Từ những khoảng trống phía sau nhà, căn bếp nhỏ, nhà kho vốn dĩ cũ kỹ, bụi bặm bỗng chốc biến thành cửa hàng mặt phố thu hút hàng trăm lượt khách du lịch mỗi ngày.
Con xóm một thời của người lao động
Nghe tin khu phố Phùng Hưng ở thủ đô, nơi có các chuyến tàu đi qua mỗi ngày giờ bỗng thành điểm du lịch nhộn nhịp và thay đổi nhiều, tôi tò mò ghé thăm. Ngồi lê la, nói chuyện với người phụ nữ bán nước và được biết ngày trước, các ngôi nhà ven đường ray xuyên giữa nội đô này là khu nhà ở của nhân viên đường sắt. Họ là những người canh gác ở các trạm chắn tàu. Sau đó có vài hộ dân đến sinh sống, xây nhà để ở một bên, nhà kho và nhà cấp 4 nho nhỏ một bên để cho người lao động thuê.
Dân lao động đến đây thuê cũng nhiều nhưng đa số chỉ theo thời vụ. Khi ở quê rảnh rỗi, họ lên Hà Nội làm thêm, rồi khi có việc lại về. "Thế là dần dần hình thành cái xóm đường tàu. So với ngày trước, bây giờ khác nhiều lắm, khang trang hơn", bà bán nước cười nói.
Khác thật. Đến chính tôi còn thấy con xóm này đã khác đi nhiều lắm. Năm 2015, khi mới lên Hà Nội, có lần đi ngang qua con xóm nhỏ này, tôi cũng dừng chân chụp vài kiểu ảnh bởi vẻ đẹp cổ kính và cũ kỹ. Đường ray đầy những lớp đá, xung quanh hai bên dày đặc các ngôi nhà từ 2 tầng đến 5 tầng. Thế nhưng bây giờ đã khác, một con “phố” đã khoác lên mình chiếc áo mới, màu sắc hơn, cờ hoa đầy đủ, thu hút mắt nhìn.
“Ở đây ồn ào vậy mà cũng ở được sao? Mọi người sống ở đây luôn phải cảnh giác đúng không nhỉ?”, đó là những câu hỏi mang tính tò mò mà bất cứ ai cũng sẽ nghĩ khi họ biết đến xóm đường tàu.
Xuất phát từ một xóm cũ chỉ dành cho những nhân viên ngành đường sắt, giờ đây, khu vực này đã đông đúc hơn, nhiều người dân nơi khác cũng đến sinh sống mua bán, xây nhà ở đây, tạo nên nét riêng hiếm nơi nào có được.
Đường tàu nội đô Hà Nội trải dài qua các tuyến Phùng Hưng, Lê Duẩn, cắt ngang là con phố Nguyễn Khuyến, Nguyễn Thái Học, Khâm Thiên... Xóm đường tàu dung dị, cũ kỹ giờ đã khoác lên mình diện mạo mới là loại hình du lịch đường tàu.
Phố du lịch mới của Hà Nội
Mỗi lần đi ngang qua phố những con phố như Điện Biên Phủ, Trần Phú, Khâm Thiên, người ta không khỏi ngạc nhiên với khung cảnh đông đúc chật chội toàn người là người, trong đó du khách quốc tế chiếm số lượng khá lớn.
Cuối năm 2017, từ Lê Duẩn đến Phùng Hưng, vài gia đình đã đầu tư mở cửa hàng kinh doanh bán cà phê, đồ uống và chọn những hình thức trang trí cổ điển, bắt mắt. Không chỉ thế, họ còn ghi giờ tàu chạy qua để ai muốn trải nghiệm ngắm tàu có thể biết thời điểm chuẩn bị.
