Trả lời và viết bài trên các báo ở Mỹ, GS Nina Khrushcheva, cháu gọi Nikita Khrushchev bằng cụ nội, đã "giải ảo" nhiều điều về hai dân tộc Nga và Ukraine.
Viết bài trên Project Syndicate, giáo sư Nina Khrushcheva (The New School in New York), lên án cuộc chiến "nhiễm thuốc độc của Vladimir Putin" đang hủy hoại nước Nga.
Bà Khrushcheva cũng trả lời báo The New Yorker (15/03/2022), giải thích nhiều về những điểm tương đồng và khác biệt giữa Nga và Ukraine, với ví dụ bản thân bà là người có gốc cả hai nền văn hóa đó.
Đầu tiên, bà Khrushcheva giải ảo câu chuyện "Khrushchev là người Ukraine".
Đây là một trong số lập luận của phái ủng hộ Putin hiện nay, cho rằng khi làm TBT Đảng CSLX từ 1955 đến 1964, ông Nikita Khrushchev đã "cắt Crimea về cho Ukraine", vì ông ta là người Ukraine.
Trên thực tế, theo vị giáo sư hiện sống tại Mỹ, ông Khrushchev là người Nga, nhưng vợ của ông, tức cụ bà của bà Nina Khrushcheva, mới là người Ukraine.
Tuy thế, "Nikita Khrushchev rất yêu quý đất nước Ukraine và học nói tiếng Ukraine. Ông ấy rất cáu khi bị vợ chỉnh cách phát âm tiếng Ukraine".
Giấc mơ đa dân tộc của Lenin
Trên thực tế, theo bà, "Liên Xô là tập hợp của các dân tộc. Putin nay than phiền rằng các nhà lãnh đạo Xô Viết đã làm mất các phần to lớn của Đế chế Nga...Nhưng đó chính là mục tiêu của vô sản toàn thế giới khi họ liên hiệp lại...Đó là giấc mơ của Lenin."
"Stalin quê ở Gruzia, rồi một loạt cán bộ Đảng có liên hệ với Ukraine. Khrushchev là một trong số đó, mặc dù về gốc gác thì ông ấy là người Nga. Ông sống nhiều năm ở Ukraine, và sau lên làm Bí thư Đảng CS Ukraine trong nhiều năm. Nhưng trước ông là một lãnh tụ đảng người Ba Lan phụ trách Ukraine..."
Trả lời câu hỏi của nhà báo Issac Chotiner, bà Nina Khrushcheva giải thích vai trò của cụ nội:
"Những người có liên hệ với Ukraine xem ra thường đóng vai trò nổi bật trong chính trị Xô Viết. Khrushchev đúng ra là người mở đường cho chính sách đó, vì ông đã ủng hộ, nâng đỡ Brezhnev, người cũng đi lên từ Ukraine. Liên Xô có các lãnh đạo đa sắc tộc..."
Nhưng có vẻ như Khrushchev "trở nên người thân Ukraine quá mức", theo cháu của ông:
"Ông ấy yêu Ukraine, và nghĩ Ukraine rất đặc biệt. Người Nga có từ khinh miệt gọi dân Ukraine: khokhol, nguyên gốc là nhúm tóc trên đầu lính Cossack. Mẹ tôi kể ông Nikita rất cáu mỗi khi nghe ai nói ra từ đó. Ông mắng ngay, "Đừng nói thế, người Ukraine không phải đàn em người Nga". Vào khoảng những năm 1946-47, ông ấy trở nên "dân tộc chủ nghĩa" vì Ukraine, theo một cách nói thời đó. Ở cương vị Bí thư thứ nhất ĐCS Ukraine, ông làm các việc để thúc đẩy vai trò của Ukraine và khiến Stalin không hài lòng...Ông bị Stalin trừng trị vì "dân tộc chủ nghĩa quá mức" nhưng Khrushchev đã thoát nạn, sống sót..."
Không chỉ đưa hai vùng Đông và Tây Ukraine vào làm một (1939), Nikita Khrushchev còn tái thiết Ukraine sau Thế Chiến II:
"Khi chiến tranh kết thúc, ông đã xây lại Ukraine từ đống tro tàn, xây lại thành một nước cộng hòa. Ông đã tái thiết Kyiv, cho xây con đường chính, vốn có từ trước nhưng ông cho xây lại đẹp hơn. Đại lộ có tên là Khreshchatyk. Nay nhìn cảnh một lãnh đạo Kremlin xây nó và người khác ra lệnh ném bom vào nó - tôi nghĩ với Khrushchev, đây là điều không thể hiểu nổi..."
Về tranh cãi "Crimea của nước nào" nổ ra sau khi Moscow chiếm bán đảo này năm 2014, bà Nina Khrushcheva nêu ý kiến "Crimea từ xưa là của Nga, và chỉ đến năm 1954 mới được nhập vào Ukraine". Trước và sau thời điểm đó, "Crimea luôn rất là Nga".
Quá trình xây dựng CHXHCN Ukraine mà cụ nội bà thực hiện, đã "diễn ra tàn bạo", học giả gốc Nga nhận định.
Bà thừa nhận sự gắn bó về văn hóa giữa hai dân tộc, nhưng phê phán cách làm nhân danh chủ nghĩa dân tộc độc đoán của Vladimir Putin.
"Với tất cả người Nga, Kyiv là thành phố mẹ của mọi thành phố Nga, nên tự nhiên ném bom vào nó là điều không thể hiểu nổi....Putin có thể nghĩ bất cứ điều gì về Mỹ, Nato, nhưng đó không thể nào là lý cớ để ném bom Kyiv..."
Trong bài đăng trên các trang Project Syndicate và Social Europe (02/04/2022), GS ngành quan hệ quốc tế Khrushcheva đánh giá việc Putin xâm lăng Ukraine:
"Tấn công một nước châu Âu, Putin đã đi quá lằn ranh có từ Thế Chiến II - và thay đổi thế giới. Nhưng ông ta cũng thay đổi nước Nga, từ một hệ thống độc đoán vận hành được (a functioning autocracy) sang một chế độ độc tài kiểu Stalin. Nga sẽ thành một quốc gia có tính cách nổi bật bởi bạo lực, trấn áp, tùy tiện và sự chảy máu chất xám ồ ạt."
Bà kết luận rằng hệ quả cho Ukraine và châu Âu thế nào thì còn phải chờ xem, nhưng với Nga "tương lai sẽ đen tối như quá khứ đen tối nhất".
Năm 2021, trả lời BBC World Service, GS Khrushcheva đã nêu nhận định rằng Vladimir Putin "tự cho mình là người kế tục của các nhân vật vĩ đại nhất của lịch sử Nga", và muốn được ghi nhớ là "Putin the Great" - Putin Đại đế.
Tham vọng cá nhân này của ông chủ Điện Kremlin đẩy Nga đi vào một con đường rất chông chênh, bà nói.
Sinh năm 1964 ở Moscow, bà có cha là Lev Petrov và mẹ là Julia, con gái của Leonid Khrushchev, người con trai hy sinh trong Thế Chiến II của TBT Nikita Khrushchev.
Sau khi đã học đại học ở Nga, Nina Khrushcheva xuất ngoại, làm bằng tại ĐH Princeton và ở lại Mỹ.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.