Wednesday, October 30, 2019

Ban ngày nấu ăn _ Đêm đến nhảy xe container

BM
Tại trại Vietnam City, người Việt chờ hàng đêm để vượt biên vào Anh - chặng đường nguy hiểm nhất hành trình. Những ai không lên xe được lại quay về trại, tiếp tục chờ vận may.

“Cha mẹ em có biết về chặng đường đi của em không?”, Mimi Vũ hỏi trong một trại của người nhập cư lậu Việt Nam ở Pháp.

“Không”, cô gái 17 tuổi đáp.

“Nếu biết, thì cha mẹ có cho em đi thế này không?”

“Chắc là không”.

Cha mẹ của cô đã trả 15.000 USD cho đường dây đưa người sang châu Âu, và kết quả là cô đã chờ ở đây nhiều tháng, khi Mimi Vũ tới và trò chuyện với cô năm 2017.

“Nói chuyện 10 phút với em gái đó đã là tốt lắm rồi”, bà Vũ kể lại với Zing.vn. “Trong khu trại, những kẻ buôn người theo dõi rất kỹ”.

Bà Vũ, chuyên gia về nạn buôn người, làm việc tại TP.HCM, đã vài lần tới trại “Vietnam City” vào năm 2017, trong nhóm tình nguyện viên quyên góp nhu yếu phẩm, đi cùng một tổ chức từ thiện Pháp. Khi ấy, bà còn là giám đốc vận động của tổ chức Pacific Links Foundation ở Việt Nam hoạt động về chống buôn bán người.

Pháp là nước “trung chuyển” dòng người nhập cư Việt Nam sang Anh (và cả người nhập cư các nước khác), nhiều người trong số đó sẽ cố vượt biên vào Anh qua cửa khẩu Calais phía bắc Pháp, nơi có đường hầm qua biển nối tới cảng Dover của Anh.

“Trong nhiều năm, tuyến đường chính vận chuyển người Việt đi qua Vietnam City”, bà Lương Hồng Loan, Phó giám đốc chương trình của Pacific Links Foundation, nói với Zing.vn.

BM
Vietnam City nằm ở Angres, gần một trạm dừng xe tải trên đường dẫn đến Calais. 

Bà Loan đã đi cùng nhóm với bà Mimi Vũ trong các lần năm 2017 đến thăm trại này, nằm ở Angres, cách Calais khoảng 100 km về phía đông nam, nơi tạm trú của khoảng từ 75-150 người Việt Nam.

“Mấy tháng sau quay lại, số người đó đã đi hết, chỉ có người mới, không còn người cũ. Có người ở đó 2-3 tháng, có người chỉ 3-4 ngày, may mắn thì được đi luôn”, bà Loan nói.

Đó là thế giới thu nhỏ của dòng di dân 18.000 người Việt sang châu Âu mỗi năm qua các đường dây vận chuyển người, theo ước tính của Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hiệp Quốc năm 2017.

Vietnam City bị chính phủ Pháp đóng cửa, phá dỡ vào tháng 5/2018. Dù vậy, những ghi nhận mà bà Vũ và bà Loan chia sẻ với Zing.vn hé lộ thêm câu chuyện - cả hy vọng lẫn tuyệt vọng - của dòng di dân Việt Nam, ngay trước chặng đường từ Pháp sang Anh, được coi là gian nan bậc nhất trong toàn bộ hành trình.

Bi kịch 39 thi thể phát hiện trong container gây sốc cả thế giới ngày 23/10 vừa qua cũng xảy ra khi những người nhập cư xấu số cố vượt biên vào Anh (từ Bỉ). 

Rình xe container

BM
Bên ngoài tòa nhà chính của trại Vietnam City.

Nhìn từ xa, Vietnam City trông như khu xưởng hay nhà kho trong một cánh rừng. Đi sâu vào, qua đoạn đường sỏi đá, tới một cánh cổng. Có những người Việt ở đó mở cửa cho nhóm tình nguyện vào.

Người Pháp hảo tâm ở địa phương đã hỗ trợ nhu yếu phẩm cho trại trong 10 năm, kể từ khi Vietnam City hình thành năm 2006, trong đó một y tá người Pháp có vai trò nổi bật. Bà có được quan hệ và lòng tin của những kẻ buôn người đang kiểm soát trại.

