Lịch sử âm nhạc của hai nền Cộng hòa miền Nam Việt Nam có nhiều người nhạc sĩ là quân nhân rất thành công và được nhiều người biết đến. Họ là những sĩ quan cấp đại tá. Những bài hát của các vị vẫn còn được vang lên ở bất kỳ nơi đâu có người Việt, thậm chí ở ngay trong nước, nơi vẫn có nhiều định kiến với “văn hóa chế độ cũ”. Dưới đây là tiểu sử tóm tắt của ba nhạc sĩ đại tá của quân lực VNCH.
Ông là một nhạc sĩ lừng danh của di sản văn hóa VNCH. Nhắc đến ông là nhắc đến một kho tàng những bài hát về đời lính và tình ca thân phận trong cuộc chiến. Xuất thân từ Trường Võ bị Địa phương do Quân đội Pháp đào tạo, ông trải qua nhiều hoạt động.
Đến Ngày Quốc khánh Đệ nhị Cộng hòa 1 Tháng Mười Một 1972, ông được thăng Đại tá, chuyển sang làm Chánh Văn phòng cho Tổng Tham mưu phó. Ông giữ chức vụ này cho đến ngày 30 Tháng Tư 1975.
Đại tá Nguyễn Văn Đông được nhiều người biết đến với tư cách là một nhạc sĩ nổi tiếng qua các ca khúc như Chiều mưa biên giới, Sắc hoa màu nhớ… Một số bút danh khác của ông là Phượng Linh, Phương Hà, Hoài Phương, Vì Dân và Đông Phương Tử. Lý do là thời đó, do ông là chủ hai hãng băng đĩa nhạc Continental và Sơn Ca, nên đôi khi để làm liên tục các dĩa nhạc mới, ông muốn đặt nhiều bút danh để đa dạng và dàn trải không đơn điệu trên danh mục các bài hát.
Vì những hoạt động đầy thành tích về hoạt động binh nghiệp cũng như văn hóa tâm lý chiến, sau năm 1975, ông bị đưa đi tù ở trại Suối Máu (Biên Hòa), sau đó được trả về nhà năm 1985 khi tình hình sức khỏe tồi tệ và cũng được cho là không còn sống bao lâu nữa. Thế nhưng khi được gia đình chạy chữa, ông qua khỏi và sống cuộc đời im lặng cho đến khi mất vào năm 2018.
Ngày ông mất, Sài Gòn diễn ra một sự kiện đặc biệt, khi những người từng làm việc trong quân đội VNCH, dù không quen biết, đã đến tiễn đưa ông và đứng chào theo tư thế của một quân nhân. Báo chí ở Sài Gòn đã phải né tránh tường trình về tang lễ đặc biệt và gây xúc động cho nhiều người như vậy.
Ông tên thật là Trần Văn Trọng, sinh năm 1927 tại Rạch Giá, Kiên Giang, xuất thân trong một gia đình công chức, song thân sành cổ nhạc và làm thơ. Ông bắt đầu viết nhạc khá sớm, từ những năm đầu thập niên 1940. Lúc bấy giờ truyền hình chưa có và hệ thống phát thanh còn thô sơ nhưng nhạc của Anh Việt cũng đã được phổ biến sâu rộng qua các đĩa 33 vòng, máy hát quay tay. Năm 1945, ông tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1950, ông bỏ chiến khu Việt Minh về thành; và năm 1951, ông tham gia Quân đội Quốc gia Việt Nam, theo học ngành quân cụ, tham gia binh nghiệp, thăng dần lên cấp bậc Đại tá Quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Sau 30 Tháng Tư 1975, ông tị nạn tại California, được nhà thờ Saratoga Federated bảo lãnh, mời dạy ở trường Naval Post Graduate tại Monterey. Sau này ông mở Chợ Mekong cung cấp cho đồng hương các loại thực phẩm mang hương vị quê nhà. Đây là cửa hàng tạp hóa và hàng ăn đầu tiên của người Việt tại địa phương. Ông qua đời ngày 14 Tháng Ba 2008 tại California, thọ 81 tuổi.
