Tác phẩm điêu khắc siêu nhỏ trên bút chì của nghệ sĩ Jasenko Đorđević.
Một nhà điêu khắc người Bosnia đã biến bút chì, một trong những dụng cụ căn bản nhất của người nghệ sĩ thành những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp.
Các tác phẩm điêu khắc thu nhỏ của nghệ sĩ Jasenko Đorđević trên những chiếc bút chì là một lời mời gọi tái nhận thức nghệ thuật ở quy mô hiển vi.
Theo trang web TOLDart, anh được truyền cảm hứng từ nghệ sĩ sửa ống nước Dalton Ghetti, và hiện tại Đorđević là người đầu tiên ở Âu Châu, nghệ sĩ nổi tiếng thứ hai trên thế giới, đã sáng tạo ra các tác phẩm điêu khắc thu nhỏ theo cách này.
Nghệ sĩ Jasenko Đorđević điêu khắc ruột một chiếc bút chì thành một tác phẩm nghệ thuật thu nhỏ.
“Bút chì luôn là một công cụ để tạo ra nghệ thuật, nhưng trong trường hợp này, chính nó cũng là nghệ thuật,” anh Đorđević nói với trang My Modern Met, một cộng đồng trực tuyến tôn vinh sự sáng tạo và tinh thần tích cực.
“Đối với tôi, bút chì luôn mang tính biểu tượng rất cao, không chỉ bản thân cây bút chì, mà mỗi tác phẩm điêu khắc được tạo ra từ nó đều có một ý nghĩa và một câu chuyện đằng sau chúng.”
Sinh ra ở Tuzla vào năm 1983, anh Đorđević được anh trai của mình hướng dẫn về các tác phẩm của nghệ sĩ Ghetti – niềm đam mê về một thế giới thu nhỏ mới đã được khơi dậy. Trước khi làm việc với than chì, anh cũng đã thử nghiệm với origami, và đã gấp thành công một chiếc thuyền giấy có đường kính chỉ 1 milimet vào năm 2000, theo tạp chí trực tuyến My Modern Met đưa tin.
Người nghệ sĩ tài năng này bắt đầu điêu khắc trên bút chì than từ năm 2010. Nhớ lại những năm thuở học mầm non và tiểu học, anh cho biết “những bức vẽ của tôi luôn rất nhỏ so với kích cỡ của trang giấy.”
“Tôi cũng làm các tác phẩm điêu khắc nhỏ bằng đất sét,” anh nói với kênh truyền thông, “nhưng khi tôi lớn lên và thay đổi, chất liệu cũng thay đổi theo.”
Anh Đorđević chỉ rõ than chì là vật liệu mỏng manh dễ vỡ, với sai số đo bằng một phần mười milimet. Nhưng đối với những nghệ sĩ đầy đam mê, thì thử thách không thể ngăn cản được họ.
Anh Đorđević cho biết anh bắt đầu bằng việc chọn một thiết kế, và xác định kích thước nhỏ trước khi phác thảo nó. Sau đó, anh ước lượng “điểm yếu của tác phẩm điêu khắc”, chọn một cây bút chì tròn hoặc vuông, và rồi dùng bộ dao scalpel (dao phẫu thuật).
Theo trang My Modern Met, giai đoạn đầu tiên của việc điêu khắc đường viền thô kéo dài từ 5 đến 10 giờ. Sau đó, anh chụp những bức ảnh có độ phân giải cao để xác định vị trí cần chỉnh sửa. Giai đoạn thứ hai là “giai đoạn chi tiết” thì cần có kính hiển vi và có thể mất đến hai ngày.
“Bước cuối cùng, tôi chụp một số ảnh cho kho lưu trữ của mình và đánh số thứ tự cho tác phẩm,” anh nói.
Nguồn cảm hứng sáng tác của anh ấy khá đa dạng: pop art, thiên nhiên, kiến trúc, mô phỏng các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng và các vấn đề xã hội.
Sáu năm sau khi bắt đầu sự nghiệp của mình, vào năm 2016, nghệ sĩ này đã có cuộc triển lãm quốc tế đầu tiên tại Na Uy và thu hút được nhiều người theo dõi trên toàn thế giới.
Tự gọi mình là TOLDart trên mạng xã hội, anh trưng bày những kiệt tác thu nhỏ đáng kinh ngạc của mình trên Instagram.
Nghệ sĩ Jasenko Đorđević điêu khắc ruột một chiếc bút chì thành một tác phẩm nghệ thuật thu nhỏ.
Một vài dự án có “vị trí đặc biệt” trong trái tim người nghệ sĩ này vì tầm quan trọng xã hội của chúng.
“Một trong số đó là Dự án xóa mù chữ, nơi tôi đã thực hiện một loạt tác phẩm điêu khắc phản ánh quyền con người,” anh Đorđević cho biết. Anh cũng tham gia vào một dự án khác của Tổ chức Ân xá Quốc tế nhằm giúp đỡ những người bị oan sai.
Nói về điều thúc đẩy anh tiếp tục sáng tác, anh chia sẻ, “Tôi đã làm việc này trong một thời gian dài. Nó đem lại cho tôi ý nghĩa, cơ hội, tất nhiên là niềm vui, và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng – công việc này cho tôi sự tự do.”
“Tự do khỏi sự đơn điệu của cuộc sống hàng ngày và, đôi khi, tự do trong suy nghĩ của riêng tôi.”
Anh Đorđević có các cuộc triển lãm thường trực tại Phòng trưng bày TOLDart Atelier-Gallery và Phòng trưng bày GM ở Tuzla, cũng như tại Bảo tàng Bút chì Cumberland ở Cumbria, Anh.
Louise Bevan _ Ngọc Quỳnh
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.