Friday, November 6, 2015

Ám ảnh giấc mơ Hạ Vũ huyền thoại

image
Trung Cộng luôn quyết tâm xây những con đập kỳ vĩ chặn sông nhằm thoả khát vọng chế ngự thiên nhiên, bất chấp hậu quả tai hại.

Nếu có chút nghi ngờ gì về niềm hãnh diện của Trung Cộng đối với Đập Tam Hợp trên dòng sông Trường Giang, bạn nên tới thăm nơi này.

Con đập của những cái 'nhất'

Một chuyến xe buýt du lịch sẽ đưa bạn đi 40km, khởi hành từ thành phố Nghi Xương, qua các trạm kiểm soát quân sự tới trung tâm tham quan. Sách hướng dẫn tự hào liệt kê ra những kỷ lục thế giới mà con đập này nắm giữ.

Trong đó, có nhiều thứ là vô nghĩa đối với đa số mọi người, nhưng lại là vô giá đối với những ai hâm mộ kỹ thuật trị thủy: “Nơi có mật độ đổ bê tông dày đặc nhất”; “Đập tràn có khả năng xả lũ lớn nhất”; “Âu tàu trên đất liền có độ nâng cao nhất”.

Cuốn sách cũng đảm bảo với du khách rằng các quan ngại mà những người phản đối việc xây đập nêu ra, như phải di dời dân, tác hại tiêu cực tới môi trường sinh thái... đều đã được kiểm soát tốt.


Và rồi bạn nhận ra rằng dòng nước, hay nói đúng hơn là việc kiểm soát dòng nước, đã luôn là trọng tâm chú ý tại Trung Cộng từ hàng thiên niên kỷ qua.

image
Ước mơ chế ngự được thiên nhiên luôn ám ảnh tâm trí giới lãnh đạo Trung Cộng

Thực tế đó vẫn đang diễn ra trong thời nay.

Nền kinh tế Trung Cộng đã cho thấy những dấu hiệu chững lại sau một giai đoạn phát triển nhanh chóng, và việc thiếu nước sẽ tạo những quan ngại to lớn trong vài thập niên sắp tới.

Những con đập khổng lồ sẽ cung cấp một phần đáng kể năng lượng cho Trung Cộng thông qua các nhà máy thủy điện, qua đó giúp giảm bớt ô nhiễm thải ra từ các nhà máy nhiệt điện.

Đập Tam Hợp được lắp đặt hệ thống máy sản xuất điện 18.2GW, tức là cao gấp 10 lần so với nhà máy điện hạt nhân Đại Á Loan ở Quảng Đông.

Đang có thêm những con đập nữa được lên kế hoạch xây dựng tại nhiều dòng sông khác ở Trung Cộng, như các dự án gây tranh cãi trên dòng Nộ Giang chảy qua Di sản Thế giới của Unesco tại Vân Nam trước khi chảy sang đất Myanmar và Thái Lan.

Các dòng sông của Trung Cộng đang trong tình trạng ô nhiễm, bị phá hại, khai thác quá mức, bị lở bờ và nhiều yếu tố khác tác động.

Việc điều kiện môi trường xấu đi ước tính khiến cho Trung Cộng thiệt hại mỗi năm chừng 10% tổng sản phẩm quốc nội, theo đánh giá của Elizabeth C Economy trong cuốn The River Runs Black.

Nước đã trở thành một nội dung quan trọng trong nhiều cuộc biểu tình dân sự, mà có những cuộc trở thành bạo lực.

Thủ tướng Lý Bằng trong tuyên bố ra hồi 1992 với nội dung phê chuẩn việc xây Đập Tam Hợp dường như khẳng định rằng Trung Cộng coi dự án này như một cuộc biểu dương ý chí chính trị, kinh tế và công nghệ của đất nước.

image
Đập Tam Hợp nhằm phô trương khả năng trị thủy của người Trung Cộng

“Đập Tam Hợp sẽ cho thế giới thấy khát vọng và khả năng của người Trung Cộng trong việc xây dựng dự án bảo vệ nước và xây dựng nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới.”

Nếu nhìn tới khuynh hướng đi xuống trong việc xây dựng các con đập lớn trong cộng đồng thế giới thời đó, một phần bởi những lo ngại về việc gây tác động xấu tới môi trường, khó có thể tin là tuyên bố của ông Lý sẽ được thế giới tán thưởng.

Tuy nhiên, khả năng chế ngự dòng nước luôn được coi trọng tại Trung Cộng.

Những người chỉ trích đặt vấn đề về cái giá tài chính, xã hội và môi trường trong việc xây đập mới chỉ nhìn thấy một phần câu chuyện.

Con đập còn nhằm giải quyết những vấn đề khác của dòng Trường Giang và nhu cầu cần năng lượng sạch của Trung Cộng.

