Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu trở lại Tối cao Pháp viện British Columbia ở Vancouver, Canada hôm 18/08/2021.
Hôm thứ Tư (18/08), các phiên điều trần của vụ án dẫn độ Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu đã kết thúc và Phó Chánh án Tòa án British Columbia Heather Holmes cho biết bà sẽ công bố ngày ra phán quyết của mình vào ngày 21/10 tới.
Tháng 12/2018, bà Mạnh, 49 tuổi, đã bị bắt tại Phi trường Quốc tế Vancouver theo một lệnh của Hoa Kỳ cáo buộc bà phạm tội gian lận ngân hàng. Bà được cho là đã khiến HSBC Holdings hiểu sai về các giao dịch kinh doanh của Huawei tại Iran. Ngay sau đó, Trung cộng đã bắt giữ hai công dân Canada, kết án một người vào tháng này với mức án 11 năm tù vì tội gián điệp, trong một nước đi được nhiều người coi là hành động trả đũa. Bắc Kinh đã phủ nhận bất kỳ mối liên kết nào giữa vụ bắt giữ này và vụ việc của bà Mạnh.
Đây là lời giải thích về những gì có thể xảy ra tiếp theo trong quy trình này.
Thẩm phán đang cân nhắc điều gì?
Thông thường các phiên điều trần dẫn độ [chỉ] diễn ra trong một ngày, nhưng các phiên điều trần của bà Mạnh đã kéo dài trong nhiều năm.
Điều đầu tiên bà Holmes phải quyết định là liệu trường hợp của bà Mạnh có đáp ứng tiêu chuẩn tội danh kép hay không, nghĩa là liệu tội danh bị cáo buộc của bà có bị coi là bất hợp pháp ở Canada hay không. Bà Holmes đã ra phán quyết hồi tháng 05/2020 rằng việc làm của bà Mạnh là vi phạm pháp luật, và vụ án này đã được tiếp tục.
Bà Holmes hiện đang cân nhắc xem việc lạm dụng quy trình mà nhóm bào chữa của bà Mạnh cáo buộc có đủ để dừng vụ án dẫn độ này hay không. Các luận điểm bào chữa đã được tách thành ba “nhánh”:
· Cáo buộc rằng cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã chính trị hóa vụ kiện chống lại bà Mạnh, điều mà nhóm bào chữa cho là đã khiến cho bà chắc chắn sẽ không được xét xử công bằng ở Hoa Kỳ;
· Những sai phạm xảy ra trong lần bắt giữ ban đầu của bà Mạnh bởi chính phủ Canada và chính phủ Hoa Kỳ;
· Các cáo buộc rằng Hoa Kỳ đã lừa dối Canada trong các bằng chứng mà nước này cung cấp trong vụ kiện chống lại bà Mạnh.
Nhóm bào chữa của bà Mạnh cho rằng những điều đã nêu nên được coi là một hình thức lạm dụng và đủ để dừng việc dẫn độ. Các công tố viên đại diện cho chính phủ Canada cho biết các luận điểm này là không đủ để ngăn chặn việc dẫn độ hoặc là vấn đề của tòa án Hoa Kỳ.
Thẩm phán có thể ra những phán quyết nào và điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Rào cản dẫn độ [trong các phiên điều trần này] thấp hơn so với [rào cản dẫn độ trong] một phiên tòa xét xử. Là một thẩm phán Canada, bà Holmes không đủ thẩm quyền để ra phán quyết về việc liệu một người có tội hay vô tội dựa trên pháp luật của một quốc gia khác, vì vậy bà chỉ phải quyết định xem liệu bằng chứng chống lại bà Mạnh có đủ điều kiện cho một phiên tòa xét xử ở Canada hay không.
Nếu bà Holmes ra phán quyết có lợi cho việc dẫn độ, vụ án sẽ được chuyển đến Tổng chưởng lý Canada để nhận được sự chấp thuận cuối cùng.
Nếu bà quyết định dừng việc dẫn độ, quy trình này có thể sẽ dừng lại ở đó. Rất hiếm khi chính phủ Canada kháng cáo một phán quyết chống lại việc dẫn độ của tòa án.
Việc dừng dẫn độ sẽ có lợi về mặt chính trị đối với chính phủ Canada, vốn bị rơi vào tâm điểm cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Trung cộng vì vụ án này. Việc trả tự do cho bà Mạnh cũng có thể thúc đẩy Bắc Kinh trả tự do cho hai công dân Canada bị giam giữ sau khi bà bị bắt.
Nếu thẩm phán ra phán quyết ủng hộ việc dẫn độ, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Tổng chưởng lý Canada sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc có giao người để dẫn độ hay không.
Bà Mạnh có thể kháng cáo quyết định của thẩm phán cũng như yêu cầu của tòa án để xem xét lại quyết định của tổng chưởng lý. Việc kháng cáo như vậy có thể mất nhiều năm để thông qua các tòa án và có khả năng lên đến Tối cao Pháp viện Canada. Trong thời gian đó, bà có thể sẽ thúc đẩy việc đánh giá lại các điều kiện tại ngoại của mình.
Đánh giá lại các điều kiện tại ngoại này có nghĩa là cho phép bà rời khỏi nơi cư trú của mình dưới sự giám sát nhưng phải ở nhà vào ban đêm.
Reuters _ Minh Ngọc
***
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.