Friday, June 25, 2021

Cừu Lá (leaf sheep) biết quang hợp như lá cây

 BM

Cực giống với loài vật ăn cỏ có cùng tên với nó, "cừu lá" sống ở đáy đại dương gặm tảo để sống; tuy nhiên, loài động vật này có thể bổ sung chế độ ăn uống của mình theo cách vô cùng độc đáo: thông qua năng lượng mặt trời.

 

"Lần đầu tiên tôi nhìn thấy Cừu Shaun (chú cừu có tên là Shaun, nhân vật chính trong phim hoạt hình dành cho trẻ em Shaun The Sheep) ở Romblon, Philippines, tôi đã rất ngạc nhiên vì nó bé tí bé tẹo," Ara Juan, một thợ lặn và là người ủng hộ quan điểm cần bảo vệ đại dương, nói.


BM


"Lần thứ hai là ở Dauin, thuộc tỉnh Negros Oriental, thú vị hơn - tôi thấy năm con đang ngồi trên một chiếc lá, như thể năm chú cừu đang được chăn thả trên một cánh đồng tảo vậy."

 

"Cừu Shaun" là biệt danh mà nhiều thợ lặn ở Philippines trìu mến gọi một loài sinh vật biển được biết đến với cái tên "cừu lá" (Costasiella kuroshimae) do nhìn chúng giống hệt chú cừu trong bộ phim hoạt hình cùng tên.

 

Trái ngược với tên gọi của mình, cừu lá không phải là lá cây cũng chẳng phải cừu - nó thực ra là con sên biển.


BM


"Chúng là những sinh vật mỏng manh và cơ thể chúng giống như những sên trần," Genevieve Reyes, một thợ lặn kiêm nhiếp ảnh gia, nói. "Những con cừu lá không chạy trốn hay co lại khi chúng cảm thấy có kẻ lạ xuất hiện. Chúng có một cuộc sống đều đặn thường ngày, đó là bò quanh phiến lá của một loài tảo nào đó rồi nhẩn nha gặm nhấm trong thế giới riêng tư nhỏ bé."

 

Loài sinh vật biển thuộc nhà nhuyễn thể này có đôi mắt như hai hạt cườm đen nhỏ sáng nằm sát gần nhau; chúng có cặp cuống khứu giác với chóp đỉnh màu đen giống như tai cừu hoặc râu của các loài côn trùng nhô lên từ phần đầu màu trắng, và những chiếc gai màu xanh lục ở phần thân lưng.


BM


Những chiếc gai màu lục này của sên biển trông hơi giống như lá cây nha đam hoặc cây ngựa vằn mọng nước, nhưng thường có chóp đầu màu hồng, tím hoặc trắng, và chúng chứa các cơ quan của tuyến tiêu hóa.

 

Trong khi đó, phần cuống khứu giác thu thập các tín hiệu hóa học trong nước, giúp sên biển có khứu giác và dò tìm được nguồn thức ăn.

BM

Cừu lá thực hiện quang hợp nên có thể tìm thấy chúng dưới đại dương, nơi ánh sáng mặt trời vẫn có thể xuyên qua

 

"Mọi người bị cuốn hút bởi loài cừu lá vì nó có cái mặt dễ thương và hình dáng thú vị," Terrence Gosliner, giám tuyển cao cấp về địa chất và động vật không xương sống tại Học viện Khoa học California đồng thời là một chuyên gia về sên biển, người đã tập trung phần lớn nghiên cứu của mình về nhiều loài sên biển được tìm thấy ở Philippines, cho biết. "Chúng là những con sên nhỏ tuyệt đẹp."

 

Và chúng thực sự bé tí hon, phát triển tối đa cũng chỉ dài đến bảy hoặc tám milimet khi trưởng thành và có tuổi thọ từ sáu tháng đến một năm.

 

Theo Gosliner, cừu lá là loài lưỡng tính (có cả cơ quan sinh sản đực và cái) nhưng một con cừu lá vẫn phải giao phối với cá thể cừu lá khác để đẻ ra cả mảng trứng.


