Nghiên cứu khảo cổ học về Noah: Câu chuyện về Đại Hồng Thủy xuất hiện xuyên suốt nhiều nền văn hóa cổ đại. Nhưng nó có thực sự xảy ra hay không?
“Vào năm thứ sáu trăm của đời Noah, tháng hai, ngày mười bảy, trong chính ngày ấy, mọi nguồn nước của các đại vực thẳm vỡ tung, cổng trời mở toang. Mưa tuôn xuống đất bốn mươi ngày và bốn mươi đêm.” – Sáng Thế Ký 7: 11-12.
Khoảng 9,000 đến 5,000 năm trước tại tỉnh Sinop ở phía Bắc Thổ Nhĩ Kỳ, một sự kiện lịch sử ngoạn mục đã diễn ra. Thực tế, cảnh tượng diệu kỳ này đã khiến một số người tin rằng nó chứng minh trận “Đại Hồng Thủy” được kể lại trong Kinh Thánh (một số nghĩ rằng có đôi chút phóng đại) là một sự kiện có thật.
Vào tháng 9/2004, một đội ngũ các nhà khoa học đến từ các tổ chức khác nhau (bao gồm cả Hiệp hội Địa lý Quốc gia) đã thực hiện một cuộc thám hiểm tại Biển Đen và đã xác định rằng Biển Đen không phải luôn luôn ở trong trạng thái như chúng ta biết ngày nay.
Nghiên cứu khảo cổ học về Noah: Câu chuyện về Đại Hồng Thủy xuất hiện xuyên suốt nhiều nền văn hóa cổ đại. Nhưng nó có thực sự xảy ra hay không?
Họ kết luận rằng nó có nguồn gốc từ một cái hồ mênh mông chứa nước màu đen, tại một thời điểm trong lịch sử, cái hồ này bắt đầu lan rộng ra một cách nhanh bất thường. Trên thực tế, sự thay đổi đó quá lớn, đến mức những cư dân quanh khu vực này ngay lập tức phải tìm kiếm những vùng đất an toàn hơn. Họ vội vàng bỏ lại nhà cửa, các vật dụng, và những dấu vết tại nơi ở trước đây của họ.
Điều này đã khiến đoàn thám hiểm dưới nước do nhà hải dương học Robert Ballad chỉ huy phải tuyên bố rằng con người từng định cư tại vị trí mà ngày nay đã chìm dưới độ sâu hơn 300 feet (khoảng 91 mét). Khám phá đáng kinh ngạc này về Biển Đen không chỉ góp phần làm phong phú và hoàn thiện hiểu biết về lịch sử những lần biến đổi mực nước nghiêm trọng ở Trung Đông thời cổ đại, mà còn đặt ra câu hỏi rằng ngay từ đầu thì điều gì đã gây ra sự thay đổi này.
Kể từ đó, các nhà khoa học và phóng viên tiếp tục điều tra ẩn đố chưa có lời giải này; nó là chìa khóa để tìm hiểu về lịch sử sự phát triển của nền văn minh nhân loại cũng như các giai đoạn khí hậu khác nhau mà Trái Đất đã trải qua. Hơn nữa, nó là một chủ đề quan trọng gắn kết không chỉ với truyền thống Do Thái Giáo–Cơ Đốc Giáo, mà còn với nhiều truyền thuyết từ các nền văn hóa khác nhau trên thế giới: trận Đại Hồng Thủy.
Biển Đen: Bằng chứng về Đại Hồng Thủy?
Những giả thuyết đương thời gợi ý rằng sự phát triển nhanh chóng của Biển Đen là hệ quả của một lượng mưa đáng kinh ngạc, với quy mô mà hành tinh chúng ta chưa từng hứng chịu. Dựa trên các định luật khoa học, chủ yếu là khoa học địa chất – ngành khoa học được thành lập trên cơ sở các quan sát thực nghiệm trong nhiều năm – thì đây là một tình huống không có thực.
