Chỉ có ít quyết định có thể làm thay đổi thế giới - và những quyết định thực sự mang tính cách mạng hiếm khi do các nghiên cứu tiến sĩ đưa ra.
Vào năm 1995, một khoa học gia máy tính trẻ tại Đại học Stanford khi đó đang tìm cách chọn đề tài cho luận án. Anh biết rằng việc lựa chọn đề tài này có thể ảnh hưởng đến toàn bộ sự nghiệp của mình, và vì vậy anh đã lên danh sách khoảng 10 ý tưởng vốn đã thu hút sự chú ý của anh.
Một trong những lựa chọn đó liên quan đến mạng World Wide Web tương đối mới, vốn chỉ được phát minh ra sáu năm trước đó.
Nghiên cứu sinh này tự hỏi liệu có thể lập sơ đồ các siêu liên kết giữa các trang web hay không, giống như cách các học giả lập sơ đồ các trích dẫn.
Như quý vị có thể đoán ra, nghiên cứu sinh đó chính là Larry Page và đề tài của anh - ban đầu được gọi là BackRub - cuối cùng sẽ tạo thành cơ sở của thuật toán PageRank đằng sau công cụ tìm kiếm của Google.
Alphabet, công ty mẹ của Google hiện có giá trị hơn một nghìn tỷ đô la.
Sau này nhìn lại, thiên tài của ý tưởng này - đã thay đổi vĩnh viễn cách chúng ta lướt mạng Internet và giúp Page kiếm được khoảng 100 tỷ đô la tài sản cá nhân - có vẻ hiển nhiên.
Tuy nhiên, cũng dễ tưởng tượng một thế giới thay thế mà ở đó thay vì ý tưởng đó Page đã quyết định chọn một đề tài khác vốn có vẻ là chất liệu hoàn hảo cho công trình tiến sĩ.
Nhìn chung, nghiên cứu cho thấy mọi người ít khi đánh giá chính xác giá trị ý tưởng của mình.
Điều này có nghĩa là chúng ta thường không thấy tiềm năng của những ý tưởng hay nhất của mình, khiến chúng ta bỏ qua chúng và lãng phí thời gian vào các dự án ít hứa hẹn hơn.
May mắn thay, những nghiên cứu này cũng đưa ra một số cách khôn khéo để tránh mắc sai lầm này.
Lợi ích của việc xếp hạng hai
Một trong những nghiên cứu thấu đáo nhất là của Giáo sư Justin Berg tại Trường Kinh doanh Sau đại học Stanford.
Trong một loạt các thí nghiệm, ông đã yêu cầu những người tham gia phát minh ra các sản phẩm hoặc dịch vụ mới - chẳng hạn như các thiết bị tập luyện mới mẻ hoặc các trải nghiệm du lịch lý thú.
Larry Page thừa nhận tầm quan trọng của ý tưởng ông đưa ra - nhưng các nghiên cứu cho thấy nhiều người trong chúng ta thường coi nhẹ những ý nghĩ sáng tạo của bản thân
Những người tham gia trước hết động não nghĩ ra danh sách các ý tưởng ban đầu mà bản thân họ xếp hạng theo thứ tự ưa thích, sau đó họ được cho thêm thời gian để phát triển các ý tưởng này. Một ban giám khảo độc lập sau đó đánh giá chất lượng của các thiết kế cuối cùng.
Phân tích dữ liệu của cả nhóm, Berg nhận thấy rằng, trung bình, lựa chọn đầu tiên của họ thường không gây ấn tượng. Thay vào đó, thường là ý tưởng mà họ thích thứ hai mới làm cho người khác phấn khích.
Đi sâu thêm, Berg nhận thấy cách người tham gia xếp hạng ý tưởng của họ bị lệch lạc đi bởi mức độ trừu tượng của các ý tưởng lúc sơ khởi.
Nhìn chung, những người tham gia thích các khái niệm cụ thể nhất và dường như là sẽ dễ ứng dụng nhất vào lúc bắt đầu.
"Một ý tưởng đã tương đối rõ ràng thì thường là sẽ khá sát với khả năng ý tưởng đó được đưa vào ứng dụng trong thực tế ở giai đoạn chung cuộc, vì vậy quý vị sẽ không cần phải có viễn kiến cho nó," Berg nói. "Giá trị của ý tưởng đã tương đối hiển nhiên." Điều này có nghĩa họ thường bỏ qua những ý tưởng có tính trừu tượng hơn, không áp dụng được trên thực tế ngay.
Tuy nhiên, với sau khi phát triển thêm, ích lợi tiềm năng của các ý tưởng trừu tượng sớm trở nên rõ ràng - khiến chúng được các giám khảo độc lập ưa chuộng hơn.
Một ví dụ đơn giản: ta hãy xem xét đề xuất của một người về 'máy trọng lực hay máy gió' tạo lực cản chuyển động - hơi giống như bơi lội nhưng lại không bị 'phiền toái do độ ướt át của hồ bơi'.
Lúc đầu khó mà tưởng tượng ý tưởng đó có thể được áp dụng như thế nào, nhưng sau thời gian phát triển thêm, người nghĩ ra ý tưởng này đã khám phá công dụng tiềm tàng của nền tảng từ tính, kết hợp với quần áo từ tính.
"Điều này sẽ làm cho những việc tập luyện phổ biến như bước cao thành bài tập giảm cân," người này viết. Bằng cách đảo ngược nam châm, người tập thậm chí có thể nhấc mình lên, làm cho các hoạt động như trồng cây chuối dễ dàng hơn. Với những chi tiết đó, ý tưởng này cuối cùng đã chứng tỏ là rất được các giám khảo độc lập ưa thích.
