Bộ Tư Pháp New York
hôm Thứ Hai tố cáo bốn công ty bán lẻ lớn ở tiểu bang bày bán các dược thảo giả
mạo, có hại cho sức khỏe, đồng thời yêu cầu phải lấy xuống hết khỏi các kệ thuốc,
theo tường thuật của báo New York Times.
Nhà chức trách cho
hay, họ thử nghiệm các thuốc bồi bổ bằng dược thảo với nhãn hiệu bán chạy nhất
tại bốn hệ thống bán lẻ GNC, Target, Walgreens và Walmart, và nhận thấy bốn
trong năm sản phẩm hoàn toàn không có chất dược thảo như đã ghi trên nhãn.
Thử nghiệm cho thấy
những viên thuốc ghi là dược thảo, không có gì ngoài bột gạo, măng tây và rau cỏ
trồng trong nhà, đôi khi có thêm những chất gây nguy hiểm cho người bị dị ứng.
Cuộc điều tra được
giới chuyên gia y tế hoan nghênh vì từ lâu họ thường than phiền về phẩm chất lẫn
sự an toàn của những sản phẩm được cho là bồi bổ cơ thể, vốn được miễn không bị
kiểm soát gắt gao như thuốc biên toa.
Cơ quan Quản Trị Thực
Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) thường chỉ để ý đến những sản phẩm có chứa thành
tố gây nguy hiểm.
Nhưng loan báo hôm
Thứ Hai là lần đầu tiên các hệ thống bán lẻ và nhà thuốc tây bị dọa sẽ bị kiện
vì bán các sản phẩm cố ý lường gạt người tiêu dùng.
Trong số sản phẩm bị
phát giác, có thuốc viên sâm bán ở Walgreens, nói là giúp “chịu đựng dẻo dai và
cường tráng,” thật ra chỉ chứa bột gạo và tỏi.
Bày bán tại Walmart,
bạch quả, loại dược thảo của Trung Cộng, giúp tăng cường trí nhớ, nhưng nhà chức
trách khám phá thấy chỉ có bột củ cải, rau cỏ và bột mì, mặc dù ngoài nhãn ghi
rằng không có bột mì và gluten.
Ba trong sáu dược thảo
bán tại Target như bạch quả, St John's wort và rễ cây hoa valerian, có tác dụng
giúp dễ ngủ. Kết quả thử nghiệm cho thấy tất cả đều không có như ghi ở nhãn mà
chỉ là bột gạo, đậu, cà rốt.
Còn ở GNC, ngoài
nhãn không thấy ghi những chất tìm thấy trong những thuốc viên bày bán như đậu
phộng và đậu nành, vốn có hại đối với người bị dị ứng.
Bốn nhà bán lẻ nói
trên nhận được giấy “Cease and Desist Notification” hôm Thứ Hai, bắt giải thích
họ sử dụng phương pháp nào để xác định các thành phần trong những thuốc bồi bổ
bày bán.
Ông Eric T
Schneiderman, bộ trưởng Tư Pháp New York, nói: “Ghi nhãn sai, chứa uế tạp và quảng
cáo gian dối là hành vi phạm pháp. Tất cả tạo cho các gia đình cư dân của New
York đứng trước rủi ro không thể chấp nhận được, đặc biệt là đối với người bị dị
ứng với những thành tố không kê ra.”
Kết quả điều tra của
Bộ Tư Pháp đưa đến một bài báo đăng trên New York Times năm 2013, làm dấy lên
nhiều nghi vấn về sự giả mạo lan tràn trong kỹ nghệ thuốc bồi bổ.
Trường Ðại Học
Guelph ở Canada sau đó mở cuộc nghiên cứu và thấy rằng một phần ba dược thảo thử
nghiệm không chứa những chất ghi trên nhãn, thay vào đó, là những chất bột rẻ
tiền.
Bác sĩ Pieter Cohen,
giáo sư Ðại Học Harvard Medical School, nhận xét: “Nếu đúng như vậy thì tai hại
quá.”
Ông tiếp: “Chúng ta
bàn đến những sản phẩm bày bán tại những nhà buôn thuộc dòng chính như Walmart
và Walgreens, nơi mà chúng ta trông mong có phẩm chất tuyệt đối cao nhất.”
Ðể đáp lại,
Walgreens nói họ sẽ lấy khỏi kệ tất cả sản phẩm bán ở khắp toàn quốc, mặc dù chỉ
mới có tiểu bang New York yêu cầu.
Walmart nói cũng sẽ
làm tương tự, đồng thời sẽ tiếp xúc với các nơi cung cấp.
GNC nói sẽ hoàn toàn
hợp tác với cuộc điều tra nhưng vẫn bênh vực phẩm chất lẫn sự tinh khiết của sản
phẩm họ bán.
Họ cho biết đã thử
nghiệm tất cả sản phẩm bằng “những phương pháp tin cậy và được dùng rộng rãi.”
Target không đưa ra
lời bình luận nào
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.