Mấy người bạn làm việc
ở thành phố, nói với tôi rằng năm nay họ muốn về quê sớm hơn thường lệ. Chỉ mới
qua tuần đầu của tháng Chạp, đã thấy họ khăn gói lên đường. Hỏi ra mới biết,
năm nay tiền thưởng Tết đâu có bao nhiêu, lo sợ vé xe tăng giá, ở lại thì vừa
buồn, vừa thiếu cái ăn nên ai nấy lục đục về sớm.
Túi tiền eo hẹp của người
nghèo là kim chỉ nam tuyệt đối cho mọi thứ. Tết có thiếu thốn chút đỉnh thì ở
quê nhà vẫn hơn.
Nhiều năm rồi, chưa có
thấy có cái Tết nào mà niềm vui trọn vẹn. Có năm người về quê chết ngộp trên
xe, rồi có người bị xô xuống đường vì không đủ tiền, có người kẹt ở lại, ra đường
bán hàng vặt vãnh cho qua một cái Tết…
Tết Việt giờ sao luôn làm lòng người
phân vân: Tiền không đủ cho gia đình, món ăn thì lo sợ độc hại, đó là chưa nói
năm nào hết Tết, số thống kê người chết vì tai nạn nhiều như một cuộc chiến
tranh không tuyên bố.
Cô bạn người người Bắc
ngồi nhìn những ánh nắng cuối năm của miền Nam, nói rằng cô thấy nhớ nhà ghê
quá. Nhưng mỗi lần về thì lòng cô lại ngổn ngang. Cuộc sống giờ rực rỡ hơn nhiều
lắm, rực rỡ như một sân khấu nhưng khi hạ màn xuống thì cũng lắm quạnh hiu.
Nắng
vàng se se, long lanh của miền Nam cuối năm, làm cô nhớ biết bao những phông lạnh
mù sương gắn những đốm hoa đào cô đơn, như những phận người lung lay trước gió.
Tết năm nay cũng vậy.
Bên cạnh những bản báo cáo thành tích tự hào của nhiều thành phố, nhiều tỉnh…
Thì các con số đói nghèo cũng tăng lên. Báo Tiền phong cho biết, Tổng cục Thống
kê báo cáo rằng đúng mùa Tết này, Việt Nam có 5,3 ngàn hộ thiếu đói (tăng 15,2%
so với tháng trước). Bản báo cáo này cho biết như vậy là có khoảng 21,4 ngàn
người thiếu ăn.
Bất chấp các con số
báo cáo thành đạt, luôn tăng trưởng và lợi nhuận hàng năm, so với cùng kỳ năm
ngoái, số hộ thiếu đói tăng hơn 55% và số nhân khẩu thiếu đói tăng 46%. Đó là một
bức tranh hiện thực mà Tổng cục Thống kê Việt Nam đã thông báo, công chính một
cách đáng khen, dù có thể chưa dàn trải đủ.
Vậy là có một sự thật
cần nói rõ: hôm nay, trên đất nước này, chúng ta còn rất nhiều người nghèo, còn
rất nhiều cuộc đời cần được chia sẻ.
Trên các tờ báo, đầy
thông tin về các tỉnh hối hả xin gạo cứu trợ, xin nợ lại tiền nộp ngân sách…
nhưng lại thúc giục doanh nghiệp, từng gia đình… đóng góp để lấy tiền bắn pháo
hoa đón xuân. Có tỉnh thì lập kế hoạch bắn pháo hoa lên đến tiền tỉ, có tỉnh
thì vài trăm triệu đồng. Các quan chức luôn biện hộ rằng Tết đến, nếu không có
pháo hoa thì thương dân chúng thiếu niềm vui. Thậm chí, loại tuyên bố này cũng
có không ít người bám theo ủng hộ, với lập luận rằng dù nghèo, người đang đói
cũng có quyền được hưởng thụ pháo hoa.
