Trong cuốn sách “Miss Manners’ Guide for the Turn-of-the-Millennium”, (tạm dịch: “Cẩm nang của Miss Manners cho sự chuyển mình-của-thiên niên kỷ”), “Miss Manners” chính là Judith Martin, tác giả của cuốn sách. Bà viết về một gia đình hư cấu đứng đầu là Daffodil và Teddy Right, họ giới thiệu các nghi thức phổ biến nhưng lại được coi là phức tạp trong thế kỷ 21.
Martin kết luận trong một cuộc nghiên cứu ngắn gọn về hành vi xã hội hiện đại bằng những lời này:
“Buổi tối, Daffodil thường nói hay với Teddy: Đôi khi, tôi cảm thấy như thể không hiểu nổi bất cứ điều gì nữa. Mọi người đều có ý tốt, nhưng tất cả đều hoang mang. Đức Mẹ sẽ làm gì nếu như bà hiện hữu trong thế kỷ 21?”.
“Cuốn sách được viết để trả lời cho câu hỏi trên”.
Những điều nhỏ bé, ví dụ như những cử chỉ lịch thiệp đơn giản trong đời sống hàng ngày, rất quan trọng.
Hai cuốn sách của Miss Manners đều có trên kệ sách nhà tôi, và tôi đã nghiên cứu sâu thêm những cuốn sách khác nữa. Tôi đọc và rất ngưỡng mộ chúng vì phong cách văn chương đầy khí lực, sự dí dỏm và tình yêu như một lẽ tất nhiên bà dành cho ngôn ngữ tiếng Anh hơn là vì những lời khuyên của bà về cách ứng xử.
Gần đây, khi tôi đọc lướt lại cẩm nang Millennium, tôi nhận thấy cuốn sách đưa ra một triết lý sống mà tất cả chúng ta – giàu và nghèo, già và trẻ – đều mong muốn áp dụng. Dưới đây là một số nội dung khái quát mà tôi chọn lọc từ cuốn sách dài 742 trang này. Trong bối cảnh hiện nay, đâu đó vẫn thường xuyên xuất hiện những lối cư xử khiếm nhã và tranh cãi gay gắt, cuốn sách của Miss Manners đã cung cấp một số lý do để chúng ta “lưu tâm hơn đến cách cư xử của mình”.
Tôn trọng và tử tế
Hiện thân của khuôn phép là đối xử với người khác một cách tôn trọng, có hành vi phù hợp theo tình huống và hoàn cảnh. Tư tưởng này là chủ đề trọng tâm trong việc ủng hộ nghi thức xã giao của Miss Manner.
Bà nhận ra rằng thời gian thay đổi khiến phong cách ứng xử cũng thay đổi, nhưng những điều cơ bản của khuôn phép ứng xử vẫn còn nguyên. Chẳng hạn, khi phê bình một số phong tục mai táng hiện đại, bà viết: “Thể hiện sự tôn trọng đối với người đã mất và với cảm xúc của người còn sống là nguyên lý cơ bản của nền văn minh, chứ không phải là một thứ mốt nhất thời của xã hội cũ để lại cho thời kỳ phức tạp hơn này”.
Khi thể hiện sự tôn trọng với người khác, dù đó là người đứng đầu một tập đoàn hay là người đàn ông vô gia cư trên đường phố, chúng ta đều cần cư xử lịch thiệp như nhau.
Khi tướng Robert E. Lee đầu hàng quân đội Bắc Virginia do tướng Ulysses S. Grant chỉ huy tại Appomattox, hai người đàn ông đã ứng xử với nhau một cách tôn trọng và thể hiện phép lịch sự theo cách rất tinh tế. Tướng Lee hỏi tướng Grant liệu những người lính của ông có được phép giữ lại ngựa để đi lại và cày kéo vào mùa xuân hay không, tướng Grant lập tức đồng ý. Tướng Grant còn ra lệnh cung cấp khẩu phần ăn cho quân Liên bang miền Nam đang bị chết đói.
