Nhận định này được đưa ra sau khi hàng loạt nạn nhân bị xâm hại tình dục lên tiếng trên mạng xã hội thời gian gần đây. Mới nhất và hiện đang gây chấn động dư luận, là vụ nữ nhà thơ Dạ Thảo Phương tố cáo một lãnh đạo báo Văn Nghệ đương chức đã cưỡng bức cô 23 năm trước.
Vấn nạn đổ lỗi cho nạn nhân
"Luôn luôn có những phản ứng tiêu cực, luôn luôn có hiện tượng đổ lỗi và tôi gọi đó là vấn nạn. Vấn nạn đó còn đôi khi tồi tệ hơn cả tội ác. Dù nạn nhân tố cáo ngay lập tức, hay sau 5, 10 hay 20 năm thì vẫn sẽ có những đổ lỗi, nghi ngờ của người khác. Đó là sự thật."
"Nạn nhân tố cáo thường bị phán xét về nhân phẩm, thái độ. Việt Nam không phải là ngoại lệ, xuất phát từ định kiến về giới, quan niệm tình dục. Họ hay cho rằng nạn nhân phải có lỗi gì đó mới bị như vậy." bà Vân Anh, Chủ tịch Trung Tâm Nghiên Cứu Và Ứng Dụng Khoa Học Về Giới-Gia đình-Phụ Nữ Và Vị Thành Niên (CSAGA) nói với BBC.
Bà Thu Hồng nhận định là có một điều đáng buồn dư luận đổ lỗi cho nạn nhân rất mạnh, đôi khi tác động đến người thực thi pháp luật, người giúp đỡ nạn nhân khiến cho họ nghi ngờ, không biết là họ có đang làm đúng hay không.
"Có nhiều vấn đề về cơ chế tâm lý, văn hóa, nó tạo ra sự đổ lỗi như vậy. Những người đổ lỗi cho người khác thì luôn cho rằng những người làm sai mới như vậy và mình không bao giờ sai và cho mình có quyền chê trách và phê phán người làm sai kia, rồi kết án người ta. Đó là cơ chế tâm lý mà rất phổ biến."
"Một vấn đề khác mà người ta hay nói là phù thịnh chứ không phù suy. Những nạn nhân đó thường yếu đuối và bị vùi dập bởi những người có quyền thế" bà Khuất Thu Hồng nói.
'Thiếu người giải quyết vụ việc một cách công tâm'
"Phụ nữ bị xâm hại tình dục thì rất sợ bị những người xung quanh nghi ngờ nếu tố giác, như bị đồn là chắc có gì đó giữa hai người. Hay là cô đã có tín hiệu, ăn mặc, cử chỉ kiểu gì đó để khiến người kia nghĩ cô có thể chấp nhận. Việt Nam thiếu những cơ chế, dịch vụ, những người sẵn sàng giải quyết vụ việc một cách công tâm. Người phụ nữ lên tiếng thì không biết đi đến đâu để được lắng nghe và lấy lại công lý."
"Trong vụ việc Dạ Thảo Phương thì cô ấy đã đưa vụ việc này ra với lãnh đạo tờ báo Văn nghệ, đổi lại thì bị người ta nghi ngờ, chèn ép, đổi trắng thay đen. Chuyển vụ việc thành vụ xô xát, bị trù dập, chuyển đi cơ quan khác. Sau vụ việc đó cô ấy đã âm thầm chịu đựng hơn 20 năm. Bây giờ cô ấy không muốn kẻ kia phải vào tù, mà cô ấy chỉ muốn sự thật phải được trả lại và danh dự được lấy lại. Và cô ấy không muốn những sự việc tương tự diễn ra với những người phụ nữ khác."
"Ở Hollywood sau mấy chục năm thì nạn nhân mới tố cáo. Đối với người bị xâm hại tình dục, thường thì nỗi xấu hổ vì chỉ có mình bị, và tình dục là vấn đề khó nói và họ còn rất trẻ, tự vệ tâm lý còn rất non nớt nên họ không dám nói ngay lập tức. Luật bảo vệ phụ nữ bị bạo lực giới chưa được chặt chẽ và rõ ràng, và thói quen đổ lỗi vẫn còn rất nặng và chưa thay đổi được "bà Vân Anh nói.
"Do đó tố cáo hay giải quyết rất khó nếu không có niềm tin vào nạn nhân. Nếu không có sự nhạy cảm, thông cảm về giới thì giải quyết vụ việc rất khó. Tôi có thể nói có nhiều người làm ở cơ quan thực thi pháp luật hay hỗ cung cấp dịch vụ cho nạn nhân thì còn rất nhiều định kiến với phụ nữ, vẫn nghi ngờ nạn nhân và đặt các câu hỏi. Không phải ai cũng tâm huyết để hỗ trợ nạn nhân cho đến cùng. Đó là lý do nạn nhân nản lòng" bà Khuất Thu Hồng nhận định.
"Trong khoảng 4, 5 năm trở lại đây thì việc lên tiếng khi bị bạo lực tình dục ở Việt Nam đã trở nên phổ biến hơn trước rất nhiều. Tôi nghĩ điều đáng mừng là mọi người đã dám nói ra câu chuyện của mình, và phụ nữ đã trở nên cởi mở hơn, và các cơ quan quản lý xem xét lại cơ chế bảo vệ và cập nhật.
"Tôi tin phong trào Me too ở Việt Nam vẫn đang tồn tại và lan tỏa, nhưng khác nơi khác vì bối cảnh văn hóa xã hội khác. Tôi mong đợi Me too có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa." bà Vân Anh nói.
Liên tiếp các vụ tố cáo quấy rối tình dục
Nhà thơ Dạ Thảo Phương, đang sống ở Cyprus và là cựu phóng viên của báo Văn Nghệ (trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam), đăng thư ngỏ tối 06/04 tố cáo trực diện Phó tổng biên tập báo Văn Nghệ Lương Ngọc An về hành vi "cưỡng hiếp" từ năm 2000.
Đây là trường hợp mới nhất trong chuỗi các vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục được nạn nhân lên tiếng trên mạng xã hội. Một số vụ việc trước đó hiện vẫn chưa bớt 'nóng' là vụ Ngô Hoàng Anh 'Forbes U30' bị tố quấy rối tình dục, vụ ông L.M.T (trưởng một khoa thuộc Trường ĐH Luật Hà Nội) và một giảng viên khác cũng trường này bị tố cáo có hành động bạo lực tinh thần và cưỡng bức tình dục nữ sinh viên.
Hiện cô gái tố cáo ông trưởng khoa trường ĐH Luật đang phải tạm lánh tại Nhà Bình yên thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam và được cho là 'luôn trong tình trạng lo lắng, mất ngủ và bất an'.
Một số trường hợp khác sau khi lên tiếng cũng nhận được các ý kiến trái chiều trên mạng xã hội, trong đó có không ít các ý kiến nghi ngờ động cơ tố cáo, thậm chí chất vấn về đời tư, lối sống của người tố cáo.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.