Không nghi ngờ gì, vaccine Covid-19 đang cứu mạng sống con người.
Hãy xem xét đến một số số liệu thống kê gần đây ở Anh Quốc: trong một nghiên cứu theo dõi hơn 200.000 người, gần như mọi cá nhân đều đã phát triển kháng thể chống lại virus trong vòng hai tuần sau khi tiêm mũi thứ hai (cho đến nay, hầu hết các loại vaccine cần đều tiêm hai mũi mới đủ liều).
Và bất chấp những lo ngại ban đầu rằng các loại vaccine hiện thời có thể kém hiệu quả đối với biến thể Delta, các phân tích nói rằng cả AstraZeneca và Pfizer-BioNTech đều làm giảm tỷ lệ nhập viện tới 92-96%.
Như nhiều bác sĩ đã nói đi nói lại, những rủi ro về các phản ứng phụ nghiêm trọng do tiêm vaccine gây ra là rất nhỏ so với nguy cơ nhiễm phải Covid-19.
Vậy nhưng vẫn còn một số lượng tương đối đông người ngại ngần trong việc tiêm vaccine.
Theo một phúc trình gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, số những người này chiếm từ khoảng 12% ở Anh cho tới khoảng 50% ở Nhật và 60% ở Pháp.
Kết quả này đang tạo nên cuộc chiến văn hóa trên trên mạng xã hội, với nhiều người bình luận online rằng những người ngần ngại tiêm vaccine đơn thuần chỉ là do ngang ngạnh hoặc ích kỷ.
Thế nhưng các nhà tâm lý học chuyên nghiên cứu về việc ra quyết định y tế nói rằng những lựa chọn này thường là kết quả của nhiều yếu tố phức tạp cần phải được đề cập tới một cách tế nhị nếu như chúng ta muốn đạt được mức miễn dịch cộng đồng trong dân chúng.
Mô hình 5C
Trước tiên là có những điểm khác nhau cần được xem xét.
Trong lúc người ta có thể dễ dàng cho rằng những người từ chối tiêm vaccine đều có chung niềm tin, thì nên lưu ý rằng nỗi sợ hãi của hầu hết những người ngần ngại tiêm không nên bị đánh đồng với các giả thuyết kỳ quặc của những người nhiệt thành chống đối việc tiêm vaccine.
"Họ rất lớn tiếng và họ hiện diện mạnh mẽ cả trên mạng lẫn ngoài đời thật," Mohammad Razai từ Viện Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng thuộc trường St George's, Đại học London, nói. Ông là người đã viết về những yếu tố tâm lý xã hội gây ảnh hưởng tới việc mọi người quyết định quanh vấn đề vaccine. "Nhưng họ là một cộng đồng thiểu số, rất nhỏ."
Đa số những người ngần ngại trong việc tiêm vaccine không có nghị trình chính trị, và không cương quyết phản đối vì lý do phản khoa học: họ đơn giản là chỉ lưỡng lự chưa quyết định được nên chọn tiêm vaccine hay không.
Tin tốt là có nhiều người lúc ban đầu ngần ngại nay đang thay đổi suy nghĩ.
"Nhưng ngay cả việc trì hoãn cũng được coi là đe dọa tới sức khỏe, bởi tình trạng lây nhiễm bệnh dịch đang diễn ra rất nhanh," Razai nói.
Điều này cũng đã là vấn đề ngay cả khi chúng ta chỉ phải đối phó với các biến thể virus cũ, nhưng với khả năng lây lan cao hơn của biến thể mới Delta, mục tiêu tiêm vaccine cho nhiều người trong thời gian càng sớm càng tốt đang trở nên vấn đề cấp bách.
May mắn là các khoa học gia đã bắt đầu nghiên cứu về thái độ ngần ngại tiếp nhận vaccine từ lâu, trước khi Sars-Cov-2 được xác định lần đầu tiên tại Vũ Hán hồi tháng 12/2019, và họ đã tìm hiểu một số mô hình nhằm nắm bắt được những khác biệt trong phản ứng của mọi người đối với vấn đề sức khỏe.