BM


"Trứng nở thành ấu trùng có vỏ, sống khoảng một hoặc hai tuần trong lớp sinh vật phù du. Sau đó, chúng lột khỏi vỏ và bắt đầu cuộc đời của một con sên biển nhỏ," ông nói.

 

Tiến hành quang hợp

 

Cừu lá sống trên Avrainvillea, một loại tảo xù, mềm mịn mọc ở những nơi có nền đất lún, chẳng hạn như ở lớp bùn hoặc cát mịn.

 

"Ta không tìm thấy chúng ở các rạn san hô mà ở các khu vực bên cạnh các rạn san hô,"


BM


Gosliner nói. "Những con cừu lá sống cả đời cùng loài tảo đó và bạn thường có thể nhìn thấy chúng sống cả đàn ở thảm tảo - tôi đã nhìn thấy tới 15 hoặc 20 con cùng trên một phiến lá tảo. Đôi khi, bạn có thể thấy cả mảng trứng sên, đó là những cuộn xoắn ốc tí xíu."

 

Tảo Avrainvillea không chỉ là nơi sên biển trú ngụ, mà còn là nguồn dinh dưỡng của chúng.

 

Là một loài thuộc họ Saccoglossus - tức là họ sên biển "hút nhựa cây" - cừu lá ăn tảo (rất giống như loài cùng tên với chúng nhưng sống trên cạn), hút lạp lục của tảo (là cấu trúc bên trong tế bào tảo, có chứa chất diệp lục, một sắc tố quang hợp màu xanh lục) và giữ chất này trong mô của các gai mềm nhỏ tới 10 ngày, một quá trình được gọi là kleptoplasty.

 

Làm như vậy cho phép cừu lá bổ sung vào chế độ ăn uống của mình bằng cách quang hợp, điều thường chỉ xảy ra ở thực vật.

 

Khả năng quang hợp này đã mang lại cho loài cừu lá danh hiệu "sên biển sống bằng năng lượng mặt trời".


BM


"Đây là điều mà chỉ một số rất ít sinh vật đa bào có thể làm được," Miguel Azcuna, phó giáo sư tại Đại học Bang Batangas ở Philippines và là người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Hải dương học và Khoa học Thủy sinh (VIP CORALS), nói.

 

"Hãy tưởng tượng bạn ăn một món salad và giữ chất lạp lục lại bên ngoài hệ tiêu hóa, sau đó bạn chỉ cần phơi mình dưới ánh nắng mặt trời để tạo ra thêm thức ăn bổ sung. Điều đó quả là ưu thế lớn cho việc sinh tồn."

 

Hơn nữa, lạp lục của tảo còn giúp bảo vệ cừu lá, tạo cho nó một màu xanh lá cây để dễ bề ngụy trang và là lớp phòng thủ hóa học ngăn chặn những kẻ săn mồi.

 

Những đe doạ đối với môi trường sống của cừu lá



BM


Cừu lá không phải là loài bị đe doạ nghiêm trọng, nhưng chúng vẫn phải đối mặt với các mối đe dọa đối với sự sống còn, trong đó có vấn đề bị mất môi trường sống.

 

Các hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp và khai thác tận diệt (ví dụ như sử dụng thuốc nổ hoặc xyanua) phá hủy môi trường sống của đại dương và giết chết các động vật sống trong đó.

 

Mặc dù những hoạt động này đã bị cấm ở Philippines, nhưng hoạt động đánh bắt bất hợp pháp và khai thác tận diệt vẫn lén lút tồn tại ở nước này.


BM

Cừu lá sống phân bố rộng khắp châu Á, trong đó có Philippines

 

Biến đổi khí hậu cũng đang tác động đến môi trường sống của sên biển.

 

Các cơn bão, lũ quét - Philippines có trung bình 20 trận bão mỗi năm - do thế giới ấm lên có thể gây hại cho các khu vực biển, với sóng và dòng chảy mạnh tạo ra các cơn lốc cát có thể xới tung đáy biển nơi cừu lá sống và phá tan hoang thảm tảo của chúng.

