CHỐT GÁC
Chiều nay tôi đi phát quà cho một gia đình ở đường Cách Mạng Tháng 8, Quận 3. Phát xong nhà này là tôi về luôn. Hôm nay quà mang theo vừa đủ nên lúc này trên xe chỉ còn một gói quà duy nhất.
Hướng về Việt Nam Quốc Tự, tôi phải đi qua trạm gác ngay đầu đường Lê Hồng Phong. Anh cảnh sát trẻ chặn lại và hỏi giấy tờ đi đường của tôi. Như mọi khi, tôi nói lý do đi mà không xuất trình giấy tờ vì đơn giản tôi nghĩ các anh cảnh sát sẽ nhìn đồ trên xe và thông cảm cho đi, tờ giấy chỉ là hình thức. Khi nghe tôi nói lý do đi, nhìn gói đồ trên xe và thấy Google map chỉ đường đến nơi thì anh cảnh sát nở nụ cười và nói luôn: “Cám ơn anh.” Rồi nói tiếp, “anh đi nhanh lên nhe vì gần đến 18g rồi đó. Coi chừng về nhà không kịp.”
Sài Gòn đang trong giai đoạn cao trào của dịch. Một số nguồn lây lan là do lực lượng shipper, tình nguyện viên nên thành phố đang chấn chỉnh lại giao thông với chỉ thị 16. Các phương tiện đi lại mà không có lý do chính đáng thì sẽ bị phạt từ 1 đến 3 triệu đồng.
Đi khỏi trạm tự nhiên tôi thấy vui hẳn. Vui không phải vì được qua trạm mà là vì nghe những gì anh cảnh sát nói. Đầu tiên là lời cảm ơn vì chuyện phát quà cho người khiếm thị trong quận và vui là vì lời nhắc về chuyện về nhà đúng giờ.
Thú thật thì người như anh cảnh sát này giờ rất khó tìm. Cán bộ , đại diện Nhà Nước mà ai cũng hiểu chuyện, dễ thương như vậy thì người dân vui sướng biết bao nhiêu.
Khi các quán ăn uống, tiệm, shop hay công ty đóng cửa hết thì người ta ra đường là lo công việc của họ. Có muốn đi chơi thì cũng không có gì để chơi cho nên chuyện hỏi lý do tôi nghĩ đó là giấy phép con mà không có hiệu quả gì. Người ta sẽ tìm đủ cách để có được tờ giấy đi đường trong tay. Nếu người dân đang gặp khó khăn được lo lắng , hỗ trợ đầy đủ về lương thực, về tiền bạc để họ có thể trang trải ở mức tối thiểu đủ để tồn tại qua giai đoạn này thì họ sẽ không phải đi đâu và các nhóm tình nguyện viên, các nhà hảo tâm sẽ “ế” hết vì không có gì để làm. Tiếc thay hiện nay đang có quá nhiều hoàn cảnh cần giúp đỡ nên các nhóm thiện nguyện nở rộ và hoạt động liên tục.
Siết giao thông là giải pháp để chặn dịch tuy nhiên điều quan trọng là làm cho người dân tự giác không di chuyển mới là mục tiêu lớn của chiến dịch giao thông lần này. Tình nguyện viên, shipper bị dương tính không ít và thậm chí đã có người mất do dịch cho nên bản thân họ đều đã có cách phòng thủ cho bản thân để hạn chế tối đa chuyện lây nhiễm.
Các giải pháp cứng nếu thực hiện không tính toán kỹ, không khoa học thì chỉ gây tốn kém cho Nhà Nước, cho xã hội và tạo phản ứng ngược.
Dây căng, hàng rào chắn vô tội vạ chỉ làm khó kiểm soát tình hình hơn. Thay vì khoanh vùng và hạn chế trong từng cụm dân cư, từng khu đông dân thì hiện nay các trục đường chính cũng bị căng dây. Khi thấy đường bị chặn thì người dân sẽ tìm đường khác để đến chỗ họ cần đến và điều quan trọng là họ vẫn ra đường. Lúc này nguồn lây lan không còn được kiểm soát và càng làm rối thêm tình hình.
Cách đây hai ngày, tôi mang rau đến hai trung tâm dưỡng lão ở Bình Thạnh. Hai nơi này cách nhà tôi 2km nên chuyện đi lại rất gọn. Để đến nơi thì tôi phải qua một trạm gác với khoảng 7, 8 cảnh sát và dân phòng đang đứng chốt. Khi tôi đến thì anh bạn dân phòng trẻ dùng tay đập vào đầu xe máy của tôi, hất hàm lên hỏi: “Giấy tờ đâu?”
Tôi nhíu mày khựng lại và hỏi: “Tôi là người đi làm công tác xã hội, sao anh hỏi tôi như hỏi tội phạm vậy?”
Thế là họ tự ái và lái câu chuyện sang giấy phép đi đường và không cho đi tiếp.
Cũng là một nhiệm vụ, nhưng thái độ, tác phong làm việc của hai nhóm trái ngược nhau. Kiểu làm việc quá cứng và thiếu đi cái tình làm cho khoảng cách giữa người dân và cán bộ ngày càng xa. Nếu thấy vui vẻ thì chỉ là bề ngoài, vui cho xong việc nhưng hố ngăn ngày càng lớn theo thời gian.
NỤ CƯỜI TRẺ THƠ
Chiều nay tôi đi phát khu Quận 5- quanh các bệnh viện lớn và khu Hải Thượng Lãn Ông. Theo kế hoạch thì tôi sẽ phát quà, tiền cho các gia đình khiếm thị có tên trong danh sách và phát ruốc, tiền cho các hoàn cảnh vô gia cư, khó khăn mà chúng tôi thấy trên đường.
Đang lướt nhanh trên đường tranh thủ phát đồ thì tôi khựng lại với hình ảnh hai bé gái khoảng 3-5 tuổi ngồi đùa với nhau trên xe giấy , lúc đó người cha đang ngồi bên cạnh lo công việc.
Người cha lo xếp gọn lại các thùng giấy, không quan tâm gì đến hai cô bé đang rất tự nhiên cười đùa trên xe. Cái chính là hai cô bé vui đùa ngay trên chiếc xe chở đồ của gia đình. Cô nhỏ nghịch hơn cô chị- nên mới òa khóc ấm ức thì ngay sau đó đổi sang cười giòn tan. Cô bé này hoạt động và cười luôn miệng. Đặc biệt hơn là cô nhí này còn có màn bật ra sau rồi cười phá lên khoái chí. Lần đầu thấy cô bé bật ra sau tôi giật bắn người hết hồn. Nhưng khi nhìn kỹ lại thì thấy xe toàn thùng cạc tông nên cũng còn an toàn.
Nụ cười trẻ thơ thật vô tư làm sao. Giai đoạn khó khăn này thì những nụ cười như vậy càng hiếm và quý.
Phải luôn tìm thấy niềm vui trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chỉ có như vậy thì mỗi chúng ta như được thêm nghị lực sống.
Nguyễn Văn Châu
***
Hãy đối xử với nhau bằng NỤ CƯỜI
Những thằng già nhớ mẹ
Nụ cười của mẹ già không phải là nụ cười vì tiền vì bạc, vì chén cơm manh áo, vì quyền bính thế gian. Đó là là nụ cười mãn nguyện khi con cháu ở bên mình, vẫn chưa quên mình…
https://baomai.blogspot.com/
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.