Một nghiên cứu do Thụy Sĩ tài trợ mới được công bố cho thấy rằng Trung cộng đã không thực hiện được xóa đói giảm nghèo, một “kỳ tích” mà lãnh đạo Trung cộng Tập Cận Bình tuyên bố đã đạt được.
Hôm 25/02, Trung Cộng đã tổ chức một lễ trao tặng, trong đó ông Tập tuyên bố dựa trên các tiêu chuẩn đói nghèo của Trung cộng, Trung cộng đã xóa sạch được đói nghèo.
“[Trung cộng] đã tạo nên một kỳ tích khác trong biên niên sử của lịch sử. [Đây là một] thành tựu lịch sử quan trọng,” ông Tập nhận xét về việc xoá đói giảm nghèo.
Một nông dân gánh vỏ ngô cho gia súc ăn ở làng Tiểu Bá Điền, tỉnh Quý Châu phía tây nam Trung cộng vào ngày 07/02/2017.
Hôm 06/04, Trung Cộng đã công bố bạch thư có tiêu đề “Thực tiễn của Trung cộng trong Xóa Đói Giảm Nghèo cho Người dân.” Với cuốn bạch thư này, giới chức Bắc Kinh muốn đặt Trung cộng làm hình mẫu cho thế giới.
Ông Bill Bikales, cựu chuyên gia kinh tế hàng đầu về Trung cộng của Liên Hiệp Quốc, viết trong báo cáo được công bố hôm 08/06 mang tên Suy ngẫm về Xóa Đói Giảm Nghèo ở Trung cộng, “Trung cộng vẫn không tận triệt được đói nghèo-thậm chí còn nghèo đói cùng cực.”
Nông dân Lưu Thanh Hữu tại nơi ở của ông ở huyện Bảo Tĩnh thuộc tỉnh Hồ Nam, miền trung Trung cộng hôm 12/01/2021.
Ông Bikales chỉ ra rằng tình trạng nghèo đói đã thay đổi, nhưng Bắc Kinh chỉ tập trung vào những người sống ở nông thôn và đã ghi danh vào năm 2014-2015 là người nghèo, mà kể từ đó đã không cập nhật danh sách này trong nhiều năm cũng như không bao quát hết phần lớn dân số Trung cộng, vốn sống ở các khu vực thành thị.
Ông Bikales viết, “Không có số liệu thống kê nào về các hộ dân nghèo mới phát sinh [ở Trung cộng] do sự sụt giảm thu nhập xảy ra [vì đại dịch] và việc hỗ trợ cho các hộ dân nghèo chưa được ghi danh là hữu hạn. Để nắm bắt chính xác tác động của COVID-19 đối với sự nghèo đói ở tất cả những nơi khác, bên cạnh các huyện và làng đã được xác định [là khu vực nghèo], thì đòi hỏi cần phải có những hệ thống mà đơn giản là không tồn tại ở đó.”
Trung Cộng tuyên bố rằng nếu thu nhập của một người cao hơn mức 3,218NDT (500USD) mỗi năm, thì người đó không thể được tính là người nghèo. Nếu thu nhập của một người nghèo đạt mức 4,000NDT (625USD), người đó sẽ bị loại khỏi danh sách những người đủ điều kiện nhận trợ cấp an sinh xã hội và sẽ không bao giờ được coi là người nghèo nữa. Trung cộng tuyên bố rằng do giá thành hàng hóa ở Trung cộng rẻ, các cá nhân không cần phải có thu nhập cao mới có thể sinh hoạt mà không phải chịu cảnh đói nghèo.
Trong những tháng qua, những người được phỏng vấn đến từ Trung cộng đại lục nói với The Epoch Times rằng họ vẫn không thể có nước sạch, đủ lương thực và phương tiện giao thông công cộng, nhưng chính quyền đã từ chối trả trợ cấp an sinh xã hội vì Trung cộng được cho là đã xóa bỏ được đói nghèo.
Truyền thông nhà nước Trung cộng đã tiết lộ rằng ngay cả những người nghèo được đưa ra khỏi danh sách nghèo đói vẫn đang sống trong cảnh đói nghèo cùng cực, và chính quyền địa phương đã nói dối chính quyền trung ương.
Người dân lên tiếng
Theo những người được phỏng vấn, nhiều người dân Trung cộng ở các vùng nông thôn không có nước sạch để uống và không có đủ tiền để mua thịt cũng như các loại thực phẩm giàu chất đạm và chất béo khác. Ở các khu vực thành thị, có nhiều người Trung cộng cũng không thể tự nuôi sống bản thân và gia đình họ.
