Trong khi trò chuyện thẳng thắn, ông Gorbachev nói với ông Mitterrand rằng Liên Xô là một quốc gia thuộc Thế giới thứ Ba có vũ khí hạt nhân, một kết luận khiến ông Mitterrand và các nhà lãnh đạo phương Tây khác giật mình khi lời mô tả của ông Gorbachev được bí mật lưu truyền.
Liên Xô độc tài có thể nào lại tự coi mình là một quốc gia thuộc Thế giới thứ Ba, mà lại là một cường quốc hạt nhân?
Khoảng cùng thời điểm đó, tôi đang nói chuyện với một nhóm người Do Thái ở Hoa Thịnh Đốn. Trong những năm 1980, tôi là một quan chức cao cấp trong Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm về an ninh công nghệ. Trong bài thuyết trình của mình, tôi đã trình chiếu các slide 35 mm mô tả những vũ khí tốt nhất của Liên Xô, và bao nhiêu trong số chúng là bản sao của các hệ thống của Mỹ. Thông điệp của tôi: Liên Xô là một quốc gia hùng mạnh đầu tư rất nhiều vào các loại vũ khí.
Một phụ nữ ở phía cuối phòng giơ tay. Khi được mời, cô ấy nói như sau: “Tôi và chồng mình đã đến thăm Moscow, Leningrad, và Kiev [khi đó là một phần của Liên Xô]. Chúng tôi đã ngạc nhiên về việc đất nước này lạc hậu đến mức nào, quá lạc hậu đến mức cả thang máy trong các tòa nhà cũng bị hỏng. Làm sao Liên Xô có thể là một quốc gia hùng mạnh như thế nếu như họ không có khả năng tạo ra một chiếc thang máy chắc chắn?”
Liên Xô, và nước Nga kế nhiệm của nó, đã phô diễn các vũ khí hiện đại của mình theo nhiều cách khác nhau, thông qua các cuộc triển lãm quân sự, các cuộc tập trận, và các cuộc duyệt binh nổi tiếng có các thiết bị và binh lính diễn hành trên Quảng trường Đỏ. Các nhà phân tích phương Tây theo dõi các cuộc trình diễn này với mối quan tâm lớn, và các chuyên gia đánh giá trình độ công nghệ và khả năng của các hệ thống được phô bày này.
Vậy làm thế nào, lặp lại lời người phụ nữ ở phía cuối căn phòng, mà những người lính nghĩa vụ Nga đang xuất hiện ở Ukraine mang theo những khẩu súng trường bắn bu lông lỗi thời đầu thế kỷ 20, không có đầy đủ (hoặc bất kỳ) thức ăn và nước uống, và được đào tạo ở mức tối đa là sơ sài?
Và điều gì đã xảy ra với thiết giáp và hỏa tiễn của Nga, bị các cuộc đột kích của những người lính Ukraine quả cảm bắn hạ, khi sử dụng chiến thuật đánh và chạy, tránh hết mức có thể các cuộc đối đầu trực diện mà ở đó quân số đông đảo của Nga có thể áp đảo các lực lượng Ukraine nhỏ hơn và mỏng hơn nhiều?
Mặc dù tin tức về cuộc chiến mà chúng ta nhận được phần nhiều là một chiều, và những tổn thất thường được tính đếm nhiều lần, làm thổi phồng số lượng các thiết bị bị phá hủy, nhưng không thể phủ nhận rằng người Nga đã mất một lượng trang thiết bị đáng kinh ngạc, chủ yếu là do các cuộc phục kích của Ukraine.
Khá đúng là Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Đức, và các nước khác đã cung cấp các phi cơ không người lái có vũ trang, các hệ thống chống tăng, và chống phi cơ cho quân đội Ukraine. Nhưng không có thiết bị nào được cung cấp là đặc biệt mới. Người ta có thể cho rằng lẽ ra Nga đã phát triển các biện pháp đối phó và các chiến thuật để đối trọng lại những mối đe dọa như vậy.
Hãy nói đến các phi cơ không người lái. Người Ukraine đã nhận các lô hàng phi cơ không người lái Bayraktar từ Thổ Nhĩ Kỳ và đã sử dụng chúng một cách hiệu quả. Mặc dù một số đã bị bắn hạ, nhưng người Thổ Nhĩ Kỳ đã bổ sung thêm nguồn cung cho Ukraine, và người Nga đã chịu những tổn thất đáng kể từ các cuộc tấn công bằng phi cơ không người lái này.
Người Nga đã biết tác động của các phi cơ không người lái từ kinh nghiệm của họ ở Syria và Libya, nơi những phi cơ không người lái giá rẻ có hiệu suất thấp cho thấy khả năng gây tổn thất lớn. Nga đã mất một số hệ thống phòng không Pantsir ở Libya do các phi cơ Bayraktar, và ở Syria, nơi căn cứ không quân Khmeimim khổng lồ của họ đã bị tấn công thành công không chỉ một lần. Càng có sức thuyết phục hơn nữa là những gì đã xảy ra ở Nagorno-Karabakh hồi năm 2020, nơi cả những chiếc Bayraktar bắn ra các hỏa tiễn lẫn những phi cơ không người lái chống bức xạ cảm tử Harop của Israel đã làm tê liệt các lực lượng do Armenia hậu thuẫn. Nga đã có hai năm hoặc hơn để chuẩn bị chống lại những mối đe dọa này. Nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy điều đó đã xảy ra.