Công trình vĩ đại

Các số liệu khiến ta phải chóng mặt: cao 185 mét, rộng gần 2km, được dựng lên từ gần 30 triệu mét khối bê tông, và làm ngập nước trên diện tích 30 ngàn hecta đất nông nghiệp, để nhằm tạo ra một hồ chứa có diện tích chừng 31 ngàn dặm vuông.

Con đập đã trở thành một biểu tượng của Trung Cộng, tương tự như Vạn Lý Trường Thành.

image
Hàng triệu dân đã phải tái định cư tới nơi ở mới trong dự án Đập Tam Hợp

Nhưng cái giá phải trả là gì?

Với cỗ máy nhà nước đẩy dự án đi, một số người cho rằng các sai phạm kỹ thuật đã được phớt lờ.

Một số người chỉ trích nói rằng lượng nước trữ trong hồ chứa sẽ làm tăng nguy cơ ngập lụt trên thượng nguồn, ở tỉnh Tứ Xuyên.

Cạnh đó là các tác hại tới hệ sinh thái địa phương, việc xóa sổ các địa điểm di sản vô giá.

Rồi nguy cơ con đập trở nên không an toàn khi có các trận động đất xảy ra, nguy cơ gây thay đổi tầng địa chấn, gây đất lở từ lượng nước khổng lồ được trữ lại...

Việc chính phủ Trung Cộng đảm bảo đã tính toán hết các yếu tố đó không làm cho người ta cảm thấy yên tâm hơn.

Một trong những chủ đề gây tranh cãi là việc tái định cư cho người dân địa phương.

Khu hồ chứa rộng 1.000 cây số vuông và trải dài trên 600km từng là nơi sinh sống của khoảng 1,5 triệu người, 19 quận hạt, 140 thị trấn, 360 thị xã và 1.351 ngôi làng.

Tất cả đều cần được đưa đi nơi khác, và họ sẽ cần phải thích nghi với điều kiện sống có thể hoàn toàn khác, bên cạnh việc bị tác động tâm lý nặng nề từ việc phải rời bỏ nơi họ đã từng sống qua bao đời.

Đó là những quan ngại phức tạp, đầy áp lực, nhưng tất cả đều phải được hiểu trong khuôn khổ lịch sử nền công nghiệp trị thủy của Trung Cộng.

image
Hồ chứa khổng lồ phục vụ Đập Tam Hợp trải rộng trên chừng 1.000 cây số vuông

Khát vọng thần thánh

Truyền thuyết Trung Cộng kể rằng Hạ Vũ được vua Nghiêu, Thuấn giao nhiệm vụ trị thủy.

Để tưởng thưởng cho công sức của ông trong quá trình nạo vét dòng sông, nắn dòng chảy ra biển, Hạ Vũ sau được truyền ngôi.

Ông đã lập nên nhà Hạ, triều đại được cho là đã chiếm lĩnh thung lũng sông Hoàng Hà hồi thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên.

Xây cho được một con đập khổng lồ trên dòng Trường Giang từng là mơ ước của bất kỳ nhà lãnh đạo Trung Hoa nào thời hiện đại, kể từ Tôn Trung Sơn trở đi.

Trong bài thơ viết hồi 1956 nhằm kỷ niệm sự kiện tự mình bơi ở Trường Giang, Mao Trạch Đông đưa ra viễn kiến xây dựng một công trình vĩ đại trên dòng sông này.

Các kế hoạch xây Đập Tam Hợp đã được đưa ra hồi cuối thập niên 1950, nhưng những biến động của cuộc Đại Nhảy vọt và Cách mạng Văn hóa khiến dự án phải xếp lại trong thời Mao.

Cho tới khi Đặng Tiểu Bình ra chính sách cải cách, mở cửa vào cuối thập niên 1970, việc này mới lại được đưa ra bàn luận.

image
Thậm chí ngày nay, người Trung Cộng vẫn tổ chức kỷ niệm sự kiện Mao Trạch Đông bơi trên sông Trường Giang nhằm đánh dấu tầm quan trọng của dòng sông này.

Một con đập nhỏ hơn – một dạng dự án thử nghiệm – đã được triển khai ở phần hạ lưu trong lúc chờ thời gian trở nên chín muồi cho dự án.

Khi ông Lý Bằng muốn tìm sự phê chuẩn tại Quốc hội, hồi 1992, để bắt tay vào việc xây đập, một phần ba các đại biểu đã biểu quyết chống – một mức độ chống báng cao chưa từng thấy.

