Friday, June 18, 2021

Trở lại đảo xưa

 BM

Mãi tới năm 2010, hơn 45 năm sau, kể từ năm 1965, ngày rời nhiệm sở, chúng tôi mới có dịp quay lại Dương Đông, Phú Quốc. Chuyến bay hôm đó, ngồi trong một máy bay cánh quạt của Nga, gần giống như máy bay DC3 thời xưa của Air Vietnam, nhưng xập xệ hơn nhiều.

 

Bầu trời vẫn xanh, nắng vẫn rực rỡ, những đám mây vẫn trắng tinh. Phía dưới những thị trấn nhỏ mới mọc lên bên các nhánh Cửu Long Giang. Ruộng đồng xanh mát không còn những hố bom đạn loang lổ như ngày xưa. 


BM

Note: hình trong bài là minh họa


Phi cơ bay thẳng từ Saigon ra Phú Quốc, không ghé phi trường Rạch Sỏi để đón thêm khách như ngày trước. Nhìn xuống, biển vẫn xanh, sóng bạc đầu vẫn vỗ trắng vào ven đảo. Phi trường nay là một tòa nhà hai tầng, có đường chuyển hành lý tự động ngắn. Phòng đợi trên lầu có máy lạnh và tầng dưới là những quầy hàng, bán những đặc sản địa phương.


BM


Xe chở đoàn du lịch vào thị trấn Dương Đông và ra thẳng ngôi đền thờ Dinh Cậu, nơi mà ngày trước, khi mới đến đảo nhận việc tôi được nhân viên đưa đến trình diện Cậu để được ban phước lành. Khi ra ngoài đứng trên bao lan nhìn quanh, biển vẫn rộng, xanh mát như ngày xưa, chỗ cửa sông có lần tôi đã bơi ra xa đến chỗ cọc mốc mà một ông lão đã bảo cho tôi phải coi chừng cá mập. Mỏm đá hình cá sấu vẫn nguyên vẹn hướng về cuối đảo. Nhìn sang phía xóm Cồn mà tôi đã để cho ngư dân Bình Định tránh chiến tranh di cư vào tạm trú ở cuối cồn, nay nhà cửa chen lấn ngổn ngang. Cái tên Bình Định mà tôi đặt tên cho cái xóm đó, đến nay họ vẫn giữ. Chỉ tiếc cái cồn cát dài trắng xóa nên thơ đó không còn nữa.

 

Tôi bước xuống khỏi dinh, nhìn quanh tìm căn của nhà sàn cửa biển của cô Mười ở đầu cửa sông chẳng thấy đâu, thay vào đó là một trạm hải quan. Tượng Đức Mẹ mà quận trưởng Thanh cho người dựng gần dinh Cậu, đầu cửa biển đã làm mất lòng dân địa phương, nay đã bị rời đi đâu chỉ còn trơ lại bệ xi măng. Tôi đi dọc biển, bãi cát không còn mịn như xưa, đá sạn, vỏ chai ốc và rác không còn là bãi tắm. Tôi hướng về phía phía quận cũ, khu nhà nhân viên không còn nữa, cả đến những ngôi mộ cũ mấy trăm năm của các nhà truyền giáo cũng không còn dấu tích để các khách du lịch ngoại quốc sau này có cơ hội đến xem. 


Tôi nghĩ đến ngôi giáo đường cổ nhỏ mất mái, chỉ còn trơ bốn bức tường rêu phong mà có những lần tôi cùng một nhóm giáo dân ngồi nghe tiếng giảng lẫn trong gió của một vị linh mục từ một làng đạo di cư Ba Làng phía nam đảo An Thới, dù tôi không theo đạo Thiên Chúa. Tôi chắc ngôi giáo đường cũng bị san bằng. Nay cả khu tôi đang đứng chỉ thấy cỏ hoang và rác rưởi. Sở Khí Tượng cũ đã bị phá bỏ, thay vào một cơ sở mới được xây cạnh đó. Không hiểu hai vợ chồng Trưởng Ty Khí tượng một thời họ ở mãi tận Hoàng Sa đổi về đây, nay đã trôi dạt về đâu. 


BM


Hàng dừa mà vợ chồng tôi đứng chụp trong những ngày ra thăm lại đảo năm 1965 vẫn còn, nhưng nay thân cao gầy còm cong lại, vì đã phải chống trả và chịu đựng với những cơn gió biển trong bao năm qua. 

 

Sau đó, họ đưa về một resort sát biển gần đó để nghỉ. Phòng ốc khá khang trang, các bữa ăn hải sản thịnh soạn và tiêu chuẩn. Tối hôm đó không có mục gì, trong đoàn du lịch có một đôi vợ chồng trẻ ở Cali rủ chúng tôi xuống nghe hát karaoke. Cùng đến đó có mấy thanh niên nam nữ, họ lần lượt chia nhau hát. Hai vợ chồng này toàn chọn nhạc vàng lãng mạn trước 75, còn nhóm trẻ thì hát các bài ca cách mạng đặc mùi Mác Xít. Tôi cười thầm trong bụng, nghe thấy trớ trêu. Một lúc sau thấy họ rời phòng, chắc nghĩ mình không giống ai, đi du lịch mà vẫn mang theo những bài đó, chắc là phải theo ý trưởng đoàn. 
 

BM

 

“Đêm đó, tôi nằm nhớ lại thời gian dài đã ở đảo. Tôi ra trường Quốc Gia Hành Chánh, khóa 6 đầu năm 1962, tưởng rằng sẽ được ở Saigon kéo dài cuộc đời ký cóp trong các bộ phủ như các khóa trước. Lúc đó Cộng Sản đã mở các cuộc phá hoại dồn dập ở nhiều nơi. Trường QGHC những năm đó trực thuộc Phủ Tổng Thống, và Tổng Thống Diệm đã thay đổi ý định xử dụng khóa của tôi. Khóa tôi chỉ có 36 sinh viên tốt nghiệp, ông đưa nửa khóa vào Trung Ương Tình Báo, còn một nửa khóa trong đó có tôi đưa ra quân trường Đồng Đế, Nha Trang, do tướng Đỗ Cao Trí chỉ huy để dự khóa 3 Chuẩn Úy Hiện Dịch. Theo tướng Trí, một người lính bộ binh giỏi là một người đi bộ giỏi. Thành thử chúng tôi đi di hành theo tốc độ ngày đêm mút mùa gần như hàng tuần. Tổng Thống Diệm quan niệm rằng một người chỉ huy ở địa phương phải được huấn luyện về cả hành chánh và quân sự mới phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh. 

 

Khi rời quân trường, tôi cầm nghị định bổ nhiệm đi Rạch Giá, Kiên Giang, nhưng đến đó mới biết nhiệm sở cuối cùng là đảo Phú Quốc. Phó Tỉnh Trưởng, một người học trên tôi, khóa 1 trao sự vụ lệnh nói với tôi như an ủi: 

 

- Em cứ ở tỉnh ít lâu, ngoài Tết đi cũng được. Có gì cho “qua” biết. 

 

Những ngày ở lại, tôi được ông hậu đãi vào hàng quý khách của tỉnh. Ở khách sạn lớn trong tỉnh, hàng ngày tiệm ăn Tầu có tiếng đem thức ăn đến tận phòng, ngày ba bữa. Tôi phải thực sự cám ơn người đàn anh. 