Chị Thảo Quách, chủ một tiệm cà phê nhỏ, chia sẻ ngày trước chị cùng một người bạn chung sở thích về thiết kế nên cả hai quyết định mở tiệm cà phê trang trí đậm chất nghệ thuật. Sau đó, hai người lên ý tưởng rồi tự tay vẽ những bức bích hoạ về con người, hoa cỏ và về những chuyến tàu để trang trí cho đứa con tinh thần này. Rồi họ cùng nhau đặt cho quán của mình cái tên dễ thương: "Choo Choo" - tiếng còi hiệu của những đoàn tàu. Bề ngoài thoạt nhìn nhiều người tưởng một quán nước lụp xụp nhưng bên trong được bài trí khá bắt mắt.
Mục tiêu ban đầu của chị từ trước đến nay vẫn chỉ là tạo một không gian thoải mái cho những người đến trải nghiệm cuộc sống xóm tàu, còn việc kinh doanh của tiệm, chị cũng dành một phần để phục vụ những dự án xã hội. Đây chính là một trong số những tiệm cà phê đầu tiên được biết đến ở xóm đường tàu.
Các quán cà phê ở đây cũng xuất hiện ngày một nhiều hơn, đặc biệt, từ đầu năm đến nay. Dọc xóm đường tàu Phùng Hưng chỉ chừng 500 m nhưng tất cả đều là quán xá.
Khách ở đây hầu hết là người nước ngoài. Họ đến để chiêm ngưỡng và trải nghiệm khung cảnh đoàn tàu chạy xuyên qua, sát sạt giữa khu dân cư, một khung cảnh có vẻ đơn giản nhưng độc đáo, nhiều nơi trên thế giới không có.
Anh James cùng cô con gái cho biết đã đến Việt Nam được hai tuần nhưng chủ yếu ở TP.HCM và chỉ mới đặt chân đến Hà Nội 2 ngày.
Sau khi được nhân viên khách sạn giới thiệu vài địa điểm du lịch độc đáo, anh quyết định tản bộ tới đây. “Nhịp sống ở Hà Nội đông đúc và náo nhiệt hơn so với ở Sài Gòn”, anh chia sẻ.
Cũng giống như James, Mathias, người Đức, có mặt ở phố đường tàu ngay trong ngày đầu tiên đặt chân tới Hà Nội. Anh cùng bạn gái biết đến địa danh này qua mạng.
Cũng chỉ mấy tháng trước đây, trên Instagram của tạp chí du lịch hàng đầu thế giới, National Geographic Travel, đăng tải một bức ảnh về xóm đường tàu Hà Nội kèm theo những dòng chú thích nhẹ nhàng lãng mạn: “Một buổi tối ở xóm cà phê đường tàu Hà Nội, nhâm nhi ly cà phê trứng... Tôi yêu những con tàu và nói thật, tôi khá sợ khi một chiếc tàu lướt nhanh qua mình. Sau đó, tôi cùng bà chủ quán đã có một cuộc trò chuyện thú vị. Bà ấy đơn giản chỉ nhún vai thôi. Cảnh này diễn ra thường như cơm bữa. Những đoàn tàu tưởng chừng ồn ào ấy hóa ra lại chẳng ầm ĩ chút nào. Chẳng biết tôi có muốn gọi thêm một ly cà phê trứng nữa không".
Những điều bình dị còn lại
Sáng sớm, trên con xóm đường tàu yên bình đến lạ thường. Không quán xá, không đông đúc, không người hò hét tàu chạy. 5h trong tiết trời chớm thu đã hửng sáng. Những cụ già theo thói quen đi tập thể dục, vài cửa hàng cơm bình dân cũng chuẩn bị đồ ăn cho buổi trưa bán hàng. Thi thoảng, người ta lại thấy một vài chiếc bếp than tổ ong đang nhóm nghi ngút khói của những cô bán nước do đun ấm trà.
Mỗi buổi sáng trong tuần, cứ đều đặn đúng 6h sáng, tiếng chuông báo hiệu của trạm chắn Trần Phú kèm tiếng còi tàu reo lên. Đoàn tàu chở khách tuyến Hà Nội - Hải Phòng xình xịch đi qua. Chỉ mất khoảng 1 phút từ lúc có tàu đến lúc đuôi tàu khuất xa phía cuối xóm, sau đó mọi hoạt động lại lặng lẽ diễn ra như trước.
