Các “chiến lang” của Trung cộng có thể phải bắt đầu biết ứng xử. Theo một bản tin của cơ quan ngôn luận quốc doanh Tân Hoa Xã, gần đây ông Tập Cận Bình đã có một bài diễn văn trước các quan chức cao cấp của Trung cộng, kêu gọi họ tạo dựng hình ảnh của một Trung cộng “đáng tin cậy, dễ mến và đáng kính.”
Ông Tập nói với các quan chức rằng hãy “kiềm chế ngữ khí ngoại giao của họ, nhã nhặn, khiêm tốn và thân thiện hơn với các quốc gia khác.”
“Cần phải kết bạn, đoàn kết và thu phục đa số, đồng thời không ngừng mở rộng nhóm bằng hữu [khi liên quan đến vấn đề] dư luận quốc tế,” ông Tập cho biết.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phía trước bên trái) và Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình (giữa) đến dự tiệc chào mừng các nhà lãnh đạo tham dự Diễn đàn Vành đai và Con đường tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung cộng, vào ngày 26/04/2019.
Vài ngày trước, ba Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã đến thăm Đài Loan và đến Đài Bắc trên một phi cơ quân sự của Hoa Kỳ, chứ không phải là một phi cơ riêng. Bộ Quốc phòng Trung cộng tố cáo chuyến thăm và việc sử dụng phi cơ quân sự, đồng thời yêu cầu Hoa Kỳ giải quyết vấn đề Đài Loan một cách thận trọng. So với những nhận xét của các quan chức Trung cộng trong bối cảnh diễn ra những xung đột gần đây với Hoa Kỳ, ngữ khí này nhẹ nhàng hơn nhiều.
Giờ đây Hoa Kỳ đang thực sự huy động lực lượng để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung cộng, áp lực có thể là quá lớn đối với Trung cộng. Có một số lý do có thể giải thích tại sao ông Tập đang chỉ thị Trung cộng giảm bớt cách tiếp cận gây hấn khi ứng xử với các quốc gia khác. Chúng ta hãy nhìn nhận vấn đề này từ một góc độ địa chính trị.
Nga đứng về phía nào?
Nga là một nhân tố chính trong chiến lược phát triển và duy trì sức mạnh địa chính trị toàn cầu của Trung cộng. Hoa Kỳ và Trung cộng biết uy thế của Nga là bên thứ ba trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh.
Tổng thống (TT) Hoa Kỳ Joe Biden và TT Nga Vladimir Putin đã gặp nhau tại một khách sạn ở Geneva hôm 16/06, một cuộc gặp khiến Trung cộng rất lo lắng. Mối quan hệ của Trung cộng với Nga là yếu tố then chốt khiến Trung cộng có thể duy trì áp lực chống lại Hoa Kỳ.
Chủ tịch hãng thông tấn Tân Hoa Xã đề nghị ông Putin trả lời về mối bang giao Trung-Nga tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg hôm 04/06. Ông Putin trả lời rằng mối giao hảo giữa hai quốc gia rất tốt, nhờ hợp đồng cung cấp trị giá 270 tỷ USD gần đây giữa đại công ty dầu mỏ Nga Rosneft và công ty nhà nước Trung cộng CNPC, sẽ tồn tại trong 25 năm tới. Trong phần nhận định của mình, ông Putin gọi thỏa thuận dầu mỏ là “tuyệt nhiên chưa từng có.”
Giới truyền thông của Trung cộng nhanh chóng tận dụng lời ca ngợi của ông Putin về thỏa thuận dầu mỏ và đưa tin nhà lãnh đạo Nga nói rằng mối quan hệ giữa hai quốc gia là “tốt nhất trong lịch sử bang giao Trung-Nga.” Tháng 06/2021, Tân Hoa Xã đã đăng nhiều bài báo ca ngợi sức mạnh và sự đoàn kết của mối giao hảo bằng hữu giữa Trung cộng và Nga.