“Cha tôi và những người cùng làng không có tiền. Họ ăn những gì họ trồng được và thường là không có thịt để ăn. Cha tôi không có đủ tiền để trả tiền điện, chứ đừng nói đến các công trình vệ sinh, tắm rửa,” một phụ nữ họ Vương nói với Epoch Times Hoa ngữ hôm 25/02.
Cô Vương sống ở một thành phố có đầy đủ điện, nước, internet và điện thoại. Cha cô sống ở thị trấn Thao Hà ở huyện Tích Xuyên thuộc tỉnh Hà Nam, miền trung Trung cộng, nơi đây là khu vực miền núi.
Cô Vương cho biết, “Họ không có nước máy. Họ dựa vào một bồn nước nhỏ [có thể trữ nước mưa] và nước được lấy từ bên ngoài về. Họ không có tiền để chi trả cho bệnh viện, phòng khám hoặc thậm chí là cho thuốc men. Họ chống lại bệnh tật chỉ đơn giản là bằng cách sử dụng hệ thống miễn dịch của cơ thể. Một khi họ bị bệnh nặng, họ chỉ nằm nhà chờ chết mà thôi.”
Nông dân trồng cây Saxaul ở Đôn Hoàng thuộc tỉnh Cam Túc, tây bắc Trung cộng vào ngày 22/04/2019.
Một người họ Vương khác là một công nhân di trú ở Bắc Kinh đến từ tỉnh Hà Bắc, miền bắc Trung cộng. Ông nói với Epoch Times Hoa ngữ hôm 02/03 rằng nông dân ở Hà Bắc nói chung không có tiền để trả bảo hiểm y tế, mà chính quyền lại không cung cấp dịch vụ y tế miễn phí, còn nông dân thì không có tiền để chữa bệnh.
Ông Vương cho biết, “Đối với chúng tôi, chúng tôi chỉ đến một phòng khám nhỏ nếu mắc một số bệnh không ảnh hưởng đến tính mạng. Một khi chúng tôi bị bệnh nặng, chúng tôi sẽ cố gắng chạy vay tiền từ anh em họ hàng. Nếu chúng tôi có thể mượn được một ít tiền, chúng tôi sẽ đi viện. Nếu không, chúng tôi chỉ ở nhà và chờ đợi cái chết.”
Phần lớn dân nghèo ở Trung cộng không có điện thoại, cũng không có máy tính, và cơ quan kiểm duyệt của Trung Cộng không cho phép phơi bày các sự thật liên can lên mạng.
Tuy nhiên, bằng chứng về tình trạng nghèo đói cùng cực có thể được tìm thấy từ những gì mọi người cho biết trong các cuộc trò chuyện, cũng như trong các bản tin của giới truyền thông về các chủ đề khác.
Một nông dân đang làm việc trên cánh đồng tại một bờ sông đối diện Trọng Ba, một hòn đảo nhỏ gần thành phố Trùng Khánh, phía tây nam Trung cộng vào ngày 29/11/2020.
Vào ngày 12/12/2020, một tài khoản mạng xã hội đã đăng một bài viết dài trên WeChat, trong đó kể về những đứa trẻ ở khu vực thành thị đã tự tử vì gia đình của các em nghèo đến nỗi không thể trả nổi tiền học, tiền ăn hay tiền chữa bệnh cho các em.
Ông Bikales đã viết trong nghiên cứu của mình rằng 63% người dân Trung cộng sinh sống trong các thành phố chưa bao giờ được đưa vào danh sách nghèo của Trung cộng. Và, trái ngược với những tuyên bố của ông Tập, ngay cả những người nghèo trong danh sách cũng vẫn chưa thoát khỏi cảnh đói nghèo.
Hồi tháng 04/2021, CCTV đã đưa tin về các trường hợp ở huyện Lạc Nam, tỉnh Thiểm Tây phía tây bắc Trung cộng, trong đó người dân không có nổi một ngôi nhà kiên cố để ở và không có nước sạch để uống. Các quan chức địa phương đã lấp liếm về tình huống này, và cố gắng giật điện thoại di động của phóng viên, vốn được người phóng viên này sử dụng để quay lại cảnh hiện trường.
Bị loại khỏi danh sách nghèo đói
Hồi tháng 02/2020, huyện Lạc Nam bị loại khỏi danh sách nghèo đói, có nghĩa là tất cả cư dân trong huyện này đều được cho là có thu nhập cao hơn ngưỡng nghèo.
Hồi giữa tháng 04/2021, khi các phóng viên của CCTV đến huyện này, họ đã bắt gặp một cụ ông tên Lãnh sống trong một căn phòng đồng thời là một căn nhà nhỏ được xây bằng gạch và dột nát. Ngôi nhà này không có bếp, không có phòng tắm và không có hệ thống sưởi.
