Khi văn minh lên đến đỉnh cao, mọi thứ dường như đều quy chiếu vào sự thỏa mãn, hưởng thụ cá nhân, hơn là niềm vui đến từ sự cho đi.
CDC Mỹ mới đây trong khuyến cáo về tiêm chủng, thay vì nói “phụ nữ có thai” (pregnant women), đã dùng từ “người có thai” (pregnant people).
Trong một văn bản về ngân sách 2021, chính phủ Mỹ thay vì nói “Mẹ” (Mother), đã dùng từ “người sanh đẻ” (birthing people).
Họ cho rằng, gọi Mẹ hay phụ nữ có thai là phân biệt giới tính, vì không phải chỉ có phụ nữ mới mang thai được, và cũng không phải chỉ có Mẹ mới là người sanh đẻ được. Họ gọi sự điều chỉnh thuật ngữ đó là “văn hóa thức tỉnh” (woke culture).
“Người sanh đẻ” không chín tháng cưu mang, không cảm nhận được tiếng chân con quẫy đạp, không truyền nhịp thở vào thai nhi, không tự xoa bụng để vỗ về con dù nó chưa chào đời. Họ thiếu đi bản năng làm Mẹ, mà chỉ là thứ bản năng vật lý lạnh lùng, một tình thương vật lý để thỏa mãn chính mình, hơn là bản năng của gà mẹ xòe cánh bảo vệ con.
Có phụ nữ mang thai, nhưng lại bị ung thư giai đoạn cuối, phải chọn lựa giữa thai nhi và kéo dài sự sống. Họ chọn thai nhi, nhất quyết chọn thai nhi, chỉ ao ước nhìn thấy mặt con trước khi nhắm mắt. Có “người sanh đẻ” nào có được bản năng khao khát yêu thương đó?
Tình mẫu tử là bản năng kỳ diệu của phụ nữ
Chả thế mà con cái thèm hơi mẹ, ban ngày đi chơi tứ tung, tối đến thiếu hơi mẹ không thể ngủ được. Con cái gần mẹ hơn gần cha, thủ thỉ với mẹ nhiều hơn với cha. Không người cha nào dám so bì tình cảm thiêng liêng đó.
Chả thế mà, tiếng gọi “Mẹ”, dù là ngôn ngữ nào, cũng có vần “M” : mother, mère, maman, mama, mẹ, má,…
“Con không cha như nhà không nóc”, nhưng Mẹ mới chính là cái nền nhà. Nóc có cao có đẹp, mà nền không vững, cũng xập.
Con người sanh ra có hình hài của con người, nhưng phải học (learning) suốt đời để thành người. Học để thành người chính là rèn luyện để điều chỉnh những bản năng xấu, không ứng xử với nhau như loài vật.
Nhưng cũng có những bản năng tốt. Bản năng làm Mẹ là bản năng tốt và đẹp, có từ thuở hồng hoang, và muôn đời nay vẫn không suy xiển. Văn minh dù đỉnh cao đến đâu cũng không thể đồng hóa “trí tuệ nhân tạo” với bản năng làm Mẹ.
“Văn hóa thức tỉnh” chỉ là thức tỉnh vào cõi u mê. Tưởng mình tỉnh thức mà hóa ra mê muội, muốn dùng tinh hoa của ngôn ngữ để mê hoặc người khác, lấy tay che trời, cả vú lấp miệng em.
Văn minh cao không có nghĩa là văn hóa cao, lắm khi lại tiếp cận với bản năng thú vật mà không biết. Nếu biết mà vẫn luôn miệng rao giảng, đó là đạo đức giả. Mùa Vu Lan năm nay, nằm nhà tránh dịch, ngẫm: Dịch Covid không đáng sợ bằng dịch “thức tỉnh”
Vũ Thế Thành
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.