Gần đây, nhiều học giả hàng đầu của Trung cộng về bang giao Trung-Nga đã đưa ra những tuyên bố có tính chất ca ngợi tình bằng hữu giữa hai nước.
Ông Sun Zhuangzhi, một chuyên gia về Nga-Trung từ Học viện Khoa học Xã hội Trung cộng, cho biết trong một bài báo của Thời báo Hoàn cầu (Global Times), “Trung cộng và Nga cần hợp tác để duy trì sự ổn định trong khu vực.”
Ông Xie Fuzhan, hiệu trưởng của Học viện Khoa học Xã hội Trung cộng, cũng nói về vấn đề này tại một hội nghị quốc tế. “Trung cộng và Nga, với tư cách là các quốc gia có trách nhiệm, tuân thủ các ý tưởng phát triển hòa bình và quyết tâm hình thành một trật tự thế giới công bằng.”
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Nga đã thể hiện sự kiềm chế khi công khai nói về mối quan hệ với Trung cộng. Tương tự như ông Putin, ngữ khí của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov về mối quan hệ Trung-Nga bề ngoài không khẳng định một mối quan hệ đồng minh chặt chẽ với Trung cộng.
Trong khi các nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và phòng chống đại dịch, họ lại từ chối thảo luận về các mối quan hệ chiến lược và ấn tượng về một liên minh Trung cộng và Nga đã được thiết lập.
Thực tế là, Trung cộng và Nga thực sự hợp tác với nhau để thúc đẩy lợi ích quốc gia của họ.
Sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, nước này đã bị Hoa Kỳ và các nước phương Tây cùng trừng phạt. Đáp lại, Nga đã chủ động tăng cường mối quan hệ đồng minh với Trung cộng nhằm đặt ra mối đe dọa đối với các quốc gia phương Tây, giảm bớt áp lực trừng phạt kinh tế của phương Tây.
Đầu tháng 06/2019, Trung cộng và Nga đã ký một tuyên bố chung về quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Thực tế là Nga và Trung cộng có lịch sử hình thành các liên minh chiến lược chống lại các quốc gia phương Tây gần đây. Trong trường hợp đó, tại sao Nga không công khai tuyên bố liên minh với Trung cộng?
Khi sự cạnh tranh giữa Trung cộng và Hoa Kỳ ngày càng gia tăng, Nga có thể được hưởng lợi từ vị thế ở giữa. Một mối quan hệ đối tác rõ ràng với Trung cộng sẽ cắt đứt Nga khỏi các lợi ích của Hoa Kỳ. Một mối quan hệ đối tác rõ ràng với Hoa Kỳ sẽ cắt đứt Nga khỏi các lợi ích của Trung cộng.
Chính phủ Nga có một lịch sử hành động tàn nhẫn để đạt được những gì họ muốn, và Trung cộng biết điều đó. Trong Đệ nhị Thế chiến, Liên Xô và Ba Lan đã tạo ra một hiệp ước liên minh. Khi Đức tấn công Ba Lan, Liên Xô đã gửi quân đến và người Ba Lan tin rằng Liên Xô sẽ hỗ trợ họ. Thay vào đó, Liên Xô nắm bắt cơ hội để chiếm một nửa Ba Lan. Nhiều người Ba Lan đã đầu hàng nước Nga Xô Viết để tránh bị Đức Quốc xã bắt.
Trong Đệ nhị Thế chiến, Liên Xô cũng lo lắng về một cuộc tấn công của Nhật Bản nên đã triển khai một số lượng lớn binh sĩ ở Viễn Đông. Để răn đe Nhật Bản, Liên Xô viện trợ một lượng lớn cho Trung Hoa Dân Quốc, hỗ trợ Tưởng Giới Thạch kháng Nhật.
