Một số người tin rằng đó là dấu chân của các vị thần, một số người khác cho rằng đó là vết tích các nàng tiên khiêu vũ hoặc vật thể bay không xác định, nhưng không ai có thể giải thích được nguyên nhân tạo thành hàng triệu những vòng tròn kỳ lạ trong sa mạc bí ẩn.
Vùng đất khắc nghiệt
Nằm dọc bờ biển Atlantic về hướng tây nam Châu Phi, Sa mạc Namibia là một trong những nơi khô cằn nhất trên Trái Đất. Nơi này có tên nghĩa là "vùng đất hư không" trong thổ ngữ Nama, trông như khung cảnh trên Sao Hỏa với những tòa tháp bằng cát cao vút, dãy núi nhấp nhô và bình nguyên sỏi đá trải dài suốt 81.000km2 dọc theo đất nước này.
Tồn tại từ ít nhất 55 triệu năm về trước, Sa mạc Namib được coi là một trong những sa mạc già cỗi nhất thế giới (Sa mạc Sahara được cho là chỉ mới khoảng 2 -7 triệu năm tuổi).
Nhiệt độ mùa hè nơi này thường lên đến 45 độ C và ban đêm có thể xuống sâu dưới mức đóng băng, đây là một trong những chốn khắc nghiệt nhất hành tinh.
Nhưng qua thời gian, một số lượng các loài đáng kinh ngạc đã thích nghi và gọi kỳ quan khô cằn này là nhà - và trong quá trình đó, đã tạo ra một hiện tượng địa mạo kỳ lạ khiến các chuyên gia vẫn tiếp tục đau đầu tìm lời giải đáp.
Sa mạc Namib trải dài hơn 2.000km từ miền nam Angola qua Namibia và tiếp tục kéo dài đến miền bắc Nam Phi. Từ đó sa mạc đứt gãy vào đại dương, khung cảnh miền đất cát kéo dài bất tận từ bờ biển Đại Tây Dương ở Namibia, tiến sâu vào hơn 160km đất liền, đến bờ nam dãy núi Great Escarpment của Châu Phi.
Các sinh vật thích nghi với sự khắc nghiệt
Phần khô hạn nhất của Sa mạc Namib chỉ có lượng mưa khoảng 2mm mỗi năm. Trong vài năm, nhiều phần của sa mạc này không hề có mưa.
Như hiện ra từ hư không, những loài sinh vật như linh dương sừng kiếm, linh dương nhảy, báo đốm, linh cẩu, đà điểu và ngựa vằn đã thích nghi để tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt trải dài khắp hoang mạc.
Đà điểu tự nâng thân nhiệt lên để tránh bị mất nước, ngựa vằn núi Hartmann là những kẻ leo núi khéo léo để thích nghi với địa hình sỏi đá trong hoang mạc, và linh dương sừng kiếm có thể sống sót nhiều tuần mà không cần uống nước bằng cách ăn những loại thức ăn có nhiều nước như rễ cây và rễ củ.
"Cổng xuống Địa ngục"
Một trong những khu vực hiểm trở nhất trên hoang mạc Namib đầy khắc nghiệt, không thể sống nổi, là 500km kéo dài gồm những đụn cát cao vút và xác tàu rỉ sét nằm dọc bờ biển Đại Tây Dương có tên gọi Bãi Hài Cốt (Skeleton Coast).
Nằm trải dọc từ miền nam Angola đến miền trung Namibia, khu vực này có tên gọi như trên vì rất nhiều xác cá voi nằm rải rác bên bờ biển và gần 1.000 xác tàu đắm la liệt qua nhiều thế kỷ.
Bãi Hài Cốt thường chìm trong sương mù dày đặc, được kết tụ do dòng hải lưu lạnh Benguela từ Đại Tây Dương gặp vùng không khí nóng trong nội khu Sa mạc Namib. Màn sương mù này gây ra tình trạng vô cùng nguy hiểm khi các tàu thuyền cần định hướng, và người săn bản địa gọi tên vùng này là "Nơi được Thượng Đế tạo ra trong cơn giận dữ".
Khi đi thuyền dọc theo bờ biển tây Phi, nhà thám hiểm Diogo Cão nổi tiếng người Bồ Đào Nha đã tạt qua Bãi Hài Cốt năm 1486. Sau đó, Cão và thuỷ thủ đoàn của ông dựng một cây thập giá có khắc quốc huy của Bồ Đào Nha, nhưng những đụn cát dữ dội trên Sa mạc Namib và điều kiện khí hậu khắc nghiệt đã nhanh chóng đẩy chúng trở về biển khơi - ngay sau khi nơi này nổi tiếng với tên gọi "Cổng xuống Địa ngục".
Đụn cát hùng vĩ
Ngày nay du khách đến Sa mạc Namib để ngắm cảnh những đụn cát màu đỏ thổ hoàng nằm quanh Sossusvlei, một ốc đảo từ muối và đất sét ở trung tâm Vườn Quốc gia Namib-Naukluft - rừng quốc gia lớn thứ ba Châu Phi, với diện tích gần 50.000km2.
Dù các đụn cát là cảnh tượng có mặt khắp nơi trên hoang mạc Namib, nhưng khu vực bao quanh Sossusvlei có sắc đỏ cam kỳ đậm.
Dù các đụn cát là cảnh tượng có mặt khắp nơi trên hoang mạc Namib, nhưng khu vực bao quanh Sossusvlei có sắc đỏ cam rất đậm.
Màu sắc này thực chất là han gỉ, và là chỉ dấu cho thấy quá trình oxy hóa bắt nguồn từ hiện tượng kim loại tập trung nhiều trong cát.