Một trong những nghiên cứu hứa hẹn nhất được biết đến là mô hình '5C' (viết tắt của năm từ tiếng Anh đều bắt đầu bằng chữ cái C), theo đó cân nhắc các yếu tố sau:
Tin tưởng (Confidence): niềm tin của con người vào mức độ hiệu quả và an toàn của vaccine, vào cơ quan y tế tiến hành tiêm vaccine cho họ, và vào các nhà hoạch định chính sách ra quyết định triển khai tiêm vaccine.
Tự mãn (Complacency): liệu một người có coi bản thân bệnh dịch là nghiêm trọng tới mức đe dọa sức khỏe của bản thân họ hay không.
Tính toán (Calculation): sự tìm hiểu tích cực của một cá nhân trước những khối lượng thông tin khổng lồ nhằm đánh giá độ hơn - thiệt, lợi - hại của việc tiêm vaccine
Tiết chế hoặc Thuận tiện (Constraints hoặc Convenience): mức độ cần tiết chế hoặc mức thuận tiện để những người đang băn khoăn tiếp cận tới vaccine là dễ dàng hay phức tạp tới đâu.
Trách nhiệm tập thể (Collective responsibility): tâm lý sẵn lòng bảo vệ người khác khỏi bị lây nhiễm bằng cách bản thân mình tiêm vaccine.
Vào năm 2018, Cornelia Betsch từ Đại học Erfurt ở Đức và các đồng nghiệp đã đề nghị những người tham dự cho điểm một loạt các tuyên bố được cân nhắc, đánh giá dựa trên tiêu chí '5C' trên, và sau đó so sánh kết quả với việc họ thực sự chấp nhận tiêm những loại vaccine có liên quan trong quá trình nghiên cứu, chẳng hạn như vaccine ngừa cúm hoặc vaccine ngừa HPV (bệnh lây nhiễm qua đường tình dục).
Quả nhiên, họ thấy rằng 5C giải thích được lý do vì sao có nhiều sự khác nhau trong quyết định của mọi người, và mô hình 5C liên tục cho kết quả chính xác hơn so với nhiều mô hình đánh giá tiềm năng khác, chẳng hạn như bảng câu hỏi chỉ chú trọng vào những vấn đề về niềm tin mà không cân nhắc tới các yếu tố khác.
Trong một nghiên cứu gần đây, hiện vẫn chưa được công bố, Betsch đã sử dụng một mô hình để dự đoán về việc mọi người chấp nhận tiêm vaccine Covid-19, và kết quả thu được cho đến nay cho thấy mô hình 5C có thể giải thích được lý do vì sao có những sự khác biệt lớn trong quyết định của mọi người.
Tất nhiên là còn có những yếu tố khác nữa tác động tới quyết định này. Một nghiên cứu gần đây từ Đại học Oxford cho thấy nỗi sợ hãi mũi kim tiêm là một rào cản lớn cho khoảng 10% dân số.
Tuy nhiên, cách tiếp cận 5C rõ ràng là nhìn nhận ra được những lý do phổ biến nhất khiến một số người ngần ngại tiêm vaccine.
Thiên kiến xác nhận
Khi cân nhắc tới những yếu tố khác nhau này và các cách chúng ảnh hưởng tới thái độ ứng xử của mọi người, điều khá hữu ích là đánh giá một số những thiên kiến nhận vốn được biết đến là sẽ làm chao đảo quan điểm của chúng ta.
Hãy xem xét tới hai chữ C đầu tiên: confidence, tức là sự tin tưởng vào vaccine, và complacency, tức là mức tự mãn, chấp nhận những mối đe dọa mà dịch bệnh có thể gây ra cho chúng ta.
Jessica Saleska từ Đại học California, Los Angeles, chỉ ra rằng con người có có hai khuynh hướng có vẻ như mâu thuẫn với nhau, đó là thiên kiến tiêu cực và thiên kiến tích cực, và mỗi kiểu thiên kiến sẽ khiến mọi người đánh giá hơn - thiệt, lợi - hại theo những cách khác nhau.
Thiên kiến tiêu cực quan tâm đến cách thức ta đánh giá các sự kiện vượt ra ngoài tầm kiểm soát của mình. "Khi bạn được cho thấy những thông tin tiêu cực, những thông tin này thường đeo bám trong tâm trí bạn," Saleska nói.