Ngay từ đầu, các nhà địa chất học hoài nghi đã giả thiết rằng: để xảy ra một trận lũ lụt như vậy, chúng ta ắt phải tìm thấy một địa tầng tương tự trên khắp thế giới, được bao phủ bởi sỏi, bùn, đá cuội và các thành phần khác. Điều kỳ lạ là không thể tìm thấy một lớp địa tầng như thế. Thậm chí còn kỳ lạ hơn khi trận lụt được thuật lại trong Kinh Thánh xảy ra vào khoảng thời gian năm 3,000 trước Công Nguyên.
Cũng không thể tìm thấy các địa tầng những hóa thạch, cùng với các loài động thực vật khác nhau sinh sống trên những lớp đất đặc trưng. Theo lập luận về lũ lụt, thì những tàn tích còn sót lại từ tất cả các loài động vật trước trận Đại Hồng Thủy (bao gồm cả các loài khủng long đã tuyệt chủng) chỉ có thể được tìm thấy ngày nay trong một tầng địa chất duy nhất, và không có bất kỳ sự bất đồng nào. Nhưng bằng chứng cổ sinh vật học lại hoàn toàn mâu thuẫn với những giả định này.
Các ví dụ này có vẻ chỉ là phần nổi của tảng băng gồm rất nhiều những lập luận bác bỏ một trận Đại Hồng Thủy trên toàn cầu. Mặc dù thế, phần lớn các lập luận như vậy vẫn bị các nhà khoa học “ủng hộ giả thuyết về trận đại lụt” phản đối. Trên thực tế, những giả thuyết hỗ trợ các chi tiết như “mọi nguồn nước của các đại vực thẳm vỡ tung” hoặc “những thác nước của các tầng trời đã mở” được kể lại trong Sáng Thế Ký mặc dù rất khó tin nhưng cũng không thể bác bỏ rằng chúng không phù hợp với thực tế.
Một trong những giả thuyết ấn tượng hơn đề xuất rằng hành tinh này có thể đã được bao phủ bởi lượng nước lên đến đỉnh điểm, trái ngược với các tính toán cho thấy rằng có gom hết tất cả lượng nước đang lơ lửng trong khí quyển cũng chỉ đủ để đạt mức nước cỡ 1.2 inch trên toàn bề mặt Trái Đất.
Những “người ủng hộ giả thuyết đại hồng thủy” tính toán rằng nếu Trái Đất đã trải qua một cuộc san bằng bề mặt – những ngọn núi bị hạ xuống, các mặt biển được nâng lên – thì toàn bộ Trái Đất sẽ bị bao phủ bởi hàng nghìn mét nước.
Theo thuyết nước-bao-phủ-Trái-Đất, vào thời của Noah, các tầng trên của khí quyển chứa một lượng nước đáng kể mà ngày nay tạo thành các đại dương. Lượng nước trong khí quyển này bao phủ toàn bộ hành tinh, và sau đó quay trở lại các rãnh đại dương do các chuyển động kiến tạo dữ dội theo hướng thẳng đứng. Các nhà nghiên cứu ủng hộ ý tưởng này tin rằng nó liên quan đến “thác nước của các tầng trời”, mà có thể chúng đã ngưng tụ nhờ bụi được sinh ra từ một số vụ phun trào núi lửa cùng thời điểm đó.
Ngoại trừ trích dẫn trong Kinh Thánh còn có rất nhiều truyền thuyết khác về một trận lụt thanh tẩy, có thể tìm thấy chúng trong các nền văn hóa đạo Hindu, Sumer, Hy Lạp, Acadia, Trung cộng, Mapuche, Maya, Aztec, và Pascuanese (Đảo Phục sinh), cùng nhiều nền văn hóa khác. Một số những câu chuyện này dường như có các yếu tố tương đồng đáng kinh ngạc. Trong đó, các chủ đề được lặp đi lặp lại nhiều nhất là những thiên tượng mà con người phớt lờ, trận Đại Hồng Thủy, việc xây dựng một chiếc thuyền để bảo toàn sự sống khỏi trận lũ lụt, và việc khôi phục sự sống sau này trên hành tinh.