Tuy nhiên, vào năm 1941, Liên Xô đã ký một hiệp ước hòa bình với Nhật Bản, cho phép Nhật Bản chiếm đóng ba tỉnh phía đông của Trung cộng. Liên Xô ngay lập tức chấm dứt mọi sự ủng hộ đối với Trung cộng thời tiền Cộng sản, một hành động khiến Tưởng Giới Thạch phẫn nộ.
Dưới sự lãnh đạo của ông Putin, Nga biết rằng lập trường mơ hồ giữa Trung cộng và Hoa Kỳ là vì lợi ích tốt nhất của chính họ—một diễn biến đã gợi lên sự lo lắng của Trung cộng về an ninh địa chính trị của họ.
Lòng trung thành của Nam Hàn thay đổi
TT Nam Hàn, Moon Jae-in, gần đây đã gặp gỡ TT Biden. Sau cuộc gặp của họ, Hoa Kỳ và Nam Hàn đã đưa ra một tuyên bố chung đề cập đến những điểm chính liên quan đến lợi ích địa chính trị của Trung cộng.
Trong tuyên bố, ông Moon đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi đồng ý rằng Nam Hàn sẽ làm việc với Hoa Kỳ về “hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.”
Sau khi ông Moon lên nắm quyền vào năm 2017, chính sách ngoại giao của Nam Hàn chuyển sang cân bằng mối quan hệ giữa cả Trung cộng và Hoa Kỳ, dựa vào Hoa Kỳ để được bảo vệ quân sự và [dựa vào] Trung cộng để phát triển kinh tế.
TT Joe Biden (phải) và TT Nam Hàn Moon Jae-in tham gia một cuộc họp báo chung tại Phòng phía Đông của Tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Đốn hôm 21/05/2021.
Dưới thời ông Moon, mối quan hệ giữa Nam Hàn và Nhật Bản trở nên rất lạnh nhạt. Hợp tác quân sự ba bên giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn đã chấm dứt.
Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Nam Hàn cũng nguội đi rất nhiều. Ông Moon đã đồng ý với chính sách “Ba Không” của Trung cộng: không tham gia vào hệ thống phòng thủ hỏa tiễn của Hoa Kỳ; không khai triển thêm hệ thống “THAAD”; và không tham gia liên minh quân sự Nam Hàn-Hoa Kỳ-Nhật Bản. Thông qua ngoại giao với Nam Hàn, Trung cộng đã phá vỡ tam giác an ninh Hoa Kỳ-Đông Á một cách hiệu quả.
Tầm quan trọng của Nam Hàn nằm ở vai trò của nước này trong Tam giác sắt Hoa Kỳ-Nhật Bản-Nam Hàn trong chiến lược Tây Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.
Để kiềm chế Trung cộng và ứng phó với vấn đề nguyên tử của Bắc Hàn một cách hiệu quả, Hoa Thịnh Đốn đang ưu tiên thiết lập lại quan hệ hợp tác giữa Nam Hàn, Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Sau khi ông Biden và ông Moon gặp nhau vào cuối tháng 05/2021, Tòa Bạch Ốc đã đưa ra một tuyên bố tái khẳng định hợp tác an ninh ba bên giữa Nam Hàn, Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Tại sao Nam Hàn tìm kiếm sự hòa giải của Hoa Kỳ và chấp nhận đàm phán ba bên? Nguyên nhân chính là do Hoa Kỳ đang vẽ lại bản đồ kinh tế của mình, phân chia chuỗi cung ứng toàn cầu thành các ngành công nghiệp thấp cấp và cao cấp.
Hoa Kỳ quyết tâm tách chuỗi cung ứng công nghệ cao cấp khỏi Trung cộng và điều này được phản ánh trong Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới vừa được thông qua. Việc tách rời hoàn toàn công nghệ tân tiến tương đương với việc tái tổ chức chuỗi cung ứng công nghệ cao toàn cầu.
Các kế hoạch mới cho một chuỗi cung ứng cập nhật của Hoa Kỳ bao gồm Âu Châu, Ấn Độ, Nhật Bản, và Đài Loan. Đáng chú ý, các kế hoạch này bỏ qua Nam Hàn do mối quan hệ ngày càng gia tăng với Trung cộng.