Tương phản với nó, thiên kiến tích cực quan tâm đến niềm tin của bạn về chính bản thân bạn, chẳng hạn như chuyện bạn có nghĩ rằng mình khỏe mạnh, cường tráng hơn so với một người trung bình hay không.
Những thiên kiến này có thể phát triển một cách độc lập với nhau, tức là bạn có thể tập trung chú ý vào những mặt rủi ro của vaccine, đồng thời tin rằng bạn ít có nguy cơ bị ảnh hưởng thực sự do bệnh dịch, và sự kết hợp đó có thể khiến bạn giảm tin tưởng vào vaccine và tăng mức tự mãn về khả năng đối phó bệnh dịch của cơ thể mình.
Tiếp đến là 'thiên kiến xác nhận' nổi tiếng, thứ cũng có thể làm chao đảo nhận thức của con người về những rủi ro mà vaccine có thể gây ra thông qua những thông tin sai lệch vốn có đầy rẫy khắp nơi, từ những nguồn đáng ngờ, theo đó phóng đại rủi ro có thể xảy ra khi tiêm vaccine.
Sự phụ thuộc vào các nguồn tin sai lệch khiến những người ghi điểm cao trong yếu tố 'tính toán' trong mô hình 5C - tức là những người tích cực tìm kiếm, xem xét dữ liệu - thường là những người ngần ngại tiêm vaccine hơn so với những người ghi điểm thấp trong yếu tố này.
"Nếu như bạn đã nghĩ rằng việc tiêm vaccine có thể gây rủi ro thì khi đó bạn sẽ gõ dòng chữ 'loại vaccine này có nguy hiểm không?', rồi sau đó toàn bộ những gì bạn tìm kiếm được sẽ là thông tin xác nhận cách nghĩ có sẵn này trong đầu bạn," Betsch nói.
Nên nhớ rằng những khuynh hướng suy nghĩ tâm lý này là cực kỳ phổ biến. Ngay cả khi bạn đã chấp nhận vaccine thì chúng có lẽ vẫn ảnh hưởng tới việc bạn ra quyết định trong nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống.
Nếu bỏ qua các yếu tố này và cứ cho rằng những người ngại ngần tiêm vaccine là những người ngang ngạnh, thì đó sẽ là một quan điểm ngốc nghếch.
Chúng ta cũng không nên quên rằng còn có nhiều yếu tố xã hội khác có thể ảnh hưởng tới việc một người chấp nhận tiêm vaccine hay không - yếu tố Tiết chế hoặc Thuận tiện (Constraints hoặc Convenience) trong mô hình 5C.
Khá là đơn giản, việc nhận thức rằng vaccine là thứ khó tiếp cận sẽ chỉ khiến những ai vốn đã ngần ngại sẽ càng trở nên ngần ngại hơn.
Khi chúng tôi nói chuyện với Betsch, bà cho rằng điều này có thể đã gây ra tình trạng chậm đi tiêm vaccine tại Đức, nơi vốn có một hệ thống rất phức tạp nhằm phân loại xem ai là người đủ tiêu chuẩn để được tiêm vaccine tại một thời điểm nhất định. Người dân sẽ phản ứng nhanh hơn nhiều, bà nói, nếu như họ nhận được các thông báo tự động.
Razai đồng ý rằng chúng ta cần phải cân nhắc tới vấn đề thuận tiện, đặc biệt là với những người thuộc các cộng đồng nghèo, vốn gặp khó khăn về thời gian và chi phí để có thể đi tới trung tâm tiêm vaccine.
"Việc đi lại để tiêm vaccine có thể là vấn đề lớn cho hầu hết những ai chỉ có mức thu nhập ở mức lương tối thiểu hoặc phải ăn trợ cấp thất nghiệp," ông nói.
Đó là lý do vì sao việc tiêm vaccine tốt nhất là nên được tổ chức tại các trung tâm sinh hoạt cộng đồng địa phương.
"Tôi nghĩ rằng có những bằng chứng đó đây về việc công tác tiêm vaccine đạt được mức thành công cao hơn nếu như triển khai tại các địa điểm thờ tự, thánh đường Hồi giáo, đền thờ đạo Shikh và nhà thờ Thiên chúa giáo."
