Ông Peskov, trả lời trực tiếp bằng tiếng Anh, trong cuộc phỏng vấn khoảng 30 phút với nhà báo Mark Austin, được Sky News phát ngày 7/4, và cũng có thể xem qua YouTube.
Một điểm đặc biệt là ông Peskov đồng ý trả lời trực tiếp trên tivi, chứ không phải thu sẵn từ trước.
Sky News nói đây là lần đầu tiên ông Peskov trả lời phỏng vấn một đài truyền hình Tây phương.
Đây có thể là một nỗ lực "chinh phục dư luận phương Tây" của Nga sau những ngày bị lên án và chịu nhiều trừng phạt vì cuộc xâm lược Ukraine.
'Tổn thất đáng kể'
Chi tiết đầu tiên được giới quan sát phương Tây quan tâm là trong phỏng vấn, ông Peskov nói:
"Chúng tôi đã phải gánh chịu những tổn thất đáng kể về quân số, đây là một thảm kịch lớn đối với chúng tôi."
Nhiều người tại Mỹ và Tây Âu đang xem câu nói của ông Peskov, vô tình hay cố ý, đã thừa nhận Nga gặp tổn thất cao hơn những gì mà Nga vẫn nói trước đây.
Nga cho biết nước này tới nay đã mất 1.351 binh sĩ và 3.825 người bị thương, trong tuyên bố vào hôm 25/3.
Ông Peskov nhắc lại quan điểm của Nga rằng lịch sử của Ukraine đã bị thay đổi vào năm 2014 trong một "cuộc đảo chính bất hợp pháp".
Ukraine đã trở thành quốc gia "chống Nga" và "mọi thứ xảy ra ở Ukraine là nhằm chống lại đất nước của chúng tôi", ông nói thêm.
Khi được hỏi về những cáo buộc giết hại hàng loạt dân thường ở các thị trấn gần Kiev, Peskov nói rằng những tuyên bố đó chẳng qua là một "sự giả tạo."
"Chúng tôi phủ nhận quân đội Nga có thể dính líu những hành động tàn bạo và xác chết được bày trên các đường phố của Bucha. Chúng ta đang sống trong những ngày giả tạo và dối trá."
"Chúng tôi nhấn mạnh rằng toàn bộ tình hình ở Bucha là một dàn dựng tốt. Không có gì khác. Những người đáng thương đó, những xác chết đó không phải là nạn nhân của quân nhân Nga."
Nga 'muốn sớm kết thúc chiến dịch'
Dường như ám chỉ rằng Nga muốn kết thúc chiến tranh - mặc dù chưa rõ dưới hình thức nào - ông Peskov đã nói: "Quân đội của chúng tôi đang cố gắng hết sức để chấm dứt chiến dịch."
"Và chúng tôi hy vọng rằng trong những ngày tới, trong tương lai gần, hoạt động này sẽ đạt được mục tiêu đề ra, hoặc sẽ kết thúc bằng các cuộc đàm phán giữa phái đoàn Nga và Ukraine."
Nga 'ngăn chặn Thế chiến 3'
Theo Peskov, một trong những mục tiêu hoạt động của Nga là ngăn chặn một cuộc xung đột lớn hơn, cụ thể là một cuộc Chiến tranh Thế giới thứ III tiềm tàng.
Nếu Ukraine gia nhập NATO và sau đó cố gắng chiếm Crimea thông qua quân sự, các thành viên NATO sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ phải bảo vệ Ukraine, theo lập luận của Peskov.
"Toàn bộ câu chuyện này là về tương lai. Đó là về việc đảm bảo tương lai của chúng tôi. Hãy tưởng tượng một tình huống khi một thành viên NATO - Ukraine - nghĩ đến Crimea, tấn công Nga. Họ tấn công Crimea thuộc Nga và sử dụng Điều 5 của Hiến chương NATO. Các nước NATO sở hữu vũ khí hạt nhân, sẽ phải bảo vệ Ukraine."
"Đó sẽ là một cuộc chiến tranh thế giới thứ 3. Và những gì đang làm là cứu chúng ta khỏi mối đe dọa tiềm tàng của một cuộc chiến như vậy."
Người phát ngôn Điện Kremlin nói Ukraine đã là một "trung tâm chống Nga" kể từ năm 2014.
Bị ra khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ
Peskov trả lời Sky News sau khi đã biết tin Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm thứ Năm đã đình chỉ Nga, tạm thời cho ra khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ vì các báo cáo về "các hành vi vi phạm và lạm dụng nhân quyền tổng thể và có hệ thống" trong khi quân đội Nga xâm lược ở Ukraine.
"Chúng tôi rất tiếc về điều đó. Nhưng Nga sẽ tiếp tục bảo vệ lợi ích bằng mọi cách hợp pháp," Peskov nói.