Nếu không tiếp cận được chuỗi cung ứng công nghệ của Hoa Kỳ, nền kinh tế Nam Hàn sẽ bị ảnh hưởng.
Trước những năm 1960, nền kinh tế Nam Hàn xoay quanh nông nghiệp và trồng trọt. Việc chuyển hướng sang xuất cảng công nghệ và sản xuất của Nam Hàn đã thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt bậc của nước này từ những năm 1960 đến 1980, đưa nước này trở thành nền kinh tế hàng đầu toàn cầu. Trong những năm 1980, Nam Hàn đã vượt qua các nền kinh tế thế giới đầy hứa hẹn khác như Brazil, nền kinh tế mạnh nhất của Mỹ Châu Latin. Tăng trưởng của Brazil được thúc đẩy nhờ xuất cảng công nghệ sang thị trường Hoa Kỳ.
Nam Hàn hiện là hình mẫu cho các quốc gia định hướng xuất cảng với công nghệ là mặt hàng xuất cảng lớn nhất, cụ thể là máy móc điện. Năm 2019, quốc gia này đã xuất cảng 85.2 tỷ USD sản phẩm vi mạch tích hợp.
Hoa Kỳ và Nhật Bản vẫn là hai trong số các đối tác xuất cảng quan trọng của Hàn Quốc, ngay sau Trung cộng. Nếu Nam Hàn bị loại ra khỏi các phát triển thương mại công nghệ với Hoa Kỳ và các đồng minh của Hoa Kỳ, thì nước này sẽ mất vị thế là nước xuất cảng công nghệ hàng đầu. Tăng trưởng kinh tế trong tương lai của Nam Hàn chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng lớn. Đây là lý do tại sao ông Moon đến thăm ông Biden ở Hoa Kỳ.
Ngay sau cuộc gặp, ông Moon và ông Biden đã đưa ra một tuyên bố chung tuyên bố hợp tác chung về các vấn đề như bảo vệ Eo biển Đài Loan và Biển Đông, duy trì hệ thống THAAD, và chấm dứt Hướng dẫn về tầm bắn hỏa tiễn đạn đạo của Nam Hàn được ký năm 1979, dỡ bỏ giới hạn 497 dặm về tầm bắn của hỏa tiễn Nam Hàn. Đây là lý do tại sao Nam Hàn sẵn sàng tiến hành các cuộc đàm phán an ninh ba bên với Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Một trong những thành tựu ngoại giao lớn nhất của Trung cộng là loại bỏ thành công sự tham gia của Nam Hàn vào Tam giác sắt Hoa Kỳ-Nhật Bản-Nam Hàn. Nhưng với những diễn biến gần đây, thành tích chủ chốt này đã mất đi.
Trong vài năm qua, Trung cộng đã gây căng thẳng trong các mối quan hệ ngoại giao với Ấn Độ, Úc, Canada, Anh Quốc và Liên minh Âu Châu. Chỉ còn lại Nga, nhưng Trung cộng không thể bảo đảm niềm tin từ ông Putin. Nam Hàn hiện cũng đã tuyên bố hợp tác với Hoa Kỳ. Đây là bối cảnh địa chính trị khiến Bắc Kinh phải thay đổi cách tiếp cận chính sách ngoại giao.
Có lẽ giờ đây đã quá muộn để “các chiến lang” rút lui.
Tác giả Alexander Liao là một nhà bình luận và là một ký giả, chuyên nghiên cứu về các vấn đề quốc tế ở Hoa Kỳ, Trung cộng và Đông Nam Á. Ông đã xuất bản một số lượng lớn các bản tin, bài bình luận và các chương trình video trên các tờ báo và tạp chí tài chính Hoa ngữ ở Hoa Kỳ và Hồng Kông.
Alexander Liao _ Chánh Tín
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.