Dân sống trong vùng đỏ hay vùng xanh ở Sài Gòn thì cũng chung số phận bị giam lỏng như nhau.
Sau 43 ngày Sài Gòn bị phong tỏa theo chỉ thị 16 rồi 16 tăng cường, trưa 20/8 các báo đồng loạt lên tin từ ngày 23/8 "ai ở đâu ở đó", bác tin đồn "lockdown - đóng cửa toàn thành phố".
Chiều 20/8, trong khi mọi người dân trong xóm tôi chộn rộn đi mua thực phẩm, thuốc tây…anh chàng Văn khờ trong xóm bỗng nhiên hỏi tôi: "Họ còn giam mình đến bao giờ?".
Không kiếm ra tiền nên ở nhà mãi cũng thành địa ngục
Nhìn vẻ mặt nghiêm nghị của Văn, tôi ớ người, câm lặng. Hóa ra anh chàng khờ này biết hết. Hơn một tháng qua, tiệm sửa xe mà Văn làm việc đóng cửa, Văn có lẽ đã chán việc loanh quanh suốt ngày trong nhà với "búp bê" - biệt danh mà chàng khờ gọi mẹ. Bà ấy mập mạp tốt tính, chỉ tội hay la hét mỗi khi bực bội, và khi có chuyện không vui, bà ấy thường đổ lên đầu Văn, đứa con hơn 40 tuổi khờ khạo.
Mỗi lần mẹ la, Văn im bặt, không bao giờ cãi lại "búp bê". Hơn 40 ngày bị phong tỏa, những trận bực bội của "búp bê" trút lên đầu đứa con hơn 40 tuổi xuất hiện thường xuyên. Cũng chỉ vì họ không kiếm ra tiền!
Bình thường mẹ có việc của mẹ là phụ việc ở quán cơm, còn con có việc của con là phụ sửa xe gắn máy, hai mẹ con đi cả ngày đến tối mới gặp lại nhau, giờ thì...ai cũng rảnh, nhưng chả ai kiếm ra tiền, trong khi giá thực phẩm đội lên vài lần vì khan hiếm.
"Chống dịch như chống giặc" không hiệu quả
Câu hỏi của Văn cũng là câu hỏi của dân vào trưa 20/8 khi thấy chính quyền SÀI GÒN cứ loanh quanh "chơi chữ": "Lockdown - đóng cửa hoàn toàn - là tin đồn, chỉ là "ai ở đâu ở đó!", mà không thẳng thắn thừa nhận hai tuần tới sẽ là tình trạng khẩn cấp hoặc thiết quân luật?
Mặc cho các quan quanh co và hứa hẹn quân đội sẽ đem lương thực thực phẩm đến từng nhà (đừng mơ được miễn phí, vì các báo tối 20/8 đã nói thẳng: cung ứng theo 2 hình thức: Người dân tự trả tiền và được hỗ trợ miễn phí), chiều 20/8 và sáng 21/8 dân lại ùn ùn xếp hàng chờ mua thực phẩm, nhốn nháo hệt như trước ngày 9/7.
Phản ứng này chỉ là dân không còn tin vào sự tuyên truyền của báo đài nữa rồi, sau vài vụ "bác tin đồn" là tin đồn biến thành sự thật, nên cứ có chỉ thị mới là ai nấy lo thủ trước phần mình cho chắc ăn.
Một cách châm biếm, gần đây dân có câu cửa miệng "lên ti vi mua" (thực phẩm) hoặc "lên ti vi lãnh tiền" (tiền hỗ trợ người dân gặp khó khăn) với hàm ý: "Mơ đi, đợi đi, làm gì có mà mua hoặc lãnh!".
Khi chỉ thị 16 giáng xuống Sài Gòn ngày 9/7, dân Sài Gòn có lẽ vẫn hy vọng thời gian phong tỏa 2 tuần sẽ qua mau, mọi thứ sẽ lại đâu vào đấy, sẽ lại kẹt xe hàng giờ, tai nạn giao thông sẽ là nỗi ám ảnh thường trực, nhưng thà là như thế còn hơn tình trạng ngột ngạt hiện tại. Thế rồi hai tuần trôi qua, những biện pháp kiểm soát ngày càng siết chặt, thời gian phong tỏa cứ gia hạn mãi, giờ tiếp tục lấn sang 2 tuần của tháng 9 và chẳng có gì chắc chắn là cuối tháng 9 cuộc sống sẽ trở lại bình thường như trước!
Người dân không hiểu nếu quân đội có mặt, cuộc sống sẽ diễn ra thế nào
Từ hy vọng, dân ngày càng thêm thất vọng khi mỗi ngày phải đối phó với những chỉ thị mới ập xuống bất thần, từ việc cấm toàn bộ quán ăn nhà hàng bán mang đi, đến shipper phải có giấy xét nghiệm âm tính (thời hạn 3 ngày) và không được giao hàng liên quận; từ chuyện đẻ ra cái app "di biến động dân cư" quái quỷ kiểm soát lộ trình của người dân, đến việc quy định "giấy thông hành" của công nhân viên chức chỉ có thời hạn 7 ngày…
Đẻ ra nhiều thứ giấy tờ xin-cho; lập nhiều chốt kiểm soát trên đường, dày đặc đến mức từ phường này qua phường khác cũng xét hỏi "giấy thông hành" hoặc "phiếu mua hàng thiết yếu"; đường hẻm, đường phố nào cũng giăng dây kiểm soát người ra vào; mỗi tổ dân phố, mỗi chung cư… còn có "Sổ theo dõi tiếp nhận thông tin" ghi lý do người ra kẻ vào hằng ngày…thế mà số ca nhiễm mới và số ca tử vong vẫn cao nhất nước, chứng tỏ mọi biện pháp "chống dịch như chống giặc" đã sai từ căn bản và hoàn toàn không có hiệu quả.
