Viết blog là một trải
nghiệm rất hay đối với bản thân tôi, đặc biệt là khi đọc bình luận của độc giả
sau mỗi bài viết. Tôi cũng có tham khảo thêm nhiều blog của các tác giả khác để
trau dồi thêm hiểu biết và kiến thức. Các bài viết của blogger được đăng tải
trên trang web chính thức của VOA và được chia sẻ trên trang cá nhân Facebook.
Dễ dàng nhận thấy rằng các bình luận trên trang web thì luôn luôn đi thẳng vào
vấn đề chính, có luận điểm căn cứ chính kiến khá rõ ràng, nhiều bình luận còn
khiến tôi phải suy nghĩ để căn chỉnh phong cách viết lách của mình.
Còn trên Facebook,
nơi có thể nói là việc nêu ý kiến không bị ai - từ admin cho đến chính quyền -
kiểm soát, bình luận viên luôn có thái độ công kích cá nhân.
Thí dụ như bài viết
gần nhất của tôi bàn về chuyện nên hay không nên bỏ Tết truyền thống kèm theo một
loạt các hệ lụy của việc nghỉ Tết quá dài, thì thay vì phản bác bằng ngôn từ và
luận cứ rõ rang, họ quay ra chỉ trích từ trình độ văn hóa, giáo dục cá nhân tác
giả cho đến nguồn gốc gia đình. Ngôn từ xúc phạm thì cũng vô cùng phong phú.
Tôi hiểu rất rõ rằng khi mà bản thân muốn có quyền tự do ngôn luận thì đồng thời
cũng phải chấp nhận quyền của người nghe và đọc tự do phản bác. Tuy nhiên trong
cả trăm “comment” thì không có một phản bác nào có tính xây dựng. Tôi cũng tin
chắc rằng có những người chỉ đọc mỗi cái tựa bài rồi ngay lập tức bật chế độ
“auto chửi.”
Công kích cá nhân là
một hiện tượng không hiếm trên mạng xã hội Việt. Gần đây có một vụ
scandal về một cô ca sĩ người Hàn khá nổi tiếng tên là Hari Won. Cô là ca sĩ,
diễn viên được yêu mến tại Việt Nam, đặc biệt càng được công chúng hâm mộ bởi mối
tình 9 năm với một rapper Việt. Cuối năm 2015, họ tuyên bố chia tay. Sau thời
gian công bố được 2 tháng, báo chí chộp được hình ảnh về quan hệ tình cảm giữa
cô và một nam MC khác. Từ đó sự việc cứ bùng nổ đến nay chưa ngớt.
Những ngôn
ngữ dè bỉu tệ hại nhất được cộng đồng mạng “ném” lên trang cá nhân của Hari Won
và chàng MC một cách không thương tiếc. Vô số người không ngần ngại kêu gọi đuổi
cô về nước Hàn, cho rằng cô ở lại là ô uế nước Việt…
Nghĩ đi nghĩ lại thì tôi
cũng không thực sự rõ cô gái ấy có tội tình gì, khi mà chuyện tình cảm rõ ràng
là một vấn đề hết sức cá nhân và chủ quan. Chưa kể, theo tôi nghĩ, sự kiện một
nghệ sĩ nước ngoài đến Việt Nam để học tiếng Việt và hoạt động nghệ thuật là một
điều rất đáng trân quý, ngưỡng mộ.
Một trường hợp điển
hình khác là nhà văn Trang Hạ - một tác giả chuyên lên án các đấng mày
râu Việt ăn không ngồi rồi, gia trưởng số 1 thế giới. Đi kèm với các bài viết
công kích là cả ngàn lượt bình phẩm về vấn đề nhan sắc của chị. Mà có vẻ như chị
cũng đã quen, càng bị chửi chị viết càng đanh thép.
