Hình như nhiều người Việt Quốc Gia thường có cách nhìn hời hợt khi đối diện với những vấn đề văn hoá, văn nghệ mà quên đi lằn ranh quốc cộng!
Trong cuộc chiến tranh mang màu sắc ý thức hệ giữa chúng ta và những người Cộng Sản, phe cộng chiến đấu bao trùm trên khắp các mặt trận mà mặt trận tư tưởng được xem là quan trọng nhất. Mặt trận tư tưởng bao gồm tất cả các lãnh vực từ triết học, văn hoá, văn học, văn nghệ cho đến những việc tưởng là nhỏ nhặt vô thưởng vô phạt.
Mấy chục năm trước, nhìn thấy một cộng đồng người Việt tị nạn gần 3 triệu người như một khối đoàn kết, vững mạnh, rất khó xâm nhập; năm 2004, Cộng Sản Việt Nam cho ra đời Nghị quyết 36 trong đó ghi nhiều mục hướng dẫn nhằm xâm nhập từ từ vào sinh hoạt hải ngoại để tiến đến chiếm lĩnh địa bàn. Mục 5 và 6 trong phần 3 “Nhiệm vụ Chủ yếu” của bản Nghị Quyết nhấn mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục.
Trích:
· 5_ Tích cực đầu tư cho chương trình dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là cho thế hệ trẻ. …
Tổ chức cho các đoàn nghệ thuật, nhất là các đoàn nghệ thuật dân tộc ra nước ngoài biểu diễn phục vụ cộng đồng. Tạo điều kiện cho các nghệ sĩ, vận động viên là người Việt Nam ở nước ngoài về nước biểu diễn, thi đấu, tham gia các đoàn Việt Nam đi biểu diễn và thi đấu quốc tế. Thường xuyên tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa, văn học, nghệ thuật, triển lãm, hội thảo, du lịch về cội nguồn.
· 6_ Đổi mới mạnh mẽ và toàn diện công tác thông tin, tuyên truyền, giúp cho người Việt Nam ở nước ngoài hiểu đúng tình hình đất nước và chính sách của Đảng và Nhà nước. Đầu tư cho các chương trình dành cho người Việt Nam ở nước ngoài của đài phát thanh, truyền hình và Internet; chú trọng đổi mới nội dung, hình thức và kỹ thuật của các chương trình này. Hỗ trợ việc ra báo viết, mở đài phát thanh, truyền hình ở ngoài nước. Xây dựng thư viện trên mạng Internet để phục vụ cho người Việt Nam sống xa Tổ quốc. Hỗ trợ kinh phí vận chuyển và đơn giản hóa thủ tục đối với việc gửi sách báo, văn hóa phẩm ra ngoài phục vụ cộng đồng.
Những người được học hỏi về kỹ thuật tuyên truyền thì biết có nhiều phương sách. Rõ nét, khô khan nhất là loại tuyên truyền đen nhắm trực diện vào các vấn dề nên người ta dễ nhận dạng. Loại này thật ra không còn hiệu quả đối với những người Việt từng sống và có kinh nghiệm với Cộng Sản. Loại tuyên truyền xám mang tính cách khá mơ hồ, hàng hai dễ luồn lách, lừa bịp được những người còn bán tín bán nghi. Loại này kiểu như nói lên một nửa sự thật để gây lòng tin rồi dùng một nửa dối trá kia để thuyết phục. Cộng Sản bây giờ đánh vào tâm lý yêu mến quê hương, tình tự dân tộc qua những phim ảnh, sách báo chỉ nói về các địa danh, thắng cảnh nhằm mời gọi người Việt về du lịch, tìm lại lưu dấu kỷ niệm xưa hay hưởng thụ những thứ mà không thể tìm thấy tại nước ngoài.