Dân nào tin Trời tin Phật giờ chỉ biết gửi gắm niềm hy vọng vào những lời cầu nguyện
Rõ ràng không thể chống dịch bệnh bằng các chỉ thị như thời chiến tranh, không thể xây "pháo đài" bằng những hàng rào và sự kiểm soát để né dịch bệnh, sao chính quyền chưa tỉnh ra mà còn tiếp tục giam lỏng dân?
Điều tích cực duy nhất trong chuỗi ngày ngột ngạt qua là việc chính quyền Sài Gòn đẩy mạnh chủng ngừa vaccine cho toàn dân, không phân biệt thường trú hay tạm trú.
Sài Gòn là trung tâm kinh tế của Việt Nam
Lẽ ra việc đẩy mạnh này tiến hành sớm hơn thì số ca tử vong vì Covid-19 hằng ngày đã không nhiều nhất nước, ước tính mỗi giờ trôi qua có hơn 10 người qua đời.
Thế nhưng, khi dân đang tràn đầy hy vọng về việc chủng ngừa vaccine sẽ bảo vệ họ thì vaccine Tàu được nhập về và đem đến các điểm chủng ngừa cho dân, kèm theo những bài báo ca ngợi vaccine Tàu được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia.
Sự tuyên truyền vaccine Tàu vào tháng 7 tháng 8 hoàn toàn khác với thông tin về vaccine Tàu hồi tháng 3 tháng 4, thế là dân nảy sinh sự nghi ngờ và lảng tránh, tốc độ chủng ngừa vaccine cũng chựng lại. Điểm tích cực nhất của chính sách bỗng chìm vào mớ bùng nhùng đầy sự tiêu cực.
Khi người khỏe mạnh còn cảm thấy ngộp thở
Tôi đã chứng kiến Sài Gòn sụp đổ vào tháng 4/1975; chứng kiến thời bao cấp chen chúc chờ mua từng ký gạo, từng lít dầu hôi và chỉ thèm một bữa cơm trắng không độn; chứng kiến lũ bạn trung học đứa vượt biên và mất tích trên biển, đứa bị chết trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam…nhưng chưa bao giờ cảm thấy Sài Gòn ngày càng trở nên khó thở như hơn 1 tháng qua.
Cảm giác khó thở đỉnh điểm nhất với tôi là trưa chủ nhật 15/8, khi tôi cố lách qua nhiều chốt kiểm soát để ra trung tâm quận 1 mua một thứ tặng cho người thân đang cần mà chỉ có nơi đó bán, nhưng bất lực vì không thể thực hiện.
Sài Gòn - hình chụp trước giai đoạn dịch Covid-19
Hàng rào "vùng đỏ", " vùng xanh" giăng khắp nơi và tôi không thể biết được ở đâu có hàng rào hay chốt chặn để né. Tôi đã dừng xe vài lần, thừ người bất lực vì con đường đi quen thuộc xuất hiện hàng rào và chốt chặn bất thình lình. Nhưng dãy hàng rào lặng câm còn khiến tôi dễ chịu khi quay đầu xe hơn là khi phải đối diện với "quân xanh, quân vàng" mặt lạnh tanh đứng ở các chốt bật ra những câu hỏi như tra vấn: "Bà đi đâu? Làm gì? Nhà ở đâu?".
Vẫn biết tự do là điều xa xỉ ở đất nước này, nhưng cảm giác không-được-tự-do-đi-lại, không-được-đi-mua-thứ-mình-
Bạn tôi nói: Mình còn tệ hơn tù nhân vì tù nhân còn được cung cấp đồ ăn thức uống miễn phí.
Chẳng ai biết ngày mai ra sao
Sáng 20/8, tôi chứng kiến một chuyện thật tức cười: đang đi tìm mua thực phẩm, tôi bỗng nghe loa phường ồn ào kêu gọi người dân "ai ở đâu ở đó", ngoảnh mặt nhìn quanh, tôi thấy một người đàn ông chở cái loa phường trên xe gắn máy.
Hóa ra giờ có cả loa phường di động.
Ông ta rảo vòng quanh những điểm có người dân tụ tập mua thực phẩm, đặc biệt dừng lâu trước một nhà bán tàu hũ và mở loa vọng ra tiếng nói nhắc nhở hệt như lời cảnh cáo.
Được một lát, người mua vãn đi, ông ta bỗng tắt loa và gọi mua một bịch tàu hũ. Đứng từ xa, nhìn cảnh ông ta cầm bịch tàu hũ treo lên xe bên cạnh cái loa phường mà tôi tức-cười. Hóa ra, cán bộ phường vẫn cần thực phẩm ngon và giá phải chăng như mọi người.
Trưa 20/8, lần đầu tiên sau 43 ngày phong tỏa, tôi tình cờ nghe được 2 tiếng rao hàng quen thuộc vọng lên từ con hẻm bên cạnh nhà: "Bánh mì Sài Gòn đặc ruột thơm bơ", "Chè đậu xanh bột báng đây". Người rao có lẽ đã túng thiếu đến mức cả gan đi bán.
Dân nào tin Trời tin Phật giờ chỉ biết gửi gắm niềm hy vọng vào những lời cầu nguyện.
Niềm tin của tôi vào chính quyền ngày càng rạn vỡ.
Ngược lại, tôi thấy họ cũng không tin người dân.
Họ - những quan chức chứ không phải viên chức - chỉ thích kiểm soát, kiểm soát và kiểm soát, ngay cả con virus, cái thứ mà bằng mắt thường con người không thể nhìn thấy.
Thương quá Sài Gòn của tôi, khi chẳng ai biết ngày mai sẽ ra sao.
Song May
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.