BM
Phóng viên Glen Campbell đứng tại trại Vietnam City đã bị phá

Bên ngoài khu nhà có những cảnh tượng rất “Việt Nam” như bàn thờ, thắp nhang và vài thanh niên ngồi tụ tập hút thuốc lào.

“Xin chào, bạn được chào đón ở nơi này, nhưng chúng tôi nhắc nhở bạn rằng... bạn mượn nơi này để sinh sống”, một tờ giấy nhỏ gần lối vào của trại thông báo cho người mới đến. “Những người Pháp đến đây có việc làm và không được trả lương của chính phủ để giúp bạn, họ làm khi họ có thời gian rảnh”.

BM

Ban ngày, họ thường ngủ hoặc ngồi quanh đống lửa, ấm nước, có lẽ vì đã thức cả đêm chờ xe tải vào Anh. Một số người chuẩn bị bữa trưa, nhờ thịt, cá mà một số người Pháp gốc Việt hảo tâm tới quyên góp hai lần một tuần.

Bữa cơm của họ bao gồm cơm và canh rau. Có gà chạy quanh trại, nhưng họ nói không làm thịt, để làm “thú nuôi” cho giống như ở quê nhà. Một số di dân cho biết ngoài gia đình, họ nhớ nhất là “trà và mì tôm”.

“Người Pháp giúp đỡ vì nghĩ tới nhân đạo, muốn làm từ thiện, cho cả chăn mền, giúp người Việt thân cô thế cô, nhưng không hẳn là họ ủng hộ (người nhập cư)”, bà Loan nói.

BM

Ngồi xuống hỏi thăm, trò chuyện, bà Vũ và bà Loan khó phân biệt xung quanh ai là người nhập cư lậu và ai là những kẻ buôn người trà trộn vào. Có lần, xen giữa các câu chuyện, nhóm tình nguyện phát những card nhỏ bằng tiếng Việt, ghi các đường dây nóng hỗ trợ di dân ở Pháp (tổ chức France Terre d'Asile), ở Anh (tổ chức Refuge), và ở Việt Nam (Pacific Links). Nhưng các di dân chỉ nhận khi những kẻ buôn người không nhìn thấy.

Cơ hội để họ rời khỏi nơi tạm trú này là khi đêm đến, những kẻ buôn người đi thám thính các xe tải sắp chở hàng vào Anh.
Nếu hối lộ được tài xế, chúng sẽ báo về, đưa người tới. Những ai không lên được lại quay về trại, cứ lặp đi lặp lại chờ vận may. Có người chui lên hoặc tìm cách mở container, tùy theo chỉ đạo của những kẻ buôn người. 

BM
Một tình nguyện viên nói chuyện với người nhập cư lậu về tin tức ở Việt Nam trong khi họ chuẩn bị bữa trưa. Người này cũng làm cho Pacific Links Foundation.

Một số người nhảy từ trên một cái cầu lên nóc container, hoặc chui dưới gầm xe tải. “Nhiều ca gãy chân, gãy tay, bị thương, phải đưa trở về Vietnam City”, bà Loan nói. Chẳng hạn, đang trốn trên nóc container mà thấy cảnh sát, có thể họ nhảy xuống, theo bà Vũ.

Hai nữ chuyên gia về buôn người nghe những chuyện này từ các đồng nghiệp NGO, các y tá, và cảnh sát Pháp, những người đã đưa họ tới thực tế những nơi “người Việt mình hay nhảy, giải thích là họ nhảy như thế nào, chui (lên container) như thế nào”, bà Loan cho biết.

Thậm chí, có di dân nhỏ người còn chui vào khoảng giữa những lốp xe tải cũ. Khi cảnh sát bắt được, tưởng di dân đã ra hết, rồi lại thấy vẫn còn người trốn trong đống lốp xe, theo bà Loan.

Nhóm tình nguyện cũng nghe rằng những kẻ buôn người Việt Nam Hiệp tác với nhóm buôn người Kurd chuyên vận chuyển người Kurd trốn chạy xung đột ở Iraq, Afghanistan, Thổ Nhĩ Kỳ. 