Hai vị tướng đã có những hành vi ứng xử đúng chuẩn tắc.
Thứ lỗi và khoan dung
Thứ lỗi và khoan dung? Những đức tính này có liên quan gì đến phép tắc ứng xử?
Qua các cuốn sách của Martin, chúng ta đọc những lá thư từ nhiều độc giả của bà, những người đã trải qua mối quan hệ tan vỡ vì tranh cãi hay hiểu lầm. Họ đã nói những lời không nên nói, quên không mời một người bạn thân đến một sự kiện đặc biệt nào đó, can thiệp vào cuộc sống của con cái khi chúng đã trưởng thành, vì vậy, họ phải đối mặt với những lời khiển trách, sự ngăn cách và cả những nỗi buồn trong tâm.
Một người phụ nữ mà tôi biết không chia sẻ một vấn đề cá nhân với người bạn thân nhất của cô ấy. Kết quả, người bạn đã rời xa cô và họ không nói chuyện với nhau trong 4 năm. Tôi cũng biết rất nhiều gia đình mà cha và con trai, mẹ và con gái, anh chị em đã có những cuộc cãi vã, rồi sau đó họ không nói chuyện với nhau, có khi kéo dài đến nhiều thập niên.
Thậm chí tệ hơn nữa, những chia rẽ cá nhân này còn liên quan cả đến sự bất đồng chính trị chua xót trong chúng ta. Một người mẹ trẻ nói với tôi rằng một trong những người anh em họ của cô ấy và một người quen khác đã hủy kết bạn với cô trên Facebook chỉ vì cô đăng một bài báo ca ngợi những thành tựu kinh tế của cựu Tổng thống Donald Trump. Những “người bạn” này chẳng màng đến lời giải thích hay tranh luận; họ chỉ đơn giản là loại bỏ cô ra khỏi danh sách bạn bè của họ.
Thứ lỗi và khoan dung là những yếu tố cốt lõi của phép xã giao, của “hành vi đúng đắn” mà Miss Manners đã cố gắng lưu ý với chúng ta.
Bạn không phải là người đặc biệt, và bạn không được miễn trừ
Bạn còn nhớ phong trào “Tôi là người đặc biệt” đã từng quét qua các trường học của chúng ta không? Ngay cả nhà thờ nơi tôi đứng lớp vào mỗi Chủ nhật cũng phát cho các em nhỏ một nhãn dán có hình một ngôi sao màu vàng lớn kèm theo dòng chữ: “TÔI LÀ NGƯỜI ĐẶC BIỆT!”
Câu nói đó hàm ý một sự thật: Mỗi người là duy nhất, điều này khiến tất cả chúng ta trở nên đặc biệt.
Nhưng điều đặc biệt đó không giúp chúng ta được miễn trừ bất kỳ nghĩa vụ xã hội nào. Lặp đi lặp lại, Miss Manners thấy mình đang phê bình lời bào chữa của những độc giả thiết sót trong việc viết lời cảm ơn, những người muốn trốn chạy khi vi phạm các quy ước thông thường trong văn phòng hay những người quyết định mặc áo phông và quần jean đến tham dự một lễ cưới trang trọng.
Miss Manners giải thích “người ta luôn thấy mọi người vi phạm các quy ước xã giao đơn giản nhất — ngôn từ, chủ đề phù hợp với cuộc trò chuyện, trang phục, sự phân biệt giữa hành vi công cộng và hành vi cá nhân — họ lập luận rằng điều họ làm phù hợp ở một nơi nào đó và do vậy cũng sẽ phù hợp ở những nơi khác.”
Danh ca Frank Sinatra thể hiện bài hát “Tôi đã làm mọi việc theo cách riêng của mình” (I Did It My Way) có thể là bài quốc ca cho những người như vậy. Nhưng, chỉ còn một bước ngắn nữa là đến “Con đường của tôi hay con đường chính lộ”. Những người thực hành triết lý này thường hay bị bạn bè và gia đình xa lánh.