35 năm trước, gia đình bà Dậu đến mảnh đất ven đường tàu này sinh sống. Thuở ấy, bà là công nhân nhà máy sợi bông mới về hưu. Bà tâm sự xóm ven đường sắt này ngày trước xập xệ hôi hám lắm, nhà dân thì ít, chủ yếu chỉ là những gian nhà kho xây trên những khoảng đất trống. Ngày mới về cũng sợ, bà nói nghe tiếng tàu khá đau đầu nhưng khoảng một vài năm thành quen. "Quen rồi thì lại thấy chỉ là cuộc sống bình thường như bao người khác thôi. Nói thật chứ đến con chó hay con mèo cũng quen theo ấy mà. Đấy, chúng nó cứ ra đường ray nằm phơi nắng, chạy nhảy, thế mà thấy tàu qua cũng chạy biến vào nhà”, bà cười nói thêm.
Cách nhà bà Dậu chừng 20 m, bên kia đường tàu là căn nhà đầy dây leo xanh mướt của ông Quang. Buổi chiều, ông hay ngồi ngoài ban công ngắm xuống đường tàu đông đúc, mở đài phát thanh nghe những bài hát thời xưa. Ông Quang chia sẻ: "Sống ở đây cũng ngót 30 năm, xóm này ngày trước ít người, rất buồn. Bây giờ có các cháu mở cửa hàng, bán quán xá, vẽ tranh trang trí cho các nhà thành ra lại vui. Các cháu ấy nói chuyện được với người nước ngoài, giới thiệu họ đến đây, đem theo những văn hoá mới lạ".
Chiều đến, con xóm đặc biệt này lại càng đông đúc. Những đứa trẻ nô đùa chạy đuổi nhau dọc đường ray. Các bà mẹ cũng ra ngoài cửa nhà nấu nướng, chuẩn bị cho bữa cơm tối. Thường những nhà dân ven đường tàu có diện tích khá hẹp nên các gia đình đều thiết kế vòi nước hay những chiếc bếp gas mini, còn bếp than tổ ong ở ngoài để tiện nấu nướng.
Khói bếp than, tiếng những đứa trẻ ríu rít gợi chúng ta liên tưởng đến không khí xa xôi của những phố huyện cũ. Những thị trấn nhỏ gắn với đường tàu vẫn là chất liệu cho nhiều nhà văn viết nên những câu chuyện của mình.
Cô bé An được mẹ và chị gái tắm cho ngay cạnh đường tàu. Ba mẹ con cũng thuê trọ ở xóm đường tàu một căn nhà cấp 4 chừng 15 m2 đã cũ và có phần lụp xụp. Hai năm trước, có mấy anh chị quán cà phê bên cạnh lúc mới mở đã vẽ lên tường nhà An để trang trí, giống như một món quà dành cho những người hàng xóm.
Trước đây quanh khu này đều là dãy nhà trọ. Tuy nhiên, An cùng gia đình sắp phải rời xa ngôi nhà nhỏ này để đi đến nơi ở mới. Cả gia đình sống ở đây được đã vài năm nhưng đến nay, chủ nhà cũng muốn mở cửa hàng kinh doanh và lấy lại căn nhà cũ để sửa sang.
22h, khi chuyến tàu cuối cùng trong ngày từ ga Hà Nội chạy qua đây, mọi hoạt động buôn bán cũng gần như kết thúc. Mọi người cùng nhau thu dọn bàn ghế, quán xá. Sau khoảng 15 phút, tất cả cửa hàng đều đóng cửa, khách du lịch cũng chẳng còn, xóm đường tàu lại trở về vẻ bình yên vốn có của nó.
Bên cạnh vẻ hào nhoáng, lung linh, nhộn nhịp của xóm du lịch này vẫn là một cuộc sống giản dị và bình yên. Không tự nhiên mà cuộc sống ở khu đường tàu trở thành niềm cảm hứng cho những bức ảnh, tranh vẽ hay những câu chuyện đã có từ hàng chục năm trước.
News_Zing
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.