Afghanistan được mệnh danh là Giao lộ của Trung Á. Sự ổn định của đất nước này ảnh hưởng đến các nước láng giềng như Iran, Pakistan, và Trung cộng. Với việc Taliban trở lại nắm quyền, mối liên hệ của lực lượng này với các quốc gia cùng chung biên giới sẽ phát triển và ảnh hưởng như thế nào đến cán cân quyền lực trong khu vực này?
The Epoch Times ấn bản Hoa ngữ đã phỏng vấn ông Tô Dục Bình (Yuping Su), cựu quan chức ngoại giao Đài Loan tại Israel, người đã đưa ra quan điểm của mình về tình hình hiện tại của Afghanistan trong trật tự khu vực.
Ông Tô cho biết, “Trước mắt, Taliban vừa mới giành được chính quyền. Điều quan trọng nhất là phải tiếp quản các tài liệu lưu trữ, nhân sự, cơ sở vật chất, kinh phí, v.v. trong hòa bình.”
Taliban đã cai trị Afghanistan từ năm 1996 đến năm 2001 và có mối bang giao không tốt với các quốc gia láng giềng của Afghanistan trong giai đoạn đó.
Tuy nhiên, trước khi tiến vào phủ tổng thống Afghanistan, các thủ lĩnh Taliban đã có một cuộc gặp với 15 nhà ngoại giao và một phái đoàn gồm các lãnh đạo Afghanistan tại Doha, thậm chí cử đặc phái viên tới Iran, Trung cộng và Nga để bày tỏ thiện chí của họ. Ông Tô nói rằng những hành động như vậy chưa từng có trong thời kỳ cầm quyền trước đây của Taliban. Ông coi đó là một dấu hiệu cho thấy sự linh hoạt ngày càng tăng trong các mối liên kết ngoại giao của họ.
Taliban có thể trở thành một đòn bẩy trong khu vực
Pakistan luôn ủng hộ Taliban, vì vậy việc Pakistan là quốc gia đầu tiên công nhận Taliban giành lại quyền lực là lẽ đương nhiên.
Tuy nhiên, mối liên hệ của Taliban với Iran lại vi tế hơn.
Ông Tô đã giải thích rằng sự chia rẽ của Hồi giáo Shia và Hồi giáo Sunni đã kéo dài hơn 1,000 năm. Sự thù địch giữa Iran (người Shia) và Taliban (người Sunni) vẫn ở mức độ tôn giáo.
“Hoa Kỳ là kẻ thù chung của họ trước khi Taliban giành lại quyền lực của mình,” ông Tô nói. Ông dự đoán tình hình sẽ thay đổi rất nhanh sau khi Taliban giành lại quyền cai trị tại Afghanistan.
Iran sẽ đề phòng liên minh của Taliban với Saudi Arabia và các quốc gia thành viên Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) khác. [Bởi vì một khi thành lập,] liên minh này sẽ bao vây Iran ở cả hai phía đông và tây. Do đó, Iran có thể cảm thấy bị đe dọa và có thể phải thỏa hiệp trong cuộc đàm phán về thỏa thuận nguyên tử ở Vienna. Ông Tô tin rằng đứng từ góc độ này mà nhìn thì điều đó lại có lợi cho Hoa Kỳ, “Taliban sẽ là một nước cờ hay cho phe Ả Rập.”
Những người đàn ông Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi cầu nguyện trong một đám tang bên ngoài một nhà thờ Hồi giáo ở Urumqi, khu vực Tân Cương, Trung cộng, vào ngày 21/04/2002. Trung cộng đã yêu cầu hồi hương các chiến binh Duy Ngô Nhĩ bị bắt theo Taliban ở Afghanistan. Trung cộng lo ngại về việc lực lượng ly khai Duy Ngô Nhĩ chiến đấu cho đất nước của họ ở Tây Bắc Trung cộng và gần đây đã bắt đầu một cuộc đàn áp trong khu vực. Tổ chức Ân xá Quốc tế đã cáo buộc Trung cộng đàn áp và hành quyết người Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương.
Liệu Taliban có thể tham gia vào cuộc đối kháng hoặc thậm chí đối đầu với Trung cộng và Nga hay không? Ông Tô cho biết, cứ chiếu theo bản chất của Taliban, lịch sử cuộc đàn áp người Hồi giáo của Trung cộng ở Tân Cương, và cuộc đàn áp của Nga ở Chechnya và Tatars, thì Taliban hoặc các thủ lĩnh phiến quân của họ có thể “sẽ không ngại trừng phạt những kẻ ngoại đạo hoặc những người vô thần” thay mặt cho Những người theo đạo Hồi.
Theo cách lập luận này, Afghanistan có thể trở thành một đòn bẩy tạo lợi thế cho “trục ma quỷ” (evil axis, hay còn gọi là ‘liên minh ma quỷ’), và là một đồng minh quan trọng của người Hồi giáo Sunni vùng Vịnh Ba Tư trong các nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (Gulf Cooperation Council, GCC), các nước Ả Rập, Âu Châu, và Hoa Kỳ chống lại cả Iran và liên minh mong manh giữa Trung cộng và Nga.
Sự giao du qua lại của Trung cộng với Iran và Taliban
Trung cộng và Iran đã chính thức ký một thỏa thuận hợp tác 25 năm vào ngày 27/03 năm nay. Bộ trưởng Ngoại giao Trung cộng, ông Vương Nghị, đã gặp các lãnh đạo chính trị của Taliban tại Thiên Tân hôm 28/07, ngay trước khi Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan. Điều này có nghĩa là Trung cộng đang hòa bình với các nước láng giềng của mình, phải vậy không?
Ông Tô nói rằng Iran và Afghanistan có những lợi ích khác nhau đối với Trung cộng.
Đối với Trung cộng, Iran là nhà cung cấp nhiên liệu hóa thạch quan trọng của Trung cộng và là một đối tác chiến lược để kiềm chế Hoa Kỳ. Những loại hình liên minh dựa trên việc chiến đấu chống lại một kẻ thù chung như vậy, thường dễ bị tổn thương nhất.
Đối với Iran, một Trung cộng vô thần lại không thật sự đáng tin cậy. Ông Tô tin rằng mối bang giao này nghiêng về công việc kinh doanh nhiều hơn là sự tín phục, và “những người Iran bình thường thực sự ngưỡng mộ văn hóa phương Tây và có ít hiểu biết về Trung cộng.”
Đối với mối bang giao giữa Trung cộng và Taliban, ông Tô đã phân tích rằng Taliban sẽ bằng mọi giá làm hài lòng Trung cộng trong một khoảng thời gian ngắn. Taliban cần sự hỗ trợ tài chính của Trung cộng để khôi phục nền kinh tế, phát triển các nguồn tài nguyên khai khoáng của mình, cũng như cung ứng về công nghệ và vật liệu.
Tuy nhiên, Trung cộng từ lâu đã coi các lực lượng Đông Turkistan bên trong và bên ngoài Trung cộng là “những kẻ khủng bố.” Toàn bộ khu vực Tân Cương đã trở thành một trại tập trung của người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo khác. Sự diệt chủng của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương là một sự thật được biết đến rộng rãi. Trung cộng cũng biết rằng có các lực lượng Đông Turkistan nằm trong các thủ lĩnh của Taliban.
Ông Tô cho hay tuần trăng mật giữa Trung cộng và Taliban sẽ không duy trì trường kỳ “vì vấn đề người Hồi giáo Trung cộng.”
Huệ Giao
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.