Ngay cả những người phản đối cũng thừa nhận là kể từ khi đập được xây, những vụ lũ lụt lớn trên sông Trường Giang đã không xảy ra ở quy mô như vụ lũ lụt cướp đi sinh mạng 3.500 người hồi 1998.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của chương trình tái định cư khổng lồ khiến người ta quan ngại, từ việc ảnh hưởng trực tiếp tới tâm sinh lý người dân cho tới những vấn đề về bồi thường không thỏa đáng hay nạn biển thủ tiền đền bù.

Một quốc gia như Trung Cộng, nơi có khá nhiều những dòng sông chảy xiết và nhu cầu to lớn về năng lượng, sẽ là không khôn ngoan nếu như không tận dụng những nguồn tài nguyên tái tạo được để phục vụ phát triển kinh tế.

Về mặt lý thuyết, Trung Cộng rất dồi dào tiềm năng thuỷ điện, 380 GW, tương đương hàng trăm nhà máy điện hạt nhân cỡ trung bình, tức là nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

Trung Cộng mới chỉ khai thác được vỏn vẹn một phần tư tiềm năng đó.

Trung Cộng cam kết đến năm 2020 sẽ đáp ứng 15% nhu cầu năng lượng trong nước từ các nguồn tài nguyên có thể tái tạo, và sẽ giảm lượng khí thải nhà kính xuống 40-45% - những cam kết chỉ có thể đạt được nếu như thuỷ điện đóng vai trò lớn trong kế hoạch.

image
Đập Tam Hợp đã vấp phải nhiều chỉ trích ngay từ trước khi khởi công xây dựng

Đập Tam Môn Hợp và 'nỗi buồn Trung Hoa'

Để hiểu thêm về dự án Đập Tam Hợp, tôi đã đi chừng 700km lên phía bắc, tới dòng sông Hoàng Hà để xem Đập Tam Môn Hợp, nằm giữa tỉnh Hà Nam và tỉnh Sơn Tây.

Đập được xây trong thời Mao, cách đây nửa thế kỷ, và đối lập rõ rệt với Đập Tam Hợp.

Về mặt lịch sử, sông Hoàng Hà thậm chí còn in đậm dấu ấn trong tâm trí Trung Cộng hơn so với Trường Giang.

Trong suốt một thời gian dài được coi (một cách sai lầm) là "cái nôi của nền văn minh Trung Hoa", Hoàng Hà và các nhánh sông của nó là nguồn cung cấp nước chính yếu cho vùng đồng bằng Hoa Bắc.

Chừng phân nửa lúa mì và một phần ba sản lượng ngô của cả nước được trồng trọt tại đây; ước chừng một nghìn tỷ người đã từng sinh sống rồi chết đi tại đây.

Thế nhưng Hoàng Hà cũng là "Nỗi buồn Trung Hoa", với những cơn lũ lụt khủng khiếp từng cướp đi hàng triệu sinh mạng chỉ trong một cơn cuồng nộ.

Hoàng Hà là nơi Mao Trạch Đông chú ý tới đầu tiên sau khi lên nắm quyền, hồi 1949.
Chính quyền Mao đã có một chiến dịch điên rồ: xây dựng đập nhằm chứng tỏ sự thắng thế trong cuộc chiến chế ngự thiên nhiên.

Nhân dân Nhật báo đã nói về cuộc chiến chống lại Hoàng Hà như thể nói về một cuộc chiến huyền thoại vật lộn với con rồng: những dự án kỹ thuật "chặt đứt vảy, móng vuốt và những cái răng của con rồng hung dữ".

image
Đập Tam Hợp tới nay đã giúp chặn nạn lũ lụt vốn từng cướp đi mạng sống của hàng triệu người.

Đập Tam Môn Hợp là con đập kỳ vĩ nhất trong số các con đập trên sông Hoàng Hà. Nó được xây ở nơi dòng sông chia ra thành ba nhánh, cực kỳ thích hợp để con người có thể chế ngự được dòng sông thần thánh.

Việc xây đập được bắt đầu từ năm 1957, với sự giúp đỡ của các kỹ sư Liên Xô.

Người ta nói rằng con đập sẽ giữ phù sa lại, không để cuốn theo dòng nước xuống hạ nguồn, vốn là nguồn cơn khiến đáy sông bị đầy lên, tràn ra các vùng đồng bằng kế bên.

Sông Hoàng Hà, họ nói, nhờ vậy sẽ không còn sắc vàng nữa, ứng với lời sấm truyền từ xa xưa: "Hiền nhân hiển minh, dòng chảy trong xanh".

Sự vô lý đến ngớ ngẩn của niềm tin này nhanh chóng đã được chứng minh.

Phù sa bắt đầu đọng lại ở vị trí tường đập với tốc độ báo động. Đến 1962 sức chứa nước của hồ chứa Tam Môn Hợp chỉ còn phân nửa.