BM
Một số tuyến di chuyển chính của di dân Việt Nam, tất cả đều muốn sang đến Anh. Nguồn: áo cáo “Precarious Journeys: Mapping Vulnerabilities of Victims of Trafficking from Vietnam to Europe” (tạm dịch: Hành trình đầy hiểm họa). 

Những người tạm dừng ở Vietnam City trên đường tới Anh được coi là “di dân”, là những người tự nguyện vượt biên sang châu Âu. Giới chuyên môn phân biệt giữa “di dân” với “nạn nhân bị buôn bán”, tức những người bị vận chuyển (thậm chí mua bán) một cách ép buộc, và “nô lệ hiện đại”, tức những người bị cưỡng bức lao động.

Tương tự, khái niệm đường dây “buôn người” có sự phân biệt giữa những kẻ “vận chuyển di dân” và những kẻ “buôn bán người”, tức bao gồm hành vi cưỡng bức lao động, bóc lột tình dục.

Tuy nhiên, ranh giới giữa những khái niệm này mờ nhạt. Nhiều trường Hiệp “di dân” ban đầu vượt biên một cách tự nguyện, sau rơi vào tay những kẻ buôn bán người và bị làm nô lệ hiện đại hoặc bị cưỡng hiếp, ép hành nghề mại dâm (đối với phụ nữ).

"Ai cũng nghĩ qua Anh mới kiếm được nhiều tiền"

BM

Bà Mimi Vũ, người thường tập huấn cho cảnh sát về chống buôn người, nói không thể đổ lỗi cho người đã tự nguyện di cư khi họ bị bóc lột.

“Dù là tự nguyện vượt biên vì kinh tế, thì khi bị bóc lột, họ vẫn là nạn nhân, không phụ thuộc vào ý định ra đi ban đầu”, bà Mimi Vũ nói với Zing.vn.

“Ai cũng nghĩ qua Anh mới kiếm được nhiều tiền. Phỏng vấn hơn trăm người Việt, tôi chưa gặp người Việt nào muốn ở lại Pháp”, Mimi Vũ nói.

BM
  
Người ở Vietnam City đa số đến từ Nghệ An (nhất là huyện Nghi Lộc), Hải Phòng, Hải Dương, và Hà Tĩnh, đều nói muốn tới Anh làm tiệm móng. Một số người đã xa xứ, lênh đênh hàng năm trời.

Một số phụ nữ đã bỏ con lại để chồng hay ông bà nuôi, và nói ra đi là cách duy nhất để chúng có tương lai. Họ bật khóc khi nhớ đến con cái.

“Tôi biết sẽ khó khăn, nguy hiểm, và tôi biết sẽ phải đi qua rừng. Tôi không nghĩ sẽ nguy hiểm thế này”, P. nói với nhóm tình nguyện viên, mắt nhìn sang bên phải e ngại. Có thể một buôn người đang ngồi gần đó. Cô từ chối khi nhóm đề nghị ra phòng khác nói chuyện.

BM
Hai con gà được người Việt ở Vietnam City coi là thú nuôi chứ không giết thịt, để cho giống quê nhà. Họ cầu sang được Anh an toàn tại bàn thờ. 

“Bây giờ tôi không có giấy tờ”, P. nói, đôi mắt tỏ vẻ lo lắng. “Trước khi đi, tôi đưa giấy tờ cho bọn nó rồi. Đến Nga là không còn giấy tờ nữa”.

Khi con trai thứ hai của cô cai sữa, cô gái Quảng Bình sinh năm 1988 để bé và anh trai lại cho ông bà, rồi cùng chồng ra đi, mỗi người trả 20.000 USD. Họ đã ở trại được hai tháng.

“Tôi không biết đến Anh làm gì, nhưng có gì làm nấy, phải chịu thôi. Trước tôi có học làm móng một ít, có cộng đồng Việt mà, tôi sẽ nhờ họ giúp”, P., từng làm công nhân nhà máy, tin chắc sẽ tới được Anh.