Thật ngạc nhiên với khả
năng lãnh đạo và tư duy nghèo nàn của các quan chức, khi cho rằng pháo hoa là
niềm vui cốt lõi của các vùng nghèo đói và khó khăn. Hầu như tỉnh nào cũng rập
khuôn làm theo một mô hình, mà tin rằng vài phút hư ảo trên bầu trời đó, sẽ xoa
dịu được phiền muộn của những người nghèo, cũng như làm giảm nhẹ đi sự quan tâm
của dân chúng về việc yếu kém trong việc cầm quyền ở địa phương, khiến phải xin
cứu giúp lương thực và nài nỉ, bòn rút tiền pháo hoa từ các doanh nghiệp địa
phương.
Có thể các nhà lãnh đạo
của từng địa phương ấy quên rằng, trong cái đói, cái rét của nhiều nơi đón mùa
xuân này, nụ cười nhìn theo tiền của pháo hoa bay lên trời, có thể là những nụ
cười chua chát.
Cũng có không ít lời
nguỵ biện rằng không được tước đi quyền hưởng thụ của người nghèo:
Họ đói nhưng
họ cũng có nhu cầu xem bắn pháo hoa. Tôi đã từng chứng kiến những đứa trẻ không
đủ áo mặc, đứng trên những núi rác tăm tối ở ngoại ô Thành phố Hồ Chí Minh và
nhìn về ánh đèn màu rực sáng ở trung tâm, ban đêm. Giữa cái quyền được hưởng thụ
sự hoa lệ xa xôi đó, chắc chắn những đứa trẻ nghèo vẫn chuộng hơn được một bữa
ăn tử tế, được mặc quần áo đầy đủ và đi trên con đường đến tương lai hơn là sự
ban phát ngắn ngủi và vô nghĩa.
Tôi đã chứng kiến những
người bạn của mình, đến từ những vùng miền khác nhau, răng không thể nào trắng
nổi vì lúc bé được cho uống trụ sinh mỗi khi bệnh. Trên vai họ không có những vết
trồng trái chủng ngừa như những đứa trẻ thành phố chúng tôi. Những người bạn
răng vàng ấy cũng đã từng nhìn thấy pháo hoa nhiều lần trong đời mình, nhưng
cũng ao ước rằng phải chi trong đời mình từng được chủng ngừa như chúng tôi. Những
ánh sáng pháo hoa mong manh ấy nếu được đổi bằng các liều thuốc cho lũ trẻ hôm
qua và hôm nay thì đã có ích biết dường nào?
Quả đúng, là người
nghèo, người đói cũng cần được hưởng thụ pháo hoa. Nhưng ít ra cũng không nằm
trong một bối cảnh éo le như vậy. Và cũng đừng ngụy trang cho một năm điều hành
xã hội thất bại của các chính quyền địa phương bằng dăm phút pháo hoa. Người
nghèo chắc chắn sẽ vui khi nhìn thấy pháo hoa, nhưng đó là một cuộc vui theo ý
lãnh đạo, không có quyền lựa chọn thì đó chỉ là gán đặt.
Những người bạn công
nhân của tôi vội vã về quê, chắc họ cũng không chờ đón pháo hoa lộng lẫy nơi
thành phố. Mà họ chỉ muốn trong vòng tay gia đình, mà dĩ nhiên trong giấc mơ đời
của họ, là một gia đình không còn đói nghèo, chứ không phải có đủ pháo hoa.
Cô bạn người Bắc của
tôi nhớ hoa đào, nhớ bữa cơm với mẹ. Chắc cô ấy không mong pháo hoa bằng một bữa
cơm giao thừa đầm ấm và no đủ cho gia đình mình. Đánh đổi điều ấy bằng pháo hoa
– chắc là cô bạn ấy sẽ nói “không”.
Và cũng có khi, niềm
vui cho người nghèo đó – như các quan chức vẫn tuyên bố, không hẳn là xác quyết
từ một cuộc thăm dò chính thức nào đó, mà chỉ là lời biện minh cho những kẻ muốn
được hưởng thụ, nhưng lại thích gán sự thèm khát của mình cho người khác.
Tuấn Khanh
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.