Làm sao xác định ý tưởng xuất sắc
Như kết quả của nghiên cứu của Berg cho thấy, chúng ta có thể đã liên tục bỏ lỡ những ý tưởng hay nhất của mình bởi lẽ đơn giản chúng ta không thể nhìn thấy vàng trước mặt.
Vậy thì làm thế nào cải thiện khả năng nhận định của mình?
Do linh cảm của chúng ta thường sai, một khả năng có thể là khuyến khích kiểu suy nghĩ quán chiếu đúng đắn.
Chẳng hạn Berg nhận thấy ông có thể khả năng cải thiện dự báo của người tham gia bằng cách yêu cầu họ giải thích tại sao họ xếp hạng như thế - một bài tập quán chiếu đơn giản giúp họ trân trọng những ý tưởng trừu tượng.
"Điều then chốt là bạn phải thực hành suy nghĩ này một cách nghiêm túc và sẵn sàng thay đổi suy nghĩ dựa trên nó," ông nói.
Nói chung, ông nghĩ rằng chúng ta có thể trì hoãn đưa ra quyết định cuối cùng cho đến khi hình thành một vài lựa chọn cạnh tranh.
Nếu suy nghĩ kỹ hơn, một ý tưởng trừu tượng lúc ban đầu có thể trông không mấy tiềm năng, nhưng rồi nó sẽ được phát triển để trở nên đạt được nội dung chất lượng và nhanh chóng trở nên thú vị.
Chẳng hạn nếu tôi muốn bắt đầu viết một cuốn sách mới, tôi có thể động não nghĩ ra một số ý tưởng trước khi viết ra tóm tắt cho hai ý tưởng tôi vừa ý nhất. Chỉ khi đó tôi mới quyết định nên theo đuổi cái nào. "Điều này giảm nguy cơ bác bỏ quá sớm một ý tưởng," Berg nói.
Rogelio Puente Díaz, giáo sư tiếp thị tại Đại học Anahuac México Norte, đồng ý rằng chúng ta nên cảnh giác với việc dựa vào những phán đoán ban đầu của mình.
Chính công trình của ông đã chỉ ra rằng chúng ta thường dựa vào 'cảm xúc siêu nhận thức' - linh cảm rằng ý tưởng nào đó sẽ có hoặc không có tác dụng - để đánh giá chất lượng của một ý tưởng, và điều này có thể bị thiên kiến.
Tuy nhiên, theo ý ông, một trong những vấn đề lớn nhất là sự lạc quan không thoả đáng về khả năng thành công của một ý tưởng.
"Xu hướng của chúng ta là chỉ nhìn vào mặt tích cực," ông nói. Vì lý do này, ông khuyên chúng ta nên nỗ lực một cách có ý thức để suy nghĩ về những lý do khiến ý tưởng có thể thất bại.
Nếu bạn áp dụng điều này cùng với đề xuất của Berg, bạn có thể phát triển hai ý tưởng yêu thích này và sau khi bạn đã nắm rõ hơn về những gì chúng sẽ tạo ra, bạn sẽ soạn ra danh sách các điểm cộng và điểm trừ cho mỗi ý tưởng.
"Hãy bỏ công sức nghĩ về những gì có thể xảy ra không như ý muốn, cũng như những gì có thể đi đúng hướng." Bằng cách này, bạn có thể né trước các rắc rối mà cuối cùng sẽ đưa đến thất bại - để bạn có thể chắc rằng ý tưởng tuyệt vời mà bạn chọn là khả thi.
Có lẽ cách chắc chắn nhất để đảm bảo thành công là tham vấn ý kiến của người khác - và tốt nhất là ý kiến của những người có thể quan tâm đến sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn.
Laura Kornish, giáo sư tiếp thị tại Đại học Colorado Boulder, nói rằng hầu hết các tổ chức hiện đang tham gia nghiên cứu về người tiêu dùng là ở giai đoạn phát triển sản phẩm tương đối muộn, trong khi nghiên cứu của bà cho thấy nó có thể được vận dụng hữu ích ở giai đoạn sớm hơn, ngay sau giai đoạn động não lúc đầu, để xác định ý tưởng nào sẽ thành công nhất.
"Nếu bạn có thể có 20 hoặc 30 người đánh giá ý tưởng của mình, bạn có thể có tín hiệu thật sự ý tưởng đó có tốt hay không," bà cho biết.
Chúng ta có thể không bao giờ biết điều gì đã khiến Larry Page tập trung vào BackRub và bỏ qua những ý tưởng khác - nhưng những kỹ thuật này có thể giúp tất cả chúng ta xác định các dự án có tiềm năng lớn nhất.
Bằng cách bỏ nhiều công sức hơn vào giai đoạn hình thành ý tưởng ban đầu, xem xét các kịch bản tốt nhất và tệ nhất và tham khảo ý kiến của người khác, chúng ta có thể đãi ra vàng từ các mảnh vụn trong trí sáng tạo của mình - và không bao giờ lãng phí ý tưởng có giá trị nghìn tỷ đô la.
David Robson
Nikola Tesla _ Thiên tài khoa học
Có nhiều người cho rằng trong lịch sử nhân loại chỉ có đúng 2 thiên tài vĩ đại, 2 cá nhân kiệt xuất với tầm nhìn vượt quá xa thời của họ. Theo thuyết âm mưu, nhiều người cho rằng 2 người đó có thể là người ngoài hành tinh.
https://baomai.blogspot.com/
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.