Nhớ lại hình ảnh thư sinh mới ra trường, một mình tay xách chiếc va li đến đảo, lãng mạn tưởng như đang sống lại một phần đời của Gauguin đang đi tìm lại một thiên đường lỡ dở trong các họa phẩm vẽ cảnh rừng dừa ven biển, với các chàng trai lực lưỡng đang đánh những tiếng trống bập bùng, với những cô gái mình trần đa tình đang cầm vòng hoa đón khách lạ. Thấy lại hình ảnh lang thang của mình như một Gary Cooper sau những ngày phiêu bạt trở lại đảo như trong phim Retour au Paradis. Thấy lại hình ảnh của mình ngồi trên mũi thuyền những ngày rong ruổi trên biển, nghe sóng vỗ và nhìn vào dọc đảo xanh để đến những ấp lạ như sống trong phim của thời Seven Samurais… 


BM


Khi tôi ra đảo, các đường bộ đều bị cắt đứt, chỉ còn bốn ấp ven biển có hàng rào chiến lược , nếu muốn đến phải dùng thuyền hay nhờ các ghe của Hải Thuyền. Mấy xã, ấp trong lòng đảo đã bị xóa sổ từ trước. Dân số trên đảo khoảng 8,000 người, tập trung trong các ấp còn lại, một số sống rải rác trong các vườn tiêu trên đảo. Phú Quốc gồm nhiều ty, sở thuộc trung ương như một tỉnh nhỏ. Nhưng một số công chức làm việc trên đảo thường coi như bị đi đầy. Họ đếm từng ngày một để chóng được trở về đất liền. Buồn nhất là nghe những người lính, bao nhiêu năm không được về lại đất liền, bao nhiêu năm không được trở về quê hương thăm cha mẹ, họ hàng thân thuộc. Những em nhỏ, nói đến Sài Gòn như nghe chuyện một giấc mơ, hay ở một thế giới khác, mà nghĩ rằng cả đời mình chắc khó có ngày đến đó được. Những cụ già từ xóm xa, khi đến quận gặp tôi, vẫn chắp tay vái và gọi tôi bằng “Quan”. Dặn mấy ông cụ bao nhiêu lần là chỉ cần gọi bằng “ông”, nhưng vừa được câu trước, đến câu sau, các cụ lại quen miệng gọi là quan như thường. Đã sang đến thập niên 60 mà khi hỏi các cụ, ai là người đứng đầu nước Việt Nam bây giờ, các cụ vẫn trả lời là “Vua Bảo Đại”. 


Tổng Thống Diệm, lúc đó đang cố đẩy mạnh chương trình lập ấp chiến lược, tin tưởng rằng sẽ tách rời được Cộng Sản ra khỏi dân quê và phát triển được các phương diện kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế và an ninh trong các xã ấp mà dân quê từ bao nhiêu năm đã không được hưởng. Tôi cũng thường theo các cuộc hành quân để lập ấp, tổ chức định cư, thành lập ấp cũng như lập các dự án tự túc để giúp dân phát triển các phương diện kể trên. Nhưng có những ấp vừa thành lập chẳng bao lâu lại phải bỏ, vì quá cô lập, mà quân số thì ít và không dám dàn mỏng. Tôi đã đến các ấp nhỏ trên đảo, có ấp chỉ có khoảng hơn một trăm dân, hàng rào gần ngay trước mặt, lớ ngớ rất dễ bị Việt Cộng bắn sẻ. 


BM


Tôi cũng đã đến một số các đảo nhỏ lân cận, có dịp lặn dưới biển bơi cùng các đàn cá màu trong các rạn san hô. Tôi ở đảo, không bao lâu thành một dân “chịu chơi”. Cùng ăn nhậu với lính, với ngư dân và dự những buổi ăn uống đình đám trong xã. Họ uống rượu rất dữ, tôi cũng phải cố theo mà trước kia chưa bao giờ uống đến nửa chai bia. 

 

Một lần, biển động đến hơn tháng trời, ghe thuyền không ra khơi mà cũng không đến được đảo. Gió thổi mạnh mà mưa thì mù trời, máy bay mỗi tuần có một chuyến không thể hạ cánh. Chẳng biết làm gì cho qua những ngày bão biển, không có chuyện gì làm, ngồi hút thuốc lá đến đen cả mấy ngón tay. Tôi vào trong kho lục trong đống văn khố xem có gì đáng đọc hay không, tôi mang ra từng chồng sách xuất bản từ Hà Nội đã tịch thu được trong cuộc hành quân trên vùng Bắc đảo năm trước. Những sách khảo cứu về dược thảo Việt Nam, chắc để cho du kích dùng mỗi khi thiếu thuốc bào chế. Những sách về khảo cổ, lịch sử và văn học viết theo quan điểm Mác-Xít, mị giai cấp công nông, đọc không nổi. 

 

Tôi tìm được một quyển Địa Phương Chí của đảo, đã khiến tôi nghiền ngẫm đến mấy ngày liền và là một cái cớ khởi đầu để tôi có dịp đi gặp các cụ già trên đảo tìm hiểu thêm về các sử liệu, các dấu vết cổ xưa, kể cả các truyện truyền kỳ, huyền thoại. Tôi mở rộng tấm bản đồ với đầy đủ các hòn đảo của Việt Nam trong vịnh Thái Lan. Những cái tên nghe mường tượng như từ một thời cổ xưa lập địa với những Hòn Đồi Mồi, Hòn Kiến Vàng, Hòn Khoai, Hòn Thơm, Hòn Nước, Hòn Rùa, Hòn Tre, Hòn Tre Lớn, Hòn Tre Nhỏ, Hòn Thổ Châu và Hòn Hải Tặc… mà nhiều hòn trong suốt thời gian ở đó tôi không có dịp đặt chân đến. 

 

Tôi đọc tới những trang sau, những truyện có thật mà tưởng như truyền kỳ của một hòn đảo thường được gọi là xứ của 99 ngọn núi, ý nói có nhiều núi lắm. Những chứng tích còn lại, như những bí mật của Chùa Sư Muôn. Những câu sấm của ông Đốc Phủ Chiêu với chùa Cao Đài trên núi, mộ của những ông cố đạo ngoại quốc không hiểu từ đâu đến truyền giáo, có những cái tên lạ hoắc được chôn ở bãi biển sau quận từ thế kỷ trước mà những buổi chiều hè, lúc tôi tắm biển xong thường ngồi nghỉ trên những tấm mộ này nhìn ra biển ngắm cảnh hoàng hôn. Cái Giếng Tiên bên bờ sông Dương Đông nước mặn mà nước giếng vẫn ngọt. Các đền thờ Cá Ông rải rác trên đảo, nhưng khi tôi có dịp đến thăm thì đã chẳng được ngư dân thờ phụng như trước nửa, chỉ còn chỏng chơ vài cái xương cá voi khổng lồ cũ kỹ… 