Ví dụ như bài hát “Quê hương là chùm khế ngọt”… đâu có câu nào mang màu sắc chính trị, ca tụng chế độ? Đó là bài hát với âm điệu và lời ca mà con tim của bất cứ người Việt Nam nào cũng dễ rung động hoà nhịp. Cảnh đi Chùa Hương, viếng linh địa La Vang, lách thuyền qua những hòn đảo nhỏ ở Hạ Long… tất cả là những gì tha thiết mời gọi người Việt hải ngoại trở về trước là đem ngoại tệ nuôi sống chế độ, sau là dần dà quên đi ý thức chính trị đối kháng quốc cộng!
Về văn hoá, nhiều bài báo vô thưởng vô phạt từ Việt Nam đã xâm nhập tràn đầy trên các trang báo, video, audio hải ngoại. Người Việt tị nạn dần dà làm quen với các từ ngữ kỳ quái của Việt Cộng mà không cảm thấy khó chịu. Tiến đến một ngày không xa, sẽ đồng hoá với văn hoá, văn học Việt Cộng. Xem như Việt Cộng toàn thắng mà không cần phải nổ một phát súng!
Chúng tôi thỉnh thoảng ngẫu nhiên xem vài đoạn video có tính cách gia đình. Đó là những đoạn phim du lịch vô hại. Nhưng lác đác thấy trên màn ảnh những lá cờ đỏ sao vàng phất phới. Dĩ nhiên người quay phim không có ý thức tuyên truyền gì cho Cộng Sản. Nhưng nếu cứ nhìn riết rồi sẽ quen mắt và nhập tâm hình ảnh lá cờ như biểu tượng chính thức của mình!
Có phải đó chính là hiện tượng “luộc ếch” mà chúng ta từng nghe báo động rất nhiều lần?
Bài viết mở đầu lê thê như trên nhưng chủ ý của người viết là nhắc đến vài sự kiện từng xảy ra đã gây tranh cãi trong cộng đồng. Đó là việc một số người Việt tị nạn, không thiếu những vị có học thức, có quá khứ chiến đấu, có kinh nghiệm đau thương trong tù đày, đã giới thiệu, hoặc lên tiếng bào chữa cho những phim ảnh, sách báo từ Việt Nam Cộng Sản đưa ra hải ngoại. Họ chỉ nhìn một cách hời hợt và kết luận sách báo, phim ảnh chỉ nói lên chuyện xã hội mà không mang màu sắc chính trị. Họ còn lên án những người chống đối phim ảnh Việt Cộng là “có não trạng kỳ quắc” (sic), hoặc chê “kết luận quá vội vã”, hoặc trách “chống Cộng cực đoan”…
1. Cách đây chừng khoảng 10 năm, khi cuốn phim “Cánh Đồng Bất Tận” của Việt Nam được chiếu trên các trang YouTube, đã có vài người trong cộng đồng tị nạn hải ngoại hí hởn gửi email giới thiệu với bạn bè coi như đó là phim phản ánh hiện trạng xấu xa của xã hội Cộng Sản!
Cuốn phim quay dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên “Cánh Đồng Bất Tận” của nhà văn nữ Nguyễn Ngọc Tư (Cà Mau). Bà nhà văn trẻ này có chân trong Hội nhà văn Việt Nam. Cuốn truyện đã nhận được giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam năm 2006 tuy có gặp nhiều rắc rối từ chính quyền Cộng Sản.
Đó là truyện về một đàn ông ở nông thôn miền Nam có 2 con (một trai chừng 12, và cô gái chừng 14 tuổi). Người đàn ông trước đây có vợ sống chung trong một căn nhà lá ọp ẹp ven sông. Sau đó bị vợ bỏ rơi để chạy theo một tên lái buôn. Người chồng hận đời, đốt căn nhà và đem 2 con sống lang bạt trên 1 chiếc thuyền, làm nghề chăn vịt rong ruổi trên các kênh rạch. Rồi một hôm, có một cô gái điếm bị đánh ghen, lưu lạc đến sống nghèo khổ nhưng đầy sóng gió với ba cha con này. Truyện kể về thời gian bên VN bị cúm gà, nên bọn cường hào lợi dụng lùa tịch thu hết vịt của họ. Rồi cô gái 15 tuổi xinh xắn mới trổ mã cũng bị côn đồ nông thôn hiếp dâm tơi tả…
Kết thúc của truyện dừng ở đó. Nó quả tình có phơi bày tình hình đen tối ảm đạm của miền nông thôn hẻo lánh miền Nam mà trong thực tế từ thời quân chủ xa xưa cho đến thời Pháp thuộc, thời Cộng Hoà… lúc nào cũng hiện hữu vì những nơi đó quá xa ánh sáng văn minh. Nó không chỉ là đặc trưng của chế độ Cộng Sản.
