Với việc ra thông
báo tuyển sinh vào chương trình Cao học Thần học hôm 21/01/2016, Học viện Công
giáo Việt Nam đã chính thức ‘mở cửa’.
Đây là lần đầu tiên
kể từ năm 1975, một trường Công giáo ở cấp trung học hay đại học được chính thức
thành lập và công khai hoạt động.
Tiến hay lùi?
Trước đây ở Việt
Nam, ngoài các nhà trẻ, có đến cả ngàn trường Công giáo đủ mọi cấp (từ tiểu học
đến đại học), thuộc đủ loại (như từ trường y, trường dạy nghề đến trường dành
cho người khiếm thị khiếm thính, trường miễn phí cho sinh viên, học sinh
nghèo), và tiếp nhận học sinh, sinh viên từ mọi thành phần trong xã hội, không
phân biệt tôn giáo.
Chẳng hạn, một tổng
kết về tình hình Giáo hội Việt Nam năm 1962-1963 cho thấy lúc đó Giáo hội đã hoạt
động và đóng góp rất nhiều trong lĩnh vực bác ái, y tế và giáo dục. Ngoài 48 bệnh
viện, 58 cô nhi viện và rất nhiều cơ sở bác ái, từ thiện khác, Giáo hội có đến
93 trường trung học (với hơn 60 ngàn học sinh) và 1122 trường tiểu học (với gần
235 ngàn học sinh).
Theo một thống kê
khác, trước 1975 ở miền Nam có đến 145 trường trung học và 1060 trường tiểu học
Công giáo.
Ngoài ra, còn có những
đại học Công giáo, như Giáo hoàng Học viện ở Đà Lạt, Viện Đại học Minh Đức, Đại
học Thành Nhân và Đại học La San ở Sài Gòn.
Hồi cuối tháng
10/2015 một cơ sở giáo dục được các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm xây dựng
thời thập niên 1960 đã bị đập phá.
Nhưng sau 1954 ở miền
Bắc và sau 1975 tại miền Nam các trường Công giáo lần lượt đều phải đóng cửa. Hầu
hết trường học, cơ sở giáo dục bị tịch thu và Giáo hội không còn được tham gia
vào lĩnh vực giáo dục.
Thậm chí, sau này,
khi chính quyền Việt Nam không còn ‘độc quyền’ giáo dục và ‘xã hội hóa’ lĩnh vực
này, cho phép ‘tư nhân, thậm chí người nước ngoài, có quyền mở trường tư thục’
– như Thư Chung về Giáo dục Kitô Hội Ðồng Giám Mục (HĐGM) Việt Nam năm 2007 nêu
– Giáo hội Công giáo vẫn phải ‘đứng bên lề sự nghiệp giáo dục của xã hội Việt
Nam’.
Lý do là bởi cũng
như các tôn giáo khác, Giáo hội chỉ được phép ‘mở trường tư thục cấp mẫu giáo’.
Nhắc lại như vậy để
thấy là trái ngược với trước năm 1975, Giáo hội Công giáo gần như hoàn toàn bị
loại khỏi lĩnh vực giáo dục trong 40 năm qua.
Nhưng chuyện một Học
viện Công giáo được mở sau nhiều thập kỷ bị cấm đoán cũng cho thấy chính quyền
Việt Nam nay cởi mở hơn.
Phát biểu tại lễ công bố và
trao quyết định thành lập Học viện hôm 06/08/2015, Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi
Văn Đọc, Chủ tịch HĐGM, cho biết từ nhiều năm nay, các Giám mục Việt Nam đã ‘đối
thoại thẳng thắn và chân thành với chính quyền’ và ‘chính quyền rất thiện chí
và cởi mở đón nhận tinh thần đối thoại của chúng tôi. Kết quả thực tế lớn là việc
đẩy mạnh thành lập Học viện Công giáo’.
Bước khởi đầu?
Hiện tại Hội đồng
giáo sư và Ban Điều hành của Học viện có chín thành viên và Đức cha Giuse Đinh
Đức Đạo – Giám mục phó Giáo phận Xuân Lộc và Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Công giáo
trực thuộc HĐGM Việt Nam – là Viện trưởng.