Cuối cùng, chúng ta cần phải nhận thức rằng bối cảnh khiến mọi người ra quyết định, ông nói, chẳng hạn như sự phân biệt chủng tộc có hệ thống có thể dẫn tới việc một số nhóm sắc tộc nhìn chung cảm thấy ít tin tưởng vào giới chức y tế hơn so với các sắc tộc khác.
Chuyện phản bác, coi quyết định của người khác là sai lầm, là điều ta dễ dàng vấp phải nếu như ta không hiểu những khó khăn mà họ phải đối diện trong cuộc sống hàng ngày của họ.
Hãy đối thoại
Vậy có thể làm được gì?
Không hề có một giải pháp đơn giản nào, nhưng giới chức y tế có thể tiếp tục cung cấp những thông tin chính xác dễ hiểu nhằm giải đáp các thắc mắc, quan ngại chính.
Theo một báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu Sáng kiến Y tế Toàn cầu thuộc Đại học Imperial College London (IGHI), quan ngại của bệnh nhân về tác dụng phụ do vaccine gây ra và nỗi sợ hãi rằng vaccine chưa được thử nghiệm một cách đúng mức vẫn là những rào cản lớn khiến một số người không cảm thấy sẵn sàng để tiêm.
Với mối lo thứ nhất, việc sử dụng các bảng biểu so sánh nhằm làm rõ những ro có thể xảy ra do tiêm vaccine và do bệnh dịch đem lại sẽ giúp tháo gỡ mối lo.
Với mối lo thứ hai, Razai nói rằng chúng ta cần được trang bị thêm nhiều hơn nữa kiến thức về lịch sử nghiên cứu, phát triển vaccine.
Chẳng hạn như việc sử dụng công nghệ mRNA trong vaccine đã được nghiên cứu từ hàng chục năm nay, với các cuộc thử nghiệm kéo dài để kiểm tra độ an toàn của nó.
Điều này có nghĩa là công nghệ này có thể nhanh chóng được chỉnh sửa để thích ứng với nhu cầu đối phó bệnh dịch hiện nay.
"Không có công nghệ nào được sử dụng trong bất kỳ cách nào nhằm gây hại, bởi vì chúng ta đã dùng những công nghệ này trong các lĩnh vực chăm sóc y tế và nghiên cứu khác," Razai nói.
Sarah Jones, nghiên cứu sinh tiến sĩ và là người cùng đứng đầu bản báo cáo của IGHI, nói rằng điều cần thiết là phải có cách tiếp cận vào đúng những mục tiêu cần tiếp cận.
"Tôi thúc giục chính phủ các nước hãy dừng những suy nghĩ rằng họ có thể đến được với đám đông các cộng đồng đặc biệt, khác nhau ở nước mình chỉ bằng với một thông điệp chung về vaccine được quảng cáo rộng rãi, và cần phải làm hợp tác sáng tạo hơn nữa với nhiều đối tác truyền thông để đạt hiệu quả," bà nói.
Điều này có thể sẽ liên quan tới việc cần hợp tác chặt chẽ hơn với các gương mặt có nhiều ảnh hưởng trong mỗi cộng đồng, bà nói, những người có thể đem đến thông tin chính xác và nhất quán về những rủi ro và những lợi ích mà vaccine mang lại.
Bất kể là họ chọn cách truyền tải thông tin như thế nào, các cơ quan y tế cần phải làm rõ rằng họ đang tham gia vào một cuộc đối thoại cởi mở, Razai nói, thay vì chỉ đơn giản là gạt bỏ những ý kiến phản đối.
"Chúng ta cần phải lắng nghe những lo ngại của người dân, ghi nhận những lo ngại đó và trao cho họ thông tin cần thiết để họ có thể quyết định sau khi cân nhắc, dựa trên những gì họ đã được thông tin."
Saleska đồng ý rằng điều quan trọng là cần phải có cuộc trao đổi hai chiều, và đó là điều mà chúng ta đều có thể học hỏi được khi thảo luận những vấn đề này với bạn bè và gia đình.
"Tỏ thái độ tôn trọng và ghi nhận những quan ngại của họ - Tôi nghĩ rằng điều đó thực sự quan trọng hơn so với việc bác bỏ thực tế hoặc các số liệu," bà nói.
"Có rất nhiều lúc, sự kết nối cá nhân có ý nghĩa lớn hơn là những thông tin thực sự mà bạn cung cấp."
David Robson
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.