BM


Trong phần lịch sử của đảo, tôi thấy có những đoạn viết về đoàn thuyền của Nguyễn Huệ lùng đuổi Nguyễn Ánh, sau đó cả hai đều kế tiếp mang mạng đế vương. Có trang nhắc đến Nguyễn Trung Trực chạy ra đảo để tránh cuộc vây bắt của giặc Pháp. Hai sự kiện đặc biệt trong cuốn Địa Phương Chí mà không thấy một sách vở hay tài liệu nào khác nói tới là: Quân Nhật đem hàng trăm tù binh san bằng đất làm phi trường ở Cửa Cạn trong Thế Chiến Thứ Hai để tấn công Tân Gia Ba. Tôi đã cố đi tìm chứng tích, nhưng vì trong lòng đảo, chỉ gặp được một hai người còn nhớ ít câu tiếng Nhật nhờ làm thông ngôn cho họ. Sự kiện thứ hai là cả một sư đoàn tàn quân Quốc Dân Đảng bị Hồng Quân Mao Trạch Đông vượt sông Dương Tử xua họ ra khỏi Trung Hoa, qua biên giới Việt Nam khiến người Pháp phải đưa họ ra đảo lánh nạn. Họ ở lại cho đến khi Tướng Tưởng Giới Thạch về Đài Loan. Tôi đã đến thăm nghĩa trang của những Quốc Quân bỏ mình trên đảo tại cuối phi trường. Sau này, trong một chuyến bay du hành quan sát từ Đài Bắc ra thăm hai đảo Kim môn và Mã Tổ sát đất liền Trung cộng, tôi ngồi cạnh một vị Đại Tá Đài Loan. Ông hỏi tôi, đã làm việc ở những đâu, tôi có nói đến Phú Quốc, ông mừng rỡ kêu lên và cho biết ông thuộc sư đoàn tạm trú trên đảo trong mấy năm đó. Ông đã kể lại rành mạch cho tôi tên những địa danh trên đảo. 

 

Nhưng có một hình ảnh mà tôi đã hình dung ra và đã theo tôi mãi trong những ngày ở trên đảo và cả sau này nữa, đó là đàn trâu mấy chục con của bà Kim Giao. Tính ra những con trâu này đã được mang ra đảo vào khoảng mấy trăm năm trước, hiền lành chỉ biết cần cù, ra sức cầy bừa. Công cuộc khai khẩn thất bại. Sau khi bà mất, đàn trâu này trở thành một lũ trâu rừng lang thang… Tôi có dịp nói chuyện với một số dân trong rẫy, ở ngoài vòng ấp chiến lược, họ cho biết đàn trâu chỉ còn lại hai con. Năm trước một con đã bị bắn chết. Nghe đến đó tự nhiên tôi thấy buồn rầu như đã đánh mất một vật gì quí báu mà không thể nào tìm lại được. Bây giờ một con đã bị bắn chết, còn một con lủi thủi cô độc, trong một vùng hoang đảo mênh mông. Tôi không muốn tưởng tượng ra thêm nữa về tình cảnh của một con trâu rừng cuối cùng trên đảo. Nhưng như thế cũng đủ làm cho lòng dạ tôi bồn chồn, lo lắng về số phận của nó. Tôi đã nghĩ đó là một hình ảnh, một huyền thoại cuối cùng của hòn đảo, của một thiên đường đã mất mà tôiđang sống, mà tôi đang đi tìm từ ngày đến đảo. Nhưng sao tôi thấy cái huyền thoại đó quá mong manh và không hiểu nó sẽ kết thúc vào lúc nào và như thế nào. Mặc dầu tôi đã cẩn thận dặn dò các người lính và dân trên đảo là không nên săn đuổi con trâu nữa…


BM


Lúc Tướng Nguyễn Khánh lên cầm quyền, ông muốn thực hiện ý định tổ chức Phú Quốc thành một trung tâm giải trí cho lính Mỹ đi nghỉ phép để thu ngoại tệ, thay vì để họ đi Hồng Kông, Bangkok hay các nơi khác vung tiền. Tôi được lệnh thảo một dự án thành lập tỉnh Phú Quốc, việc này không khó khăn lắm vì đã sẵn có một số ty sở thuộc trung ương, chỉ cần tăng cường một số cơ sở liên hệ đến dự án. Tôi tưởng tượng ra một trung tâm giải trí du lịch cho lính Mỹ gồm khách sạn, nhà hàng, ca nhạc, casino, sân golf, thể thao trên biển và nhiều thứ hấp dẫn khác ngang ngửa với các nơi khác … Tôi không hiểu ông lấy ngân sách ở đâu hay đã có sự hứa hẹn của một nhà tài phiệt nào. Nhưng vấn đề an ninh phải được bảo đảm một trăm phần trăm, nếu không sẽ bị hủy hoại bất cứ lúc nào. Ông cho biết sẽ đem một tiểu đoàn Nùng và 3,000 dân Nùng ra diệt trừ hết du kích. Tôi đã đón tiếp các phái đoàn Nùng và dùng tàu đưa họ xem vòng quanh đảo, cũng như phân tích những điểm trọng yếu trên đảo… 

 

Sau đó ít lâu, tôi lại phải sang Hàm Ninh, phía Đông của đảo để giúp hội đồng xã tổ chức lại một số vấn đề hành chánh, tài chánh và nhất là định lại thuế má. Xã quá nhỏ, hơn trăm dân, thuế thâu rất là khó khăn, chỉ đủ trả lương cho một mình xã trưởng. Ông ta là một ông già, có chút chữ nghĩa, biết tính toán, hàng ngày lại phải kiêm luôn chức giáo làng dạy một đám trẻ nhỏ. Giáo viên cử đến tháng trước thì tháng sau lấy cớ đau ốm về đất liền rồi ở luôn không thấy ra nữa. Nếu tăng thuế để đủ chi phí điều hành xã thì chắc dân sẽ bỏ đi hết, chỉ còn le que ít lính trong đồn, rồi chẳng bao lâu đồn sẽ bị triệt hạ vì lý do này hay lý do khác và quận sẽ mất thêm một xã nữa. Thành thử, mọi chuyện cứ để lết bết như cũ.


BM


Không còn chuyện gì làm, tôi gọi về quận để cho thuyền đến đón, thì trời nổi gió, mây đen ngùn ngụt phủ đầy trời. Ngoài kia, biển chợt sẫm lại và sóng đánh vào mấy chiếc ghe cắm đàng xa, dập vùi như muốn nhận chìm xuống đáy biển. Thời tiết này thì ít nhất cũng phải một tuần nữa mới có thể trở về quận được. Mấy quyển sách đem theo cũng vừa đọc hết, tôi lang thang đi từng nhà, nói chuyện với các ông già bà cả. Họ kể lại những chuyện nghe như chuyện ngày xưa từ thuở bán khai. Nói chuyện với các trẻ thơ, thấy chúng vô tội, và thấy thương vô vàn khi nghĩ đến tương lai của chúng. Có lúc, tôi trầm ngâm ngồi nhìn và nghe chuyện giữa một cô gái đảo đương thì và một anh lính trẻ trong đồn, tôi chưa tưởng tượng được giấc mơ của họ như thế nào ở chốn tận cùng của trời đất này. 