Ngay cả sau việc xây dựng lại trên quy mô lớn được tiến hành, từ 1965 đén 1973, thì gần 40% sức chứa của đập vẫn ngập phù sa tích tụ từ 18 năm đầu hoạt động, và lượng điện được tạo ra từ nhà máy thủy điện ít hơn nhiều so với ước tính ban đầu.

image
Đập Tam Môn Hợp được xây cách đây nửa thế kỷ nhằm chế ngự sông Hoàng Hà
Năm 2004, một trong các kỹ sư tham gia thiết kế đập thừa nhận trên truyền hình Trung Cộng rằng con đập là "một sai lầm".

Thế nhưng ngày nay, Đập Tam Hợp Môn vẫn tiếp tục hoạt động, như một người lính già ngang ngạnh quyết bám trụ một tiền đồn đã bị lãng quên.

Công tác bảo vệ đập lơi lỏng tới mức gần như không có gì.

Sau khi trả 30 nhân dân tệ (4,7 đô la Mỹ), tôi được phép tự do lang thang khắp chỗ này chỗ khác trên đập, trong lúc hệ thống nhà máy cũ kỹ vẫn gầm gừ vận hành một cách đáng ngại.

Một vài nhân công uể oải trong nắng, và chẳng có ai buồn chặn tôi lại khi tôi mò vào bên trong những sảnh đặt turbine cũ.

"Khi Hoàng Hà êm đềm," dòng khẩu hiệu sơn đỏ rực viết trên bức tường đập chừng 7mét, "thì đất nước thái bình".

Câu khẩu hiệu nhằm nhắc tới Đại quan thuỷ đế Hạ Vũ.

Bức tượng vị vua trị thuỷ huyền thoại đứng sừng sững nhìn ra những triền đồi. Nhưng tôi đoán nếu là ông thì có lẽ ông đã làm khác.

Tuyệt tác thuỷ lợi hai ngàn năm trước

image
Đô Giang Yển được vị quan Lý Băng cho xây dựng từ hơn 2.000 năm trước, đến nay vẫn đang được sử dụng.
Tuy nhiên, công tác trị thuỷ của Trung Cộng không phải lúc nào cũng được coi như cuộc chiến chống lại thiên nhiên.

Cả hai công trình hiện đại kể trên đều giống như sự áp đặt thô thiển trên dòng sông nếu so sánh với những công trình thuỷ lợi cổ xưa ở Đô Giang Yển trên dòng Dân Giang, nằm cách Thành Đô của tỉnh Tứ Xuyên một tiếng rưỡi lái xe.

Mục đích của công trình này khác hẳn: chế ngự sông Dân Giang nhằm dẫn nước tạo hệ thống thuỷ lợi cho vùng đồng bằng Thành Đô.

Cách tính toán thông minh của viên quan Lý Băng đời nhà Tần, gồm việc phân chia dòng Dân Giang thành hai, với dòng chảy nhỏ hơn được dẫn vào một hệ thống tưới tiêu thuỷ lợi phức hợp, đã cực kỳ thành công. Đô Giang Yển vẫn được sử dụng cho đến ngày nay.

Tuy biết nơi này nay được xếp thành Địa điểm Di sản Thế giới của Unesco, tôi vẫn bất ngờ khi chứng kiến vẻ đẹp sững sờ của nó, được điểm xuyết với những ngôi chùa, những công viên với những ngọn núi nhấp nhô phía xa xa dẫn vào cao nguyên Tây Tạng.

image
Hòn đảo nhân tạo của Lý Băng, với gờ đất nhô lên được gọi là Ngư Khẩu, là nơi dòng sông dậy sóng và chia làm hai, nay được gia cố bằng bê tông. Ngoài ra, mọi thiết kế đều hầu như không thay đổi gì so với trong thời nhà Tần cách đây cả hai ngàn năm.

Tuy nhiên, hệ thống thuỷ lợi này không phải chỉ là sự hài hoà giữa thiết kế của con người với cảnh quan tự nhiên.

Nó là một chìa khoá quan trọng cho cuộc chinh phạt đất Thục (nay gần như thuộc vùng Tứ Xuyên) bởi nhà Tần láng giềng - một chiến thắng đã đưa đến cuộc thống nhất thiên hạ đầu tiên ở Trung Hoa dưới sự cai trị chuyên chế, bạo ngược của Tần Thuỷ Hoàng Đế, vị hoàng đế đã để lại một di sản khổng lồ, trong đó gồm cả những đoạn tường thành đầu tiên của Vạn Lý Trường Thành vĩ đại.

Tác phẩm trị thuỷ của Lý Băng đã khiến cho đất nhà Thục trở nên màu mỡ, và cuối cùng đem đến quyền lực kinh tế giúp giành lại được sự độc lập của nhà Thục trong thời Tam Quốc.



Philip Ball

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.