Tôi cũng theo dõi
trường hợp của khá nhiều người có những bài viết, quan điểm đa chiều trên
Facebook. Một số những người này là Việt kiều, có nghề nghiệp là giáo sư, bác
sĩ… mỗi khi họ có một bài viết mới về một vấn đề tiêu cực hay trái chiều là y
như rằng họ bị rất nhiều người gán ngay cho mác “bán nước”, hay “ngụy”, hoặc “mất
gốc”…
Kèm theo đó là vô số những câu “chửi bới không biên giới”. Tôi lấy làm lạ
- 40 năm trôi qua, câu chuyện kẻ Bắc người Nam khó có thể trở thành lý do chính
đáng cho sự thù hằn đến như vậy, phải chăng những con chữ đó, thái độ đó đã thấm
vào máu và trở thành một lối suy nghĩ, một quan niệm của người Việt từ bấy đến
giờ?
Nói chung, có thể thấy
đa số những phản ứng như vậy rất nặng chất quán tính. Bất cứ vấn đề gì đi ngược
lại với niềm tin của mình, là họ sẽ xù lông nhím mà công kích đối phương, chưa
kể đa số người cũng không cần có niềm tin, mà sẽ dựa vào ý kiến đám đông. Nếu
xét kỹ thì có thể thấy những niềm tin đó hoàn toàn không có cơ sở, và càng
không phù hợp với sự phát triển văn minh.
Trong trường hợp của
cô ca sĩ Hàn Quốc, họ miệt thị cô vì sẵn sàng từ bỏ mối quan hệ kéo dài 9 năm của
mình, một cách cương quyết, dứt khoát. Đó liệu có phải là một minh chứng quá rõ
ràng cho lối suy nghĩ “tam tòng” đã nhiễm quá nặng nề vào đầu óc và lối sống của
người Việt hay không? Tại sao lại lên án một cá nhân khi họ không hành xử đúng
theo quan niệm của mình? Điều này cũng tương tự như khi một Việt kiều luận bàn
về kinh tế chính trị trì trệ của nước nhà, thì ngay lập tức bị cho là “phản
động”?
Nhân đây cũng xin
nói luôn rằng, người Việt cũng có thói quen công kích cá nhân trong cả vấn đề
chính trị. Việc ưa ông thủ tướng này, ghét ông bí thư kia nhiều khi chỉ do nhìn
vào diện mạo. Đa số người coi khinh một vị lãnh đạo không phải vì những việc
ông hay bà đã làm mà vì tuổi tác của họ, và thường thì những người phê phán
cũng chẳng bỏ công tìm hiểu tiểu sử hay thành tích của các nhà lãnh đạo liên hệ.
Vậy thì việc người này lên, người kia xuống cũng đâu có ý nghĩa gì đối với vận
mệnh cá nhân, nói gì đến vận mệnh đất nước?
Năm 2015, tại Việt
Nam, chương trình Bitches in town, hay còn gọi là Những kẻ lắm lời ra
mắt khán giả trên Youtube, chuyên tán chuyện trên trời dưới đất từ đời sống xã
hội văn hóa đến chính trị, người bình dân cũng như kẻ nổi tiếng. Tuy nhiên talk
show này chỉ thực sự gây chú ý khi bình luận về gu thời trang của một ca sĩ trẻ.
Chuyện lùm xùm đến độ các cơ quan chức năng phải vào cuộc và đưa quyết định xử
phạt hành chính và…dừng show trên Youtube (quái lạ!).
Không có một thông tin
tuyên truyền nào chống phá nhà nước, không một lời nói hành động nào có tính
cách bạo động, nhưng chương trình này vẫn bị tẩy chay bởi chính khán giả Việt.
Đó là một trường hợp cụ thể để thấy rằng rất khó để có được quyền tự do ngôn luận
tại Việt Nam. Đây không phải chỉ là câu chuyện về chính quyền khắt khe mà là về
khả năng tiếp nhận trao đổi thông tin đa chiều của đa số người Việt. Do cái
nhìn và quan điểm chưa mở cũng như kiến thức chưa đủ sâu, chính bản thân họ đã
tự tước đi quyền hạn đó của chính mình.
Hoàng Giang
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.