Bà Sarah Ferguson, Trưởng Đại diện TRAFFIC (mạng lưới giám sát buôn bán động thực vật hoang dã toàn cầu) nói về 'mảnh đất hứa' giàu lợi nhuận của tội phạm buôn lậu.
Các sản phẩm nhập lậu, người đứng đầu Traffic cho biết sừng tê giác, ngà voi, các sản phẩm từ tê tê và hổ là những mặt hàng được nhập khẩu trái phép nhiều nhất tại Việt Nam.
"Về mặt xuất lậu, có thể nhận thấy các loài rùa biển, bò sát, các sản phẩm từ da động vật, và các loài chim lớn. Tê tê được ghi nhận là loài được nhập khẩu và xuất khẩu bất hợp pháp với số lượng lớn tại Việt Nam.”
"Đây là 'mảnh đất hứa' giàu lợi nhuận với tội phạm buôn lậu. Chính nhu cầu tiêu dùng đã thúc đẩy sự bùng nổ của nạn săn bắt, buôn bán bất hợp pháp động, thực vật hoang dã, cũng giống như quy luật cung - cầu tự nhiên của bất kỳ hàng hóa kinh tế nào khác".
Bà Fergusion nói Việt Nam là một trong số những quốc gia tiêu thụ và quá cảnh một số lượng lớn các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã hiện nay.
"Chúng tôi đã và đang ghi nhận rất nhiều nỗ lực đấu tranh chống lại hoạt động buôn bán trái phép này từ phía các cơ quan hải quan và cảnh sát môi trường; không chỉ từ Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam mà cả Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chính phủ cũng bắt đầu vào cuộc giải quyết vấn đề này.”
"Vào đầu năm nay, Bộ hình luật sửa đổi đã được thông qua và là một bộ luật có mức hình phạt cao nhất trong khu vực với mức phạt tù lên đến 15 năm và phạt tiền tới 660.000 đô la đối với các hành vi phạm tội liên quan đến buôn bán bất hợp pháp động, thực vật hoang dã.”
Bình luận về tập quán ăn động vật quý hiếm, bà Ferguson nói rất dễ bắt gặp những bình rượu lớn được ngâm với rắn hổ mang hay các bộ phận của gấu hoặc hổ tại các nhà hàng.
"Có một bộ phận người tiêu dùng biết được họ cần phải đến đâu và gọi món gì để được phục vụ những món hàng đặc biệt đó”
"Chính lợi nhuận đã khiến tội phạm mờ mắt, nhu cầu vượt mức cho phép càng kích thích chúng kiếm lời từ đó. Vì tiền, họ sẵn sàng phạm luật, thậm chí chấp nhận ngồi tù."
Trưởng đại diện tổ chức Traffic nói về việc thay đổi hành vi chứ không chỉ đơn thuần là giảm cầu.
"Một ví dụ bạn rất dễ bắt gặp đó là việc một mẩu sừng tê giác hoặc những bữa tiệc thú rừng có thể xem như một cách thể hiện đẳng cấp của người châu Á. Nếu bạn là một người thông minh thì hẳn bạn biết chắc bạn không cần phải có sừng tê giác hoặc sử dụng động vật hoang dã hay bất cứ thứ gì khác để thể hiện bản thân.”
"Có rất nhiều ngà voi, sừng tê giác và các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã được vận chuyển đến để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam hoặc quá cảnh và tiêu thụ ở Trung cộng, Lào và Campuchia."
Bà Ferguson cũng nói về trải nghiệm gần đây của mình tại Vườn Quốc gia Cúc Phương khiến bà luôn suy nghĩ.
"Người ta vẫn thường tưởng tượng âm thanh đầu tiên mình nghe thấy trong ngày tại một Vườn Quốc gia sẽ là tiếng chim hót. Tôi thậm chí đã nghĩ tôi sẽ không thể ngủ được vì tiếng chim.”
"Thì thật kỳ lạ, ngày hôm đó tôi đã tỉnh dậy và không nghe thấy tiếng của bất kỳ loài chim nào. Việt Nam là một đất nước xinh đẹp, rất nhiều du khách từ khắp nơi trên thế giới muốn đến đây để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Việt Nam. Nhưng vẻ đẹp ấy lại đang dần biến mất.”
"Vẻ đẹp tự nhiên không thể đến từ các loại động vật hoang dã mà chúng ta nhập từ nước ngoài như tê giác và voi, chúng ta cần phải ngừng việc nhập động vật hoang dã từ các nước khác."
Bà Ferguson nói bà nghĩ Việt Nam cần tập trung bảo tồn và phát triển hệ động, thực vật tự nhiên vốn có để khách du lịch tới đây có thể thực sự tận hưởng vẻ đẹp ấy.
"Chúng tôi nhận thấy việc buôn bán động, thực vật hoang dã không chỉ diễn ra tại chợ và mà nó dần trở thành một xu hướng trên mạng xã hội tại Việt Nam cũng như trên thế giới, có lẽ vì vẫn chưa có một điều luật cụ thể nào quản lý việc này," bà Sarah Ferguson, Trưởng Đại diện TRAFFIC.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.