Với tấm bằng MBA từ
Đại học Havard và việc làm tại một ngân hàng đầu tư ở New York, Eric Grosse
nghĩ ông đã xác định được tương lai cho mình.
Suốt những năm cuối
thập niên 1990, ông đã trở thành một chuyên gia về nghiên cứu và đầu tư cho
các công ty khởi nghiệp tại DMG Technology Group của Deutsche Bank.
Ông yêu thích công
việc của mình và đang trên đường đi lên trên bậc thang sự nghiệp, với thu nhập
tốt.
Thế nhưng ông lại cảm
thấy muốn tách ra làm riêng. Đến 2002, ông trở thành đồng sáng lập của
Hotwire, một công ty lữ hành trên mạng.
"Việc chuyển
sang một công việc nhiều rủi ro thường đồng nghĩa với việc bạn sẽ có ít nguồn lực
hơn so với một tập đoàn lớn," Grosse nói.
"Bạn đột nhiên
phải tự mình làm rất nhiều việc mà trước đây có thể giao cho người khác
làm."
Với tư cách là chủ tịch
và người đồng sáng lập, Grosse đã giúp Hotwire phát triển thành một trong những
trang web lữ hành lớn nhất, trước khi nó được Expedia mua lại vào năm 2003.
Grosse sau đó trở
thành chủ tịch của Expedia, nơi ông lại trở thành một phần của một tập đoàn lớn
một lần nữa. Ý tưởng chấp nhận rủi ro để biến một công ty nhỏ trở thành công ty
lớn đã mang lại thành quả.
Đến năm 2010, ông lại
rời công việc ổn định với mức lương tốt để ra đi.
Hiện giờ ông là CEO
của Chairish, một công ty khởi nghiệp tại San Francisco vận hành trang web bán
đồ nội thất cũ. Ông thừa nhận rằng việc thích đối mặt với rủi ro dường như đã nằm
trong DNA của mình,
"Mọi việc diễn
ra một cách nhanh chóng ở các công ty khởi nghiệp, và đó là điều tạo động lực
cho bạn. Bỗng nhiên bạn có thể tạo được những sự thay đổi nhanh chóng với những
thứ không hiệu quả," Grosse nói. "Đây là lý do vì sao Davids thắng
Goliaths."
Việc rời khỏi một
công việc ổn định để tìm đến công việc kinh doanh có tương lai bất định không
phải chuyện dễ, nhất là đối với các quản lý đã thế chấp nhà và có gia đình, con
cái.
Tuy nhiên, rất nhiều
nhà lãnh đạo trong thế giới kinh doanh đã chấp nhận rủi ro như vậy, ngay cả khi
điều đó đồng nghĩa với việc họ phải chấp nhận những mất mát cá nhân.
Đó là điều Jeff
Gramm nhận thấy khi đang nghiên cứu để viết Dear Chairman, là cuốn sách nói về
một số lãnh đạo xuất sắc trong thế giới kinh doanh. Nhiều người trong số này đã
rời khỏi các công việc có thu nhập cao để theo đuổi những công việc kinh doanh
nhiều rủi ro, Gramm nói.
"Đây là những
người không hài lòng với tiền bạc," Gramm, người quản lý một quỹ đầu tư tại
New York, nói.
"Họ muốn theo
đuổi thành công đến nỗi một công việc ổn định, an toàn, là chưa đủ."
Sếp lớn nghỉ trước
Có rất nhiều ví dụ -
như Sam Walton tại Walmart hay Ray Kroc ở McDonald's.
Nhưng trường hợp mà Gramm
cho là tiêu biểu, là Ross Perot.
Năm 1962, Perot là
nhân viên bán hàng toàn cầu hàng đầu của IBM. Ông đã đạt được chỉ tiêu bán hàng
hằng năm vào ngày 19/1 năm đó. Và vì vậy, ông đã bỏ việc để thành lập
Electronic Data Systems, công ty đã biến ông thành một tỷ phú.
Có lẽ là sẽ hơi hấp
tấp nếu chỉ nhìn vào các ví dụ của những tỷ phú, Michael Bennett, giám đốc điều
hành của Rethink Group, một công ty quản lý tuyển dụng tại London, nói.