Một ví dụ rõ ràng về sự tương đồng này được tìm thấy trong lịch sử Lưỡng Hà trước khi có Kinh Thánh mô tả về trận lũ lụt, trong đó vị thần “Ea” đã cảnh báo Uta-na-pistim, vua của xứ Shuruppak, về hình phạt đang chờ đợi loài người do sự suy đồi đạo đức nghiêm trọng của nhân loại.
Uta-na-pistim đã nhận được chỉ dẫn từ vị thần này để làm một con thuyền có hình dạng một khối lập phương tám tầng, và chỉ thị rằng nó phải chứa một cặp của mỗi loài động vật, hạt giống cây trồng, cũng như gia đình riêng của ông ta. Vì thế, Uta-na-pistim đã sống sót sau trận đại hồng thủy kéo dài nhiều ngày; ông đã thả một con chim để xác minh vùng lân cận có đất khô ráo và lấy một con vật làm lễ hiến tế cho các vị thần.
Tìm kiếm chiếc thuyền bị thất lạc
Một điểm riêng biệt làm tăng thêm sức nặng cho cuộc tranh luận về Kinh Thánh là bằng chứng hình ảnh và vật chất của một vật thể lớn được bao phủ bởi lớp vỏ cứng trong núi Ararat, nơi mà theo lời kể lại trong Kinh Thánh là điểm dừng cuối cùng của chiếc thuyền Noah.
Vào đầu năm 2006, Giáo sư Porcher Taylor của trường Đại học Richmond đã tuyên bố rằng theo một nghiên cứu được thực hiện trong nhiều năm thông qua chụp ảnh vệ tinh, có một vật thể lạ được bao phủ bởi một lớp vỏ cứng ở khu vực phía đông bắc của ngọn núi này, và độ dài của nó hoàn toàn trùng khớp với độ dài của chiếc thuyền được kể lại trong Kinh Thánh.
Những ảnh chụp vệ tinh từ phía trên của núi Ararat đã lôi kéo trí tò mò của nhiều nhà khoa học kể từ khi tuyên bố này được đưa ra vào năm 1974. Các nhà điều tra cũng thực hiện một số cuộc thám hiểm để tìm cách giải cứu tàn tích còn sót lại của mảng gỗ hóa thạch, cũng như 13 mỏm đá vững chắc trong khu vực xung quanh vị trí được cho là nơi tồn tại kho báu khảo cổ này. Các cuộc kiểm tra bằng sóng siêu âm cũng được thực hiện, tiết lộ một cấu trúc rất kỳ lạ bên trong khối đá.
Mặc dù có rất nhiều ghi chép từ các nền văn hóa khác nhau về một trận lụt kinh hoàng thời cổ đại, nhưng cường độ và thời gian của sự kiện đó là một điểm cần phải tranh luận, ngay cả đối với những người tin rằng Đại Hồng Thủy thực sự đã xảy ra. Vậy nên, trong khi một số ít các nhà nghiên cứu cho rằng trận lụt này đã bao phủ toàn bộ Trái Đất bằng một lượng nước khổng lồ, thì hầu hết các nhà địa chất đều đồng ý rằng một kịch bản như vậy là không thể xảy ra.
Không phải ai cũng tin vào những câu chuyện cổ xưa mô tả việc tái sinh nhân loại từ sự cứu tế của một số ít người, nhưng có vẻ như một thảm họa khí hậu đã thực sự xảy ra trên toàn hành tinh vài thiên niên kỷ trước. Chúng ta cũng có thể giả định một cách thận trọng rằng rất nhiều người ở các địa điểm trên cao có khả năng duy trì nền văn minh và truyền tải câu chuyện về sự kiện này cho các thế hệ sau.
Cho đến khi có thể đưa ra bằng chứng để xác nhận rõ ràng một trong những lý thuyết trên, thì câu chuyện có một trận đại hồng thủy thời xa xưa đã tẩy rửa đi tội lỗi của con người vẫn là huyền thoại đối với một số người, và là một sự thật lịch sử đối với những người khác. Dù thế nào đi nữa, trận đại lũ lụt cổ xưa này vẫn mãi mãi là một phần trong câu chuyện của nhân loại.
Leonardo Vintini _ Ngọc Anh
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.