Wednesday, April 13, 2022

Có ai đáng bị cưỡng bức?

 BM

Như thể những người này đứng về phía thủ phạm, tự vơ vào cái quyền trừng trị những biểu hiện mà theo họ là đáng bị quấy rối, đáng bị hiếp đáp.

 

Năm 2019, tại Bỉ, cuộc triển lãm "Bạn mặc gì hôm bị xâm hại" trưng bày 18 bộ trang phục phụ nữ mặc trước khi bị cưỡng đoạt. Phần lớn chúng là trang phục thường ngày, thậm chí có cả quân phục và nạn nhân khi đó còn mang theo súng. Cuộc trưng bày muốn nói phụ nữ không cần phải mặc hở hang hoặc tỏ ra gợi tình để bị xâm hại.


BM

Hiếp dâm cũng là một hành động bạo lực do kẻ mạnh áp đặt lên kẻ yếu. Nếu bạn tìm cách để bình thường hóa điều này có nghĩa bạn đã chấp nhận quy luật cá lớn hiếp cá bé. Ngay cả khi có pháp luật vẫn có nhiều nạn nhân bị quấy rối, bị cưỡng hiếp đã và đang chọn cách im lặng (nếu còn sống) kia mà. Cho nên phải nói luật pháp chưa bao giờ là đủ với miệng lưỡi hoặc sự "vô tư" của người đời.


BM

Ngay cả người thân thiết với nạn nhân cũng chẳng thể nói mình biết hết sự thật. Nếu sự thật dễ đoán mò thế thì còn cần gì đến tòa án…

 

Đây cũng là một kiểu bạo lực ngôn từ, ép người khác phải tuân thủ theo suy đoán và mong muốn của mình. Nếu không họ sẽ càng yên tâm ngả về kẻ đang yên đang lành bỗng một hôm bị tố.

 

Họ có thể là những người công bằng, sáng suốt luôn thắc mắc vì sao các nạn nhân không mạnh mẽ tỉnh táo được như họ. Mà quên một điều đơn giản mỗi người là một cá thể khác biệt được đặt vào những cảnh huống chẳng giống nhau. Rất có thể họ sẽ ứng phó tốt hơn nhưng trước tiên phải rơi vào trường hợp đó đã. Và vì thế những đòi hỏi kiểu này luôn thừa, có tính chất khoe mình may mắn là chính.


BM


Một số người không hiểu vì sao cưỡng hiếp lại có thể xảy ra không chỉ một lần với cùng thủ phạm. Đơn giản họ không đủ dữ liệu để lấp vào những chi tiết còn trống. Trên đời có những câu chuyện éo le hơn tiểu thuyết. Văn chương cũng lấy chất liệu và cảm hứng từ đời mà. Khi không thể hình dung ra, ta tạm thời thấu cảm cho sự khó khăn của người cực chẳng đã phải lên tiếng. Họ cũng đã phải vượt qua nhiều thứ và chấp nhận mất nhiều thứ khác nữa để kể câu chuyện mà chính họ cũng muốn quên đi. Riêng việc nhớ và gặm nhấm nó suốt thời gian dài đã là đáng kể.

 

Một người thân của tôi kể một câu chuyện vẫn là nỗi ám ảnh với cô. Trong một lần đi công tác, đang ngủ trong đêm, cô choàng tỉnh thấy một kẻ cùng đoàn ngồi lù lù ngay trên giường cô ngủ, đang nhìn vào cô chằm chằm bằng ánh mắt dâm dục. Thấy cô tỉnh dậy, hắn đưa đẩy: "Anh ngắm em nãy giờ mà em không biết…" Hai người biết nhau nhưng không hề thân thiết, trước đêm đó hắn cũng không có dấu hiệu gì gọi là muốn tán tỉnh cô.


BM


Tất nhiên là cô choáng váng nhưng trong đầu vẫn vụt qua những suy tính như không nên hét toáng lên để khỏi kinh động tới các phòng xung quanh, làm rầy rà cho cơ quan... Chưa kể khả năng sẽ bị dị nghị làm sao hắn lại chui được vào tận giường cô nếu cô không mở cửa cho hắn vào. Đây luôn là điểm yếu của phụ nữ khi đầu óc họ bị phân tán bởi đủ nỗi lo sợ khác ngoài thủ phạm trước mặt. Nên có thể bỏ lỡ cơ hội chống trả.


