Những diễn biến mới
đây cho thấy Hà Nội và Washington đã hiểu nhau nhiều hơn và – cũng nhờ vậy –
quan hệ Việt-Mỹ đã và đang có những thay đổi tích cực đáng chú ý.
Chẳng hạn, trong
chuyến thăm Việt Nam gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã được các
lãnh đạo cao cấp của Việt Nam trọng thị đón tiếp. Trong hai ngày ông ở Việt
Nam, hai bên còn có những thỏa thuận quan trọng, trong đó có việc ký Tuyên bố tầm
nhìn chung về quan hệ quốc phòng.
Nhìn chung, báo chí
và dư luận Việt Nam phản ứng khá tích cực về chuyến thăm của ông Carter và những
phát triển mới trong quan hệ Việt-Mỹ nói chung.
Có thể nói nhiều người
Việt trong và ngoài nước cảm thấy vui về những bước tiến mới này và muốn chính
quyền tiếp tục đẩy mạnh bang giao với Mỹ vì biết rằng gần Mỹ sẽ mang đến cho Việt
Nam nhiều lợi ích – không chỉ trên bình diện an ninh, quốc phòng mà còn trong
nhiều lĩnh vực khác.
An ninh, quốc phòng
Tuy từng là cựu thù,
hiện giờ Mỹ không có bất cứ tranh chấp, đe dọa nào đối với Việt Nam về chủ quyền
lãnh thổ, lãnh hải.
Mỹ cũng không có bất
đồng lớn nào với Việt Nam về an ninh, chiến lược. Trái lại, Mỹ có nhiều điểm
chung với Việt Nam trong lĩnh vực này và điểm tương đồng lớn nhất liên quan đến
vấn đề Biển Đông.
Cũng giống như Mỹ,
Việt Nam lo lắng về các động thái rất mạnh bạo – nếu không muốn nói là ngày
càng hung hăng, trắng trợn – của Bắc Kinh ở Biển Đông. Đây cũng là lý do chính
yếu khiến Hà Nội và Washington xích lại gần nhau hơn trong thời gian vừa qua.
Mỹ lo ngại vì tham vọng
bành trướng, bá quyền, bá chủ của Trung Cộng ở Đông Á và Biển Đông nói riêng sẽ
gây bất ổn trong vùng, đe dọa đến quyền lợi của mình. Để giới hạn, kiềm chế
tham vọng của Bắc Kinh và duy trì an ninh, hòa bình khu vực, Mỹ cần đến sự ủng
hộ các nước trong vùng.
Với địa chính trị
khá đặc biệt lại có mô hình chính trị, kinh tế giống Trung Cộng, Việt Nam trở
thành một trong những quốc gia mà Washington muốn củng cố quan hệ.
Nhưng Hà Nội cũng có
nhiều lý do để tăng cường quan hệ với Mỹ.
Có thể cũng như lãnh
đạo nhiều nước khác trong khu vực, giờ các lãnh đạo Việt Nam hiểu rõ được dã
tâm, tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Trước những hành động
khiêu khích, lấn chiếm biển đảo của Bắc Kinh trong thời gian qua, có thể giờ họ
cũng nhận ra rằng chỉ bằng con đường đàm phán song phương hay dựa vào một thứ
‘hữu nghị viễn vông’ nào đó, Việt Nam không chỉ không thể lấy lại được những
hòn đảo đã bị Trung Cộng đánh chiếm mà còn bị người ‘làng giềng’, ‘đồng chí’
này thôn tính nhiều biển đảo khác thuộc chủ quyền của mình.
Và rất có thể, họ
cũng biết chỉ Mỹ mới có đủ thế lực, khả năng kiềm chế, ngăn chặn tham vọng bành
trướng, bá quyền, bá chủ của Bắc Kinh.
Có thể đây chưa phải
là lúc để Việt Nam thiết lập một liên minh quân sự với Mỹ. Nhưng nếu không tỏ
rõ lập trường, nếu không chủ động tăng cương quan hệ với Mỹ, Việt Nam sẽ luôn
rơi vào tình trạng yếu thế, chịu thua thiệt và bị Bắc Kinh chèn ép trong vấn đề
Biển Đông.
Thân thiện với Mỹ, Việt
Nam không chỉ nhận được sự ủng hộ từ Washington và nhiều nước khu vực mà còn
tranh thủ được sự ủng hộ nhiều nước khác trên thế giới, đặc biệt các nước thuộc
G7 - nhóm bảy quốc gia phát triển nhất thế giới. Đa số các nước trong khu vực
là đồng minh hay có quan hệ gần gũi với Mỹ và tiếng nói, ảnh hưởng của
Washington trong G7 rất lớn.
Một sự ủng hộ như vậy
từ Mỹ và các quốc gia đồng minh, thân cận với Mỹ sẽ giúp Việt Nam rất nhiều
trong vấn đề Biển Đông.
Kinh tế, thương mại
Ngoài những lợi thế,
lợi ích về mặt chiến lược, quan hệ gần gũi với Mỹ cũng rất tốt cho Việt Nam về
mặt kinh tế. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Chẳng hạn, theo số
liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt
Nam và Mỹ năm 2014 là 34,7 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất sang Mỹ lên tới 28,5
tỷ USD và nhập từ Mỹ khoảng 6,2 tỷ USD. Như vậy, năm ngoái Việt Nam đã xuất
siêu sang Mỹ tới 22,3 tỷ USD.