“Tôi nhớ con lắm... khi nào có tình nguyện viên như các chị, tôi lại xin gọi về nhà”.

BM

Nhớ con cũng là tâm sự của H., 32 tuổi, từ Hà Nội. Cô bật khóc vì nhớ hai con 8 và 10 tuổi. Cô vượt biên cùng chồng, trả tổng cộng 40.000 USD và đã ở trại gần hai tháng.

Một di dân giấu tên, tuổi ngoài 50, từ Nghệ An, có con đi cùng, nhưng ông chỉ biết con mình ở trong khu vực, chứ không biết ở đâu. Ông xin nhóm tình nguyện nói chuyện với những kẻ cầm đầu để con ông có thể vào trại đoàn tụ.

“Tôi chỉ mang vài bộ quần áo, nhưng đến đây chỉ còn một bộ, để đi nhẹ nhất có thể”, Th., sinh năm 1988 từ Nghệ An, cho biết.

“Chúng tôi cần quần áo ấm”.

BM
Bên trong lối vào tòa nhà chính và khu dành cho nữ. Graffiti và hình trên tường do các di dân trước đó vẽ. Cây thông Noel và cảnh Chúa giáng sinh là quà tặng của người dân địa phương, mà nhiều di dân từ Nghệ An theo đạo Thiên Chúa rất trân trọng.

Th. bỏ lại con 8 tuổi cho chồng nuôi. Đến Nga, cô cũng bị nhóm buôn người thu giữ giấy tờ, và không có chút tiền nào. Cô cũng không biết cha mẹ đã trả cho nhóm buôn người bao nhiêu tiền.

Một số người từng làm việc nhiều năm ở một nước khác. M., sinh năm 1992, từ Lâm Đồng, vượt biên năm 2014 và sang làm nhà hàng ở Ba Lan để tiết kiệm tiền đi Anh. “Tôi làm móng được... tôi học một ít ở Ba Lan từ họ hàng rồi”, anh nói.

Cô gái tên H. khác, sinh năm 1995, từ Nghệ An, tới Nga làm công nhân may ba năm trước, nhưng vẫn muốn sang Anh làm móng. “Em quen khổ ở Nga rồi. Giờ trời lạnh, mưa, em chỉ cần cái ô với cái quần ấm”.

Cha mẹ đẩy con sang Anh, không hiểu nguy cơ

BM  

Đối với cô gái 17 tuổi chị Mimi Vũ gặp, khi sang được Anh, cô sẽ nối gót hai chị gái đã sang 8 năm trước nhờ đường dây vận chuyển người.

“Con phải đến London làm cùng các chị, đó là tương lai của con”, cha mẹ luôn nói với cô. Không sang thẳng Nga như hai chị gái, cô sang Seoul, rồi qua Nga trên đất liền. Cô phải đợi tiếp trong rừng nhiều tháng, trong khi những kẻ buôn người đòi cha mẹ trả thêm “2.000-5.000 USD”, theo bà Vũ.

Nhóm của cô đi bộ ba ngày, qua rừng, từ Nga sang Latvia, bị cảnh sát bắt, trả về Việt Nam, trừ cô và một cậu bé dưới 18 tuổi được thả. Đường dây buôn người đưa cô tới Ba Lan, rồi tới Vietnam City.

Trong một lần tới thăm trại, nhóm tình nguyện ghi nhận 15-20% là trẻ em dưới 18 tuổi, và khoảng 15% là nữ.

“Đối với trẻ em dưới 20 tuổi, cha mẹ dường như là lý do chúng ở đây”, bà Mimi Vũ nói với Zing.vn. “Khi con cái đến tuổi, nhiều cha mẹ ở các tỉnh Nghệ An, Hải Phòng, Hà Tĩnh tự động chạy vạy cho chúng ra nước ngoài, dù chưa học xong”.

“Họ đều quả quyết chỉ có lựa chọn vượt biên để kiếm tiền. Họ biết rất ít về các cơ hội ở Việt Nam hay tình hình kinh tế trong nước. Dường như không có gì thuyết phục được họ đừng đi tiếp tới Anh”, bà nói.

