng hàng không có
phục vụ âm nhạc cho hành khách: ban đầu là bằng những ống hơi nhỏ truyền âm
thanh đến tai hành khách, rồi sau đó là có bộ tai nghe điện tử đàng hoàng được
cắm vào phần tựa tay bên ghế ngồi.
Giờ đây đương nhiên việc
giải trí trên các chuyến bay là một việc hết sức quan trọng. Và việc này
không hề rẻ chút nào – các hãng phải bỏ ra gần 15.000 Mỹ kim cho mỗi ghế ngồi để
trang bị màn hình cho phép xem TV theo nhu cầu, xem phim hay chơi games khi
đang bay.
Tuy nhiên, hình thức giải
trí trên máy bay sắp bước qua một sự thay đổi nữa: các máy bay giờ đây đã được
nối mạng Internet nên hành khách có thể xem các nội dung trực tiếp trên các
thiết bị điện tử cá nhân.
Vậy việc này sẽ thay đổi
trải nghiệm của hành khách như thế nào?
Các phi cơ nhỏ như Airbus
320 không được trang bị hệ thống giải trí phức tạp do vấn đề trọng lượng và chi
phí
Chọn xem nội dung giải trí theo nhu cầu
Một trong những yếu tố lớn
nhất dẫn đến sự thay đổi các hình thức giải trí trên máy bay là việc các máy bay
giờ đây đã được kết nối mạng nhanh hơn nhiều qua vệ tinh.
Wifi giờ đây đã trở thành
điều bình thường trên nhiều chuyến bay ở Mỹ và những nơi khác trên thế giới
cũng đang làm theo.
Không phải wifi trên máy
bay lúc nào cũng được cung cấp miễn phí: hành khách phải trả khoảng 5 đô la
một giờ hay 16 đô la để được nối mạng trọn ngày.
Trong vòng năm năm qua, hơn
60 hãng hàng không đã sử dụng máy bay Airbus có trang bị wifi, theo Gregor Dirks
của Airbus.
Bất chấp chi phí đắt đỏ,
việc có wifi trên chuyến bay thật sự có ảnh hưởng đến hãng hàng không và loại
máy bay mà hành khách lựa chọn, theo nội dung phúc trình năm 2014 của Honeywell
Aerospace.
“Hai phần ba những người được
khảo sát chọn các máy bay có trang bị wifi để họ vẫn có thể làm việc, giải trí
hay kết nối được với người khác khi đang bay."
"Chúng tôi cũng thấy
là hành khách sẵn sàng hy sinh thứ khác để đảm bảo chuyến bay của họ có wifi.
Điều này đồng nghĩa với việc họ phải chịu thời gian kiểm tra an ninh sân bay
dài gấp đôi và phải làm thủ tục check-in sớm,” Steven Brecken từ Honeywell
Aerospace nói.
Mặc dù vậy, đa phần hành
khách chỉ có thể lướt web, kiểm tra hộp thư và làm các việc đòi hỏi mức băng
thông hẹp; việc xem phim qua các dịch vụ như Netflix và Amazon bị chặn trên
nhiều chuyến bay với lo ngại về đường truyền và dung lượng.
Chi phí đắt đỏ
Việc cho phép kết nối mạng
wifi trên chuyến bay là không chỉ để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng.
Wifi nhanh, ổn định trên
máy bay là một điểm cộng cho các hãng hàng không. “Có lẽ đa số mọi người đều
không biết rằng lý do khiến các máy bay nhỏ, thân hẹp như B737 hay A320 không
có wifi là bởi vấn đề trọng lượng và chi phí,” Anahita Poonegar thuộc
InterTrust Technologies Corporation vốn thiết kế các hệ thống giải trí trên
máy bay, cho biết.
Chi phí thì rất tốn kém.
Việc bảo trì hệ thống giải trí trên máy bay là khoản chi lớn thứ ba của hãng
Air France trong năm 2011 – sau chi phí bảo trì động cơ và bộ phận hạ cánh của
máy bay.
Khoản này có thể “lên tới
7,8 triệu Mỹ kim cho mỗi máy bay tùy thuộc vào loại phi cơ và cấu hình máy
bay,” Koen Spaanderman, kỹ sư tại Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam, nói. Điều
này đồng nghĩa với việc mỗi ghế ngồi ngốn hết 15.000 đô la chi phí lắp đặt.
Việc cắt giảm các khoản chi
phí lắp đặt giải trí tại ghế ngồi đã được tính đến và áp dụng.
Hồi 2012, hãng hãng không
Pháp OpenSkies đã quyết định không lắp đặt hệ thống xem phim thông thường nơi
ghế ngồi trên dàn máy bay Boeing 757 của mình.
Thay vào đó, họ phát cho mỗi
hành khách một chiếc iPad có sẵn nhiều phim ảnh phong phú. Với cách làm này, họ
chỉ tốn khoảng 250.000 đô la cho mỗi máy bay thay vì tốn đến 3 triệu Mỹ kim.