Cụ Lãnh nằm trong danh sách hộ nghèo. Cụ nói với CCTV rằng ngôi nhà gạch này từng là kho chứa đồ của một người họ hàng nhà mình. Do ngôi nhà bằng bùn của cụ bị nứt và có thể sập xuống bất cứ lúc nào nên người họ hàng đó đã cho cụ về sống trong ngôi nhà gạch này. Cụ Lãnh không có thu nhập và không có tiền để thuê phòng ở.
CCTV đã ghé qua hai ngôi làng ở huyện Lạc Nam, và cả hai ngôi làng đều không có nước uống. Người dân trong làng cần phải lái xe một quãng đường dài để mua nước từ các thị trấn khác, và nước này cần phải được lọc trước khi sử dụng.
Bởi vì nhìn chung dân làng đều là người nghèo, đa phần mọi người không có tiền để mua nước thường xuyên. Họ trữ nước mưa và trong sinh hoạt hàng ngày thì cố gắng tiết kiệm bất cứ giọt nước nào mà họ có thể.
Vào ngày 19/11/2020, trang web tin tức The Paper có trụ sở tại Thượng Hải đã đưa tin về một trường hợp khác đến từ tỉnh Vân Nam, tây nam Trung cộng.
Hồi tháng 10/2020, chính quyền địa phương ở huyện Trấn Hùng, thành phố Chiêu Thông đã loại một người dân làng là anh Khương Đồng Huân (Jiang Tongxun) ra khỏi danh sách nghèo đói vì chính quyền này cho biết tổng thu nhập của anh Khương vào năm 2020 là 5,811.76NDT (908USD). Con số này cao hơn mức thu nhập quy định năm 2020 là 4,000NDT (625USD), theo đó dưới mức này thì một người có thể đủ điều kiện để lọt vào danh sách nghèo.
Anh Khương không đồng ý với chính quyền và từ chối ký vào giấy từ bỏ quyền nhận thêm bất kỳ trợ cấp an sinh xã hội nào.
Theo dữ liệu của chính quyền, anh Khương đã kiếm được 3,000NDT khi làm công nhân di trú, nhận được từ chính quyền 2,568NDT tiền trợ cấp an sinh xã hội và 243.76NDT tiền trợ cấp mua hạt giống và phân bón.
Nhưng Anh Khương cho biết anh không nhận được đồng trợ cấp nào từ chính quyền, và kinh phí xóa đói giảm nghèo từ chính quyền trung ương hoặc chính quyền tỉnh sẽ được cấp cho những người dân trong làng có quan hệ tốt với các quan chức. Bài báo này cho biết anh Khương đã mất đi điều kiện để là người nghèo và bị chính quyền chỉ trích.
Nông dân thu hoạch bắp cải tại huyện Hoa Dung thuộc tỉnh Hồ Nam, miền nam Trung cộng vào ngày 05/03/2020.
Người dân Trung cộng nói với The Epoch Times trong các cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng 4,000NDT không đủ để duy trì một cuộc sống cơ bản.
Hôm 25/02, ông Châu, một người đã về hưu sống ở thành phố Thượng Hải nói với Epoch Times Hoa ngữ rằng: “Ở Thượng Hải, chi phí ăn uống tối thiểu cho một người trong một tháng là 500NDT. Quý vị cần chi 200NDT cho phương tiện đi lại và hơn 2,000NDT để thuê phòng… 4,000NDT mỗi năm có nghĩa là 333NDT mỗi tháng. Quý vị không thể nào sống nổi với mức thu nhập đó.”
Hôm 26/02, ông Hồ Bình, tổng biên tập danh dự của tạp chí Mùa xuân Bắc Kinh có trụ sở tại New York và là chuyên gia về các vấn đề Trung cộng, nói với The Epoch Times: “Năm nay, Trung cộng vẫn còn cực kỳ nghèo… Trung cộng hiện có bao nhiêu lương thực? Bao gồm cả các sản phẩm nông nghiệp khác, Trung cộng cần nhiều hơn những gì họ có [để nuôi sống người dân].”
Nicole Hao _ Từ Huệ
***
Những cái chết đến từ thôi thúc ‘thoát nghèo’
Câu chuyện về Ấn Độ _ Cực giàu & nghèo, cực giỏi & độc
Hệ thống đẳng cấp, sự phân chia giàu nghèo, hủ tục hồi môn, tục lệ hỏa thiêu ở Ấn Độ, đời sống mất vệ sinh kinh hoàng trên sông Hằng đã được nữ nhà văn chia sẻ trong cuốn du ký “Cô đơn trên Everest”.
Nhân cơn địa chấn Covid-19 đang hoành hành dữ dội ở Ấn Độ, nhà văn Di Li đã chia sẻ những trải nghiệm của mình về đất nước này trên trang facebook cá nhân.
https://baomai.blogspot.com/
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.