Trong khi đó thì cuốn phim thì dẫn đến cái hậu rất tốt đẹp nói lên sự cải thiện nhờ nhà cầm quyền Cộng Sản. Cuối phim, chúng ta thấy anh đàn ông trở nên hoà dịu, hiền lành; ngày ngày vui vẻ chèo đó đưa các em bé quàng khăn đỏ tung tăng sang sông đi học, trong đó có đứa cháu ngoại là con của cô gái bị hiếp.
Như thế, rõ ràng cuốn phim đã tuyên truyền cho sự tốt đẹp của chế độ Cộng Sản khi họ dẹp được nạn cường hào, thay đổi nếp sống u uẩn mang lại hạnh phúc tuơi sáng cho gia đình người đàn ông nghèo.
Nữ tài tử 13 tuổi trong phim
2. Rồi gần đây, Cộng Sản cho ra mắt cuốn phim mang tên “Vợ Ba” nói về chuyện một bé gái 13 tuổi bị ghép gả về làm vợ thứ ba của một tên nhà giàu. Trong phim có nhiều đoạn quay cảnh làm tình của người đàn ông và cô vợ nhỏ tuổi. Cảnh làm tình còn trắng trợn hơn cả trong phim ảnh Tây phương vốn coi chuyện này là tự nhiên, khác với văn hoá Á Đông coi là điều cấm kỵ. Nhưng đặc biệt, trong phim Tây Phương, người ta áp dụng xảo thuật (Visual effect) trong những cảnh làm tình, hay thuê người khác đóng thay nếu tài tử chính không muốn, hay vai chính là trẻ em vị thành niên. Luật pháp Hoa Kỳ nghiêm cấm và phạt rất nặng nều dùng trẻ em đóng cái màn cụp lạc.
Khi phim này được chiếu tại thành phố A., một vị nữ lưu đang là chủ tịch Cộng Đồng địa phương đã lên facebook quảng bá, mời gọi đồng hương đi xem. Chúng tôi nhanh chóng lên tiến cản trở thì được cô này giải thích là phim “Cô vợ ba” chỉ nói về tình trạng tảo hôn ở VN, có dính líu gì đến tuyên truyền đâu! Cô còn nêu thiện chí mình là người Việt nam, phải khích lệ văn hoá Việt Nam! Cô còn lý luận rằng nhà cầm quyền Mỹ không cấm cản, tại sao mình lại chống đối.
Thật ra, nhà cầm quyền Mỹ chẳng có mấy thì giờ ngồi xem xét, truy vấn một cuốn phim từ một nước nhỏ. Và nếu có, thì họ cũng tưởng phía Việt Nam dùng xảo thuật chứ không nghi ngờ rằng thực tế là một cô bé 13 tuổi trực tiếp đóng cảnh làm tình!
3. Gần dây nhất, ông Thị Trưởng thành phố Westminster Tạ Đức Trí đã trao bằng vinh danh cho cô Ngô Thanh Vân là tài tử chính và cũng là nhà sản xuất phim “Hai Phượng” quay và phát hành tại Việt Nam. Phim cũng được nhà cầm quyền Việt Cộng chọn đại diện điện ảnh trong nước đi dự giải Oscar!. Phim “Hai Phượng” được trình chiếu tại hệ thống rạp Regal, thuộc thành phố Garden Grove, trong mấy ngày đầu Tháng Ba, 2019.
Tạ Đức Trí trao bằng vinh danh cho Ngô Thanh Vân.