Những điều nhỏ bé có sức mạnh
Miss Manners khuyến khích mọi người chú trọng những điều nhỏ bé, những ứng xử lịch thiệp thường thấy trong cuộc sống hàng ngày: nhường ghế trên tàu điện hoặc xe buýt cho phụ nữ mang thai và người lớn tuổi; giữ cửa mở cho người phụ nữ đó với một cây gậy; đứng chào đón khách khi họ vào phòng; viết lời cảm ơn và gửi tới người hàng xóm đã kéo giúp chiếc xe của bạn ra khỏi mương, rãnh.
Trao đổi ngắn sau đây thể hiện tầm quan trọng của các quy tắc ứng xử nhỏ bé:
Kính gửi cô Manners,
Câu trả lời chính xác nên là gì khi người bạn đang mang thai của cô cứ nhất quyết mời cô xem bức ảnh chụp siêu âm thai nhi. Điều này đã xảy đến với tôi ba lần, tôi không biết phải làm sao nhưng tôi cảm thấy nếu nói “Ồ, thật dễ thương” thì không chính xác cho lắm.
Mong cô gợi ý câu trả lời phù hợp?
Bạn đọc thân mến,
Miss Manners dành lời khen gợi cho câu nói không thể tốt hơn của bạn “Ồ, thật dễ thương”.
Những ứng xử lịch sự tuy nhỏ bé như vậy nhưng truyền tải những thông điệp to lớn đến người nhận, họ cảm thấy được chào đón, yêu thương và được trân trọng.
Khôi phục niềm tin
Cuốn sách của Miss Manners đã xuất bản cách đây 30 năm, một phần lời khuyên của bà để lại nhiều ấn tượng với độc giả thời Victoria lạc quan nhưng có thể đã lỗi thời như áo nịt ngực corset và áo khoác da. Bà tán thành ủng hộ việc quý ông mở cửa xe hơi cho quý bà – và vâng, bà dùng những từ cổ xưa đó để chỉ giới tính – thật quyến rũ khi các quý bà bước qua cửa trước quý ông nhưng lại đi sau các quý ông khi di chuyển xuống cầu thang “để trong trường hợp nếu lỡ bị ngã, quý ông có thể đỡ họ”. Bà cũng ủng hộ điều mà mẹ tôi đã chỉ dạy tôi từ lâu: “Khi đi bộ ngoài trời, người phụ nữ sẽ tránh đi bên phía sát lề đường.”
Chúng ta có thể ngụy biện những chi tiết này nhưng mục đích của quy tắc ứng xử không hề thay đổi. Trong bộ phim “Người Đến Từ Quá Khứ” (Blast From the Past), một nhân vật phát hiện nhận thức của mình thay đổi sau khi nói chuyện với một người bạn mới: “Anh ấy nói cách ứng xử đúng đắn là biểu hiện sự tôn trọng đối với người khác. Nhưng, tôi đã không biết điều đó. Tôi nghĩ đó là một hành động cao siêu… Hóa ra định nghĩa ngắn gọn và đơn giản về một quý cô hay một quý ông là người luôn cố gắng làm những việc để người xung quanh mình được thoải mái nhất có thể”.
Tôn trọng những người chúng ta gặp hàng ngày, khi chúng ta khoác lên họ tấm áo choàng phẩm giá, chúng ta không chỉ khiến họ cảm thấy mình có giá trị hơn, mà chúng ta còn đang thực hiện công việc tương tự đó cho chính mình.
Và điều gì có thể tốt hơn thế?
Jeff Minick có bốn người con và một trung đội cháu đang lớn. Trong 20 năm, ông dạy lịch sử, văn học và tiếng Latinh trong các hội thảo giáo dục tại nhà ở Asheville, NC. Ngày nay, ông sống và viết lách ở Front Royal, Va.
Jeff Minick _ Minh Vi
***
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.