Và điều kỳ lạ hơn là cô hoàn toàn không nhớ đã nói và làm gì để tống kẻ đột nhập ra khỏi phòng. Vì theo cô lý giải đó là một vết nhơ mà bản thân chỉ muốn quên đi. Và nó biến khỏi ký ức của cô thật. Chỉ có ấn tượng khi vừa mở mắt ra là còn mãi…

 

Nhiều khi chúng ta cứ tưởng những người chị em, những bạn nữ xung quanh mình vẫn có một cuộc sống bình thường, vẫn trong những mối quan hệ tốt lành… Mà biết đâu chỉ là họ chưa có dịp để chia sẻ những lần bị quấy rối. Một người quen khác của tôi cũng vừa đây thôi mới nói ra từng mất đến vài năm không muốn kết nối riêng với người khác giới do bị ám ảnh bởi suy nghĩ: Nếu sau lưng mình chồng hay người yêu mình cũng tán tỉnh bạn mình, quấy rối em mình… như mình đùng một cái đã bị- thì mình đáng thương đến nhường nào(!)


BM


"Thấu hiểu nỗi đau của người khác là món quà to lớn nhất mà bạn có thể trao tặng họ. Thấu hiểu là tên gọi khác của yêu thương. Nếu bạn không thể thấu hiểu, thì bạn chẳng thể yêu thương" (Thiền sư Thích Nhất Hạnh). Nhưng thực tế, một số người tỏ ra thấu hiểu thủ phạm gây ra nỗi đau hơn. Nó giống như hội chứng Stockholm (trường hợp con tin lâu ngày đâm ra có tình cảm với kẻ bắt cóc và giam cầm mình) trong khi mình còn chưa bị bắt cóc.

 

Kẻ bị tố cáo đương nhiên được hưởng chế độ suy đoán vô tội. Tức là tôi chẳng việc gì phải nhận tội. Kể cả có ra trước tòa, các người cứ việc đưa ra các chứng cứ mà vẫn chưa đủ để khép tội tôi thì tôi vẫn trắng án. Nhưng nhiều người lại dành ngay cho người tố cáo suy đoán đơm đặt, thiếu trung thực. Cũng có thể có những trường hợp hoang tưởng mình bị hiếp dâm. Nhưng tôi cho rằng nó vô cùng hiếm so với việc bị hiếp thật.


BM


Nhà thơ Dạ Thảo Phương phải tốn 23 năm mới đủ bình tâm để tố cáo một đồng nghiệp đã cưỡng bức chị. Tức là theo luật định vụ việc đã không còn hiệu lực để đưa ra tòa (thời hiệu khiếu kiện tội hiếp dâm kịch kim cũng chỉ 20 năm). Nhưng nếu chị bịa đặt, bên bị tố hoàn toàn có thể kiện chị tội vu khống. Thời hiệu để kiện tội vu khống cùng lắm cũng chỉ một năm. Sau thời gian đó mà "nghi phạm" vẫn im, có nghĩa là…


BM

BM

Bản photocopy tường trình vụ việc liên quan đến nhà thơ Dạ Thảo Phương ngày 14/4/2000

 

Và những người muốn thư tố cáo phải cung cấp đầy đủ ngọn nguồn lạch sông theo đúng ý hiểu của họ nên chăng cũng chất vấn bên bị tố trên tinh thần đó. Nếu còn chút gì nạn nhân ém lại thì tức là để phần bên bị tố cáo nói nốt đấy. Tôi thì ủng hộ cả hai bên tố cáo và bị tố cáo lên tiếng, đối chất, đưa vụ việc ra trước pháp luật nếu cần.

 

Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của tác giả Nguyễn Mạnh Hà, hiện đang sống tại Hà Nội

 

 

Nguyễn Mạnh Hà


BM
 
Xâm hại tình dục ở Việt Nam
Để trở thành một người hàng xóm hoàn hảo
Lạm phát tăng vọt lên 8.5%, vượt qua các dự báo thị trường
Những ký ức về Đệ Nhị Thế Chiến tại New Orleans
Hãy bỏ cà phê và khôi phục đồng hồ sinh học
Cái giá của sự kỳ thị: ‘thù ghét người gốc Á’
Vì sao Nga mất nhiều xe tăng trong cuộc xâm lược Ukraine?
Sáu tuần tàn phá và thách thức khi thế giới vật lộn với cuộc khủng hoảng
Sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào khoáng sản ngoại quốc
Những người thù ghét ông Donald Trump đang tuyệt vọng
Bộ phim bị cấm phơi bày lý do thực sự về đại dịch COVID-19
Những thanh âm Hoa Kỳ mang đến hy vọng cho tương lai
Những điều kỳ diệu quanh ta
SpaceX đưa phi hành đoàn tư nhân đầu tiên lên ISS
Đằng sau nỗ lực ngăn chặn chiến tranh của các điệp viên
NATO đối phó với ‘những hậu quả lâu dài’ liên quan đến Nga
Đi kiễng chân có thể dưỡng thận, bắp chân thon gọn và trẻ lâu hơn
Ba kịch bản leo thang có thể xảy ra và Nato bị kéo vào cuộc chiến
Nguy cơ Trung cộng
Đại tướng Valeriy Zaluzhny chỉ huy chiến dịch kháng cự của Ukraine

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.