Một buổi trưa, đang nằm lơ mơ trên võng sau nhà của một người thợ săn, tôi bỗng choàng dậy vì thấy một cái gì ẩn hiện trên đống cát gần hàng rào thưa. Tôi vội chạy đến, lấy tay gạt cát và kéo lên một cái sọ trâu trắng hếu với cặp sừng cùn sơ mà cái nào cũng chỉ còn một nửa. Tôi lệ khệ bê cái sọ trâu vào trong nhà. Họ cho biết, hơn tháng trước Thiếu Úy Bình cùng mấy người trong ấp đi săn, đột nhiên gặp con trâu rừng này. Lúc nó trông thấy Thiếu Úy Bình thì chỉ còn cách xa vào khoảng ba chục thước, nó đứng yên, hai chân cào đất lấy thế tấn công. Mọi người thấy thế dãn ra, chỉ còn Thiếu Úy Bình quỳ xuống sẵn sàng nạp đạn. Sau một lúc nghênh nhau, con trâu rừng bỗng lao về phía Thiếu Úy Bình, mấy viên đạn nổ vang theo đà con trâu ngã gục … 


Tôi không còn muốn nghe thêm gì nữa, vội chạy lên đồn để gây sự, thì lính trong đồn cho biết Thiếu Úy Bình đi săn bị ngã từ trên cây xuống, gãy xương sống, đã phải đưa vào bệnh viện tỉnh tuần trước rồi. 


BM


Tôi thẫn thờ đi ra khỏi đồn, tưởng tượng đến phút cuối cùng của con trâu rừng trên đảo đã gục ngã. Tưởng tượng đến cả đám trâu rừng của bà Kim Giao đem ra hơn hai trăm năm trước nay không còn nữa. Tưởng tượng đến cái dấu vết cuối cùng của một thiên đường hoang tưởng đã mất mà tôi đang tìm, như bỗng chốc không bao giờ còn tìm thấy lại. Tôi trở về nhìn lại cái sọ trâu với cặp sừng, lấy tay phủi cát trong cặp mắt sâu hoắm, tưởng như bao nhiêu huyền thoại vẫn còn chứa chất trong đó. Tôi nhớ lại từng trang trong cuốn Địa Phương Chí của đảo mà tôi đã đọc trong những ngày biển động. Tôi thấy đoàn thuyền của Nguyễn Huệ đang lùng đuổi Nguyễn Ánh, thấy con cá voi đang cố sức đỡ thuyền cho Nguyễn Ánh khỏi bị lật trong cơn giông bão, thấy một đàn cá lạ đến dâng mình cho Nguyễn Ánh trong cơn đói lả. Thấy hình ảnh của nhà truyền giáo từ một xứ xa lạ nào đó đang nằm thở những hơi cuối cùng trong ngôi giáo đường ven biển, chờ Chúa đến đón. Thấy Nguyễn Trung Trực đang treo đứa con nhỏ của mình trên nhành cây cho dân trong trong ấp nuôi để cố thoát khỏi cuộc vây bắt của giặc Pháp. Thấy cả đám tù binh gầy guộc đang lê lết san bằng đất làm phi trường Cửa Cạn trong Thế Chiến Thứ Hai, thấy lại từng đoàn máy bay Nhật lên xuống bụi mù cả một vùng, thấy đám lính Nhật bắn súng vang trời ăn mừng khi Tân Gia Ba thất thủ. Thấy lại cả đám tàn quân Quốc Dân Đảng bị Hồng Quân Mao Trạch Đông vượt sông Dương Tử xua họ ra khỏi Trung Hoa và tràn qua biên giới Việt Nam khiến người Pháp phải đưa ra họ ra đảo lánh nạn, đang mình trần chặt cây dựng lều tạm trú trên đảo. Thấy hình ảnh nghĩa trang của những Quốc Quân bỏ mình trên đảo mà mắt vẫn trông về cố quốc. 


Khi trở về quận, trong đống công văn, tôi nhận được sự vụ lệnh về tỉnh nhận một chức vụ mới. Tôi đã sống ở đảo ba năm, không có ý định xin đổi đi đâu. Chắc không có chuyện này tôi còn ở lâu hơn nữa. Tỉnh trưởng là Thiếu Tá Đặng Đình Thụy gọi cho tôi nói như an ủi, không nên ở đó quá lâu họ sẽ quên mình. Sau đó tôi hiểu ngay lý do về tỉnh để nhường chức vụ Phó Tỉnh cho một người khóa sau có cổ cánh trên bộ. Ông để tôi giữ chức Trưởng Ty Kinh Tế và kiêm Tỉnh Đoàn Xã Hội. Sẵn xe của tỉnh đoàn, tôi lái xe đi loanh quanh, không thiết làm việc. 

 

Một tuần sau, Tỉnh Trưởng gọi tôi, giao cho tôi một trăm ngàn bảo tôi ra lại đảo tiếp phái đoàn Tướng Nguyễn Khánh và Phó Thủ Tướng Nguyễn Lưu Viên ra duyệt xét lần chót trước khi ký sắc lệnh thành lập tỉnh Phú Quốc. Hôm phái đoàn đến bằng hai máy bay, tùy tùng khá đông, có thêm một tướng ngành Công Binh. Bên dân sự ngoài Thủ Tướng Viên có một hai Thứ Trưởng.


Sau khi hội họp tại quận, duyệt xét kế hoạch lập tỉnh lần chót, phái đoàn dân sự đi thị sát các cơ sở hiện hữu, sau đó sẽ ra máy bay về Saigon. Riêng phái đoàn các tướng lãnh ra chiến hạm xuống đảo Hòn Thơm để quan sát phía nam đảo.Tôi được chỉ thị tháp tùng họ. Lúc đứng trên boong tàu, nhìn lá cờ vàng ba sọc và lá cờ tướng ba sao trên đỉnh chiến hạm, nền trời xanh, mây trắng lững lờ trôi, mặt biển lặng, nước trong và gió nhẹ hây hây, thật là một ngày quá đẹp. Tôi nhìn vào đảo, tưởng tượng đến một ngày nào đó hòn đảo sẽ trở thành trù phú sinh động như trong sự mơ ước của mình. 

 

Khi đến Hòn Thơm, hai ghe chủ lực đã chờ sẵn sàng ở đó để đưa mọi người vào đảo. Tôi đã đến Hòn Thơm vài lần. Trên đảo cây cối xanh tươi, những bãi biển cát vàng lóng lánh, những ghềnh đá sóng vỗ tung bọt trắng, đêm trăng ở đó thật là huyền ảo. Ven biển là những rừng san hô, cá nhiệt đới đủ màu lập lờ bơi dưới nước. 


BM


Lúc mọi người đang dùng bữa trưa, thì một tin khẩn cấp từ chiến hạm báo cáo qua máy truyền tin là Việt Cộng dùng súng cối 81 pháo vào phi trường, định phá máy bay và tấn công vào phái đoàn dân sự đang chờ tại trạm hàng không. Tướng Khánh yêu cầu mọi người trở lại ngay chiến hạm và ra lệnh tàu quay về Dương Đông. Khi chiến hạm vừa nằm trên đường ngang với phi trường, hàng loạt trọng pháo được phóng ra nã vào sâu trong đảo. Tiếng nổ vang vọng lại, một vài cột khói bốc cao, tôi có cảm tưởng như đang đứng trước giờ đổ bộ Normandy trong cuộc Thế Chiến Thứ Hai. 

 

Báo cáo của lực lượng địa phương cho biết đã đẩy lui được Việt Cộng ra ngoài hàng rào phi trường. Máy bay bị một số đạn nhỏ, không biết hư hại ra sao. Phía ta, hai địa phương quân bị thương nhẹ và một nghĩa quân bị thương nặng. 