BM
  
Một số phụ nữ đứng tuổi đang trốn chạy những kẻ đòi nợ, một số có họ hàng đã vượt biên vào Anh trái phép các năm trước.

Các di dân cũng ít biết về giá cả ở Anh, ngạc nhiên khi nhóm tình nguyện nói khả năng trả nợ nhanh như trong tính toán của họ khó thành hiện thực, và tô phở ở London có giá 8-10 bảng, thay vì 2-3 bảng như họ tưởng.

Họ biết ít về trang trại trồng cần sa hay nguy cơ bị biến thành “nô lệ hiện đại”, và nghĩ mình sẽ không rơi vào cảnh đó. Những kẻ buôn người hứa hẹn họ sẽ được các tiệm dạy nghề làm móng, và họ tin cộng đồng Việt sẽ hỗ trợ họ.

Đằng sau vẻ ngoài yên bình vào ban ngày của Vietnam City, bà Mimi Vũ và bà Loan đặc biệt lo ngại về nguy cơ lạm dụng tình dục đối với các di dân nữ người Việt.

BM

Một tổ chức phi lợi nhuận của Đức chuyên khám bệnh miễn phí cho di dân Việt Nam nói với bà Loan rằng “hầu như 100% di dân nữ đến đây khám đều đã bị hãm hiếp - nghe rất đau lòng”, bà nói. Phòng khám đó (mà bà Loan giấu tên để bảo vệ an toàn) ở Berlin nơi có cộng đồng Việt và nằm trên tuyến vận chuyển di dân chính.

“Đối với di dân nữ, bị lạm dụng tình dục là chủ đề rất khó nói”, bà Vũ nói.

“Một nhân viên công tác xã hội ở Đức, trong 40 năm làm nghề, không thể nhớ lần cuối bà gặp người nhập cư bất Hiệp pháp vào Đức mà chưa bị bạo lực tình dục theo cách nào đó”, bà Vũ nói tiếp. “(Nhóm vận chuyển người) cũng có thể là đường dây mại dâm quốc tế”.

BM
Trái: Cô gái 21 tuổi từ Nghệ An (cô gái duy nhất trong trại vào một đợt bà Mimi Vũ tới thăm) đang gọt cà rốt, khoai tây. Cô đến đây với anh trai. Phải: Khu vực bếp. Di dân Việt phân chia công việc sơ chế, nấu ăn, dọn dẹp.

“Trước khi đi các em có biết sẽ trải qua những điều như bây giờ hay không”, bà Loan kể lại lời mình nói với một nhóm phụ nữ trong phòng riêng ở Vietnam City - câu hỏi chung chung, không nhắc đến lạm dụng tình dục. Bà chỉ có rất ít thời gian để hỏi thăm các di dân.

Các cô gái đều rất buồn: “Em không nghĩ chuyến đi là như vậy”.

“Em có kể cho cha mẹ những gì xảy ra với em?”

“100% không dám nói với gia đình”, bà Loan nói tiếp, “vì mất thể diện, và sợ gia đình kể cho người ngoài nghe, nên ở Việt Nam chỉ thấy mặt tốt, khoe con tôi gửi tiền về, làm thiên hạ ùn ùn kéo đi (sang Anh)”.

Bà Loan nhớ mãi cảm giác khi các cô gái ôm bà “một cách bịn rịn” lúc chia tay.

“Mình không biết làm gì nữa: không thể bảo họ đi tiếp đi, cũng không thể bảo đừng đi. Trải qua cái này cái kia rồi, các bạn ấy vẫn đi tiếp”, bà Loan kể lại, nhớ như in từng giọng nói. Nhóm tình nguyện không giữ liên lạc với các di dân.

BM
Bà Loan, từ tổ chức Pacific Links Foundation, ôm chào tạm biệt một di dân nữ. Chị này cùng chồng trả 40.000 USD để thử vận may tới Anh, tìm việc làm móng, để lại hai con cho ông bà trông. 

Cậu bé xấu số trên bàn thờ Vietnam City

BM
  
Trong một chuyến thăm, nhóm tình nguyện mang theo 30 kg trà miền Bắc, cà phê, phở ăn liền, bánh đa Đô Lương (đặc sản xứ Nghệ), tất, khăn quàng và găng tay. Trời tháng 9 đang lạnh dần nhưng nhiều di dân đi dép sandal, không có tất, áo khoác hay áo len.