Trong vườn âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Anh Việt được coi là đại thụ với các bài trải dài từ thời chống Pháp đến chiến tranh Quốc-Cộng. Từ thành thị đến nông thôn, khắp các nơi đều vang lên nhạc của ông. Ông cũng dùng nhạc để ca ngợi quân ngũ và quê hương, như các bài Quân Cụ hành khúc vào năm 1956, Nhảy Dù hành khúc năm 1968; và theo tài liệu của Trần Ngọc thì năm 1972, nhạc sĩ Anh Việt phổ một bài thơ hào hùng về cuộc hành quân Hạ Lào, do ông Phan Nhật Nam viết. Ngoài ra, Anh Việt vẫn viết nhạc tình và đóng góp những chương trình nhạc cho Đài Phát thanh Pháp Á, Đài Phát thanh Quân đội, Đài Phát thanh và Đài Truyền hình Sài Gòn. Ông từng là Chủ tịch Hội Văn Nghệ sĩ Quân đội.
Ít ai biết Trang Thủy với những bài hát dịu dàng là bút danh của Đại tá Nguyễn Thành Trí (sinh năm 1935), người mà trong quân lực gọi ông với biệt danh Tango. Trong phần Lời Mở Đầu trong tác phẩm Can Trường Trong Chiến Bại, Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại có viết về Đại tá Thủy quân lục chiến Nguyễn Thành Trí như sau:
“Đúng một năm sau, anh hùng Nguyễn Thành Trí, cấp bậc Đại Tá, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến cùng bộ chỉ huy nhẹ trên một tàu đổ bộ LCM8, chuyện chỉ huy cuộc rút quân của các lực lượng trực thuộc tại mặt trận phía Bắc An Lỗ gồm Lữ Đoàn 147/TQLC, Liên Đoàn 14/BĐQ, lực lượng Địa Phương Quân Quảng Trị và Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh. Khi về tới Đà Nẵng, chiều ngày 27 Tháng Ba, điều hợp cuộc rút quân của 3 Lữ Đoàn 468, 369 và 258 Thủy Quân Lục Chiến phía Nam đèo Hải Vân để rồi sáng ngày 29 Tháng Ba, không tới 48 tiếng đồng hồ sau, ông phải bơi ra biển cùng Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Đoàn I để lên hải vận hạm Hương Giang (HQ 404).
Về trong Nam, Đại Tá Trí được lệnh chỉ huy hai Lữ Đoàn 258 và 468/TQLC cùng các chi đoàn Thiết Giáp tăng phái lập một phòng tuyến phía Đông Biên Hòa để bảo vệ thành phố này. Sáng ngày 30 Tháng Tư 1975, thi hành lệnh buông súng và chuẩn bị bàn giao cho địch theo lệnh Tổng thống Dương Văn Minh, Đại Tá Trí cùng hai Lữ Đoàn dưới quyền di chuyển về căn cứ Sóng Thần Thủ Đức. Đại Tá Trí chỉ thị quân sĩ trả súng vào kho và cho họ tự do về với gia đình. Đại Tá Trí đã làm tròn bổn phận của một cấp chỉ huy cho tới giờ phút cuối cùng” (Can Trường Trong Chiến Bại, trang 17).
Sau năm 1975, Đại Tá Nguyễn Thành Trí đi tù cải tạo 13 năm, và sau đó định cư ở Texas vào năm 1992. Trong thời gian ở tù, anh em trong trại biết ông là một cây văn nghệ nên hay hát các bài quen thuộc của ông. Nhạc sĩ Trang Thủy được biết đến với những bài hát như như Buồn Tím, Chiều Vương Tóc Mây, Sài Gòn Nắng Nhớ Mưa Thương, Trả Lại Em Thành Phố Này, Xuân Bên Này Biển Nhớ…
Tuấn Khanh
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.