 

Tôi cùng với một bác sĩ quân y được ghe ra đón vào đảo để săn sóc mấy binh sĩ bị thương. Sau khi băng bó và cho thuốc xong, bác sĩ liên lạc với tướng Khánh, cho biết cần phải di chuyển nghĩa quân về bệnh viện tỉnh để giải phẫu gấp, nếu chậm sẽ không qua khỏi đêm nay. Trời tối dần, tiếng súng đã ngừng, nhưng tình hình vẫn còn hồi hộp căng thẳng. Vị bác sĩ phải trở lại chiến hạm và đưa cho tôi chiếc máy truyền tin nhỏ để liên lạc. Tôi tiễn ông ta ra ghe rồi trở về bệnh xá thăm lại mấy binh sĩ bị thương. Bà mẹ anh nghĩa quân vừa thấy tôi, ôm choàng lấy tôi khóc nức nở, van nài cố cứu sống đứa con. Tôi không biết làm gì hơn, cố đứng yên lấy tay vỗ về bà ta an ủi để cơn đau đớn nguôi dần. Chợt có tín hiệu từ máy truyền tin, tôi liền mở máy, từ chiến hạm báo cho anh chuẩn bị bãi đáp cho trực thăng tải thương. Tôi nghe vọng qua máy, tiếng tướng Khánh gọi về Cần Thơ, “Mặt Trời đây, Mặt Trời đây! Cho chuồn chuồn ra đón mấy đứa con tôi bị thương về tỉnh ngay!” Tôi liền bảo mọi người đem đến một số đèn để làm dấu cho bãi đáp. Nghĩ đến tướng Khánh, lo cho binh lính của mình, ra lệnh bất chấp các điều kiện mà thấy thương ông. Trời tối mà biển thì rộng, “chuồn chuồn” nào mà dám mò ra. Quá nửa đêm, tôi nghe tiếng khóc gào lên từ trong bệnh xá. Lại một thằng con của ông vừa hi sinh… 


BM


Đêm đó, tôi ngồi ở sân trước bệnh xá, không ngủ, nhìn lên trời máy bay thả hỏa châu liên tiếp sáng rực để bảo vệ hai chiếc máy bay còn lại ở phi trường. Tôi được biết tướng Kỳ cũng có mặt trong những chuyến bay đó để liên lạc với tướng Khánh phía dưới. Sáng sớm hôm sau, một đại đội Dù được thả xuống truy lùng Việt Cộng, nhưng chúng đã trốn lủi vào một xó xỉnh nào đó từ lâu rồi. Tôi chợt nhớ đến ít lâu nay, tình báo cho biết Việt Cộng trên đảo có súng cối 81, nhưng thám báo cố tìm mà không ra. Chúng đã dùng đúng lúc, dù không nhằm được đúng mục tiêu, nhưng đã làm tiêu tan dự án của tướng Khánh cho hòn đảo. 

 

Sau đó ít lâu về lại Rạch Giá, tôi bị một trận sốt rét kéo dài hơn hai tháng trời, phải về Saigon chữa. Lúc trở về, nghe tin con chó Tino thân yêu của tôi gửi Thiếu Úy Mạo mang theo hành quân đi lạc mất, càng thấy buồn thêm ….Tiếp theo, tôi lại nhận được lệnh động viên. Vận hạn xẩy ra liên tiếp. Tôi lên đường nhập ngũ, bỏ lại đảo xưa, bỏ lại miền Tây, bỏ lại quốc lộ 4 mà gần như hàng tuần tôi ngồi xe qua những đồng lúa xanh rờn mênh mông và dọc theo các kinh rạch chạy dài bên lộ. Bỏ lại những buổi trưa chờ phà qua Bắc Mỹ Thuận, ngồi trong quán ăn những đĩa cơm với chim sẻ chiên giòn hay những con tôm rim đỏ ngậy. Những sạp mãng cầu xanh tươi mơn mởn, những cần-xé đầy vú sữa tròn bóng tưởng như tất cả màu mỡ của phù sa đồng bằng Cửu Long chan hòa trong đó. Nhớ nhất là những buổi chiều mưa, qua Bắc Vàm Cống, nhìn những giọt mưa rơi trên dòng sông rộng mịt mờ, nhìn những đám lục bình trôi trên giòng nước trong mùa nước lũ, tưởng như những cuộc đời long đong đang bị giòng đời cuốn đi… 

 

Tôi mang giấy nhập ngũ về Saigon, bạn bè đi gần hết. Một hôm tôi đi ngang qua Việt Tấn Xã, mà anh Nguyễn Ngọc Linh đang làm giám đốc ở đó, nhớ tới lúc gặp anh trong phái đoàn tướng Nguyễn Khánh ra đảo để thành lập tỉnh vừa rồi và lời anh dặn: Khi nào về Saigon nhớ đến gặp anh. Tôi vào chào anh trước khi đi trình diện. Tôi nhớ lúc đó chính phủ đang lập nội các mới nên các bộ trưởng cần những nhân viên có khả năng thích hợp. Anh giới thiệu tôi đến Bộ Y Tế để nhận một chức vụ có tính cách chính trị và được hoãn dịch. Tôi làm việc cho hai đời Tổng Trưởng, sau này được gửi đi học và trở về bộ phục vụ cho đến khi rời nước ra đi.

 

Anh Linh đã giúp tôi một khúc quanh khá ngoạn mục. Nhớ đến những ngày tôi theo anh hoạt động và sau này mỗi khi anh đến thành phố tôi ở Mỹ, anh đều gọi tôi đến gặp anh. Lần cuối cùng, anh đã yếu nhiều, thấy thương anh, người anh hùng đã thấm mệt. Anh đã mất trước đây mấy năm. Không biết nói gì thêm để cám ơn anh.” 

 

BM

 

Trở lại chuyến thăm Phú Quốc. Sáng sau chúng tôi ra khỏi phòng đến nơi ăn điểm tâm, trên đường gặp hầu hết là người ngoại quốc. Theo thói quen ở Mỹ, tôi chào “Hi”, họ không trả lời và thản nhiên bước đi. Chắc hẳn họ là người Nga hay Đông Âu gì đó. Bữa ăn sáng theo cách continental, nhiều món khá ngon hơn ở khách sạn các nơi. Tôi thấy có một quầy phở, đến gọi ăn thêm. Cô gái mặc áo lụa giọng Bắc Kỳ tiếp tôi, chúng tôi trao đổi một vài câu. Tôi có nói hơn bốn mươi năm tôi mới trở lại đây, cô hỏi lại: “Hồi đó chắc chú là cán bộ đi công tác?”. Tôi lắc đầu, cô chợt nhận ra điều gì và không nói nữa… 


BM


Sau đó, họ đưa đoàn du lịch của chúng tôi đi thăm An Thới, phía Nam đảo. Dọc đường, xe dừng lại một tiệm bán ngọc trai, họ nói nay Phú Quốc cũng đang nuôi hạt trai. Tôi đã đến Nhật và vịnh Hạ Long, được xem họ lặn xuống mò trai và biểu diễn mở trai lấy ngọc, nên ra ngoài đi xung quanh và ra phía biển sát cạnh đó. Tôi nhớ đây là bãi Trường, bãi dài hơn mười cây số, vẫn còn hoang vu chưa khai thác. Tôi đứng đó, nhìn theo chiều dài của bãi và nhìn ra biển rộng, nhớ lại đã nhiều lần lênh đênh vượt sóng ngoài xa. Tôi thắc mắc không hiểu họ sẽ thiết kế cái bãi Trường này ra sao…

 

Tôi quay lại vào một cửa tiệm bên cạnh, nhìn thấy một đàn chó nhỏ, đàn chó Phú Quốc. Chúng đến quấn bên chân, tôi xoa đầu chúng và chạnh nhớ đến con chó Tino của tôi hồi đó. Con chó Tino là giống chó Phú Quốc, lông đen sát mình, có một đường xoáy chạy dài dọc sống lưng, rất khôn và săn rất giỏi. Nghe nói chó Phú Quốc đã được ghi trong một cuốn tự điển quốc tế. 