Động thái tại LHQ ngày 7/4 do Hoa Kỳ dẫn đầu đã thu được 93 phiếu ủng hộ. 24 quốc gia bỏ phiếu chống và 58 quốc gia bỏ phiếu trắng.
Cần có 2/3 đa số thành viên bỏ phiếu - không tính phiếu trắng - là cần thiết để đình chỉ Nga khỏi hội đồng có 47 thành viên.
Theo kết quả được công khai, Việt Nam bỏ phiếu chống, cùng Trung Cộng, Lào, và một số nước khác, làm thành 24 quốc gia chống.
Nga đã cảnh báo các nước rằng lần này, ai bỏ phiếu đồng ý hoặc bỏ phiếu trắng sẽ bị Nga coi là một "cử chỉ không thân thiện", theo hãng tin Reuters.
Nghị quyết được thông qua tại Đại hội đồng gồm 193 thành viên bày tỏ "mối quan tâm nghiêm trọng đối với cuộc khủng hoảng nhân quyền đang diễn ra ở Ukraine," đặc biệt là trước các báo cáo về việc Nga vi phạm nhân quyền.
Nga phủ nhận việc tấn công dân thường ở Ukraine. Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia nói hôm thứ Ba rằng vào giai đoạn Bucha nằm dưới sự kiểm soát của Nga, "không một dân thường nào phải chịu bất kỳ hình thức bạo lực nào."
'Quen sống trong trừng phạt'
Khi được hỏi liệu ông có coi các lệnh trừng phạt chống lại Nga là một mối đe dọa tồn vong hay không, Peskov nói: "Không, không, chúng tôi đã sống dưới các lệnh trừng phạt trong vài thập niên. Và chúng tôi thực sự đã quen với tình huống đó."
"Chúng tôi đã bắt đầu chuẩn bị cho những lệnh trừng phạt này một năm trước. Và vì vậy, tất nhiên bây giờ, chúng tôi đang ở trong tình trạng rất khó khăn về nền kinh tế, nhưng nền kinh tế của chúng tôi vẫn đang trên đà phát triển và chúng tôi khá ổn."
Nhà báo Mark Austin hỏi liệu Nga có sẵn lòng hợp tác với cuộc điều tra của Tòa án Hình sự Quốc tế về cuộc chiến hay không.
Ông Peskov nói rằng Nga không ủng hộ hay công nhận Tòa án Hình sự Quốc tế và "chúng tôi không phải là quốc gia duy nhất trên thế giới làm thế".
"Và chúng tôi quan tâm đến một cuộc điều tra thực sự độc lập và khách quan."
Nhà báo của Sky News lại hỏi liệu ông Vladimir Putin có lo lắng về việc phải hầu tòa?
"Không," ông Peskov nói. "Chúng tôi không thấy bất kỳ khả năng nào cho điều đó." Nga 'sẽ giải phóng Mariupol'
Từ nhiều ngày qua, Nga vẫn đang bao vây nhưng chưa chiếm được thành phố cảng biển Mariupol nằm ở phía Đông Nam Ukraine.
Mariupol có vị trí chiến lược vì nằm giữa khu vực do lực lượng ly khai thân Nga ở miền Đông Ukraine kiểm soát và Bán đảo Crimea, chỉ cách đất liền Nga và các biên giới trên biển vài chục km.
Ông Peskov nói: "Mariupol sắp được giải phóng khỏi các tiểu đoàn chủ nghĩa dân tộc và chúng tôi hy vọng điều đó sẽ xảy ra sớm trong chiến dịch."
Ông nhắc lại tuyên bố của Nga rằng vụ đánh bom khu hộ sinh ở Mariupol gây phẫn nộ quốc tế là "giả".
Ukraine phản ứng
Thư ký báo chí của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, Sergii Nykyforov, đã nói chuyện với Sky News sau những bình luận của Dmitry Peskov.
Ông Sergii Nykyforov nói rằng "những lời nói dối" đã xuất hiện từ Nga trong những năm qua.
'Bây giờ có lý do gì để tin ông Peskov không?"
Phát biểu về những cáo buộc của ông Peskov về việc quân đội Ukraine phạm tội ác chiến tranh, ông Sergii Nykyforov nói: "Tất cả những tội ác chiến tranh được cho là gây ra trên đất Ukraine sẽ được điều tra."
"Thành thật mà nói, Ukraine đã có kinh nghiệm rất thành công trong việc thực sự điều tra tội ác chiến tranh của một số quân Ukraine sau giai đoạn đầu của cuộc chiến năm 2014-2015."
"Những tội ác đó đã được điều tra. Những người đó đã bị đưa ra tòa và họ bị kết án."
Trước đó, cùng ngày 7/4, ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tuyên bố quân đội nước ông đã chứng tỏ cho thế giới thấy, khi có đủ khí tài, họ có đủ khả năng thiện chiến chống quân Nga xâm lược.