Trước khi về Việt
Nam làm Giám đốc Đại chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc năm 2009 và được bổ nhiệm
làm Giám mục Phụ tá Giáo phận Xuân Lộc năm 2013, Đức cha Đạo – người đã nhận bằng
tiến sĩ Thần học Luân lý tại Học viện Alfonsianum và tiến sĩ Truyền giáo tại Đại
học Giáo hoàng Gregoriana – đã từng giảng dạy tại khoa Truyền giáo học và Học
viện giáo lý và tu đức truyền giáo của Đại học Giáo hoàng Urbaniana ở Rôma.
Chương trình Cao học
Học viện Công giáo Việt Nam (HVCGVN) đang thông báo tuyển sinh và sẽ khai giảng
vào tháng 9 năm nay chỉ có ngành Thần học Tín lý và Thần học Kinh thánh.
Nhưng đó chỉ là bước
khởi đầu.
Đức cha Đinh Đức Đạo
cho tôi biết, sau ít năm hoạt động, khi cơ cấu đã vững chắc, Học viện sẽ mở
thêm chuyên ngành Thần học Mục vụ để đáp ứng công tác mục vụ đa dạng – như mục
vụ giới trẻ, gia đình, di dân – trong Giáo hội.
Ngài còn hy vọng là
trong tương lai không xa, HVCGVN sẽ được mở nhiều ngành học khác.
Một mong ước nữa được
Viện trưởng HVCGVN đề cập đến, dù đó là ‘giấc mơ xa’, là ‘Học viện sẽ từ từ
phát triển để đáp ứng nhu cầu, không phải chỉ của Giáo hội tại Việt Nam mà còn
của một số nước trong khu vực’.
Về phương diện nhân sự,
chuyên môn, kinh nghiệm, thiện chí hay sự công nhận, ủng hộ từ Tòa Thánh và các
đại học Công giáo trên thế giới, có thể nói Giáo hội Công giáo Việt Nam và
HVCGVN nói riêng có đủ để đạt được hai mong ước, nguyện vọng này.
Giám mục Đinh Đức Đạo
(mang mũ tía) nói Học viện Công giáo sẽ mở thêm chuyên ngành Thần học Mục vụ.
Chẳng hạn, trong các
giám mục, linh mục, tu sĩ Việt Nam có rất nhiều người được đào tạo bài bản, nhận
bằng cấp cao hay từng giảng dạy tại các trường đại học có uy tín ở nước ngoài.
Nhiều trường Công giáo nổi tiếng trên thế giới cũng sẵn sàng hỗ trợ HVCGVN về
chuyên môn. Giáo dục là lĩnh vực sở trường của Giáo hội.
Đức cha Đinh Đức Đạo
còn cho biết, HVCGVN cũng đã được Bộ Giáo dục Công Giáo của Tòa Thánh công nhận
như một Khoa Thần học độc lập. ‘Do đó, các bằng Thần học do HVCGVN cấp sẻ có
giá trị như các bằng Thần học do bất cứ Phân khoa Thần học nào trên thế giới đã
được Tòa Thánh công nhận’.
Về cơ sở vật chất,
nói là ‘mở cửa’, hiện tại Học viện hầu như chưa có gì và phải mượn phòng ốc của
Trụ sở Hội đồng Giám mục tại Thành phố HCM. Đó cũng là lý do tại sao Đức
cha Đạo cho biết HVCGVN ‘mơ ước có được một khoảng đất rộng để xây dựng cơ sở
riêng cho mình’.
Còn việc HVCGVN có
được phép mở các ngành học khác – như xã hội, nhân văn – tùy thuộc vào việc
Giáo hội Công giáo cũng như các tôn khác ở Việt Nam nói chung có được tự do
tham gia công tác giáo dục.
Nếu trong những năm
tới chính quyền Việt Nam thông thoáng, cởi mở hơn, chắc chắn những nguyện vọng,
mong ước của HVCGVN sẽ được thực hiện.
Đây cũng là điều
Giáo hội Việt Nam hy vọng. Vì vậy, như Đức cha Chủ tịch Ủy ban Giáo dục của
HĐGM Việt Nam chia sẻ, khi chuẩn bị việc thành lập và mở cửa Học viện, các Giám
mục Việt Nam không chỉ nghĩ đến những công việc hiện tại đang làm. Các ngài còn
muốn ‘có những chuẩn bị xa để khi hoàn cảnh cho phép, các thế hệ sau có điều kiện
đáp ứng sứ mệnh giáo dục của Giáo hội’.