BM


Nhớ hồi đó khi tôi rời chỗ ở ra trụ sở quận mới, một người dân đem tặng con chó nhỏ vì ở đó canh gác quá sơ xài. Việt Cộng có thể đột kích từ ngã biển lên vì không có đồn canh ở phía đó. Sau này tôi còn nuôi thêm một bầy ngỗng, cả hơn chục con mua từ Rạch Gíá về. Ngỗng rất thính, thấy động là la quàng quạc, và thường hay tấn công người lạ. Sau khi tôi rời đảo, quận bị xâm nhập từ ngả đó hai lần, có lần một quận trưởng bị tử thương. 

 

Con Tino lúc nào cũng theo sát tôi, ngồi ở đâu là nó nằm ngay dưới chân. Khi tôi ngủ, nó nằm sát cạnh giường, không lúc nào rời. Lần nào ra quán ăn hủ tíu, chủ quán Cù Đe cũng cho nó một tô xương với bạc nhạc đầy ụ. Ai mà lạ, đi đứng lấm lét là nó gầm gừ xua ra xa. Dân đến quận không đi bằng cửa chính, cứ thập thò ở cửa, nó đuổi cho kỳ được ra khỏi quận, nếu không có ai la cản. Mỗi lần Cha Cung từ An Thới lên, áo linh mục lòe xòe, đến thăm quận là thư ký cứ phải canh chừng vì sợ nó cắn rách áo của cha. 

 

Có những lần đi máy bay về Saigon, tôi đã lên ngồi ở máy bay chờ cất cánh, không hiểu con Tino tìm cách nào nhảy lọt được lên, khiến mấy cô Tiếp viên hàng không la oai oái, tôi lại phải đi xuống để nó theo, nên tôi thường là người lên sau chót. Đường bay Saigon-Phú Quốc hồi đó có hai nữ tiếp viên khá đẹp là cô Mai và cô Thoại. Các cô hay gọi đường bay này là Air Nước Mắm. Không biết đã có lần, cô nào đã gặp phải tai nạn nước mắm bị bể trong chuyến bay?. 


BM


Những ngày vắng tôi, con Tino hay xục xạo đi tìm những nơi mà tôi thường đến. Lúc nó chạy ngang qua quán Cù Đe, ông ta đem tô xương ra, nó cũng chẳng thèm ăn và bỏ đi. Khi tôi di chuyển vào Rạch Giá, tôi đem nó theo. Một lần về Sài Gòn công tác, nhờ Thiếu Úy Mạo trông dùm và đem nó đi theo hành quân, con Tino đã bị lạc mất. Tôi trở lại tỉnh, mất nó, buồn thẫn thờ mất bao nhiêu tháng trời… 

 

Trước khi vào thị trấn nhỏ An Thới, xe dừng lại trước phòng triển lãm tù binh Bắc Việt. Tuy biết là những hình ảnh và mô hình đều ngụy tạo, tôi cũng bước vào xem họ giả trá đến mức nào. Cộng Sản có nghề lừa mọi người. Tôi đã có dịp đến thăm trại tù binh này khoảng năm 1970 trong một dịp du hành quan sát khi tôi theo học trường Cao Đẳng Quốc Phòng, trước một hai năm có cuộc trao đổi tù binh giữa Mỹ và miền Bắc. Trại lúc đó có khoảng 30,000 tù binh và cần đến 5 tiểu đoàn quân cảnh giữ trật tự. Có bác sĩ và một bệnh xá khá khang trang. Tiền của Mỹ nuôi ăn, tù binh biết chắc ngày về, không phải lao động, nên yên trí hưởng gió biển, không thấy cảnh trốn trại hay làm loạn. Lần thăm đó, họ đưa tôi đến một căn phòng để có dịp nói chuyện với một tù binh, anh ta cũng trạc tuổi tôi, cấp bậc Thượng Úy, bị bắt trong một trận đánh vùng cao nguyên. Tôi hỏi anh ta nguyên quán ở đâu, thì anh cũng sanh ở Hà Nội như tôi.

 

Khi rời căn phòng, tôi bắt tay anh, chúc anh bình an và sớm trở về với gia đình. Tôi đã được đọc đến hàng trăm chưa nói đến ngàn câu truyện liên hệ đến những năm tháng của các sĩ quan miền Nam trong các trại tù cải tạo miền Bắc, cưỡng bức lao động, cực hình dã man, không biết được ngày về, nhưng chưa bao giờ đọc được một truyện, một hồi ký nào của các cựu tù binh miền Bắc trong các trại giam miền Nam, chính họ cũng đã bị cải tạo rồi, nên không ai dám viết lại… 


BM


Xe tiếp tục đưa chúng tôi vào An Thới, ngày trước đứng ở đâu tôi cũng nhìn thấy biển, nay chỉ thấy nhà cửa ngổn ngang. Chỗ tôi đang đứng có lẽ là Bộ chỉ huy Duyên Khu vùng 4 hay trên một sân bay dã chiến bằng các vỉ sắt. Tự nhiên tôi nhớ đến các sĩ quan Hải quân cùng thời ở đó, họ lớn tuổi hơn tôi, tư cách, được huấn luyện từ thời Pháp, lại được tu nghiệp tại Mỹ. Đại Úy Nguyễn Quốc Thanh, Thiếu Tá Trần Thanh Châu họ là quận trưởng. Đại Úy Hoàng Cơ Minh lúc đó chỉ huy một chiến hạm, sau các chuyến hải hành hay lên chỗ tôi, nằm nghỉ và đọc những cuốn Livres de poche mà tôi mang từ Saigon ra. Có lần Đại úy Minh tâm sự với tôi: “Ông Diệm, ông ấy cứ cho an ninh theo dõi “moi”, chỉ sợ “moi” mang tàu sang Cam Bốt”. Vì Đại úy có họ hàng với BS. Hoàng Cơ Bình thuộc đảng đối lập. Sau này cả ba người trên đều thành Đề Đốc giữ những chức vụ quan trọng trong Hải Quân. Nhớ đến Đại úy Ái, TQLC, quận trưởng cuối cùng mà tôi làm việc. Nhớ đến cả Đại úy Trần Như Hùng, chỉ huy lực lượng Địa Phương Quân trên đảo, và là anh một người bạn thân của tôi là Trần Như Tráng. Trong mấy năm ở đó, tôi thường theo sát Đại Úy Hùng đi lập các ấp chiến lược cũng như đến các ấp xa thị sát. Đại uý Hùng có nhiều kinh nghiệm về du kích chiến, vì có những năm trấn đóng các đồn tại vùng châu thổ sông Hồng. Có lần cùng toán thám báo đã bắt được tên Huyện Ủy của đảo, trong lúc giam để chuyển lên tỉnh, thì đêm đó hắn đã tự sát.