Trường hợp của hệ thống hỏa tiễn Stinger thậm chí còn có ảnh hưởng sâu rộng hơn, bởi vì Nga đã có 36 năm để tìm ra các biện pháp đối phó với một hệ thống mà, trong tay của các chiến binh Hồi giáo (Mujahideen) ở Afghanistan, đã hạ gục các trực thăng chiến đấu, chiến đấu cơ hỗ trợ mặt đất, và tàu vận chuyển quân dụng của Nga.
Stinger là một hệ thống chống lại các biện pháp đối phó, như người Nga biết khá rõ. Đây là một trong số ít các hệ thống phòng không cơ động (MANPADS) được Ukraine sử dụng. Nhưng các phi cơ và trực thăng của Nga chủ yếu được trang bị pháo sáng để cố gắng gây nhầm lẫn cho MANPADS, hầu hết các vũ khí dạng này lần theo mục tiêu của mình bằng cách tìm kiếm các điểm nóng hồng ngoại (thường là ống xả của động cơ phản lực). Ở Ukraine, đôi khi phải thực hiện hai hoặc nhiều lần bắn MANPADS để hạ gục một trực thăng chiến đấu hoặc phản lực cơ của Nga, nhưng nhiều chiếc đã bị bắn hạ theo cách này. Có vẻ như Nga chủ yếu dựa vào các biện pháp đối phó lỗi thời và các chiến thuật điều hành dở tệ. Họ đã phải trả một cái giá đắt.
Tình hình thậm chí còn tệ hơn khi nói đến thiết giáp. Hoa Kỳ đã cung cấp hệ thống hỏa tiễn Javelin, Vương quốc Anh thì tặng hệ thống Vũ khí Chống tăng Hạng nhẹ Thế hệ mới (NLAW), và cả hai hệ thống hỏa tiễn dẫn đường chống tăng (ATGM) này và các hệ thống khác đã hạ gục thiết giáp và các thiết bị khác của Nga. Đây là những hệ thống tầm ngắn, và cần một chút can đảm để lẻn đến gần một mục tiêu và bắn vào nó, nhưng đó chính xác là những gì các lực lượng đặc nhiệm của Ukraine đã làm.
Nga đã gửi những chiếc xe tăng hiện đại phiên bản mới nhất đến, nhưng họ lại để hai bên sườn của chúng lộ ra (đây là chiến thuật tệ hại, càng tệ hại hơn vì xe tăng di chuyển mà không có sự hỗ trợ của bộ binh). Nhiều xe tăng Nga được trang bị giáp phản ứng, loại giáp này được thiết kế để phá vỡ khả năng xuyên phá của đạn pháo bay tới. Nhưng ví dụ, Javelin có một đầu đạn hai liều nổ kép được thiết kế để đánh bại giáp phản ứng (liều nổ thứ nhất là liều phụ để kích hoạt giáp phản ứng, liều thứ hai là liều chính), và nó cũng có khả năng lao vào mục tiêu của mình tại thời điểm cuối cùng, hạ đỉnh và tháp pháo của xe tăng nơi mà giáp mỏng hơn giáp nghiêng ở mặt trước.
Một phần giải pháp cho các mối đe dọa gây ra bởi những hệ thống ATGM và nhiều mối đe dọa khác (súng cối, súng phóng lựu chống tăng, pháo binh) là các hệ thống bảo vệ chủ động (APS). Một hệ thống APS, chẳng hạn như hệ thống Trophy APS khá thành công của Israel, thực hiện ba nhiệm vụ: nó có thể phát hiện một mối đe dọa sắp đến, nó kích hoạt một biện pháp đối phó (trong Trophy đây là một quả đạn xuyên giáp với đầu nổ tự tạo thành, viết tắt là EFP) để chặn mối đe dọa đang đến, và nó nhắm vũ khí của xe tăng vào người bắn. Ngay cả khi người bắn đang bỏ chạy, người đó có thể sẽ không sống sót được.
Nga đã phát triển hệ thống APS của riêng mình, gọi là Arena-M. Trong số những xác xe tăng rải rác ở các thành phố, con đường, và cánh đồng của Ukraine, thì không tìm thấy hệ thống Arena-M. Điều này cho thấy Arena-M của Nga có thể mang tính quảng cáo nhiều hơn là thực tế, hoặc là không có đủ các hệ thống Arena-M để trang bị cho tất cả các xe tăng, có lẽ đó là lý do tại sao chúng lại không xuất hiện trong cuộc chiến tranh Ukraine.
Người ta tự hỏi Tổng thống Nga Vladimir Putin biết gì về những tổn thất của Nga trong cuộc chiến Ukraine. Tất cả những gì ông ấy cần làm, cần tìm hiểu, là kết nối với YouTube hoặc với bất kỳ phương tiện truyền thông phương Tây nào. Ông ấy không cần phải đọc nhiều, chỉ cần nhìn vào những bức ảnh.
Liệu ông Putin có kết luận rằng Nga là một quốc gia thuộc Thế giới thứ Ba có vũ khí hạt nhân không? Ông ấy có thể gọi điện cho ông Gorbachev và hỏi ông ta. Ông ấy sẽ không thích câu trả lời này đâu.
Stephen Bryen _ Cẩm An
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.