 

Thời tiết nóng lên và nước biển tăng độ axit cũng có thể làm thay đổi hành vi của động vật, như đã được chứng minh trong một nghiên cứu về thỏ biển, là loài sinh vật kiếm ăn khó khăn hơn và thực hành kỹ năng sống kém hơn khi tiếp xúc với sự ấm lên và axit hóa trong môi trường mô phỏng đại dương.


BM


Ô nhiễm chất thải nhựa cũng gây ra một nguy cơ khác cho loài cừu lá. "Đôi khi, một phần việc quan trọng trong khi lặn của tôi là nhặt rác dưới nước," Juan nói.

 

Hơn một phần ba trong tổng số 1,9 triệu tấn chất thải nhựa ngoài tầm kiểm soát của Philippines trôi ra đại dương, khiến nước này trở thành quốc gia đóng góp nhiều thứ ba các mảnh vụn nhựa trong lòng biển toàn cầu.

 

Ăn phải vi nhựa có thể làm miệng của cừu lá bị mắc nghẹn, rồi nhựa tích tụ lại trong đường tiêu hóa, và các chất hóa học thải ra biển ngấm vào cơ thể cũng có thể gây hại cho sức khỏe của loài vật nhỏ bé này.

 

Để chống lại các mối đe dọa ngày càng tăng đối với môi trường biển của mình, Philippines đã quy hoạch một số khu vực thành các khu bảo tồn biển (marine protected areas - MPAs).

 

Chẳng hạn như đảo Maricaban ở Batangas đã được tuyên bố là MPA vào năm 2019, là nơi hạn chế hoạt động đánh bắt và có sự tham gia của cộng đồng trong việc trông coi rạn san hô và giữ cho bờ biển không có rác.


BM

Cừu lá sống trên Avrainvillea, một loại tảo xù, mềm mịn

 

Các sáng kiến nhằm triển khai thực thi luật về môi trường và nghề cá dựa vào cộng đồng cũng đã được đưa ra. Trong số này có chiến dịch "Bantay Dagat", theo đó các tình nguyện viên trên cả nước đảm nhận công tác bảo vệ biển, tuần tra, ngăn chặn các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp.

 

Các tổ chức phi chính phủ trên khắp Philippines cũng đang chung tay giúp đỡ.

 

Nhóm của Azcuna tại VIP CORALS đã hợp tác với Viện SEA (nơi Gosliner làm giám đốc) để cải tạo những vùng sinh thái biển, giáo dục sinh viên sống ở các cộng đồng ven biển quanh Batangas về tầm quan trọng của hệ sinh thái biển.

 

Nhiều khu nghỉ dưỡng chuyên tổ chức hoạt động lặn biển và các công ty khác cũng tiến hành dọn dẹp bãi biển và vùng lặn thường xuyên để thu gom rác và các chất thải nhựa trên bờ cũng như dưới nước.

 

Chương trình lặn biển ngắm cừu lá

 

Cừu lá được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1993 tại đảo Kuroshima của Nhật Bản, nhưng chúng cũng sống phân bố rộng rãi trên khắp châu Á, xuất hiện ở Singapore, Thái Lan và Tam giác San hô, một khu vực được coi là tâm điểm của thế giới về đa dạng sinh học biển.

 

Tam giác San hô bao gồm vùng biển Indonesia, Malaysia, Philippines, Papua New Guinea, quần đảo Solomon và Đông Timor.


BM

Khách tham gia lặn biển có thể nhìn thấy cừu lá khá dễ dàng khi được hướng dẫn bởi thợ lặn địa phương

 

Trong vùng biển Philippines, cừu lá được tìm thấy ở khắp các khu vực miền bắc, miền trung và miền nam của đất nước - từ các khe nứt phủ đầy san hô của Anilao ở tỉnh Batangas thuộc vùng Luzon đến các phần đáy biển lầm bùn của Dauin ở tỉnh Negros Oriental, vùng Visayas, đến các rạn đá và các con dốc hình dạng như tàn tích của núi lửa ở tỉnh đảo Camiguin, vùng Mindanao.