 

Nhớ đến Trung úy Dương Hồng Võ, cũng xuất thân trường Chu văn An. Hôm Tổng Thống Diệm bị thảm sát, cả trung đội Dân Vệ tại An Thới, bảo vệ ấp và luôn cả Duyên Khu Vùng 4, họ bỏ súng vì quân đội đã giết vị lãnh đạo của họ. Quận Trưởng Thanh vì có liên hệ họ hàng với Tổng Thống nên bị triệu hồi về Saigon, Duyên Khu Trưởng cũng rời nhiệm sở về nhận một chức vụ quan trọng hơn. Trên đảo không có ai là Trưởng, chỉ còn tôi với Võ là Phó. Cái lo của Võ là không có một lực lượng nào bảo vệ, nếu Việt cộng tấn công, thì ấp vỡ mà bộ chỉ huy duyên khu cũng nát. Võ đã vội vàng dùng ghe chủ lực lên quận yêu cầu tôi cùng xuống An Thới nói với cha xứ Cung để Dân vệ cầm súng lại. Cha Cung với tôi cũng thân nhau, và cũng dễ hiểu trong một lúc phẫn nộ, mất niềm tin họ hành động như thế, chỉ cần có cha nói mấy câu phủ dụ để họ cầm súng lại. Dân Ba Làng tại đây, vượt biển sau năm 54 là những thành phần chống Cộng có hạng, du kích địa phương chưa bao giờ dám đến trêu chọc… 

 

Một lần nữa, khoảng đầu năm 1975, tôi lại ở trong đoàn của BS. Văn Văn Của bay ra An Thới để tổ chức trại tiếp nhận những đồng bào tị nạn trên các xà lan từ miền Trung không được phép vào bến Saigon. 

 

BM

 

Hôm sau nữa họ đưa thăm phía Đông của đảo, xe chạy trên một con đường cắt ngang đảo từ Dương Đông sang Hàm Ninh. Dọc đường họ dừng lại cho xem một vườn tiêu. Trong thời gian tôi còn ở đảo tôi đã làm một thống kê, mỗi năm Phú quốc sản xuất hơn 300 tấn, đứng đầu cả nước, theo sau là Bà Rịa. Trong lúc đứng nói chuyện với chủ vườn tiêu, anh ta biết tôi đã ở đây và cho biết có người anh là lính thám báo đã bị chết trên đồi phía bên kia… 

 

Sau đó, xe dừng để thăm chùa Sư Muôn, tôi nhớ là chùa này là một ổ Việt Cộng trong vùng bất an, quận vẫn để yên không muốn khuấy động vì tình hình tôn giáo thời đó, nhưng thỉnh thoảng vẫn mời sư trụ trì lên hỏi thăm. Đặc biệt sư trụ trì là nam giới, mà đệ tử thì toàn là ni cô. Ni cô thì được gửi từ một chùa sư nữ ở Gia Định; chùa này cũng bị đặt trong tình trạng nghi ngờ. Một hôm tình cờ tôi sang thăm trạm Viễn Thông của đảo, tôi nhìn thấy một bức điện tín, nội dung báo tin một ni cô tại chùa này tự tử. Tôi báo về tỉnh để điều tra, nhưng không hề nhận được trả lời. 


BM


Hàm Ninh vẫn còn là một bến vắng tuy rằng đã có một dãy hàng bán hải sản khô và một vài căn nhà gạch, nhưng không được như các nơi khác. Họ xây một cái cầu xi măng dài chạy ra biển, vì biển phía Đông của đảo rất nông, thuyền nhỏ cũng khó vào. Tôi đứng ở đầu cầu nhìn ra biển rộng, bao nhiêu nỗi nhớ tràn đến. Tôi đã đến đây vài lần, có lần phải ở lại hơn một tuần vì bão biển, ăn toàn ghẹ đỏ, như ở một chốn tận cùng trái đất. Nhớ nhất là hình ảnh tôi ôm cái sọ trắng của con trâu rừng cuối trên đảo đã bị bắn chết, tưởng như cái thiên đường lỡ dở mà mình đang đi tìm nay đã mất hẳn rồi … 

 

Trên đường về, họ dừng xe ghé thăm một tiệm bán rượu Sim đặc sản và một nhà thùng nước mắm, sản xuất theo lối cổ truyền, đóng chai thủ công. Cuối ngày họ để chúng tôi đi thăm khu chợ bên bờ sông Dương Đông, thuyền đánh cá đậu đầy, nước sông đổi màu, bùn hai bên bờ lóng lánh ánh dầu và rác rưởi. Cũng không thể tránh được vì bao nhiêu thuyền đều đậu trong sông, xả dầu nhớt và rác vô tội vạ. 

 

Mới đây, tôi có được xem một tấm hình chụp một dòng nước đen chảy thẳng ra biển dài trên một cây số từ cửa sông này, và nhớ lại có một họa đồ của người Pháp để lại dự định làm một kè đá dài ngoài biển để chặn sóng xô cát vào cửa sông, đồng thời làm nơi cho thuyền bè đậu tránh sóng… 

 

BM

 

Ngày thứ ba có thời giờ tự do, tôi muốn đi tìm thăm một số người quen cũ. Hơn 40 năm rồi chắc cũng chẳng còn ai. Người đầu tiên tôi định thăm là ông Hồng Đại, chủ một nhà thùng nước mắm lớn, hồi xưa thân với tôi vì hay đi ăn nhậu với nhau. Nhưng ông Hồng Đại không còn ở đó, và họ chỉ đến cửa hàng thời trang của con gái ông. Cô này cho biết cha cô về Saigon dưỡng bệnh đã lâu. Nói lại chuyện xưa, thì mới biết là khi tôi rời đảo thì cô chưa sinh ra, nhưng nay thì cô đã có gia đình và con gái đầu lòng đã lên Saigon học đại học. 


Buổi chiều hôm cuối cùng, lúc đợi máy bay về Saigon trong phòng đợi vắng người, nhìn những dự án tương lai của hòn đảo Phú Quốc vẽ lớn trên tường, hình ảnh những cao ốc hoành tráng ven biển, và một khu kỹ nghệ ở Bắc đảo với những cột khói cao. Tôi nghĩ đó là khát vọng tự nhiên của một dân tộc vừa thoát khỏi cảnh cấm vận lầm than, bất chấp các hậu quả về môi trường thiên nhiên cũng như môi trường sống sẽ đến như thế nào. Từ khi rời hòn đảo năm 1965, cho tới nay đã ở hải ngoại bao nhiêu năm, tôi thường đọc tin khắp nơi nếu có bài nào về hòn đảo tôi không thể bỏ qua. Bạn bè ở nơi xa có bài nào đặc biệt liên hệ đều gửi cho tôi, có người vẫn quen gọi đùa tôi là “Chúa đảo”, tuy tôi không phải “Xếp” của hòn đảo. Tôi nghĩ, Hà Nội là nơi tôi sanh ra, Saigon nơi tôi sống hơn hai mươi năm ở đó, nhớ thì nhớ nhưng mà vẫn ngần ngại. Còn Phú Quốc thì lúc nào cũng thấy băn khoăn. 

