Mỗi ngày tôi đều theo dõi các tin tức từ những bình luận viên, những người thường không mấy lạc quan ấy giờ đây toàn cung cấp những báo cáo thê lương về lạm phát, về việc tội phạm gia tăng, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, các trường học thất bại thê thảm, và một danh sách dài những phát hiện chán chường khác.
Quán cà phê yêu thích gần nhà tôi đã hết nắp đậy cho các ly mang đi, quầy rượu thì trống một nửa, giá của một phần bò steak đã đắt ngang một bình xăng đầy cho chiếc Honda Civic của tôi vào hai năm về trước, cuộc chiến tranh Nga – Ukraine, và giá gas tăng như hỏa tiễn là những chủ đề chính trong các cuộc trò chuyện dạo gần đây của tôi, giống như ông cậu Billy Bob đang nói về thể thao vào ngày Lễ Tạ Ơn vậy.
Những tin tức xấu xí này làm tôi nhớ đến những lời hát trong loạt chương trình truyền hình “Hee-Haw” thời xưa: “U ám, tuyệt vọng và thống khổ đang kéo đến với tôi / Tuyệt vọng đến từ nơi thẳm sâu và u tối, nỗi đau này sao mà to lớn đến vậy.”
Nhưng niềm hy vọng vẫn còn đó. Và tuần này, trong tôi lóe lên tia hy vọng rực rỡ như ánh nắng xuất hiện giữa những đám mây đen: tôi đã gặp một đồng hương Mỹ qua một cuộc phỏng vấn trên điện thoại – lần này là người phụ nữ thành đạt khoảng 40 tuổi đến từ vùng Tây Bắc.
Trong năm năm qua, tôi đã tiến hành khoảng 60 cuộc phỏng vấn như thế với rất nhiều đối tượng khác nhau, phần lớn là qua điện thoại. Một cuộc phỏng vấn với một phụ nữ Mỹ tại Bỉ đã sống tại Vũ Hán, Trung cộng khi đại dịch COVID-19 bắt đầu ập đến thành phố này. Một cuộc phỏng vấn nữa là với một người vợ đang phải chăm sóc người chồng sắp qua đời. Những cuộc phỏng vấn khác nữa gồm có một họa sĩ danh tiếng ở địa phương, một đôi vợ chồng giáo sư đại học, khoảng 24 người mẹ thực hành giáo dục tại nhà, một thiếu nữ trong sáng có quan điểm mạnh mẽ về đức tin và chính trị, góa phụ của một sĩ quan cảnh sát hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ, và những nhà giáo dục và cố vấn của Trường Giáo dục Tại nhà Seton.
Những người đàn ông và phụ nữ này có một điểm chung – họ đều đã đương đầu với những thời khắc vô cùng đen tối: chứng kiến người bạn đời hay đứa trẻ của mình ra đi, trải qua bệnh tật, ly hôn, mất việc, bị con cái hay cha mẹ ruồng rẫy, phải vật lộn để có miếng ăn cho gia đình. Rất ít những ai trong chúng ta chạm mốc trung niên mà không có bất kỳ vết sẹo nào in hằn sau những cuộc chiến phân định người thắng – kẻ thua.
Và giống như tôi mong đợi, dù rằng những trường hợp này đều trải qua hoàn cảnh không giống nhau, giờ đây tôi mới nhận ra rằng tất cả họ đều sở hữu ba đặc điểm chung trong tính cách: khả năng tự phục hồi, biết tận hưởng niềm vui cuộc sống một cách sâu sắc, và đều có đức tin vào Đấng Tối Cao.
Vì bất cứ lý do nào – có thể đến từ âm sắc run run hay từ nội lực toát ra trong giọng nói của người phụ nữ mà tôi có dịp trò chuyện gần đây, người đã trải qua vô vàn sóng gió – sau khi tổng kết lại cuộc phỏng vấn đó, tôi mới nhận ra rằng tất cả những giọng nói của những người lạ tôi đã từng trò chuyện trong những tháng vừa qua đều tương vọng với sự phục hồi và niềm hân hoan với người phụ nữ này. Mặc cho mọi thử thách và khó khăn mà họ phải đương đầu, chẳng ai trong số họ có vẻ như bị đánh bại, ủ dột, hay chua xót với những trải nghiệm đó. Họ thụ nhận tất cả những cú giáng thẳng đến họ, nhưng họ vẫn đứng trụ nơi võ đài. Họ đã chọn một lối đi cho cuộc đời, một cách chắc chắn, và có thể gánh chịu trách nhiệm về những vinh diệu cũng như những thất bại, nếu có.
Và gần như tất cả những người này đều công nhận rằng niềm tin tôn giáo đã trao cho họ nguồn sức mạnh.
Hồi tưởng lại những giọng nói tôi đã nghe được vào tuần vừa qua, một niềm tự hào đã dấy lên trong tôi khi được là người Mỹ. Đó là những người yêu chuộng tự do, gia đình và bè bạn, và Thượng Đế, những người chấp nhận gánh vác những cơ cực của cuộc đời và của nền tự do, những người có thể vững chãi, điềm nhiên tiếp tục cuộc chiến vì những giá trị tốt đẹp. Tóm lại, chính những người biết làm và những người biết nghĩ này đã tạo nên một nước Mỹ vĩ đại.
Thời đại của chúng ta có thể tối tăm và hỗn loạn, nhưng giờ đây khi tôi gom nhặt lại tất thảy trong trí ức, những giọng nói đến từ khắp các nơi ở Hoa Kỳ ấy đã trao cho tôi một con tim đong đầy kỳ vọng vào tương lại.
Nếu bạn có thể lắng nghe những giọng nói ấy, bạn cũng có thể có cùng cảm nhận như tôi vậy.
Jeff Minick _ Hạnh Dung
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.