Sứ mệnh giáo dục
Giáo dục luôn là một
ưu tiên của Giáo hội. Bằng việc tham gia, dấn thân trong lĩnh vực này, ngoài việc
giáo dục tín hữu mình, Giáo hội còn muốn góp phần thăng tiến con người, phát
triển xã hội, đất nước nơi mình đang sống.
Vì luôn muốn thông
phần vào việc mở mang và phát huy nền giáo dục, không ngạc nhiên tại những quốc
gia tự do, dân chủ, Giáo hội Công giáo luôn tham gia rất tích cực vào lĩnh vực
này.
Chẳng hạn ở Mỹ, có đến
gần 200 trường đại học, cao đẳng, học viện Công giáo – trong đó University of
Notre Dame và Georgetown University nằm trong số 100 đại học uy tín nhất thế giới.
Một số gia đình muốn
gửi con cái vào các trường Công giáo bởi ‘trường các soeurs giáo dục mầm non và
kết quả rất tốt'
Các nước châu Á –
như Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Philippines – đều có nhiều
trường đại học Công giáo. Nhiều trường – như Catholic University of Korea ở Nam
Hàn, Fu Jen Catholic University ở Đài Loan hay De la Salle University ở
Philippines – được xếp hạng cao tại những quốc gia này.
Nếu không có chính
biến, chiến tranh và Giáo hội được tự do tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực giáo
dục sau 1975, chắc chắn giờ ở Việt Nam cũng có một số đại học Công giáo có uy
tín như tại những quốc gia châu Á trên.
Dù bị giới hạn, các
dòng tu, hội đoàn, cá nhân trong Giáo hội vẫn không ngừng nỗ lực làm tất cả những
gì được phép để thể tham gia vào sứ mệnh giáo dục – như mở lớp tình thương, lập
quỹ học bổng cho học sinh nghèo hoặc khuyết tật, biệt các trường mầm non, mẫu
giáo.
Theo một thống kê,
tính đến tháng 10 năm 2014, ở Việt Nam có 269 trường mầm non, 905 nhóm, lớp mầm
non do các tổ chức, cá nhân tôn giáo thành lập. Những trường, lớp mầm non này
đón nhận 125.594 trẻ, chiếm hơn 3 % tổng số các trẻ đến trường mầm non trên cả
nước.
Điều đáng lưu ý là hầu
hết các trường, lớp mầm non tôn giáo là trường Công giáo, do các dòng tu nữ mở,
quản lý, nuôi dạy. Chỉ một vài tỉnh, thành – như Huế có trường mầm non Phật
giáo hay trường mầm non Hòa hảo ở Long An và Kiên Giang – có một số ít trường mầm
non do các tôn giáo khác mở, quản lý.
Cũng theo thống kê
này, chỉ có 1/3 trẻ em học ở các trường, lớp mầm non Công giáo là người Công
giáo. 2/3 còn lại là con của cán bộ, công nhân, viên chức hay những người khác
ngoài Công giáo.
Một nữ tu dòng Dòng
Thánh Phaolô tại Quận 1, Thành phố HCM, cho biết trong số trẻ em học ở
trường mầm non của Dòng, có em ở rất xa – như Quận 8, hay Quận 9 hoặc Quận 2.
Nữ tu này cũng cho
biết thêm, khi hỏi tại sao họ lại chọn trường mầm non của các soeurs, các phụ
huynh, trong đó có những người không Công giáo, thường đưa ba lý do: (1) ‘tin
tưởng vào trường các soeurs vì các soeurs làm việc công tâm, yêu trẻ thật
tình’; (2) ‘muốn con của mình được hưởng một nền đạo đức tốt đẹp và có được nề
nếp, lễ phép’; (3) ‘trường các soeurs có bề dày về giáo dục mầm non và kết quả
rất tốt. Chúng con biết rõ điều này qua thành tích của một số con em của bạn bè
hoặc đồng nghiệp’.
Nếu được phép mở trường
tư thục ở các cấp khác – như tiểu học, trung học hay đại học – với kinh nghiệm,
sở trường, thiện chí vốn có của mình, Giáo hội Công giáo chắc chắn sẽ nhiệt
thành tham gia và đóng góp tích cực vào sự nghiệp giáo dục ở Việt Nam.
TS. Đoàn Xuân Lộc
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.