 

Tôi đọc những bài viết và những hình ảnh quảng cáo cho hòn đảo, thì đó là một nơi du lịch lý tưởng. Bên cạnh đó lại có những bài báo nêu ra nhiều tệ trạng phát triển của Phú Quốc. Chính quyền và doanh nhân toa rập với nhau phá nát hòn đảo để thu lợi nhuận cấp thời. Họ dùng các chữ như: Băm nát hòn đảo, chia nát rừng chia lô bán, bê tông hóa hòn đảo, xây dựng lấn biển, tàn hại môi trường cũng như bao nhiêu tệ trạng xã hội đã xẩy ra… Xem phía dưới các bài viết thì nhiều lời bình luận nặng nề như: Nào là nhếch nhác, nhem nhuốc, rác rưởi, sẽ không trở lại… 


BM


Cũng không ngạc nhiên lắm. Khi tôi ở đó năm 1965, dân số chỉ khoảng 8,000 người, sống trong điều kiện của thiên nhiên cung cấp. Nay dân số lên đến gần 190,000 người, cộng với 4 triệu du khách theo thống kê năm 2019. Họ dự kiến sẽ tăng số du khách lên 7 triệu, nghe mà tội nghiệp cho hòn đảo. Không hiểu họ sẽ dành ra bao nhiêu phần trăm lợi nhuận để đối phó với những vấn đề cấp bách về môi trường. Hòn đảo không những cần về hạ tầng cơ sở mà còn dựa vào kiến thức xây dựng, đạo đức của người cầm quyền và trình độ ý thức công dân của dân chúng. Bao nhiêu viên chức bị kỷ luật và khiển trách. Cũng không ngạc nhiên, khi có những hình ảnh ngập lụt ngang người trong các khu phố trên đảo năm vừa qua, vì các kênh rạch thiên nhiên đã bị lấp để dựng nhà và các con lộ chạy dọc biển đã chắn ngang nước lũ chảy ra biển… 

 

Tôi đã có dịp đi thăm các hòn đảo trong vịnh Caribbean, Trung Mỹ cũng như dọc Thái Bình Dương của Mỹ, Canada…hay những thành phố du lịch biển của Mexico, của Âu châu dọc theo Địa Trung Hải như Saint Tropez, Canne, Nice của Pháp. Hay Portofino, Cinq Terres, Sorriento của Ý … Và nhớ lại các bãi biển Vũng Tầu, Nha Trang, Đà Nẵng, Sầm Sơn, Đồ Sơn tại miền Bắc do người Pháp để lại. Tất cả họ đều tôn trọng biển và bãi biển. Biển là báu vật mà thiên nhiên tặng cho con người.Cách thiết kế của các đường vòng bên bãi biển Phú Quốc đã khác hẳn của họ. 

 

Thấy buồn cho hòn đảo. Buồn cho cả đất nước. Vừa có tin Phú Quốc được nâng lên hàng “Thành phố”, mong rằng lần này lớp chính quyền mới sẽ làm được những điều tốt đẹp hơn.


Tôi ngồi trầm ngâm, rồi tự nhiên viết thành một bài thơ. Đọc lại thì nghe như một bài ca và tưởng như có tiếng đàn lục huyền cầm phụ theo. Lời ca như là những điệp khúc ballad, nhạc kể chuyện. Kể lại câu chuyện của một hòn đảo sáu mươi năm cũ… 
 

Điệp Khúc Nhớ Đảo


BM


Ngày mai Trở Lại Đảo. 
Biển có còn xanh. 
Rừng có còn hoang. 
Trời có còn nhiều mây trắng. 
Ngày mai trở lại đảo. 
Cỏ may có còn vờn nhau tới mãi cuối đồi. 

 

Ngày mai trở lại đảo. 
Con sấu già đêm có còn quẫy, 
Trong lạch sâu Cửa Cạn. 
Bãi Bổn, sao biển năm cánh có còn, 
nằm soải dài dưới rặng dừa thưa.

 

Ngày mai trở lại đảo. 
Có còn ghẹ xanh ghẹ đỏ, 
Trên bến vắng Hàm Ninh 

 

Ngày mai trở lại đảo. 
Bầy cá voi có còn nằm phun nước, 
Mỗi mùa ruốc đến rủ nhau về. 
Lũ cá heo có còn chờ, 
Rỡn cùng thuyền trên sóng.

 

Ngày mai trở lại đảo. 
Có còn chim biển bay ngược gió, 
Đưa ta về những đảo mờ xa.

 

Ngày mai trở lại đảo. 
Có đêm nào còn trong, 
Đèn lập lờ trên đỉnh Bokor, 
Dẫn lối về tránh Vũng Trâu Nằm.

 

Ngày mai trở lại đảo. 
Mưa lũ có còn đổ, 
Sóng ngập tràn bờ nước Dương Đông.

 

Ngày mai trở lại đảo. 
Xuôi thuyền về An Thới. 
Thăm xóm đạo Ba Làng. 
Đừng qua Mũi Ông Đội, 
Đã sẵn mồi Biên Mai.

 

Ngày mai trở lại đảo. 
Nhớ ghé qua Hòn Thơm, 
Xem lại bầy cá nhỏ, 
Có còn trong dãy san hô.

 

Ngày mai trở lại đảo. 
Tiếng súng không còn nữa. 
Anh dân vệ trong làng, 
Chú du kích bên sông, 
Bắn bâng quơ cho có lệ, 
Sợ vỡ mất thiên đường.

 

Ngày mai trở lại đảo. 
Nhớ con chó Phú Quốc quá. 
Năm tháng bạn cùng ta, 
Trong quận nhỏ đìu hiu, 
Đi lạc đâu mất rồi, 
Lòng buồn thương vô hạn.

 

Ngày mai trở lại đảo. 
Con trâu rừng cuối cùng đã chết . 
Con trâu rừng cuối cùng đã chết. 
Huyền thoại ngày xưa đã vỡ rồi. 
Huyền thoại ngày xưa đã vỡ rồi. 
Vỡ thật rồi… 

 

Ngày mai trở lại đảo. 
Nhớ tìm về Dinh Cậu, 
Cồn cát bên sông chắc có còn. 
Những nấm mộ đạo trăm năm cổ, 
Chúa có đến kịp mang về Thiên quốc không.

 

Ngày mai trở lại đảo. 
Nghĩa trang Quốc quân tha hương ngoài phi đạo, 
Có còn mỏi mắt vọng cố hương.

 

Ngày mai trở lại đảo. 
Có còn căn nhà sàn cửa biển. 
Có còn hàng dừa xanh rợp mát. 
Cô gái năm xưa chắc chẳng chờ.

 

Ngày mai trở lại đảo.
Câu chuyện sáu mươi năm cũ, 
Thôi đành để lại gửi thiên thu. 
Thôi đành để lại gửi thiên thu…

 

 

 

Nguyễn Công Khanh

***


Vì sao du khách nước ngoài một đi không trở lại VN

BM

Lời giới thiệu

Bài viết này được dựa trên những lời phê bình của các du khách trong và ngoài nước về trải nghiệm của họ khi đi du lịch ở Việt Nam. Hiện tại 80 đến 90% du khách quốc tế nói sẽ không trở lại Việt Nam sau khi đến đây du lịch. Trên các diễn đàn du lịch luôn tràn ngập những phàn nàn, cái nhìn thiếu thiện cảm và sự không hài lòng về ngành du lịch Việt Nam. Đây là điều không bất ngờ vì báo chí đã lên án quá nhiều lần. Nhưng bài viết này sẽ nói lên những thứ báo chí thường không nhắc đến, hoặc khi dịch sang tiếng Việt các nhà báo cố tình xóa đi vì nó quá nhạy cảm.


***

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.