Việc ông Tạ Đức Trí trao bằng vinh danh cho phim Việt Cộng đã bị nhiều người phê phán khá nặng. Người ta phát giác ra vợ ông này và bà tài tử Kiều Chinh đã có hợp tác với Ngô Thanh Vân để làm ăn trong lãnh vực điện ảnh!
Ngô Thanh Vân là một người Việt tị nạn (chính trị hay kinh tế?), sống tại Hoà Lan và có quốc tịch nước này. Cô từng mặc chiếc áo thun cờ đỏ sao vàng khi tham dự các sinh hoạt thể thao trong nước Việt Nam
Phim “Hai Phương” chỉ là loại phim mang nội dung bạo lực trong đó có đoạn về sự bất lực của công an VC, nhưng kết thúc vẫn là thắng lợi khi công an hoàn tất mỹ mãn nhiệm vụ bảo vệ trị an.
Một người khá có tiếng tăm trong làng báo chí hải ngoại là bà B, cho rằng xét về lý lịch, cô Ngô Thanh Vân là người tị nạn, nên ai chụp mũ cô ta là cán bộ CS thì là một kết luận vội vã. Chẳng có ai “chụp mũ” cô ta là cán bộ CS cả nhưng chắc cô ta từng được chế độ CS đãi ngộ nên mới về làm phim (công tác văn hoá!) và được báo chí trong nước tán dương. Bà còn bào chữa rằng cô “không có chỗ cho họ thi thố tài năng nên đành trở về quê hương, chấp nhận sống trong lòng kẻ thù để có những thể hiện thuần túy lịch sử, nhân sinh hay nghệ thuật với giá trị phổ cập cao.”
Bà còn khen cô Ngô Thanh Vân đưa được hình ảnh xã hội Việt Nam bệ rạc, đói rách lên phim nhưng biết khôn khéo luồn lách để qua mặt nhà cầm quyền CS! Sau cùng, bà B tung hô Ngô Thanh Vân như một nhà chính trị ngang tầm Joshua Wong của Hồng Kông, khi đã gửi ra được hai thông điệp cho người dân: “Đừng sợ”, “Đừng bao giờ bỏ cuộc”.
Phần biện minh, bào chữa của bà B được quay thành video phát tán trên Youtube. Sau đó đã có nhiều dư luận nhiều chống đối hơn bênh vực.
Chúng tôi vẫn quan niệm rằng giữa bạn bè, chiến hữu thì nên chín bỏ làm mười; sẵn sàng thừa nhận điều tốt mà tha thứ điều xấu của nhau. Nhưng đối với kẻ thù Cộng Sản, việc gì cũng phải rất cẩn thận, truy cứu tận cùng để không bỏ sót một yếu tố nào. Ai chê rằng đó là hành vi “vạch lá tìm sâu”, chúng tôi xin chịu nhận vậy. Đáng buồn thay, việc biện minh một cách nông cạn bào chữa cho các văn hoá phẩm xuất xứ từ VNCS này vẫn được nhiều vị đồng ý ???!!!
Phải chăng người Việt càng ngày càng quên hết những gì cay đắng từ những năm đấu tranh một mất một còn với Cộng Sản mà nay chỉ nhìn sự việc một cách hời hợt bên ngoài?
Đỗ Văn Phúc
***
Chiến thuật "Luộc Ếch" của cộng sản
Năm 1996, Daniel Quinn viết cuốn sách có tên là Truyện của B (The Story of B) nói về lịch sử nhân loại trong đó ông dành riêng một chương để viết về con ếch, với những dòng như sau: Nếu ta bỏ một con ếch vào một nồi nước sôi, thì con ếch sẽ dẫy dụa và nhẩy ngay ra khỏi nồi nước. Nhưng nếu ta bỏ ếch vào nồi nước lạnh, để ếch nằm trong đó, rồi từ từ nâng nhiệt độ lên, thì ếch ngồi trong đó thoải mái cho đến khi bị luộc chín lúc nào không biết.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.