“Trại tồn tại được tới giờ là vì người Việt chỉ giữ yên lặng, không gây sự vụ để bị chú ý”, bà Mimi Vũ cho biết. “Vì di dân không gây khó khăn cho chính quyền địa phương, không lấy mất việc của người Pháp, cả ngày chỉ ở trong trại. Không ai có ý định ở lại Pháp. Anh mới là điểm đến cuối”.

Bên trong trại trông gọn gàng. Ngoài bếp, có sự phân chia phần việc sơ chế, nấu ăn, lau dọn.

BM
  
“Chúng tôi không muốn... cơ quan... đóng cửa (trại) do vệ sinh kém”, tờ thông báo đã nhàu nát ngoài lối vào viết. “Chúng tôi yêu cầu (bạn) dọn dẹp... hàng ngày để tiếp tục sống ở đó. Tình nguyện viên đã làm việc nhiều năm cho căn nhà này cho người không có giấy tờ. Cảm ơn bạn không phá hủy công việc của họ”.

Rời được Vietnam City chưa chắc đảm bảo kết cục có hậu. Câu chuyện khiến bà Mimi Vũ buồn và tức giận nhất là câu chuyện của D.

Y tá người Pháp, người đã hỗ trợ trại Vietnam City từ lâu, vào năm 2016 đã nhận nuôi hai cậu bé Việt Nam (là hai anh em họ), sau khi hai em bị gãy cả hai chân vì ngã khỏi thùng xe tải ở Pháp từ một lần bố ráp lớn của cảnh sát.

Trong một chuyến thăm Vietnam City, bà Mimi Vũ được nghe hai em đã bắt đầu đi học, và y tá người Pháp tỏ ra rất vui, luôn nói “tôi phải về nhà xem hai đứa thế nào”.

Nhưng trong một chuyến thăm sau này, bà y tá bật khóc khi Mimi Vũ hỏi thăm về hai anh em.

Bà kể tháng 1/2017, cảnh sát Pháp tới nhà và bắt giữ D., vì có lời khai của một tài xế taxi nói D. là kẻ buôn người. D. bị biệt giam trong vài tháng, rồi chuyển tới nhà tù ở Lille. Cả bà và luật sư đều bị từ chối thăm nom.

BM
  
Luôn khẳng định vô tội nhưng vẫn bị biệt giam, D. dần bị trầm cảm, bị đưa vào phòng cho bệnh nhân tâm lý. Ngày 31/5/2017, cô độc, tuyệt vọng, D. treo cổ tự vẫn.

Lính gác tìm thấy hai lá thư D. viết đề địa chỉ của mẹ nuôi ở Angres (nơi có trại Vietnam City). Khi giới chức Lille gọi cho thị trưởng Angres, ông nhận ra ngay bà y tá là người đã hỗ trợ di dân từ lâu. Chỉ khi ấy, bà y tá mới biết D. đã qua đời và nhận được thư.
Người y tá quyết tâm đưa hài cốt của D. về với gia đình, tự chi tiền của mình. Bà cùng về Việt Nam, và cùng cha mẹ của D. chôn cất em ở quê hương Nghệ An.

BM
Khi nghe tin D. qua đời, di dân trong trại ngay lập tức dán tin buồn, lập bàn thờ, thắp hương, và đặt hoa tươi mỗi ngày, dù chưa bao giờ gặp cậu. 

 Người anh em họ của D. vẫn ở Pháp và đã theo học trường nghề gần nhà.

“Bà ấy nói cậu vẫn khỏe, nhưng họ đều nhớ D.”, Mimi Vũ cho biết.

“Khi nghe tin D. qua đời, di dân trong trại ngay lập tức dán tin buồn, lập bàn thờ, thắp hương, và đặt hoa tươi mỗi ngày, dù chưa bao giờ gặp cậu. Họ cầu D. phù hộ chuyến đi của chính họ”.

BM
Mimi Vũ, chuyên gia về nạn buôn bán người Việt ra nước ngoài.

BM

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.