Ông đã phát biểu tại trụ sở NATO ở Brussels hôm thứ Năm, nơi các ngoại trưởng NATO và G7 sẽ họp để thảo luận về các biện pháp trừng phạt chống lại Nga và các cách hỗ trợ Ukraine.
"Chương trình làm việc của tôi rất đơn giản. Nó chỉ có ba mục. Đó là vũ khí, vũ khí và vũ khí," Kuleba nói với các phóng viên.
Cung cấp cho Ukraine vũ khí là cách tốt nhất để "kiềm chế Putin và đánh bại quân đội Nga ở Ukraine," Kuleba nói.
"Quân đội Ukraine và toàn thể dân tộc Ukraine đã chứng tỏ rằng chúng tôi biết cách chiến đấu. Chúng tôi biết làm thế nào để giành chiến thắng."
"Chúng tôi nhận được càng nhiều vũ khí và chúng đến Ukraine càng sớm, thì càng có nhiều mạng người được cứu hơn, càng có nhiều thành phố và làng mạc sẽ không bị tàn phá."
Ông kêu gọi các Bộ trưởng Ngoại giao NATO và G7 "gác lại những do dự của họ, sự miễn cưỡng của họ trong việc cung cấp cho Ukraine mọi thứ mà chúng tôi cần".
Ông nói "nghe có vẻ lạ lùng nhưng lúc này, vũ khí phục vụ mục đích hòa bình".
Phát biểu bên cạnh Kuleba, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết các nước NATO "đang cung cấp hỗ trợ trang thiết bị cho Ukraine để duy trì quyền tự vệ, được quy định trong Hiến chương Liên Hợp Quốc".
Moscow phản ứng trước bước đi mới nhất của Hoa Kỳ về Ukraine
Nga đã nói rằng kế hoạch gửi thêm vũ khí cho Ukraine của Hoa Thịnh Đốn sẽ không giúp ích gì cho tiến trình hòa bình. Các quốc gia phương Tây đang ngày càng tăng cường trang bị vũ khí cho Kyiv sau khi Moscow tấn công nước này vào cuối tháng Hai.
“Việc phủ đầy Ukraine bằng vũ khí không góp phần vào thành công của các cuộc đàm phán Nga-Ukraine. Thay vào đó, rõ ràng là nó sẽ có tác động tiêu cực,” phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm thứ Năm (07/04).
Tuyên bố của ông Peskov được đưa ra một ngày sau khi Thượng viện Hoa Kỳ thông qua đạo luật khôi phục chương trình cho vay-cho thuê (lend-lease) từ thời Đệ nhị Thế chiến cho phép Hoa Thịnh Đốn xúc tiến vận chuyển vũ khí tới Kyiv. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã cảm ơn sự ủng hộ của các thượng nghị sĩ và cho biết ông đang mong đợi dự luật được “thông qua nhanh chóng” tại Hạ viện.
***
Liên Hiệp Quốc loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu đình chỉ Nga tham gia cơ quan nhân quyền hàng đầu của Liên Hiệp Quốc vì các cáo buộc vi phạm nhân quyền của binh sĩ Nga ở Ukraine.
Nga là quốc gia thứ hai bị tước quyền thành viên tại Hội đồng Nhân quyền được thành lập vào năm 2006 này. Năm 2011, hội đồng này đã loại Libya khi biến động ở quốc gia Bắc Phi này khiến nhà lãnh đạo lâu năm Moammar Gadhafi bị lật đổ.
Cuộc bỏ phiếu vào thứ Năm (07/04) cho kết quả 93–24 với 58 phiếu trắng. Con số này thấp hơn đáng kể so với số phiếu bầu đối với hai nghị quyết mà hội đồng đã thông qua vào tháng trước — yêu cầu một lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Ukraine, rút toàn bộ quân đội Nga, và bảo vệ dân thường. Cả hai nghị quyết đã được ít nhất 140 quốc gia thông qua.
Đại sứ Hoa Kỳ Linda Thomas-Greenfield đã khai triển chiến dịch loại Nga khỏi ghế của họ trong Hội đồng Nhân quyền gồm 47 thành viên sau khi quân đội nước này bị cáo buộc sát hại dân thường ở thị trấn Bucha của Ukraine.
Moscow đã nói rằng các nỗ lực trục xuất Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền là mang tính chính trị và được thực hiện bởi các quốc gia tìm cách tiếp tục “nền chính trị theo chủ nghĩa thực dân mới về nhân quyền” trong quan hệ quốc tế.
Ông Gennady Gatilov, đại sứ Nga tại phái bộ Liên Hiệp Quốc ở Geneva, đã gọi cách nghị quyết của Hoa Kỳ là “vô căn cứ và thuần túy là sự tỏ vẻ can đảm trông đẹp mắt trên màn ảnh — đúng theo cách Hoa Kỳ thích,” đồng thời cáo buộc Hoa Thịnh Đốn “khai thác” cuộc khủng hoảng Ukraine vì lợi ích riêng của mình.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.