Các đụn cát trong vùng cũng là một số trong những đụn cát cao nhất thế giới. Nhiều đụn cao tới hơn 200m, trong khi đó "Đụn cát số 7" nằm về phía bắc giữa vùng Sossusvlei đỏ rực, dâng cao đến hơn 400m.
Một trong rất nhiều kiệt tác trên Sa mạc Namib, đặc tính hấp dẫn và là một trong những bí ẩn vĩ đại nhất là hiện tượng địa mạo có tên gọi "vòng tròn tiên nữ". Đôi khi được gọi là "nhẫn tiên", đó là những mảng cát khô cằn được khoanh vòng bởi một loài cỏ duy nhất có mặt trên Sa mạc Namib và đã khiến nhiều chuyên gia đau đầu trong nhiều thập niên qua.
Lốm đốm sa mạc
Những vòng tròn này có thể quan sát thấy rõ nhất từ không trung, nơi người ta kinh ngạc ngắm nhìn ma trận vòng tròn trải dài vô tận trên bề mặt cát hoang mạc.
Những vòng tròn tiên nữ này có mặt trên cả bình nguyên sỏi đá ở Namib và trên những đụn cát, và chúng duy trì được hình dạng gần như tròn hoàn hảo ở cả hai loại địa hình.
Vòng tròn có đường kính từ 1,5m đến 6m ở vùng trung tâm Namib, trong khi đó đến vùng tây bắc Namibia, chúng có kích cỡ lớn hơn khoảng bốn lần và có thể rộng đến 25m.
Trong nhiều năm, người ta cho rằng vòng tròn tiên nữ chỉ tồn tại ở Namibia, nhưng vào năm 2014, những cấu trúc tương tự cũng được phát hiện ở miền Tây Úc, nơi nhà khoa học môi trường Bronwyn Bell đang khảo sát vùng Pilbara xa xôi.
Bối rối trước cấu trúc ngoạn mục trên, bà liên hệ với Stephan Getzin, nhà sinh thái học ở Đức và là chuyên gia về vòng tròn tiên nữ, để chia sẻ khám phá của mình.
Trong khi những vòng tròn ở Úc gần giống với vòng tròn ở Namibia, sự khác biệt giữa cấu trúc đất đai ở hai nơi đã khiến các nhà khoa học đau đầu hơn nữa.
Dấu chân các vị thần?
Trong khi các chuyên gia còn đang rối trí tìm kiếm nguyên nhân tạo ra những cấu trúc "tiên nữ", thì người Namibia bản địa từ lâu đã biết đến những vòng tròn này. Người Himba tại địa phương tin rằng vòng tròn do các linh hồn tạo ra, và đó là dấu chân mà vị thần của họ, có tên là Mukuru, để lại.
Để hiểu nguồn gốc của chúng, nhiều nhà toán học thậm chí đã từng cố gắng tạo ra các mô hình để xem liệu các vòng tròn có khớp với mô thức nhất định nào đó không.
Nhưng Hein Schultz, chủ của khách sạn Rostock Ritz Desert Lodge tọa lạc ngay bên ngoài Vườn Quốc gia Namib-Naukluft lại giải thích một số người dân địa phương cho rằng "vật thể bay không xác định (UFO) hoặc các nàng tiên khiêu vũ vào đêm khuya" đã tạo ra những vòng tròn này.
Sự thật
Đến ngày nay, vẫn chưa có lý thuyết nào được số đông chấp nhận khi nói đến nguồn gốc tạo ra những vòng tròn gây tò mò này. Nhưng vài năm gần đây, các nhà khoa học từ Namibia, Đức, Hoa Kỳ và nhiều nơi khác đã cùng nhau tìm hiểu về hiện tượng này với hy vọng sẽ hiểu nó rõ hơn.
Tại Viện Nghiên cứu Gobabeb - Namib, một trung tâm nghiên cứu xa xôi nằm trong lòng hoang mạc, nhà côn trùng học Eugene Marais giải thích rằng có hai lý thuyết chính bắt nguồn từ sự thiếu nước trên sa mạc Namib.
Một số nghiên cứu cho rằng loài mối đã tạo ra những vòng tròn này để có thể hứng nước và chất dinh dưỡng từ trong đất. Bằng cách dọn sạch cây cỏ trên mặt đất, loài mối tạo ra một không gian cằn cỗi trong đất, khiến mưa có thể ngưng tụ sâu hơn vào trong đất. Lý thuyết này cho rằng loài mối có thể sống được nhờ uống nước từ những hồ chứa ngầm trong suốt năm.
Một lý thuyết khác đó là "các thảm thực vật tự tổ chức", nơi quá trình cạnh tranh giữa rễ cây cỏ tạo hình thành những mảng tròn xuất hiện như hồ chứa giúp cây có thể chiết xuất dưỡng chất từ nước trong khu vực xung quanh.
Bí ẩn không lời giải đáp
Sau nhiều năm khô hạn, những vòng tròn cỏ tiên nữ cuối cùng cũng khô cạn và dần biến mất. Marais nhấn mạnh kỳ quan trên vùng đất này và nói rằng, khi trời mưa, thình lình như "điều kỳ diệu", vòng tròn xuất hiện trở lại.
Theo Marais, nghiên cứu về vòng tròn tiên nữ ở Namibia nói chung đã chỉ tập trung vào vòng tròn ở khu vực bình nguyên sỏi đá trên hoang mạc hoặc ở khu vực có đụn cát. Nhưng để thực sự hiểu những cấu trúc này, ông tin rằng nghiên cứu phải được mở rộng trên cả hai dạng địa hình.
Cuối cùng, Marais có linh cảm rằng những dấu chấm tròn trên hoang mạc sinh ra từ hàng loạt yếu tố. Nhưng những nhân tố đó là gì vẫn còn là điều bí ẩn đến ngày nay.
Kate Schoenbach
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.