Trong khi đó, dù là
đối tác thương mại số một, Trung Cộng chủ yếu xuất sang Việt Nam. Trong năm
2014, Trung Cộng chỉ nhập từ Việt Nam khoảng 15 tỷ USD nhưng xuất sang Việt Nam
đến gần 44 tỷ USD.
Nói cách khác, Việt
Nam đã nhập siêu 29 tỷ USD từ Trung Cộng. Đó là một con số quá lớn, không có lợi
hay tốt đẹp gì cho nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng.
Tường thuật về phiên
thảo luận tại Quốc hội sáng hôm nay (08/06/2014), tờ VnEconomy của Việt Nam đã
trích dẫn phát biểu của ông Mai Hữu Tín, trong đó ông cảnh báo về nguy cơ nhập
siêu từ Trung Cộng.
Nhập siêu của Việt
Nam từ Trung Cộng tăng nhanh trong những năm qua
Một chi tiết đáng lo
ngại được ông Tín chỉ ra là theo số liệu của Tổng cục Thống kê Trung Cộng thì
năm 2014, nước này chỉ nhập khẩu từ Việt Nam 19,9 tỷ USD nhưng lại xuất khẩu
sang Việt Nam đến 63,7 tỷ USD.
Như vậy, năm 2014,
Việt Nam nhập siêu từ Trung Cộng là 43,8 tỷ, cao hơn đến 45% so với con số của
Tổng cục Thống kê Việt Nam.
Nếu không có một thị
trường xuất khẩu lớn như Mỹ (và sau đó là Cộng đồng chung châu Âu), nhiều doanh
nghiệp Việt Nam chắc chắn đã rơi vào hoàn cảnh khó khăn, điêu đứng hay thậm chí
bị phá sản.
Điều đáng nói là nhập
siêu từ Trung Cộng của Việt Nam đã liên tục tăng và tăng rất nhanh trong những
năm qua. Chẳng hạn, theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, năm 2012 con số nhập siêu
là 16,4 tỷ USD, nhưng năm 2013 con số ây lên 23,7 tỷ USD.
Xu hướng này vẫn tiếp
diễn trong những năm tới nếu Việt Nam không tìm cách điều chỉnh quan hệ kinh tế
với Trung Cộng và cơ cấu xuất nhập khẩu của mình.
Như vậy, nguy cơ từ Trung
Cộng mà Việt Nam phải đối diện không đơn giản chỉ có chuyện chủ quyền biển đảo
mà còn là những thách đố, đe dọa về kinh tế.
Mối quan hệ gần gũi
với Mỹ - và qua đó các doanh nghiệp Việt Nam có thể mở rộng vào thị trường này
hay thị trường các nước khác thuộc TPP mà Hà Nội đang đàm phán với Washington -
chắc chắn sẽ giúp Việt Nam tránh được nguy cơ phụ thuộc quá nhiều vào Trung Cộng
hay bị nền kinh tế này kìm kẹp, gây tác hại.
Một Việt Nam phồn thịnh
Kinh tế Việt Nam được
đặt kỳ vọng
Khác biệt về nhân
quyền, dân chủ vẫn là một cản trở lớn trong quan hệ Việt-Mỹ. Đến giờ chính quyền
– hay một bộ phận nào đó trong giới lãnh đạo – Việt Nam vẫn cho rằng Mỹ có ý đồ
chuyển hoá, chuyển đổi thể chế chính trị Việt Nam.
Có thể cũng vì biết
được điều này, ngay sau chuyến thăm Việt Nam của ông Ashton Carter, tờ Thời báo
Hoàn cầu của Trung Cộng đã có bài viết cảnh báo Việt Nam không nên tin
Washington vì cho rằng Mỹ ‘không thích gì thể chế chính trị ở Việt Nam’ và nhắc
nhở họ rằng Trung Cộng mới là nguồn để họ tìm tính chính danh cho thể chế chính
trị của mình.
Nói cách khác, trong
mắt của Hoàn cầu Thời báo và giới lãnh đạo Trung Cộng nói chung, nếu gần
Washington, xa Bắc Kinh, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ không thể duy trì tính chính
danh, sự tồn tại của mình.
Nhưng có thể nói Mỹ
không có mục đích lật đổ chế độ hay làm phương hại Việt Nam. Trái lại, quốc gia
này chỉ muốn những điều tốt cho Việt Nam.
Chẳng hạn, trong buổi
họp báo sau ký Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt-Mỹ, Bộ trưởng
Quốc phòng Mỹ nêu rõ: ‘Mỹ cam kết ủng hộ một đất nước Việt Nam độc lập, vững mạnh
và thịnh vượng, tôn trọng nhân quyền và pháp quyền’.
Trước đó, khi tiếp
xúc báo chí tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày cuối trong chuyến thăm bốn ngày
tới Việt Nam vào tháng 5 vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cũng
nhấn mạnh thiện chí này của Mỹ.
Đây có thể nói là điểm
khác biệt lớn giữa Mỹ và Trung Cộng. Dù dùng mọi lời hoa mỹ, đủ mọi phương châm
như ‘bốn tốt’ hay ’16 chữ vàng’, Bắc Kinh không bao giờ muốn thấy có một Việt
Nam thực sự độc lập, giàu mạnh, phồn thịnh, tự do, dân chủ, minh bạch.
Ngay cả chủ quyền của
Việt Nam Trung Cộng cũng không tôn trọng và luôn tìm cách lấn chiếm biển đảo của
láng giền nói chi đến chuyện muốn Việt Nam giàu mạnh, phồn thịnh, tự do, dân chủ.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.