"Đây là những
người khá đặc biệt, với tham vọng lớn hơn hầu hết chúng ta," ông nói.
Thay vào đó, một quản
lý nên chuẩn bị cẩn thận hơn khi nghĩ đến chuyện tách ra.
Hãy bắt đầu bằng câu
hỏi: Liệu đây có phải là công việc đúng với năng lực của bạn? Nói cách khác, liệu
việc bỏ việc để khởi nghiệp có phù hợp với tính cách của bạn? Đối với một số
người, sự bất định về tài chính có thể sẽ khiến bạn mất ngủ, trong khi một số
khác lại xem như đó là động lực.
Nếu câu hỏi là có,
bước tiếp theo là hãy tìm sự tư vấn, Bennett nói.
Hãy tìm những người
đáng tin cậy có thể cho bạn lời khuyên và nói cho bạn biết liệu quyết định của
bạn có đúng hay không. Cuối cùng, hãy tìm hiểu về những công việc kinh doanh mới
cho đến khi bạn chắc chắn rằng nó có một kế hoạch phát triển vững chắc.
Đó là điều mà
Bennett cũng đã từng trải qua. 11 năm trước, ông rời một công việc trả lương hậu
hĩnh để thành lập Rethink Group, giờ đây đã có 220 nhân viên ở 8 văn phòng, với
doanh thu 115 triệu bảng vào năm ngoái.
"Cũng là điều tự
nhiên thôi khi người ta cảm thấy lo lắng trước những rủi ro đi kèm,"
Bennett nói.
"Việc vượt qua
sợ hãi và khiến bản thân làm việc chăm chỉ hơn là một kỹ năng đặc biệt."
Cơ hội trong sự nghiệp
Chuck Davis đã lập
nghiệp nhờ lao vào những điều bất định.
Năm 1995, ông đã có
một công việc tốt tại một công ty phát hành tạp chí, có 900 người dưới quyền.
Ông đã bỏ việc này để
giúp Disney thành lập trang web bán lẻ và các trang web lữ hành.
Ba năm sau, ông lại
bỏ việc để gia nhập Bizrate.com, vốn sau này chuyển tên thành Shopzilla và trở
thành một trang web so sánh giá mua sắm lớn nhất trên thế giới cho đến khi được
bán với giá 525 đôla triệu vào năm 2005.
Bí quyết trong việc
khởi nghiệp đó là vấn đề chọn đúng thời điểm, Davis nói.
"Hầu hết chúng
ta đều nghĩ mình sẽ có bước nhảy vọt vào những năm 20 tuổi, nhưng tôi đã nhảy
việc khi ở tuổi 36 và 39," Davis nói.
"Không có thời
điểm cụ thể nào thực sự là phù hợp để nhảy việc."
Trong lúc các quản
lý trẻ tuổi có ít thứ để mất hơn khi tìm kiếm cơ hội mới thì những lãnh đạo già
dặn hơn lại có nhiều cơ hội để thành công hơn khi khởi nghiệp.
Sau Shopzilla, Davis
đã gia nhập Fandango, một trang web bán phim khi đó vừa được bắt đầu. Ông đã
làm CEO cho công ty mới trong gần 6 năm trước khi nó được bán cho Comcast. Giờ
đây, ông là CEO của Swagbucks, trang web trực tuyến chuyên cung cấp điểm thưởng
hay các chương trình có thưởng cho khách hàng của 140 nhà bán lẻ.
Dù có thể bạn chưa
nghe đến Swagbucks, nhưng đó là lý do vì sao Davis lại đặt cược tương lai của
mình lên công ty mới, với hy vọng nó sẽ thành công vang dội.
"Không phải ai
cũng có thể có những quyết định như vậy. Bạn sẽ phải tự hỏi bản thân rằng mình
có dám hy sinh bảo hiểm y tế và mức lương ổn định cho bước chuyển đổi lớn nhất
trong sự nghiệp mình hay không," Davis nói.
"Thế nhưng đối
với những người cảm thấy bị gò bó và muốn thoả mãn máu khởi nghiệp, sẽ không có
gì tuyệt vời hơn."
Eric Barton
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.