Thời gian tốt nhất để tham quan là từ tháng 12 đến tháng 5, khi nước lặng và mùa bão đã kết thúc.

 

Bạn có thể đến hầu hết các điểm lặn bằng cách đi thuyền có tên là bangka, song một số khu nghỉ dưỡng lặn có luôn "rạn san hô" ở ngay đằng trước.

 

Vì cừu lá tiến hành quang hợp, chúng sống ở độ sâu từ 9 đến 18 mét dưới đại dương, nơi ánh sáng mặt trời vẫn có thể xuyên qua.

 

Tuy nhiên, khá khó để nhìn thấy sên biển do kích thước của chúng quá nhỏ bé. "Sẽ rất hữu ích nếu bạn có hoa tiêu là một hướng dẫn viên lặn địa phương, người biết tìm cừu lá trong một điểm lặn cụ thể," Juan cho biết.


BM


Để lặn biển một cách có trách nhiệm, lời khuyên của Juan là cần sử dụng thiết bị hỗ trợ nổi phù hợp để tránh va vào san hô hoặc bất kỳ sinh vật nào, hay phá vỡ môi trường biển, vì bạn sẽ phải đến thật gần con cừu lá mới có thể nhìn thấy chúng.

 

Bạn cũng có thể bắt gặp rác khi lặn, vì vậy hãy nhặt những thứ có thể nhặt và đảm bảo vứt rác đúng chỗ sau khi lặn.


BM


Điều quan trọng nữa là bạn nhớ không chạm vào hoặc cắt bẻ thực vật, hoặc bắt động vật trong khi lặn.


"Cứ thỏa sức ngắm nhìn nhưng hãy để cừu lá được sống bình yên," Juan nói. "Bạn chỉ là khách đến thăm nhà của cừu lá, vì vậy hãy luôn tôn trọng môi trường biển của chúng."

 

 

 

Rina Diane Caballar

***

Đi tìm dấu vết trận Đại Hồng Thủy của Noah

BM
Nằm sâu dưới Biển Đen ngoài khơi Bulgaria, những con tàu cổ của Hy Lạp đang tiết lộ sự thần bí của trận đại hồng thủy và Con Thuyền Noah.

Thị trấn cổ Nessebar là một hòn đảo gần như hoàn chỉnh: một nửa dặm những ngôi nhà đánh cá bằng gỗ in dấu thời tiết với mái ngói bằng đất nung nằm trên đỉnh đá, được nối với bờ biển Bulgaria bằng một cây cầu đất hẹp.


BM


Vô đạo đức đến thế là cùng …!
Dữ liệu COVID-19 đã bị NIH xóa theo yêu cầu của Trung cộng
Nhà soạn nhạc nổi tiếng giấu tiền trong các bản nhạc
Thú uống cà phê
Tạo dựng cho trẻ một tuổi thơ hạnh phúc
Học cách sống như một Samurai _ Tâm bình thản, trí thông suốt
Thực vật phát ra ‘tiếng thét’ siêu âm khi bị căng thẳng
Đừng tin vào những gì quý vị được nghe
Dẫn hổ về thịt dê nhà
Nước _ Làm mát hay đốt nóng?
Vì sao không nên mua đồ chơi trẻ em xuất xứ từ Trung cộng?
Tình yêu là vật đẹp muôn màu (Love Is A Splendid Thing)
Thăm kỳ quan thế giới _ Yellowstone National Park
Biden quyết tâm tạo việc làm … tại Trung cộng
Bang giao giữa Trung cộng và EU đều đang rạn nứt
Sân Allianz Arena 'không chiếu màu Cầu vồng' trong trận Hungary-Đức
Thế giới có nên lo lắng về biến thể mới Delta Plus không?
Trung cộng đang tự ‘đào hố chôn thân’ ở nước Úc
Hoa Lan "Tôn Ngộ Không"
Trung cộng ‘thiết lập nhịp điệu’ để tiêu diệt Tesla

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.