Việc lắp đặt hệ thống giải
trí hiện đại trên máy bay đòi hỏi chi phí khoảng 15 ngàn đô la cho một chỗ ngồi.
Kể từ đó, công nghệ đã
phát triển và giờ đây các hãng hàng không muốn tiến xa hơn một bước nữa – họ
hướng đến việc tải phim ảnh theo yêu cầu, với dịch vụ cho phép hành khách có
thể xem trực tiếp trên thiết bị điện tử của họ thông qua wifi trên máy bay.
Ở Bắc Mỹ, Southwest
Airlines, United, Delta và Jetstar nằm trong số các hãng hàng không cho phép
hành khách làm việc này.
Các hãng hàng không khác
cũng có dịch vụ tương tự, chẳng hạn như Qantas của Úc, Norwegian Air của Na Uy,
hay Monarch và Lufthansa của Đức.
Tuy nhiên các nội dung giải
trí không nhất thiết chỉ giới hạn ở những gì đã được hãng hàng không cài sẵn.
Hồi tháng Sáu 2015, hãng
JetBlue Airways đã cung cấp dịch vụ Amazon Prime cho các thành viên khi đang
bay.
Trở ngại phía trước
Tuy nhiên, có những thách
thức mà ngành hàng không cần phải vượt qua bên cạnh việc lo cho đảm bảo đủ đường
truyền, tốc độ nối mạng đủ nhanh để hành khách không bị gián đoạn khi xem
phim.
Nhưng các công ty tin chắc
rằng vấn đề này chỉ là tạm thời. Hệ thống vệ tinh Global Xpress của công ty
Inmarsat, dự án không gian thương mại lớn nhất của nước Anh, theo dự kiến đi
vào hoạt động vào cuối năm 2015; hai trong số ba vệ tinh của họ đã bay vào quỹ
đạo.
Một số hãng hàng không đã bắt
đầu thay thế hệ thống tốn kém gắn liền trên máy bay bằng việc trao iPad có cài
đặt các chương trình giải trí bên trong.
Thay vì sử dụng các vệ
tinh Ku-band và L-band thông thường, Global Xpress sẽ dụng vệ tinh Ka-band tần
số cao để tăng tốc độ mạng Internet trên các chuyến bay một cách đáng kể.
“GX là hệ thống vệ tinh sử
dụng cho các máy bay,” Brecken cho biết, “với tốc độ wifi cho phép hành khách
tải phim, chơi games và kết nối giống như khi họ ở trên mặt đất.”
Ngoài vấn đề đường truyền,
còn có những thách thức khác như thời gian dùng pin, sắp xếp chương trình, chọn
cài nội dung, vị trí đặt máy và góc xem (một số máy bay giờ đây đã có chỗ để
máy tính bảng nơi ghế ngồi). Rồi còn nguy cơ an ninh về việc hệ thống wifi trên
máy bay bị tấn công.
Một vấn đề quan trọng nữa
là làm sao để chứng nhận và triển khai dịch vụ này trên tất cả các máy bay,
Norbert Muller, phó chủ tịch cấp cao của Lufthansa Systems, nói.
“Trong nhiều trường hợp dịch
vụ này không hề miễn phí và chi phí, nhất là chi phí nối mạng, thường là cao
hơn rất nhiều so với khi bạn kết nối khi ở trên mặt đất.”
Vậy thì các hành khách đi
máy bay có thể trông đợi có được những gì? Màn hình HD có thể uốn cong, công
nghệ 3D hay môi trường thực tế ảo? Tất cả đều đang được xem xét.
Chẳng bao lâu nữa chúng ta
có thể có những màn hình trên máy bay để có thể nói chuyện trực tiếp với người
thân cách đó hàng trăm dặm, và thậm chí có thể dùng loại găng tay đặc biệt để
'chạm' được vào người thân.
Nghe có vẻ xa vời quá chăng?
Những công nghệ này hiện
nay ‘đã thực hiện được’, Martin Raymond, nhà đồng sáng lập Future Laboratory
vốn kết hợp với công cụ tìm kiếm chuyến bay Skyscanner để cho ra phúc trình về
tương lai của hàng không vào năm 2024, nói.
Các hệ thống nguyên mẫu đã
được chế tạo, "tốn kém vào lúc này nhưng sẽ giảm giá khi được sản xuất
phục vụ đại chúng,” Raymond phân tích.
“Giờ đây hành khách ở Mỹ cảm
thấy bực bội nếu chuyến bay của họ không có wifi,” Al St Germain, phó chủ tịch
cao cấp của công ty tiếp thị trên chuyến bay Spafax, nói.
“Thách thức lớn nhất đối với
bất kỳ hãng hàng không nào cũng là việc phải đáp ứng được những mong đợi này của
hành khách. Các hãng hàng không thường phải đưa ra trước nhiều năm những quyết
định rất tốn kém về sản phẩm và dịch vụ – làm sao có thể biết được hành khách sẽ
đòi hỏi gì vào năm tới hay trong năm 2017?”
Katia Moskvitch
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.